Việt Nam sẽ không e ngại ‘bom hẹn giờ và luật rừng’ của Trung Quốc ở Biển Đông
© AFP 2023 / Handout / Philippine Coast Guard Tàu Hải quân Trung Quốc.
© AFP 2023 / Handout / Philippine Coast Guard
Đăng ký
Trung Quốc lại ‘giở trò’ làm luật ở Biển Đông. Theo các chuyên gia, hành vi của Bắc Kinh từ việc cho phép nổ súng vào tàu nước ngoài, đến khai báo, theo dõi tàu ở Biển Đông không khác gì quả ‘bom hẹn giờ’ làm gia tăng căng thẳng tranh chấp biển đảo.
Việc áp dụng luật hàng hải mới yêu cầu tàu nước ngoài (kể cả quân sự và dân sự) đều phải khai báo ở phần biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền thể hiện rõ tham vọng bành trướng và độc chiếm của chính quyền ông Tập Cận Bình.
Chuyên gia Việt Nam chỉ ra sự vô lý trong luật hải cảnh mới của Trung Quốc, đe dọa tự do hàng hải ở Biển Đông.
Giới quan sát quốc tế đánh giá, Bắc Kinh đang áp dụng chiêu trò lát cắt salami để độc chiếm Biển Đông bất chấp làn sóng phản đối từ Mỹ, EU, Úc, ASEAN, Nhật Bản…
Luật hàng hải mới: Trung Quốc bắt tàu nước ngoài phải khai báo
Biển Đông lại dậy sóng với sự gia tăng hành động đơn phương của Trung Quốc.
Những ngày qua, trong khi các nước trong khu vực đang gồng mình chống lại cuộc chiến với Covid-19, Trung Quốc đã nhân cơ hội này, tự mình ban hành luật hàng hải mới, giống như cách mà Bắc Kinh tự tuyên bố về chủ quyền lịch sử ở Biển Đông, yêu sách đường lưỡi bò (đường chín đoạn) hay vùng ADIZ ở Biển Hoa Đông.
Cuối tháng 8, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo về luật hải cảnh mới – Luật An toàn giao thông hàng hải, có hiệu lực từ 1/9/2021 này.
Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu tàu nước ngoài, đi qua khu vực thuộc “lãnh hải” của Trung Quốc, bắt buộc phải khai báo mọi thông tin liên quan gồm dữ liệu về tàu, hàng hóa, hải trình…cho phía cơ quan chức năng Trung Quốc.
Hành vi này làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng quốc tế, không ai chấp nhận việc Bắc Kinh tự mình thiết lập “luật rừng”, ngày càng lộ rõ âm mưu bành trướng, độc chiếm Biển Đông.
Điều đáng lo ngại hơn chính là, hành vi đơn phương áp dụng luật của Trung Quốc, tự thiết lập quy tắc cho cuộc chơi mà không đếm xỉa gì đến phản ứng của các nước là lối hành xử coi thường, o ép, bắt nạt các nước láng giềng và đi ngược lại hoàn toàn tôn chỉ “thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”, có thể kéo theo nhiều diễn biến căng thẳng ở khu vực này.
Cụ thể, theo thông báo của Cơ quan An toàn hàng hải Trung Quốc, kể từ ngày 1/9, các tàu ngầm, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu/hóa chất/khí hóa lỏng/các chất độc hại khác, cùng những tàu khác được xem là mối đe dọa đối với sự an toàn giao thông hàng hải của chính quyền Bắc Kinh. Do đó, cần khai báo.
Các tàu nước ngoài (cả dân sự và quân sự) đều phải cung cấp thông tin liên quan đến tên gọi, vị trí, hàng hóa, thời điểm cập cảng dự kiến, tín hiệu gọi tàu, thậm chí là bất kỳ chi tiết nào có thể gây nguy hiểm cho phía Trung Quốc..
Cùng với đó, Luật An toàn giao thông hàng hải mới cho phép các cơ quan Hải cảnh, chức năng liên quan của Trung Quốc có thể từ chối quyền tiếp cận “lãnh hải” của Bắc Kinh đối với tàu thuyền nước ngoài bị xem là “đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc”.
Được biết, đây là một phần nội dung điều chỉnh trong Luật An toàn giao thông hàng hải được Trung Quốc thông qua hồi tháng tư và chính thức có hiệu lực từ 1/9/2021.
© AP Photo / 11th Regional Coast Guard Headquarters Cảnh sát biển Trung Quốc.
Cảnh sát biển Trung Quốc.
© AP Photo / 11th Regional Coast Guard Headquarters
Giới quan sát quốc tế cho rằng, mục đích của động thái đơn phương áp dụng luật hàng hải ở Biển Đông nhằm tăng cường khả năng nhận diện hàng hải (theo dõi, giám sát hoạt động của tàu nước ngoài), củng cố an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Cục Hải sự Trung Quốc lưu ý, nếu tàu nước ngoài không báo cáo theo như yêu cầu, cơ quan hàng hải Trung Quốc sẽ áp dụng luật, quy định và các điều khoản liên quan.
Được biết, quy định mới sẽ áp dụng với lãnh hải rộng 12 hải lý của Trung Quốc gồm cả vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trung Quốc bắt nạt tàu thuyền nước ngoài: Vô lý và mơ hồ
Giới nghiên cứu cũng chỉ rõ, thông báo của Cơ quan Hải sự Trung Quốc MSA được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh với những nước láng giềng trong khu vực và các nước phương Tây đặc biệt là Hoa Kỳ và loạt nước lớn trong Liên minh châu Âu ngày càng leo thăng thời gian gần đây.
Mỹ không chỉ tăng gửi tàu chiến đến Biển Đông, kêu gọi về một khu vực tự do hàng hải mà còn thường xuyên tiếp xúc cấp cao với chính những “quốc gia đối trọng” của Trung Quốc ở Biển Đông, qua đó lên án chỉ trích mạnh mẽ hành vi đơn phương làm phức tạp khu vực này của Bắc Kinh.
Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Australia, các quốc gia ASEAN cũng nhiều lần lên tiếng phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đồng thời nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần đồng lòng lên án lối hành xử “coi trời bằng vung” của Trung Quốc.
Các chuyên gia cũng cho rằng, quy định hải cảnh mới của Trung Quốc có thể khiến căng thẳng ở Biển Đông, eo biển Đài Loan leo thang, nhất là khi Mỹ và đồng minh thường xuyên thực hiện các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải (FONOP) phản đối yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở những khu vực này.
Cộng đồng quốc tế cũng cho rằng, Trung Quốc không thể nào một mình áp luật – tự mình thiết lập cuộc chơi – tạo sự đã rồi bắt các nước khác, nhất là những bên có chung tranh chấp ở Biển Đông phải tuân theo. Ông Aristyo Rizka Darmawan, chuyên gia nghiên cứu về Luật Quốc tế của Trường Đại học Indonesia nhấn mạnh bộ luật được Bắc Kinh ban bố một cách vội vàng, mơ hồ có thể xâm phạm quyền di chuyển tự do, qua lại thông thường, được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
“Cần nhấn mạnh “quyền tự do đi lại” là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của luật biển hiện đại”, nhà nghiên cứu Aristyo Rizka Darmawan nêu rõ.
Công ước Quốc tế về Luật Biển UNCLOS 1982 quy định, tàu thuyền quốc tế được di chuyển “xuyên suốt, thông thoáng và nhanh chóng”, miễn không làm tổn hại hòa bình, trật tự và an ninh của quốc gia đi qua. Đồng thời, các nước chỉ được phép thực thi pháp luật, bao gồm yêu cầu khai báo, nếu tàu thuyền quốc tế bị nghi ngờ vi phạm quy tắc “qua lại vô hại” trong lãnh hải của họ thông qua những hành động như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền chính trị độc lập của đất nước.
Nhà nghiên cứu về Luật Quốc tế Darmawan lưu ý, yếu tố then chốt ở đây là hành động gây hại phải xảy ra bên trong “lãnh hải” của một quốc gia, trong khi sự mơ hồ của Trung Quốc vốn xuất hiện trong nhiều tuyên bố chủ quyền hàng hải từ trước đến nay.
Đồng thời, Điều 2 của Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp Trung Quốc 1992 khẳng định: Lãnh hải Trung Quốc là vùng biển tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc. Lãnh thổ Trung Quốc bao gồm đất liền và các đảo ngoài khơi xa, Đài Loan cùng các quần đảo như Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa".
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Tây Sa, Nam Sa chính là cách Trung Quốc ngang nghiên gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
PGS.TS Vũ Thanh Ca, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam thông tin thêm với Tuổi Trẻ cho biết, việc áp dụng quy định mới của phía Trung Quốc là rất vô lý.
Chuyên gia Việt Nam phân tích, Luật an toàn hàng hải sửa đổi của Trung Quốc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước này thông qua tại kỳ họp thứ 28 và được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký ban hành ngày 29/4/2021.
Cần nhắc lại rằng, đây là bản sửa đổi luật an toàn hàng hải thông qua năm 1983 và đã sửa đổi năm 2016. Luật mới bao gồm 10 chương và 122 điều, so với bản sửa đổi trước đó gồm 12 chương và 53 điều.
Về vấn đề này, PGS.TS Vũ Thanh Ca chỉ ra sự vô lý của điều 24 quy định việc sử dụng trạm vô tuyến nội địa hoặc trạm cổng vệ tinh phù hợp với luật pháp Trung Quốc. Trong đó, nêu rõ, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) quy định tất cả các nước được thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển.
“Do vậy, không có quy định nào cho phép một quốc gia ven biển được bắt buộc tàu thuyền hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước đó phải sử dụng một trạm vô tuyến nội địa hoặc trạm cổng vệ tinh phù hợp với luật pháp của họ để truyền thông tin”, PGS.TS Vũ Thanh Ca nhấn mạnh.
Trung Quốc vẫn âm mưu từng bước độc chiếm Biển Đông
PGS.TS Vũ Thanh Ca cũng đánh giá, đây là quy định hết sức nguy hiểm. Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, đối với các quốc gia xung quanh Biển Đông, quy định của Trung Quốc trở thành “điều cực kỳ nguy hiểm”.
Vị chuyên gia Việt nêu rõ, phải chú ý cái gọi là “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”, trong Biển Đông mà Trung Quốc đã tuyên bố là toàn bộ vùng biển nằm trong đường lưỡi bò hoặc vùng biển liên quan tới “Tứ Sa”.
PGS.TS Vũ Thanh Ca nhấn mạnh, cả hai cách tuyên bố này đều cho Trung Quốc có một vùng biển chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, bao gồm vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều quốc gia xung quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
“Tôi cho rằng với âm mưu từng bước độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục xây dựng các luật để từng bước hợp thức hóa những hành động dựa trên sức mạnh, bắt nạt, cưỡng ép của họ”, PGS.TS Vũ Thanh Ca chỉ rõ.
Cùng chia sẻ quan điểm này, chuyên gia chiến lược hàng hải, thuộc Đại học Hải chiến Hoa Kỳ - TS. James Holmes, chỉ ra rằng, cần hiểu rõ đâu gọi là “vùng lãnh hải” của Trung Quốc và toan tính thực sự của Bắc Kinh đằng sau việc ban hành những quy định hải cảnh mới.
Theo đó, chính quyền Bắc Kinh yêu cầu tàu nước ngoài vào “vùng lãnh hải” Trung Quốc phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa cho các cơ quan quản lý Trung Quốc.
Đồng thời, yêu cầu này áp dụng với các loại tàu ngầm/lặn, tàu hạt nhân; tàu chở vật liệu phóng xạ, hóa chất, dầu, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu bị coi là mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc.
Trước hết, cần phải làm rõ, cách mà Trung Quốc xác định “lãnh hải” để áp dụng luật mới của mình. TS. James Holmes trong cuộc trao đổi với Thanh Niên nhấn mạnh rằng, phải nắm được “vùng lãnh hải” mà Bắc Kinh hướng đến như được định nghĩa trong luật biển quốc tế - tức một vành đai kéo dài 12 hải lý ngoài khơi, hay Trung Quốc đang cố gắng mở rộng vùng biển trên khắp các vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền bằng cách tính tất cả không gian nằm trong bản đồ “đường lưỡi bò” của mình. Đây chính là điểm mơ hồ, thiếu rõ ràng.
“Trung Quốc tuyên bố các vùng biển trong bản đồ “đường lưỡi bò” là của nước này, đồng thời yêu sách các đặc quyền tương tự các quốc gia ven biển thực hiện trong lãnh hải của mình”, chuyên gia Hoa Kỳ nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai, theo nhà chiến lược hàng hải, dường như đây là cách Trung Quốc thể hiện lập trường cứng rắn hơn liên quan đến chủ quyền biển đảo. TS. James Holmes chỉ ra điểm bất thường ẩn giấu đằng sau việc “làm luật” của Trung Quốc ở Biển Đông chính là Bắc Kinh đang khẳng định các tàu thuyền nước ngoài không được phép đi vào lãnh hải nếu chưa xin phép.
“Điều đó mâu thuẫn với luật biển quốc tế quy định về quyền “đi lại vô tội” qua lãnh hải. Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) quy định rõ ràng rằng tàu thuyền nước ngoài không cần xin phép hoặc thông báo trước cho chính quyền quốc gia ven biển trước khi thực hiện quyền đi lại vô hại”, nhà nghiên cứu khẳng định.
Theo TS. James Holmes, việc Trung Quốc đưa ra quy định an toàn hàng hải mới dường như là động thái mới nhất của những nỗ lực lâu dài nhằm xóa bỏ luật biển trong vùng biển.
“Trung Quốc đang làm rất tinh vi để trông “có vẻ hợp lý” hay “sự đã rồi”. Rất có thể, đây là cách để Trung Quốc ngăn cản tàu quân sự của các nước hoạt động hợp pháp ở Biển Đông, khiến tình hình khu vực ngày càng căng thẳng”, nhà nghiên cứu hàng hải Mỹ lo ngại.
Chiêu trò lát cắt salami của Trung Quốc ở Biển Đông: ‘Bom hẹn giờ’
Như đã thông tin, Trung Quốc thời gian qua ngày càng tăng kiểm soát ở Biển Đông. Tuy nhiên, chắc chắn, Việt Nam cùng các quốc gia trong ASEAN, với sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, sẽ không e ngại “luật rừng” và chiêu trò làm luật của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Cần nhắc lại rằng, đầu năm nay, Bắc Kinh thông qua luật Hải cảnh mới cho phép nổ súng ở Biển Đông, áp dụng vũ lực với tàu nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và đe dọa đến an ninh hàng hải, chủ quyền đất nước.
Tiếp đó, Trung Quốc lại yêu cầu tàu nước ngoài khai báo khi đi vào vùng biển nước này tự nhận là “lãnh hải” của quốc gia này.
Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông với việc gia tăng ba lực lượng gồm “dân quân Biển (PAFMM), Hải cảnh và Hải quân PLA”, đặc biệt là ở Biển Đông, tuyến hàng hải quan trọng của thế giới.
Cần lưu ý rằng, lực lượng Hải quân PLA đứng sau hậu thuẫn mạnh mẽ cho dân quân Biển và Hải cảnh Trung Quốc.
Như những gì Bắc Kinh đã từng làm với vùng ADIZ, Trung Quốc tiếp tục thiết lập vùng xám xâm lấn vùng biển mà các quốc gia khác trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei....đồng loạt tuyên bố chủ quyền.
Đây chính là chiến thuật lát cắt salami, thực hiện nhiều chiến lược, giở đủ trò khác nhau để dần tạo sự đã rồi – độc chiếm vùng biển mà Trung Quốc mong muốn. Ở đây, đối với Việt Nam và các nước láng giếng, cần hiểu được âm mưu thực sự của Bắc Kinh đó là từng bước áp dụng các quy định, điều động lực lượng ‘bao chốt’, sau đó tiến tới độc chiếm hoàn toàn Biển Đông.
Giới quan sát quốc tế ví những quy định mới của chính quyền Trung Quốc không khác gì “quả bom hẹn giờ”, bất cứ lúc nào cũng có thể gây căng thẳng ở Biển Đông, thậm chí là nguy cơ leo thang quân sự trong khu vực nếu vũ lực được áp dụng.
Tuy vậy, cộng đồng quốc tế hiểu rất rõ các chiêu trò, âm mưu của Trung Quốc, các bên tranh chấp với Bắc Kinh, hay Mỹ cùng các nước đồng minh sẽ không giương mắt nhìn người Trung Quốc muốn làm gì thì làm.
TS. Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, phát biểu với tờ Bưu điện Nam hoa Buổi sáng SCMP nhấn mạnh rằng, các quốc gia khác, nhất là Hoa Kỳ, sẽ không dễ gì để yên cho Trung Quốc, cũng không tuân thủ quy định mà Bắc Kinh đơn phương áp đặt.
Chuyên gia dẫn lại điển hình, năm 2013, khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập của nhận dạng phòng không ở Biển Đông ADIZ, Trung Quốc phải hứng làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Tất cả các quốc gia có liên quan hiểu rất rõ âm mưu thực sự của Trung Quốc liên quan đến quyền tài phán trên biển.
“Các nước láng giềng cũng như các cường quốc khác trong khu vực sẽ không dễ gì đồng ý với luật mới của Trung Quốc”, TS. Collin Koh khẳng định.
Các nước cần đồng lòng lên tiếng, cảnh giác và tỉnh táo trước nguy cơ bùng nổ căng thẳng, xung đột khi Trung Quốc đơn phương ban hành luật mới để khẳng định chủ quyền “vùng lãnh hải”, tiến đến làm chủ cả Biển Đông.
Một quốc gia đơn độc sẽ khó làm lay chuyển tham vọng của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh sẽ không thể “một tay che cả bầu trời” nếu các nước cùng đồng lòng, đoàn kết lên án, đưa Bắc Kinh trở lại đúng quỹ đạo, hướng đến thượng tôn pháp luật, tôn trọng lẫn nhau và không gây phức tạp tình hình trong khu vực.