Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ bơm thêm tiền để ‘cứu’ kinh tế?
© AFP 2023 / Hoang Dinh NamNhững người đang đi xe máy qua trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở trung tâm thành phố Hà Nội
© AFP 2023 / Hoang Dinh Nam
Đăng ký
Chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang hướng tới việc bơm tiền thêm ra thị trường để hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài.
Trong khi đó, về việc hóa giải rủi ro thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cam kết điều hành tín dụng an toàn, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên của Chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Động thái hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân của Ngân hàng Nhà nước
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố ngày 9/9, đăng trên website của doanh nghiệp, đơn vị này nhận định, ở tình hình hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang hướng tới việc bơm tiền thêm ra thị trường để hỗ trợ nền kinh tế.
Cụ thể, theo Chứng khoán Bảo Việt, tới cuối tháng 8/2021, lãi suất huy động trung bình (theo mẫu của BVSC) ghi nhận mức giảm nhẹ 0,03 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 12 tháng, xuống còn 5,56%.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra dự thảo sửa đổi sửa đổi thông tư 03, cho phép mở rộng các khoản nợ tái cơ cấu.
Ngoài ra, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-NHNN, chính thức cắt giảm 50% phí giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng trong giai đoạn từ 1/9/2021 đến 30/6/2022.
“Việc sửa đổi thông tư 26 và thông tư 03 là những động thái của Ngân hàng Nhà nước Việt nam trong việc hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, Chứng khoán Bản Việt nhấn mạnh.
Trước đó, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành.
Tuy nhiên, sang năm 2021, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang sử dụng linh hoạt các hình thức để hỗ trợ hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, thay vì giảm lãi suất điều hành.
Báo cáo kinh tế vĩ mô của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhấn mạnh, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào hơn so với năm ngoái, khi hơn một năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước gần như không sử dụng tới các hoạt động thị trường mở và kênh tín phiếu ở trạng thái đóng băng từ tháng 6/2020.
Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng vẫn đang thấp hơn so với mức trung bình của năm 2020. Do đó, nếu cầu tín dụng chưa tăng trở lại ngay trong năm 2021, theo giới phân tích của Chứng khoán Bảo Việt, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa cắt giảm lãi suất điều hành trong các tháng tiếp theo.
Ngân hàng Nhà nước bơm tiền để ‘cứu’ kinh tế?
Về tỷ giá USD, tính tới cuối tháng 8, tỷ giá trung tâm và tỷ giá USD/VND giao dịch thực tế tại ngân hàng thương mại cùng có chung diễn biến giảm so với tháng trước đó, lần lượt ở mức 0,22% và 0,71%.
Tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay (22.779 VND/USD) và tiếp tục thấp hơn tỷ giá trung tâm (22.784 VND/USD và 23.130 VND/USD) tính tới ngày 31/8/2021.
© AFP 2023 / Manan VatsyayanaĐồng Việt Nam
Đồng Việt Nam
© AFP 2023 / Manan Vatsyayana
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, chỉ số DXY tăng 0,49% so với tháng trước. Phần lớn đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á có diễn biến giảm so với USD trong 8 tháng đầu năm 2021. Chỉ có Việt Nam đồng, Nhân dân tệ và Rupee của Ấn Độ là các đồng tiền tăng giá so với USD.
Báo cáo của BVSC nhấn mạnh, trong tháng 8/2021, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước giảm 225 đồng giá niêm yết mua vào USD, về 22.750 đồng.
Đơn vị này nhấn mạnh, đây đã là lần thứ 3 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước có động thái giảm giá mua vào đồng USD kể từ tháng 11/2020 tới nay. Đồng thời, chính yếu tố này đã giúp cho VND tăng giá so với USD trong tháng 8.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thay đổi phương thức mua kỳ hạn sang giao ngay, điều này sẽ giúp cơ quan đảm trách việc phát hành tiền tệ, quản lý tiền tệ và tham mưu các chính sách liên quan đến tiền tệ cho Chính phủ Việt Nam kịp thời bổ sung thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Cho đến cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành quyết định giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 0,5% xuống còn 0%.
“BVSC đánh giá những động thái trên của Ngân hàng Nhà nước đều đang hướng tới việc bơm thêm Việt Nam đồng ra thị trường, nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là khi các doanh nghiệp và cá nhân đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh kéo dài”, Chứng khoán Bảo Việt nhận định.
Cũng nêu trong báo cáo, BVSC cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.
Tại báo cáo, nhóm chuyên gia của Chứng khoán Bảo Việt cho hay, sản xuất công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng âm trong tháng 8, đồng thời, dự báo, trong tháng 9, chỉ số sản xuất công nghiệp nhiều khả năng vẫn sẽ tăng trưởng âm.
BVSC nhấn mạnh, việc các tỉnh thành phố liên tục phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ 4 là nguyên nhân chính khiến chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh trong tháng 8.
“Dưới tác động của đại dịch, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 23,83%, số doanh nghiệp giải thể cũng tăng 32,21%”, BVSC nhấn mạnh.
Tuy vậy, Chứng khoán Bảo Việt vẫn tin rằng, với nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm chủng vaccine, các hoạt động sản xuất sẽ có thể được khôi phục dần từ đầu tháng 10. Trên cơ sở đó, chỉ số sản xuất công nghiệp được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng trở lại trong quý 4 này.
Ngân hàng Nhà nước điều hành hoạt động tín dụng an toàn
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) trong đó khẳng định chủ trương điều hành hoạt động tín dụng an toàn.
Ông Đồng nêu vai trò trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc hóa giải rủi ro thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam khi dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào các kênh khác ngoài ngân hàng như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, quỹ dầu tư…
Cụ thể, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành hoạt động tín dụng an toàn, lành mạnh, hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tăng cường giám sát hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng quy mô tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bà Hồng nhấn mạnh, trong chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.
Đồng thời, Ngân hành Nhà nước thường xuyên tăng cường thanh tra, giám sát, chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động và kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Thực tế, những tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, giá bất động sản tăng cao, nhất là giá đất nền ở địa phương sau khi có thông tin quy hoạch đô thị, giao thông, hạ tầng hoặc điều chỉnh tăng giá đất...
“Diễn biến này có nhiều nguyên nhân, một phần do đại dịch Covid-19 khiến triển vọng kinh tế khó khăn, mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng giảm, nhiều doanh nghiệp, người dân có nguồn tiền nhưng thiếu cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh nên gia tăng đầu tư chứng khoán, bất động sản”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc giám sát rủi ro các thị trường này thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành.
Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan (Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường) phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường giám sát, quản lý và cảnh báo rủi ro, thông báo công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, phát hiện, ngăn chặn, răn đe, xử phạt nghiêm các hành vi thao túng, đầu cơ tăng giá, đẩy mạnh nguồn cung bất động sản...
“Về phía ngành ngân hàng, ngay từ đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nên tín dụng các lĩnh vực này trong tầm kiểm soát”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.