Thầy giáo ở Đồng Nai xin nghỉ việc vì nền giáo dục ‘dối trá’, xã hội cần được biết sự thật

© Depositphotos.com / AlphaspiritHọc sinh trong lớp
Học sinh trong lớp - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.10.2021
Đăng ký
Dư luận Việt Nam đang xôn xao về việc thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên tiếng Anh, Trường tiểu học An Lợi, Long Thành, Đồng Nai xin nghỉ việc vì thấy ‘tởm’ do ‘vấn nạn dối trá’ và có quá nhiều điều phi giáo dục trong môi trường giáo dục.
Nhiều luồng dư luận trái chiều về lá đơn xin nghỉ việc của thầy Lê Trần Ngọc Sơn ở Đồng Nai. Người khen thì cho rằng thầy dũng cảm, người chê ngôn từ phản cảm, cả giận mất khôn.
Nhiều chuyên gia, giáo viên mong sự việc sớm điều tra, làm sáng tỏ, minh bạch. Nếu đúng như những gì thầy Sơn tố cáo, cần xem xét trách nhiệm các bên liên quan, đặc biệt là cần ngăn chặn và xóa bỏ đi vấn nạn ‘bệnh thành tích’, gian lận thi cử, kết quả học tập trong môi trường giáo dục.

Vì sao thầy giáo ở Đồng Nai phải xin nghỉ việc?

Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới nói chung, giáo dục vẫn luôn được xem là “quốc sách” hàng đầu ở các quốc gia chính vì sản phẩm của giáo dục là con người, cốt lõi, cái gốc để giải quyết và phát triển các vấn đề xã hội, xây dựng tương lai đất nước.
Những ngày qua, lá đơn xin nghỉ của thầy Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên môn tiếng Anh, Trường tiểu học An Lợi, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, không chỉ gây xôn xao cộng động mạng mà còn được dư luận quan tâm rất nhiều.
Câu chuyện của thầy Lê Trần Ngọc Sơn, người thì khen “dũng cảm”, người thì cho rằng “giận quá mất khôn”, hay “lời lẽ phản cảm”.
Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.06.2019
Phó giám đốc Sở ở Bình Định bặt tích nghi nợ nần, gửi đơn xin nghỉ việc
Tuy nhiên, nhìn rộng ra, đó vẫn là một trong những vấn đề đáng chú ý nhất của nền giáo dục Việt Nam – học thật, thi thật, làm thật – chứ không phải ‘bệnh thành tích, gian lận thi cử, dối trá lừa lọc nhau’, chạy chọt để thăng quan tiến chức, làm mục ruỗng đạo đức xã hội.
Trong đơn xin thôi việc, ông Sơn đề nghị các cấp có thẩm quyền cho thôi việc từ 1/11 theo chế độ, với lý do không chịu được những bất cập trong môi trường giáo dục mà phi giáo dục, nơi ông đang làm việc.
“Công tác trong một cơ sở giáo dục, nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ”, thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn thẳng thắn viết trong đơn.
Được biết, thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn đã có thâm niên 24 năm giảng dạy, công tác tại hai trường THCS ở huyện Long Thành, TP. Biên Hòa trước khi về Trường Tiểu học An Lợi.
Thầy Sơn cho biết, việc xin nghỉ việc là do đã nhiều lần phản ánh sai phạm về tài chính, quy chế chuyên môn, vấn đề thi đua của Trường Tiểu học An Lợi nhưng không được cơ quan chức năng giải quyết.
Thầy giáo tiếng Anh này cho biết thêm, Ban Giám hiệu còn vu khống và tố cáo thầy đến Công an, nhưng thầy đưa ra được các bằng chứng liên quan. Ông Lê Trần Ngọc Sơn cho biết, khi thầy đưa ra bằng chứng tố cáo về việc làm giả biên bản tiêu chí thi đua, trù dập giáo viên thì không được huyện (Long Thành) xử lý đến nơi đến chốn, bản thân lại bị hù dọa.
“Họ còn thách thức tôi nhiều thứ nên tôi mới viết đơn và nói trong đơn rằng có ‘quá nhiều điều phi giáo dục’, ‘vấn nạn dối trá’”, thầy Lê Trần Ngọc Sơn bức xúc nói.

Hiệu trưởng cho thầy Lê Trần Ngọc Sơn nghỉ việc đã đúng quy định?

Dưới đơn của thầy Sơn là phần bút phê, có ký tên đóng dấu của ông Nguyễn Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường tiểu học An Lợi, theo đó chấp thuận cho thầy Sơn nghỉ theo nguyện vọng.
Nhà trường cũng đề nghị kế toán liên hệ cơ quan có thẩm quyền để giải quyết chế độ chính sách cho ông Sơn.
Liên quan vấn đề này, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Long Thành Nguyễn Văn Toàn đã xác nhận có sự việc trên. Tuy nhiên, ông Toàn cho rằng việc hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tùng bút phê giải quyết cho ông Sơn nghỉ việc ngay trên tờ đơn là chưa đúng quy trình và đã "chỉ đạo nhà trường cho rút lại đơn xin nghỉ việc của ông Sơn".
Trước cách giải quyết chấp thuận cho thầy Sơn nghỉ việc của hiệu trưởng, nhiều ý kiến dư luận thắc mắc việc xin nghỉ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng phải theo quy định pháp luật với các lý do đã được nêu rõ.
Theo đó, nếu căn cứ dựa trên lý do “công tác trong một cơ sở giáo dục nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, nhất là vấn nạn dối trá” mà Hiệu trưởng Trường tiểu học An Lợi vẫn ký đồng ý cho nghỉ việc là chưa đúng quy định.
Đoàn Ngọc Hải - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.10.2019
Ông Đoàn Ngọc Hải không phối hợp giải quyết đơn xin nghỉ việc
Điều 29 Luật Viên chức năm 2010 nêu rõ, viên chức được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong các trường hợp như không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc; không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc; không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc; bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động.
Ngoài ra, viên chức cũng được xem xét cho nghỉ việc nếu bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng; viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh; viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 3 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
Trao đổi với báo chí những ngày qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Thành chưa nắm rõ sự tình vụ việc.
Dư luận đặt câu hỏi, trong trường hợp này, việc Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lợi ký chấp thuận cho thôi việc và xử lý như vậy với đơn của giáo viên theo đại diện phòng GD&ĐT huyện Long Thành có đúng quy định hay không.
Ngày 11/10, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo Long Thành khẳng định chưa nhận đơn, chưa nghe báo cáo gì về vụ việc của thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn. Tuy nhiên, vị lãnh đạo khẳng định sẽ làm việc lại với Hiệu trưởng để xác minh.
Nói về mâu thuẫn giữa Ban Giám hiệu trường tiểu học An Lợi và thầy Sơn, cùng những tố cáo của thầy giáo này, ông Toàn cho biết, những nội dung tố cáo của ông Lê Trần Ngọc Sơn đã được thanh tra huyện kết luận xử lý.
“Nội dung tố cáo có đúng, có sai. Do mâu thuẫn nên huyện đã có ý định luân chuyển công tác ban giám hiệu thì xảy ra việc này”, ông Nguyễn Văn Toàn nói.
Được biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Thành chỉ đạo cho rút lại đơn xin nghỉ việc của giáo viên Lê Trần Ngọc Sơn. Sau đó, nếu giáo viên này vẫn muốn xin nghỉ việc thì nhà trường có thể giải quyết với lý do phù hợp theo quy định, đúng quy trình.
Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Văn Tiếp cũng đã nắm thông tin vụ việc của thầy Sơn và chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo vào cuộc, làm việc với nhà trường, nắm tâm tư nguyện vọng của thầy Sơn.
Trả lời về việc vì sao đơn thư tố cáo của thầy Sơn không được giải quyết dứt điểm, Chủ tịch huyện Long Thành cho biết, trước đây UBND huyện đã có xử lý việc mất đoàn kết nội bộ và đã luân chuyển một hiệu phó đi trường khác. Đối với những việc thầy Sơn cho rằng còn chưa thỏa đáng, huyện sẽ cho rà soát lại toàn bộ các sự việc mà thầy Sơn phản ánh để xử lý theo đúng các quy định.

Sự đơn độc và thiếu thấu hiểu

Chia sẻ xoay quanh vụ việc trên, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng, trước những gì mà thầy Sơn viết trong đơn, cô không sốc nhưng thấy buồn.
Cô Thảo cho rằng, nhìn một cách khách quan, sự việc là đỉnh cao của mâu thuẫn khi thiếu sự lắng nghe của hai bên. Chia sẻ với Tiền phong, nữ giáo viên nêu quan điểm, việc thầy Sơn làm đơn xin nghỉ là “giọt nước tràn ly”. Theo cô, theo thời gian, nếu mâu thuẫn không được giải quyết thì sẽ đi đến xung đột tất yếu. Nếu trước đó, hai bên thẳng thắn trao đổi và cùng nhau giải quyết vấn đề thì câu chuyện không đi xa như vậy.
“Ở góc độ giáo viên, tôi thấy buồn và đau thật sự khi thời gian cống hiến và công tác trong ngành không phải là ngắn mà có lẽ không hiểu hết được tâm tư của thầy nên thầy đã viết những dòng có phần nặng nề và đau lòng như thế để kết thúc sự nghiệp nghề giáo của mình”, cô Thảo nói.
Nữ giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM nhận định, mọi việc không hay xảy ra trong môi trường giáo dục đều có nguyên do từ việc không làm tốt công tác quản lý và người giáo viên không được tôn trọng.
Về việc lá đơn của thầy Sơn có những từ hơi “nặng” khi nói về ngành, cô Thảo cho rằng, có thể do cá tính của thầy và sự thẳng thắn quá mức nên thầy Sơn đã viết như thế.
“Đợt trước thầy giáo xin ra khỏi công đoàn và cũng một mình để đấu tranh. Tôi nghĩ đều xuất phát từ sự đơn độc và không có sự thấu hiểu”, cô Thảo bày tỏ.

Người khen dũng cảm, người chê “phản cảm”

Những ngày qua, lá đơn của thầy Sơn lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt và nhiều luồng ý kiến, quan điểm thảo luận trái chiều.
Có người cho rằng, mình bị “sốc” bởi cách dùng từ “tởm” của thầy giáo ở Đồng Nai. Theo họ, ông Lê Trần Ngọc Sơn là thầy giáo, công tác trong môi trường giáo dục nhưng từ ngữ sử dụng lại “quá phản cảm”, thậm chí mang tính “chợ búa”, trong khi đây là đơn đề nghị xem xét được nghỉ việc.
Những người góp ý về ngôn từ cho thầy Sơn cũng cho rằng, nhà giáo là người truyền đạt trí thức, giáo dục đến trẻ em. Không chỉ hành vi mà cả lời ăn tiếng nói cũng cần phải đúng chuẩn mực, từ đó mới có thể làm gương để dạy dỗ học trò.
Trường học ở Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.05.2021
Kết luận vụ 11 giảng viên Khoa Hàn Quốc học nghỉ việc tại trường ĐHQG TPHCM
Tuy vậy, trong đơn xin nghỉ việc, thầy Sơn đã dùng một số từ ngữ mang tính nhạy cảm, phản giáo dục.
Trong khi đó, nhiều người khác lại đánh giá quan điểm được thầy Sơn nêu trong đơn là “rất dũng cảm”, đó là thực trạng bấy lâu nay của nền giáo dục nước nhà, chúng ta phải nhìn nhận khách quan, tổng thể và đi vào bản chất của sự việc.
Nhiều người công tác ngoài ngành giáo dục, hay cả nhiều giáo viên, cũng cho rằng, thầy Lê Trần Ngọc Sơn đã rất dũng cảm để không chỉ nói lên nguyện vọng của bản thân mà còn cả những mặt trái còn tồn tại trong nền giáo dục Việt Nam.
Theo cô giáo Hoàng Thị Oanh, trường THPT Nguyễn Khuyến TP. Hà Nội bày tỏ, nhiều năm trở lại đây, nhiều vụ việc dối trá, gian lận thành tích, thi cử bị bóc trần, nhiều cán bộ giáo dục vướng vòng lao lý.
Đã có rất nhiều bài viết trên các diễn đàn, hội thảo, các công trình nghiên cứu khoa học chia sẻ các câu chuyện về thực trạng, quan điểm, đề xuất các giải pháp chữa “bệnh thành tích” và những tiêu cực trong giáo dục của các nhà giáo, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân.
“Thế nhưng, những hiện tượng tiêu cực vẫn chưa thấy có dấu hiệu giảm xuống. Nạn dối trá "làm đau" nền giáo dục nước nhà, gây tổn thất lớn về của cải, vật chất cũng như công sức và nhân tài”, cô giáo Hoàng Thị Oanh nhấn mạnh.
Đối với trường hợp của thầy Sơn, nữ giáo viên này cho rằng, các cấp lãnh đạo, cụ thể ở đây là UBND huyện, Phòng GD&ĐT huyện Long Thành cần nhanh chóng vào cuộc, công tâm thanh tra để có kết luận khách quan, trung thực, công bằng. Khi đó, ai sai, ai đúng sẽ được sáng tỏ.

Không phải ai đúng ai sai mà xã hội cần được biết sự thật

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai nên vào cuộc, cần làm cụ thể những điều thầy Sơn nêu trong đơn xin nghỉ việc “dối trá” ở đâu, “phi giáo dục” ra sao.
Theo chuyên gia bày tỏ với Dân trí, thực tế, ngành giáo dục đã xảy ra nhiều vụ việc, vì những bất đồng, bức xúc mà nhà giáo phải chuyển đi nơi khác, thậm chí xin nghỉ việc. Tức là vấn đề này, ta vẫn chưa giải quyết triệt để, các công đoàn giáo dục cấp huyện, tỉnh chưa vào cuộc để giáo dục cũng như bảo vệ giáo viên.
“Do đó, tôi mong qua vụ việc này, cần phải làm đến nơi đến chốn. Nếu thực sự giáo viên đấu tranh chống tiêu cực thì cần được bảo vệ”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nói và nhấn mạnh chỉ có như vậy, môi trường giáo dục mới có thể trong sáng, không bị vẩn đục.
Trong khi đó, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM cho rằng, việc xin nghỉ là quyền của người lao động và phải được tôn trọng. Còn việc nếu lá đơn có không đúng kỹ thuật trình bày một văn bản thì cũng không nên vì không thể bắt họ viết như một bài văn mẫu.
Theo thầy Phú, tạm bỏ qua những từ thiếu chuẩn mực thì nội dung lá đơn đã phần nào nói lên một vấn đề nhức nhối kéo dài mang tên "vấn nạn dối trá" trong giáo dục.
“Ở đây không nên đánh giá ai đúng ai sai, mà vấn đề là phải làm sáng tỏ vụ việc này để xã hội được biết”, thầy Phú nhấn mạnh.
Trong trường hợp này, trách nhiệm hiện đã không phải ở nhà trường nơi thầy Sơn công tác, mà nằm ở phòng giáo dục của trường đó. Trước đơn xin nghỉ của thầy Sơn, phòng giáo dục phải có động thái xử lý. Có thể nhờ lá đơn của thầy Sơn mà nhiều vấn đề sẽ được làm rõ.
Theo thầy Phú, đến lúc này, nhà trường có giải quyết cho thầy Sơn nghỉ hay không đã không còn quan trọng. Vấn đề là phòng giáo dục phải có trách nhiệm làm rõ những uẩn khúc trong vụ việc này. Vì lá đơn có liên quan đến vấn đề đạo đức trong ngành giáo dục, là vấn đề đã lâu không được giải quyết để đến mức “giọt nước tràn ly”.
Thầy Phú cho rằng, người ngoài cuộc không nên suy diễn hay suy nghĩ lệch lạc về người thầy hay môi trường sư phạm khi chưa nắm được cụ thể tình hình. Nhưng vụ việc này rất cần được làm sáng tỏ để rút kinh nghiệm một cách minh bạch, triệt để.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала