"Các bạn sẽ có khả năng bắn hạ tên lửa của Nga". Mỹ viện trợ những gì cho Ukraina?
© Ảnh : Ministry of Defence of UkraineQuân đội Ukraina
© Ảnh : Ministry of Defence of Ukraine
Đăng ký
Mỹ có ý định tăng cường tiềm lực phòng không của Ukraina bằng vũ khí của Israel. Một số nghị sĩ Mỹ đã đề xuất cung cấp cho Kiev hai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến thuật "Vòm Sắt” (Iron Dome), tờ Politico viết. Sửa đổi tương ứng có thể được đưa vào Dự luật quốc phòng năm 2022.
Nhà Trắng chưa xác nhận thông tin truyền thông về điều này. Tuy nhiên, không có gì bí mật rằng, đã từ lâu chính quyền Ukraina yêu cầu những người bảo trợ phương Tây trang bị các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại để "chống lại sự xâm lược của Nga". Sau đây là tài liệu của Sputnik về triển vọng của sáng kiến này.
Món hàng vô dụng
Dự kiến, việc cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraina sẽ được tài trợ riêng và không nằm trong gói viện trợ quân sự trị giá 275 triệu USD đã được Quốc hội thông qua hồi tháng Ba. Theo nguồn tin của báo chí Mỹ, Washington sẽ chuyển giao cho Kiev hai hệ thống tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) mà Lầu Năm Góc đã mua từ Israel vào năm 2019. Các hệ thống này không thể tích hợp vào hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân sự mới của Hoa Kỳ do phần mềm không phù hợp.
© AP Photo / Dan BaliltyHệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm Sắt”
Hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm Sắt”
© AP Photo / Dan Balilty
Ý muốn của các nghị sĩ chuyển giao cho ai đó món đồ đắt tiền này là điều khá dễ hiểu. Tại sao phải chi tiền cho việc bảo trì một hệ thống phòng không vô dụng, nếu có khả năng làm cho bên khác gánh vác chi phí này? Ngoài ra, trước đây Mỹ đã nhiều lần chuyển giao cho Kiev các thiệt bị quân sự đã qua sử dụng. Ví dụ, Hoa Kỳ đã bàn giao cho Ukraina 2 tàu tuần tra lớp Island đã qua sử dụng, cũng như vài chục xe bọc thép Humvee đời cũ.
"Cả hai đảng đều đồng ý rằng, cần phải giúp Ukraina tạo ra một hệ thống phòng không hiện đại và hiệu quả, - một nguồn tin nói với Politico. - Chúng tôi có thể và cần phải làm nhiều hơn nữa. Tất nhiên, điều này sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ của Ukraina và NATO với Matxcơva, nơi mà hệ thống Iron Dome chắc chắn sẽ bị coi là một mối đe dọa. Chúng ta cần phải cải thiện khả năng phòng thủ của đồng minh. Tuy nhiên, Quốc hội chưa đưa ra quyết định, sửa đổi tương ứng vẫn chưa được xem xét".
Bộ Ngoại giao Nga bình luận về khả năng cung cấp hệ thống phòng không Vòm Sắt cho Kiev. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko tuyên bố, "việc Ukraina tăng cường lực lượng quân đội, đặc biệt là nhận được sự hỗ trợ lớn từ bên ngoài, không đóng góp vào một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở phía đông nam Ukraina". Tuy nhiên, ngay cả nếu các nghị sĩ Mỹ quyết định cung cấp Iron Dome cho Kiev, thì lực lượng vũ trang Ukraina cũng khó có thể vận hành các tổ hợp Israel, vì đây là những vũ khí rất đắt tiền.
Hệ thống đắt hơn vàng
Hệ thống phòng không / phòng thủ tên lửa chiến thuật Vòm Sắt đã được phát triển vào những năm 2000 để bảo vệ Israel khỏi các tên lửa có tầm bắn từ 4 đến 70 km. Khẩu đội Iron Dome bao gồm một radar mảng pha quét điện tử đa năng, một đài chỉ huy và ba bệ phóng với 20 tên lửa đánh chặn Tamir. Qua nhiều năm hoạt động, hệ thống Iron Dome đã chứng minh rằng, đây là một phương tiện bảo vệ đáng tin cậy - 90% tên lửa đạt tầm bắn của nó đã bị bắn hạ.
Lần gần đây nhất, hệ thống này đã được sử dụng vào tháng 5 năm nay để chống lại các chiến binh Hamas. Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), hầu như tất cả các mục tiêu đe dọa các thành phố của Israel đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, Vòm Sắt mặc dù chặn được số lượng đáng kể nhưng các cuộc tấn công lớn liên tục cho thấy khả năng của Iron Dome là có hạn. Các khẩu đội Iron Dome đã hoạt động hết công suất. Và không biết mọi việc sẽ kết thúc như thế nào nếu “giai đoạn nóng” kéo dài thêm vài tuần nữa.
Hamas dựa vào vũ khí giá rẻ và các cuộc pháo kích lớn. Các rocket Qassam do Hamas tự chế chỉ có giá 1.000 -2.000 USD/quả, trong khi tên lửa Tamir có giá 50.000 - 60.000 USD/quả. Hơn nữa, tổ hợp Vòm Sắt thường chọn cách phóng hai tên lửa Tamir để diệt một mục tiêu. Theo các chuyên gia, trong 11 ngày diễn ra cuộc chiến, Israel đã phóng các tên lửa với tổng trị giá 150 triệu USD. Ngay cả đối với một quốc gia có ngân sách quân sự 20 tỷ USD, đây là khoản tiền lớn. Và đối với Ukraina, nước đã chi tiêu cho quốc phòng ít hơn 4 lần vào năm 2020, khoản tiền lớn như vậy là quá khả năng chi trả.
Một mũi tên trúng hai đích
Bất chấp quy luật khách quan, Ukraina vẫn mơ ước về một vũ khí thần kỳ từ nước ngoài. Vào tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Andrei Taran đã cho biết rằng, Ukraina đang tiến hành cuộc đàm phán về Iron Dome. Theo ông, "các sự kiện ở Israel đã cho thấy rằng, việc sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa là ưu tiên cấp bách”. Tuy nhiên, Nga không phải là Hamas. Và hiệu quả của hệ thống phòng không Israel trong cuộc xung đột với một đối phương mạnh hơn nhiều là rất đáng nghi ngờ. Các chuyên gia Mỹ cũng đồng ý với điều này.
© AFP 2023 / Anatolii StepanovQuân đội Ukraina tập trận gần Mariupol
Quân đội Ukraina tập trận gần Mariupol
© AFP 2023 / Anatolii Stepanov
“Trong cuộc đối đầu với Nga, hệ thống Iron Dome sẽ chỉ có hiệu quả hạn chế, - chuyên gia Michael Kofman từ Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ nhận định. - Quân đội Nga thường huy động ồ ạt pháo binh trong các cuộc chiến và có thể dễ dàng chế áp các vị trí của hệ thống phòng không Ukraina, chỉ đơn giản bằng cách làm quá tải các radar của họ với số lượng lớn các mục tiêu. Đủ để Nga sử dụng một vài khẩu đội với hệ thống pháo phản lực phóng loạt. Tất nhiên, hệ thống Vòm Sắt có thể bao phủ trung tâm chỉ huy hoặc bất kỳ cơ sở hạ tầng quan trọng nào, nhưng, người Ukraina khó có thể duy trì hoạt động của Vòm Sắt trong thời gian dài”.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Alexei Leonkov cho biết rằng, vào thời điểm hiện tại, Lực lượng vũ trang Ukraina chỉ có các hệ thống phòng không do Liên Xô sản xuất. Sau khi cắt đứt quan hệ với Nga, chuỗi cung ứng phụ tùng và đạn dược đã sụp đổ, các hệ thống phòng không của Ukraina không được bảo dưỡng đúng cách. Hiện Kiev muốn tìm giải pháp thay thế ở phương Tây. Nhưng, không thành công.
Vào năm 2018, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu quân sự và công ước giải trừ quân bị Ukraina Valentin Badrak đã cho biết rằng, một số tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ sẽ đẩy nhanh quá trình gia nhập NATO của nước này. Vào tháng 4 năm 2021, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraina Andriy Yermak đã than thở rằng, Hoa Kỳ đang triển khai các hệ thống phòng không ở Ba Lan, nhưng, "lẽ ra chúng phải được triển khai" ở Ukraina.
Mỗi lần cũng vậy, Washington không đáp lại các yêu cầu của Kiev. Tuy nhiên, nếu Quốc hội Mỹ chấp thuận việc chuyển giao hệ thống Vòm Sắt cho Ukraina, Nhà Trắng có thể trúng hai đích bằng một mũi tên. Thứ nhất, với nghĩa cử cao đẹp này - ủng hộ đồng minh của mình, Washington sẽ cải thiện đôi chút hình ảnh bị tổn hại của mình sau khi tháo chạy khỏi Afghanistan. Thứ hai, quyết định này sẽ giúp loại bỏ các thiết bị quân sự không cần thiết. Ngoài ra, Mỹ chắc chắn rằng, hệ thống Iron Dome không thể mang lại cho Lực lượng vũ trang Ukraina một lợi thế nghiêm trọng trên chiến trường, có nghĩa là không nên lo lắng trước phản ứng cứng rắn từ phía Matxcơva.