Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi chống tham nhũng. Phú Thọ kỷ luật 4 Công an
17:46 16.09.2021 (Đã cập nhật: 18:28 16.09.2021)
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Đăng ký
Cũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi giám sát quyền lực, chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng, hoàn thiện thể chế ở Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh Phú Thọ vừa kỷ luật 4 Công an phụ trách điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu và phòng CSGT Công an tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về xây dựng và hoàn thiện thể chế
Ngày 16/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính củ trì, điều hành Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Việt Nam.
Ngoài Thủ tướng Phạm Bình Minh, tại điểm cầu Chính phủ còn có các ủy viên Bộ Chính trị như Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có hai Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Lê Văn Thành.
Đáng chú ý, dự Hội nghị hôm nay còn có lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác xây dựng thể chế, pháp luật tại các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Trong đó có Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng nhiều lãnh đạo các địa phương ở đủ 63 tỉnh/thành.
Mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ Đại hội XI của Đảng, xây dựng và hoàn thiện thể chế đã được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược mà Việt Nam đề ra.
Ngay sau khi Chính phủ mới của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kiện toàn nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp, bắt tay ngay vào xây dựng và hoàn thiện thể chế của Việt Nam.
Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt chú trọng đến giao người dứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian qua, kế thừa thành quả của những nhiệm kỳ trước và sự ủng hộ, phối hợp của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức rà soát lại hệ thống những vấn đề còn vướng mắc, quá trình thực hiện còn bất cập để cải thiện.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chưa thực sự quyết liệt, tập trung đúng với tầm mức, nhiệm vụ được giao.
“Chính phủ tổ chức Hội nghị để tiếp tục rà soát, thống nhất đánh giá, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, xác định mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ để nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện thể chế thời gian tới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, việc này không chỉ làm trong năm nay mà định hướng cho cả nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ sau để sắp xếp, bố trí nguồn lực phù hợp, thời gian và nguồn lực có hạn nhưng làm sao hiệu quả nhất.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Thủ tướng đề nghị, do Hội nghị có thời gian ngắn, nội dung nhiều, yêu cầu cao, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, thảo luận về những định hướng cụ thể trong thời gian tới đây.
Ông Phạm Minh Chính yêu cầu, cần rà soát, tổng kết từ thực tiễn về những điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật.
Trong đó, nhấn mạnh, việc xây dựng thể chế phải bám sát và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, với những nội dung cốt lõi như xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, xây dựng Đảng là then chốt.
Bên cạnh đó, yêu cầu phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, trách nhiệm bảo vệ Tổ là nhiệm vụ trọng yếu, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần.
Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, sâu rộng, đặc biệt lưu ý đến vấn đề quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, kinh tế xanh.
Hệ thống pháp luật của Việt Nam “còn cồng kềnh”
Tại Hội nghị, Báo cáo dẫn đề của Bộ Tư pháp nêu rõ, đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất.
Đây là yếu tố then chốt để tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Báo cáo cũng nêu rõ vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng tổ chức trong hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội.
Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp chưa được thể chế hóa đầy đủ, kịp thời.
“Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn. Việc tổ chức thi hành pháp luật còn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu giải pháp đột phá nên hiệu quả thực thi pháp luật còn hạn chế...”, báo cáo của Bộ Tư pháp thừa nhận.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNBộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Tại hội nghị hôm nay, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các địa phương đã thảo luận về những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thông qua đó, đánh giá về những thành tựu, kết quả đạt được, đồng thời, rút ra được những bài học quý trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật.
Các đại biểu đã nhận diện rõ các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề ra phương hướng, các giải pháp chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này, nhất là trong việc thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật.
Nhiều nội dung được các đại biểu đề cập như: chính sách pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, vấn đề phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó còn là chính sách pháp luật về an sinh xã hội, pháp luật về thuế, pháp luật để khai thác nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội...
Thủ tướng kêu gọi kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, lợi ích nhóm
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, các ý kiến thảo luận tại hội nghị hết sức tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm.
Nhiều kiến nghị, đề xuất mà các đại diện Bộ, ngành địa phương, đại biểu nêu ra có tính xây dựng cao, đề xuất được nhiều giải pháp mang tính đột phá, tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, thông qua rà soát của các bộ, ngành, địa phương cho thấy có 70 luật, 188 nghị định, 131 thông tư cần sửa đổi.
“Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa nhận thức đúng mức, chưa xác định được việc đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển, nên chưa đầu tư đúng tầm cho công tác này”, ông Chính lưu ý.
Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần điều chỉnh ngay công tác này.
Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thành lập ngay ban chỉ đạo, ban hành quy chế, phân công người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, xác định lộ trình, tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất; đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 định hướng lớn mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Theo đó, Việt Nam xây dựng các luật, nghị định, hướng dẫn là để thể chế hóa, đưa chủ trương, đường lối của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, không thể để thực trạng cồng kềnh, chồng chéo tiếp tục diễn ra.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phải đảm bảo thể chế trở thành đòn bẩy, động lực, huy động nguồn lực tổng hợp cho phát triển, gồm nguồn lực con người, nguồn lực tự nhiên, nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thể chế phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
“Trong đó, mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, cần thực hiện đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng đơn giản, nhanh chóng, kịp thời, theo kịp với diễn biến tình hình cuộc sống.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, các luật, quy định không nên có phạm vi điều chỉnh quá rộng, đối tượng tác động quá lớn mà phải ngắn gọn, cụ thể, rõ đối tượng, dễ thực hiện, dễ điều chỉnh.
Đáng chú ý, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với chịu trách nhiệm và gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
“Phải chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng và hoàn thiện thể chế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với quá trình tổ chức thực thi pháp luật phải quán triệt nội dung đến từng đối tượng, từng phạm vi điều chỉnh, đồng thời tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật.
“Việc vận dụng pháp luật phải sáng tạo, linh hoạt phù hợp với điều kiện, lấy lợi ích quốc gia dân tộc là trước hết, trên hết”, Thủ tướng kết luận.
Vì sao Phú Thọ kỷ luật 4 cán bộ Công an?
Hôm nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông tin, ngày 30/8, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Thọ đã ra quyết định thi hành kỷ luật đối với 4 cán bộ Công an.
Trong số này, có 3 cán bộ nguyên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh và 1 cán bộ nguyên Phó đội trưởng, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Thọ quyết định kỷ luật khiển trách đối với loạt cán bộ.
Trong đó, có ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Chi bộ, cấp hàm Trung tá, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy Công an Thị xã Phú Thọ (nguyên Phó đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Phú Thọ).
Ông Đỗ Thanh Tùng, cấp hàm Đại úy, Phó trưởng Công an xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Phú Thọ).
Ông Đỗ Việt Tuyên, Thượng úy, cán bộ Công an phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Phú Thọ).
Ủy ban Kiểm tra tỉnh Phú Thọ chỉ rõ, năm 2018, khi còn là cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Phú Thọ 3 cán bộ Công an trên đã thiếu trách nhiệm, không thẩm tra, xác minh làm rõ nguồn gốc hàng hóa tạm giữ dẫn đến việc Đội Quản lý thị trường cơ động tỉnh Phú Thọ xác định, ban hành quyết định trả lại hàng hóa cho Công ty TNHH đầu tư AMY Việt Nam (địa chỉ tại số 23, ngõ 222, phố Lê Duẩn, P.Khâm Thiên, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội).
Điều này là không đảm bảo căn cứ, gây thất thoát ngân sách nhà nước, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Thọ.
Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Phú Thọ cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối ông Đỗ Trí Hùng, cấp hàm Thiếu tá, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp Công an huyện Yên Lập (nguyên Phó đội trưởng - Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Thọ).
Được biết, ông Đỗ Trí Hùng, năm 2019, với cương vị là Phó đội trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Thọ đã chưa thực hiện đúng trách nhiệm trong việc tham gia phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 3 tàu chở bán dầu trái phép tại Cảng Sông Lô, huyện Đoan Hùng.
“Vi phạm của các đồng chí trên đã làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Công an tỉnh Phú Thọ và cá nhân”, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Thọ kết luận.