Bamboo Airways bay thẳng đi Mỹ, Bộ GTVT lên tiếng vụ áp giá sàn vé máy bay
© Ảnh : Nguyễn Dũng - TTXVN Chiều 4/9 có thêm 2 chuyến bay chở các thai phụ từ san bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM) về sân bay Liên Khương (Lâm Đồng)
© Ảnh : Nguyễn Dũng - TTXVN
Đăng ký
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thông tin về đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa từ tháng 11 này của Cục Hàng không Việt Nam. Sắp hết thời người Việt được mua vé máy bay với giá ‘0 đồng’?
Trong một diễn biến khác, Bamboo Airways (Hãng hàng không Tre Việt của đại gia FLC Trịnh Văn Quyết) chuẩn bị bay thẳng đến Mỹ vào 23/9 tới đây.
Bộ GTVT nói gì về việc áp giá sàn vé máy bay nội địa?
Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) vừa có phản hồi về việc áp giá sàn vé máy bay nội địa ở Việt Nam từ tháng 11, trong vòng một năm.
Trước đó, Cục Hàng không đã có đề xuất gửi Bộ GTVT áp sàn giá vé máy bay tối thiểu 320.000 đồng/vé.
Đáp lại vấn đề này, ngày 7/9, Bộ Giao thông vận tải đã có thông cáo về việc điều chỉnh quy định mức giá tối thiểu trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ ngày 24/8 đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý II/2021 ngày 13/8, giao Bộ GTVT quy định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật về hàng không, pháp luật.
Trong đó, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý về giá phải làm sao nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của Nhà nước.
Bộ GTVT cho hay, Bộ đã triển khai các nhiệm vụ được giao tại thông báo của Văn phòng Chính phủ cũng như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong đó đã giao Cục Hàng không Việt Nam rà soát, đề xuất khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp.
Bộ GTVT khẳng định, hiện tại, Cục Hàng không đã có báo cáo và đề xuất phương án về Bộ GTVT.
“Tuy nhiên, đây là một vấn đề có tính tác động rất lớn, nên quan điểm của Bộ GTVT là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học”, Bộ GTVT nêu rõ.
Theo Bộ này, cần đặc biệt xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không.
© AFP 2023 / Nhac Nguyen Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Sân bay Quốc tế Nội Bài.
© AFP 2023 / Nhac Nguyen
Đồng thời, cũng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với toàn ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua và giai đoạn tiếp theo để quyết định.
Do đó, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau trong đó có đánh giá tác động cụ thể.
Bộ cũng yêu cầu tổ chức làm việc, xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định.
Cục Hàng không đề xuất áp giá sàn vé máy bay từ 320.000 đồng
Trước đó, ngày 31/8, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ GTVT dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Trong đó, Cục Hàng không đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định. Nếu quy định này được thông qua, người Việt sẽ gần như không còn có thể mua được giá vé máy bay ưu đãi “0 đồng” như các hãng từng triển khai thời gian qua.
Cụ thể, Cục Hàng không cho biết, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 320 ngàn đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều, nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340 ngàn đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng/vé.
Đối với các đường bay từ 500 - 850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440 ngàn đồng và tối đa 2,2 triệu đồng, đường bay từ 850 km - dưới 1.000 km, mức giá tương ứng là 560 ngàn đồng và 2,79 triệu đồng.
Trong khi đó, với đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối thiểu là 750 ngàn đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.
Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022.
Vì sao Cục Hàng không muốn áp giá sàn vé máy bay nội địa?
Lý giải cụ thể về đề xuất áp sàn vé máy bay, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không cho hay, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho lượng vận chuyển hàng không sụt giảm mạnh, do không khai thác toàn bộ các chặng/chuyến bay quốc tế, trong khi, các đường bay nội địa cũng bị cắt giảm hoặc lượng khách giảm đáng kể.
Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội tàu bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng tàu bay năm 2019 dẫn đến chi phí cố định vẫn phát sinh hoặc giảm không tương đồng với sản lượng như chi phí tàu bay chẳng hạn như chi phí thuê tàu bay, chi phí sửa chữa bảo dưỡng, chi phí khấu hao.
“Doanh thu sụt giảm mạnh, trong khi chi phí giảm dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gẫy dòng tiền thanh toán”, Cục Hàng không nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, đây là những nguyên nhân chính và căn bản, trực tiếp tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh vận chuyển hàng không, gây nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không.
Cục Hàng không nhấn mạnh rằng, chính những nguyên nhân trên dẫn đến tình trạng các hãng hàng không liên tục hạ giá bán để tối đa hóa hiệu suất sử dụng ghế trên tàu bay tạo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.
Cục Hàng không cho rằng, đề xuất áp giá sàn vé máy bay chỉ áp dụng mang tính khẩn cấp, tạm thời và thời gian quy định là 12 tháng (từ 1/11/2021 hết ngày 31/12/2021) nhằm giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
© AP Photo / Hau DinhHành khách đeo khẩu trang chờ chuyến bay tại sân bay Hà Nội, Việt Nam.
Hành khách đeo khẩu trang chờ chuyến bay tại sân bay Hà Nội, Việt Nam.
© AP Photo / Hau Dinh
Ông Đinh Việt Thắng cho biết thêm, đề xuất này được đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế của các nước đã hoặc đang thực hiện quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa. Điều này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước.
“Khung giá trên sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam, xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ”, ông Thắng lý giải thêm.
Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không cũng chỉ ra các bất cập, hạn chế của việc làm này như, gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa do với cùng một mức giá tối thiểu, người tiêu dùng sẽ có xu hướng lựa chọn hãng hàng không có điều kiện dịch vụ tối ưu hơn.
“Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận của một bộ phận người tiêu dùng khi đi máy bay, gây cản trở cho nỗ lực kích cầu của các hãng hàng không”, theo ông Đinh Việt Thắng cho biết.
Về vấn đề áp giá sàn, ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng không cho biết, về cơ bản, giá là do quan hệ cung cầu, do thị trường quyết định.
Ông Nề cho biết, các hãng (không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới) đều lỗ lớn, sắp tới lại đua nhau giảm giá thì càng làm giảm nguồn lực tài chính. Cạnh tranh cũng phải bằng chất lượng dịch vụ, tính toán kỹ, hạn chế giảm giá sâu gây thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài cho doanh nghiệp.
Bamboo Airways bay thẳng đi Mỹ khi nào?
Sau khi cơ bản hoàn tất các thủ tục chuẩn bị, Bamboo Airways dự kiến sẽ có chuyến bay kiểm chứng đến Mỹ ngày 23/9 sắp tới.
Vừa qua, Hàng hàng không Quốc gia Việt Nam cũng đã thực hiện một số chuyến bay hồi hương công dân và chuyên chở hàng hoá, thiết bị y tế phục vụ công tác chống dịch từ Mỹ về Việt Nam.
Theo đó, Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết công ty vừa nhận được giấy phép từ Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) để thực hiện 12 chuyến bay thẳng hai chiều Việt - Mỹ trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2021.
© AFP 2023 / Manan VatsyayanaMáy bay Airbus A321Neo của Bamboo Airways
Máy bay Airbus A321Neo của Bamboo Airways
© AFP 2023 / Manan Vatsyayana
Các sân bay đi và đến của các chuyến bay này là sân bay Nội Bài, Đà Nẵng tại Việt Nam, và sân bay San Francisco (California), Los Angeles (California), Seattle-Tacoma (Washington) tại Mỹ. Đây đều là các sân bay quốc tế trọng điểm tại mỗi nước.
Dự kiến ngày 23/9 tới đây, Bamboo Airways sẽ thực hiện chuyến bay kiểm chứng đầu tiên. Chuyến bay sẽ mở đường cho chuỗi hoạt động tại Mỹ của công ty, bao gồm ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 2 sân bay quốc tế San Francisco và Los Angeles, khai trương văn phòng đại diện chính thức của hãng tại Mỹ, làm việc với nhà sản xuất máy bay Boeing và các đối tác đại lý...
Được biết, Bamboo Airways đã được chỉ định chính thức khai thác các chuyến bay charter đến Mỹ từ tháng 5 năm nay. Hãng đã được cấp phép slot bay (lượt cất, hạ cánh) thẳng thường lệ từ TP HCM đến San Francisco và Los Angeles.
Hoa Kỳ từ trước đến nay vẫn được xem là nơi có trường hàng không khắt khe hàng đầu thế giới. Luật Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ quy định, một hãng hàng không cần phải có đầy đủ giấy phép của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (DOT), Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) nếu muốn khai thác các chuyến bay thương mại thường lệ tới Hoa Kỳ.
Trong số 3 loại giẩy phép này, thì công tác xin cấp phép từ TSA là khó khăn nhất, với yêu cầu hết sức khắt khe và kiểm tra kỹ lưỡng. Được TSA cấp phép là bước đệm quan trọng tạo điều kiện cho FAA hoàn thiện các quy trình cuối cùng về thủ tục.
Ngoài việc các hãng hàng không cần phải được TSA phê chuẩn toàn bộ hệ thống cấp phép bay tới Mỹ, các sân bay quốc tế tại Việt Nam cũng phải được TSA xác nhận đủ điều kiện về an ninh hàng không. Thêm vào đó, cơ quan này cũng xem xét khả năng sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho hãng bay Việt Nam trên lãnh thổ Mỹ của các sân bay sở tại.
Đến nay, Bamboo Airways khẳng định đã cơ bản hoàn tất các thủ tục chuẩn bị, sẵn sàng đưa vào khai thác các chuyến bay thẳng thương mại thường lệ giữa 2 nước từ cuối năm nay và đầu năm sau.
Hãng cũng đang tích cực hợp tác với Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) nhằm đưa vào thử nghiệm hộ chiếu vaccine IATA Travel Pass từ quý IV, từ đó hướng đến việc mở lại mạng bay quốc tế nói chung và đường bay thẳng Mỹ nói riêng một cách an toàn.
Còn trong lúc này, một hãng khác là Vietnam Airlines cũng đang dự tính bắt đầu các chuyến bay đến Mỹ từ cuối tháng 10 năm nay. Nhiều khả năng, máy bay Boeing 787 hoặc Airbus A350 sẽ được sử dụng cho đường bay TP. HCM đến San Francisco.