Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam: Trận chiến mới, không thắng, không về
© Ảnh : Ngọc Sơn-TTXVNNhân viên Công ty Cổ phần SX-TM-DV Trí Hải và lực lượng vũ trang đang phân phối các mặt hàng thiết yếu, chuyển đến tay người dân.
© Ảnh : Ngọc Sơn-TTXVN
Đăng ký
Cập nhật tin tức dịch Covid-19 ở Việt Nam ngày 23/8, Bộ Y tế cho biết cả nước phát hiện thêm 10.280 ca mắc Covid-19 trong 24h giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm của cả nước lên thành 358.456, số ca tử vong vì Covid-19 ở Việt Nam là 8.666.
Tin vui, hôm nay, lô hàng thuốc Molnupiravir nhập khẩu đầu tiên hơn 300.000 viên 200mg đủ cho hơn 7.500 liều đã về đến Việt Nam. Tiếp đó, ngày 28/8/2021 sẽ có thêm 1.700.000 viên 200mg đủ cho 50.000 liều được đưa về. Các lô thuốc tiếp theo sẽ được nhập khẩu để sử dụng trong đầu tháng 9/2021.
Cùng ngày, đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Đại tướng Phan Văn Giang và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã vào TP.HCM hỗ trợ chỉ đạo chống dịch sau khi tiễn hơn 1.000 bác sĩ, học viên Học viện Quân y vào Nam chi viện.
Việt Nam đã trải qua cuộc trường chinh bảo vệ Tổ quốc bằng vũ khí nóng, bây giờ không bằng vũ khí nóng nhưng cũng là cuộc trường chinh mới. Đại tướng Phan Văn Giang tuyên bố, đây là trận chiến và nếu không thắng thì không về.
Tổng số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam, số ca tử vong hôm nay
Bản tin chiều tối ngày 23/8 của Bộ Y tế cho biết, ngày 23/8, Việt Nam ghi nhận thêm 10.280 ca mắc SARS-CoV-2, tổng số ca nhiễm từ đầu dịch đến nay là 358.456, số bệnh nhân Covid-19 tử vong là 8.666, đã bình phục 154.612, đang điều trị là 195.174.
Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 mới của Việt Nam giảm hơn so với ngày hôm qua 22/8 (942 người).
Với số ca mắc mới này, Việt Nam đang tạm đứng thứ 66/222 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về số lượng ca mắc coronavirus kể từ đầu dịch đến nay.
Trong khi đó, với tỷ lệ số ca nhiễm/một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người thì có 3.646 ca nhiễm).
Theo Bộ Y tế, trong số 10.280 được Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận, có 10.266 ca lây nhiễm trong nước, trong đó, có 6.021 ca được phát hiện tại cộng đồng, chỉ có 14 trường hợp là nguồn bệnh xâm nhập, được cách ly ngay sau nhập cảnh.
Ngày hôm nay, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Khánh Hòa (CDC Khánh Hòa) cũng bổ sung thêm 117 ca dương tính được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.
Về các ca bệnh mới được phát hiện hôm nay, Bộ Y tế thông tin cụ thể. Trong đó, TP.HCM vẫn là địa phương có diễn biến dịch nghiêm trọng nhất với thêm 4.251 ca bệnh mới.
Sau đó là Bình Dương 3.183 người. Tiếp đến là Đồng Nai 623, Tiền Giang 459, Long An 388, Bà Rịa - Vũng Tàu 154, Đà Nẵng 152, Đắk Lắk 128, Khánh Hòa 125, Nghệ An 111, Đồng Tháp 100.
Tại Cần Thơ hôm nay phát hiện thêm 85 ca mắc coronavirus, An Giang 75, Bến Tre 65, Kiên Giang 57, Phú Yên 43.
© Ảnh : Tuấn Anh - TTXVNLấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân buôn Ea Bông, xã Cư Êbur sau khi ghi nhận chùm ca bệnh tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân buôn Ea Bông, xã Cư Êbur sau khi ghi nhận chùm ca bệnh tại thành phố Buôn Ma Thuột.
© Ảnh : Tuấn Anh - TTXVN
Thủ đô Hà Nội hôm nay phát hiện thêm 40 ca dương tính mới, Bình Thuận 36, Trà Vinh 34, Sơn La 21, Bình Định 19. Hai tỉnh Tây Ninh và Thừa Thiên Huế mỗi địa phương đều ghi nhận 17 ca nhiễm mới. Ở Bình Phước phát hiện 13, Vĩnh Long 10, Bắc Giang 9, Quảng Nam 8, Đắk Nông 7.
Hai tỉnh Ninh Bình và Quảng Bình mỗi nơi ghi nhận 6 ca nhiễm, Gia Lai 5, Bạc Liêu 5. Hà Tĩnh và Ninh Thuận mỗi nơi 4 ca nhiễm mới, Bắc Ninh 2. Các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Lâm Đồng và Cà Mau mỗi nơi ghi nhận 1 ca nhiễm mới.
Về tình hình điều trị, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 công bố thêm 389 ca tử vong, được ghi nhận tại TP.HCM 340, Bình Dương 34, Long An 6, Đà Nẵng 3, Đồng Nai 2, Đồng Tháp 2, Cần Thơ và Bà Rịa -Vũng Tàu mỗi nơi thêm một ca tử vong.
Tổng số người tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 23/8 là 8.666 ca. Số lượng này chiếm 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
Về tình hình xét nghiệm, 24h qua, ngành y tế, chức năng đã thực hiện 269.928 xét nghiệm cho 539.008 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 9.450.525 mẫu cho 27.763.959 lượt người.
Về tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19, Bộ Y tế cho biết, ngày 22/8, có 298/376 liều vaccine Covid-19 được tiêm, nâng tổng số liều đã tiêm là 17.364.569 liều. Trong đó số mũi một đã tiêm là 15.530.221 liều, mũi 2 là 1.834.348 liều.
Hôm nay, Việt Nam cũng tiếp nhận thêm 501.600 liều vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca do Chính phủ Ba Lan tặng Việt Nam.
Hơn 300.000 viên thuốc Molnupiravir điều trị F0 Covid-19 về TP.HCM
Trong ngày 23/8, lô hàng thuốc kháng virus Molnupiravir nhập khẩu đầu tiên với số lượng hơn 300.000 viên 200mg (đủ cho hơn 7.500 liều) đã về đến Việt Nam.
Số thuốc này sẽ được sử dụng cho điều trị F0 tại nhà và cộng đồng ở TP.HCM. Các lô thuốc tiếp theo sẽ nhanh chóng được cung ứng trong thời gian tới.
Cần lưu ý rằng, trong thời gian qua, Bộ Y tế Việt Nam đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu dược phẩm tiếp xúc, đàm phán với các đối tác có bản quyền để mua, nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc Molnupiravir và đề nghị MERCK và các hãng dược phẩm khác khẩn trương nộp hồ sơ về Bộ Y tế để xem xét, cấp phép sử dụng thuốc điều trị Covid-19 trong điều kiện khẩn cấp.
Bộ Y tế đồng thời tiếp tục thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để đưa các thuốc điều trị kháng virus khác như kháng thể đơn dòng Remdesivir về Việt Nam để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân.
Liên quan đến lô hàng thuốc Molnupiravir, thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam, hôm nay, doanh nghiệp sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước hiện đã sẵn sàng tài trợ những lô thuốc đầu tiên với số lượng 16.000 liều và đến 5/9/2021 sẽ cung cấp tiếp 100.000 liều (tổng cộng 116.000 liều tương ứng 2.320.000 viên Molnupiravir 400mg).
Bên cạnh đó, lô hàng thuốc Molnupiravir nhập khẩu đầu tiên hơn 300.000 viên 200mg đủ cho hơn 7.500 liều đã về đến Việt Nam trong ngày 23/8/2021.
“Dự kiến ngày 28/8/2021 sẽ có thêm 1.700.000 viên 200mg đủ cho 50.000 liều được đưa về. Các lô thuốc tiếp theo sẽ được nhập khẩu để sử dụng trong đầu tháng 9/2021”, Bộ Y tế xác nhận.
Bộ Y tế cho hay, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, yêu cầu đặt lên hàng đầu là phải hỗ trợ tốt nhất có thể cho người bệnh F0 điều trị tại nhà, cũng như giúp người dân tiếp cận gần nhất với các trợ giúp y tế.
Dựa trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế, mô hình bệnh tật (gần 80% bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng), Bộ Y tế đã liên tục cập nhật các phác đồ về quản lý, chăm sóc, điều trị, đảm bảo để các trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng được tiếp cận, chăm sóc điều trị một cách tốt nhất.
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong do biến chứng nhiễm coronavirus gây ra.
Căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir tại cơ sở y tế, Bộ Y tế và Sở Y tế TP. HCM sẽ triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng, dự kiến bắt đầu vào 25/8/2021 tại TP HCM.
Trong chương trình, các trường hợp mắc Covid-19 (kết quả xét nghiệm bằng RT-PCR hoặc kit xét nghiệm nhanh tại nhà) có triệu chứng ở mức độ nhẹ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, giải thích về chương trình, và sau khi đồng ý tự nguyện tham gia chương trình bằng văn bản, sẽ được phát 1 túi thuốc home-based care.
Cùng với túi thuốc là tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế, Sở Y tế về tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với bác sĩ phụ trách, cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ.
Sau 5 ngày, tất cả bệnh nhân sẽ được đánh giá về tỉ lệ âm tính với virus SARS-CoV-2 và tỉ lệ bệnh không diễn tiến sang mức độ nặng hơn. Đồng thời, trong suốt thời gian 14 ngày, bệnh nhân sẽ được theo dõi về triệu chứng của bệnh Covid-19 và các tác dụng phụ nếu có của thuốc.
Việc triển khai cũng như các kết quả của chương trình sẽ được ghi nhận, đánh giá và tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ y tế theo một đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt.
Chương trình có sự đồng hành, tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, tập đoàn trong nước, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, các Tổ phản ứng nhanh, Trạm y tế lưu động tại các quận, huyện của TP HCM và các đơn vị liên quan khác.
Dựa trên kết quả tổng kết, đánh giá, Bộ Y tế sẽ xem xét để tiếp tục triển khai mở rộng áp dụng chương trình với các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân tại các địa phương khác đang có dịch.
Bộ trưởng Quốc phòng: Trận chiến mới, không thắng, không về
Ngày 23/8, đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và Phó thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Bệnh viện dã chiến số 5 đặt tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM.
Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Quốc phòng lên đường sau khi tiễn hơn 1.000 bác sĩ và học viên Học viện Quân y vào TP.HCM chống dịch.
Báo cáo tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Văn Chinh - Giám đốc bệnh viện – cho biết bệnh viện có 1.700 giường; trong đó khoa điều trị bệnh nhân nặng 180 giường, khoa điều trị bệnh nhân nhẹ 550 giường, khu bệnh nhân chờ ra viện là 300 giường.
Bệnh viện dã chiến số 5 là nơi thu dung bệnh nhân của thành phố và tỉnh Bình Dương, tổng điều trị 1.003 trường hợp và hiện còn 638 bệnh nhân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, đây là trận chiến và nếu không thắng thì không về.
"Để hỗ trợ, chúng tôi sẽ sản xuất với cường độ cao 5.000 tấn lương khô. Dùng máy bay quân đội chở vào và cả bằng phương tiện đường bộ, đường sắt", Tướng Giang cho biết.
Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho biết, trên chuyến bay sáng nay có 281 người. Theo ông, Việt Nam từng trải qua cuộc trường chinh bảo vệ Tổ quốc bằng vũ khí nóng, và lần này, dù không sử dụng vũ khí nóng nhưng đây cũng là cuộc trường chinh mới.
"Dịch mấy tháng trời, chúng ta mệt với nó. Nếu không quyết tâm, kinh tế sẽ đi xuống, đời sống nhân dân sẽ xuống. Xác định lại quyết tâm và quyết tâm hơn nữa. Tôi biết ở trong này một giờ khổ hơn ở chỗ khác nhiều giờ", lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
Về phần mình, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhận định dịch bệnh kéo dài đã khiến cho hệ thống y tế quá tải, nhiều bệnh viện không đủ sức điều trị tới nơi tới chốn cho người dân.
Theo ông Thành, Chính phủ rất quan tâm và sẽ bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường lực lượng thầy thuốc cho thành phố.
“Tôi đánh giá rất cao Bộ Quốc phòng chủ động phát huy truyền thống của Bộ đội cụ Hồ, của Quân đội nhân dân Việt Nam, điều động lực lượng y tế, bác sĩ. Bệnh viện dã chiến đã chuẩn bị rất kỹ càng qua hình ảnh trực tiếp mà tôi thấy”, ông Thành nói.
Theo ông, trong lúc này, Chính phủ đang tập trung rất cao. Bộ Quốc phòng chủ động triển khai sớm, góp phần để bệnh nhân F0 có điều kiện tiếp cận y tế, giảm thiệt hại. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, trong điều kiện tình hình dịch bệnh phức tạp, khó lường, từng cán bộ, chiến sĩ cần làm tốt nhiệm vụ nhưng cũng phải giữ được lực lượng.
Cùng ngày, đoàn công tác cũng đã đến kiểm tra tình hình ở chung cư Linh Trung (TP Thủ Đức) và chốt giao thông cầu Đồng Nai - TP.HCM, đây là 1 trong 12 chốt lớn đi vào TP.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cùng đoàn Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đến kiểm tra điểm cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân tại điểm an sinh xã hội khẩn cấp khu phố 2,3,4, phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Tại đây đã chuẩn bị sẵn lương thực thực phẩm, đồ ăn đựng trong bịch nilông gồm: muối, đường, dầu ăn, gạo, sữa...
“Những gia đình có điều kiện mua đủ 10 ngày nhưng nhỡ sang ngày thứ 10 bị thiếu không đi mua được thì phường phát túi này chứ không được đi mua. Ăn để sống chứ đi chợ hộ, mua siêu thị theo kiểu nhà giàu là không được. Bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong không có sức nổi vì thành phố rất lớn”, Bộ trưởng Phan Văn Giang nói khi xem xét các gói lương thực được chuẩn bị.
Trước đó, phát biểu sáng cùng ngày tiễn 1000 quân nhân, y bác sĩ vào nam hỗ trợ chống Covid-19, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam lưu ý, đây là một cuộc chiến mới, và cho biết, bản thân ông rất tự hào khi có các đồng chí là các bác sĩ, những người làm công tác quân y trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các bác sĩ quân nhân, học viên quân y Việt Nam có đủ trình độ, đủ năng lực, đủ khả năng, để chống lại đợt dịch Covid-19 này.
Tướng Giang nhấn mạnh, dứt khoát chúng ta sẽ hoàn thành được nhiệm vụ chống dịch giúp cho nhân dân khắc phục được hậu quả của bệnh dịch Covid-19 này…
“Tôi tin các đồng chí cùng với tôi, cùng với tập thể Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ để không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đối với chúng ta. Chúng ta hãy vì nghĩa lớn, vì tình đồng bào, để chúng ta thực hiện nhiệm vụ”, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nêu rõ.