‘Vũ khí’ nào giúp Việt Nam chống chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông?
Đăng ký
Đối với “sóng ngầm” ở Biển Đông, chuyên gia đề xuất chiến thuật mới giúp Việt Nam có thể chống lại sức ảnh hưởng của chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc.
Theo Thạc sĩ Luật Quốc tế Hoàng Việt, Đại học Luật TP.HCM, ngoài việc giữ quan hệ hòa bình, ổn định với Trung Quốc, tăng cường hợp tác với nhiều nước lớn, Việt Nam cần phải phát triển kinh tế biển bền vững cũng như sở hữu đội tàu hùng mạnh.
Tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng
‘Sóng ngầm’ khiến tình hình Biển Đông luôn khó lường. Những hành động đơn phương gây phức tạp, mất ổn định ở vùng biển này của Trung Quốc càng khiến Việt Nam và các quốc gia có chung tranh chấp chủ quyền ngày càng quan ngại hơn.
Bình luận về tình hình Biển Đông, chuyên gia Luật Quốc tế, Thạc sĩ Hoàng Việt, thuộc Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu các tranh chấp trên biển Đông, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông kiêm cố vấn học thuật của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa, Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ âm mưu độc chiếm vùng biển này, đặc biệt, việc áp dụng chiến thuật “vùng xám” của Bắc Kinh ngày càng rõ nét, do đó, Việt Nam cần sớm có chiến lược ứng phó.
Ông Hoàng Việt lưu ý, năm 2021, tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, căng thẳng, nhất là các hành động nguy hiểm của Trung Quốc vẫn tiếp diễn.
Chuyên gia Luật Quốc tế của Việt Nam cho rằng, Bắc Kinh hiện vẫn đang tích cực sử dụng lực lượng dân quân biển để thúc đẩy yêu sách lãnh thổ và gây sức ép theo cách khó có thể chống lại bằng vũ lực.
“Mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc vẫn là độc chiếm Biển Đông”, nhà nghiên cứu các tranh chấp biển đảo Hoàng Việt cho biết.
Đáng chú ý, Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định về chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc rất xác đáng, cho rằng, để tránh sự công kích từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật đặc biệt này – vừa có thể đạt được mục đích mà không bị coi là “xâm chiếm bằng vũ lực” ở Biển Đông.
Biển Đông
11 Tháng Một, 17:45
Chiến thuật “vùng xám” là gì? Chuyên gia Michael Green thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, đây là những hành vi cao hơn hoạt động răn đe thông thường nhằm đạt được các mục tiêu an ninh nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng có thể gây ra các phản ứng vũ trang.
Cùng với đó, về nguyên tắc, các hoạt động “vùng xám” đều liên quan đến việc cố ý theo đuổi các mục tiêu chính trị thông qua các hoạt động được lên kế hoạch cẩn thận, hành động thận trọng hướng tới mục tiêu.
Các bên theo đuổi chiến thuật “vùng xám” đều sẽ khôn ngoan tìm cách nhanh chóng đạt được các kết quả mang tính quyết định thì duy trì hoạt động dưới ngưỡng chiến tranh và sử dụng mọi công cụ sức mạnh quốc gia, bao gồm các công cụ phi quân sự.
Dân quân biển Trung Quốc và chiến thuật “vùng xám”
Giới quan sát thời gian qua cũng nhận định rằng, ở khu vực Biển Đông, Trung Quốc hiện vẫn đang sử dụng Lực lượng dân quân biển có vũ trang (PAFMM), hạm đội đánh cá có vũ trang trong chiến thuật "vùng xám”.
Tất cả những lực lượng này thông qua chiến thuật “vùng xám” giúp khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp. Trong bài phân tích được VOV đăng tải, chuyên gia Hoàng Việt nhắc lại việc sử dụng lực lượng dân quân biển của Trung Quốc trước đó đã được nhấn mạnh và nêu rõ trong một báo cáo do Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược đưa ra vào ngày 18/11/2021. Đồng thời, báo cáo này đã đưa ra một bức tranh rõ nét hơn về cách thức lực lượng dân quân biển hoạt động và được tài trợ để đảm bảo “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông như thế nào.
Thực tế, lực lượng dân quân biển này bao gồm cả tàu dân quân chuyên nghiệp và tàu đánh cá thương mại được tuyển mộ cho hoạt động dân quân. Chuyên gia quốc tế cũng như các nhà làm luật Việt Nam hiểu rất rõ rằng, các tàu này của Trung Quốc đều cải trang thành tàu đánh cá và đi cùng nhau với số lượng lớn trong các vùng biển tranh chấp. Thạc sĩ Hoàng Việt nhắc lại, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc bắt đầu thực hiện phòng thủ bờ biển từ những năm 1950.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ngay từ những năm 1970, lực lượng dân quân biển Trung Quốc được Chính phủ hỗ trợ về nhiên liệu, xây dựng và sửa chữa, đồng thời đã phát triển về quy mô, phạm vi và trở thành công cụ giúp Bắc Kinh khẳng định các yêu sách lãnh thổ và hàng hải của họ.
“Thậm chí, trong suốt những năm 2000, lực lượng dân quân này đã chuyển trọng tâm sang do thám và quấy rối hoạt động quân sự nước ngoài mà Bắc Kinh phản đối”, các báo cáo của CSIS chỉ rõ.
Báo cáo của CSIS cũng đã trích dẫn các trường hợp tàu dân quân tình nghi của Trung Quốc đâm vào tàu thuyền nước ngoài, làm hỏng hệ thống sonar hoặc thiết bị thăm dò của họ, ném các mảnh vỡ trên đường đi, phun vòi rồng, và tham gia vào các hoạt động gây nguy hiểm khác.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng khẳng định rằng, các tàu dân quân biển này được xây dựng có mục đích và đội tàu đánh cá thương mại, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã “bùng nổ về số lượng” song song với việc Bắc Kinh đưa ra tuyên bố ngày càng quyết đoán đối với gần như toàn bộ vùng Biển Đông.
Điểm nhấn ở đây chính là việc lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã được các chuyên gia mô tả là một ví dụ điển hình về chiến thuật “vùng xám” nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền của họ ở những khu vực mà các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền mà không cần tham gia vào chiến tranh truyền thống.
“Ngược lại, lực lượng dân quân cũng cho phép Trung Quốc phớt lờ các công ước quốc tế về vùng biển quốc tế, cũng như phán quyết mang tính bước ngoặt năm 2016 của Tòa Trọng tài ở La Haye, theo đó bác bỏ tuyên bố lịch sử của Bắc Kinh đối với Biển Đông theo cái gọi là Đường 9 đoạn”, chuyên gia Việt Nam tái khẳng định.
Sputnik từng dẫn quan điểm của Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhận định về chiến thuật “vùng xám” của Bắc Kinh. Theo tướng Quân, việc Trung Quốc tăng cường dân quân biển là âm mưu dần kiểm soát, tiến tới độc chiếm Biển Đông, biến vùng biển tranh chấp thành nơi thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.
Từ năm 2009, Trung Quốc đã đưa dân quân biển tham gia nhiều vụ đụng độ đáng chú ý trên Biển Đông, như quấy rối tàu Impeccable của Mỹ năm 2009 tại phía nam đảo Hải Nam, hỗ trợ hải quân Trung Quốc chiếm bãi cạn Scaborough năm 2012, hỗ trợ tàu Hải Dương 981 thăm dò trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 2014, đánh cá trộm tại vùng biển Indonesia năm 2016 hay quấy rối tàu thăm dò dầu khí của Malaysia tại bãi Luconia năm 2019.
Đặc biệt, lực lượng này còn hộ tống, bảo vệ tàu Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi Ba Hao) hoạt động thăm dò trái phép tại Bãi Tư Chính của Việt Nam tháng 7/2019.
© Ảnh : China Geological Survey Tàu Hải Dương Địa Chất 8
Tàu Hải Dương Địa Chất 8
© Ảnh : China Geological Survey
Trung Quốc cho tàu dân quân biển đâm va, quấy rối tàu nước ngoài hoạt động trong “đường 9 đoạn” phi pháp, để củng cố sự hiện diện ở Biển Đông.
“Trung Quốc lợi dụng việc các nước kiềm chế tránh leo thang xung đột để thực hiện mưu đồ riêng của mình”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.
Giữ hòa khí với Trung Quốc
Theo ông Hoàng Việt, Việt Nam nhận thức rõ rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng chiến thuật “vùng xám” để nhằm mục đích độc chiếm Biển Đông.
Do đó, theo chuyên gia Luật Quốc tế, chiến lược sắp tới của Việt Nam trong việc chống lại “chiến thuật vùng xám” cũng sẽ tổng thể hơn.
Thạc sĩ Hoàng Việt phân tích, về đường lối ngoại giao, Việt Nam tiếp tục thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong khối ASEAN để đàm phán COC hiệu quả, thực chất, đúng luật pháp quốc tế.
Cần nhấn mạnh rằng, COC phải có tính pháp lý ràng buộc, trong đó nêu rõ các nước không xây dựng đảo nhân tạo; không quân sự hóa các thực thể; không chặn các tàu chở hàng tiếp tế hoặc luân chuyển nhân sự; không thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ); không đe dọa sử dụng vũ lực khi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
“Đồng thời, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với các nước lớn trong khu vực và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo, cung cấp phương tiện, trang bị bảo vệ chủ quyền biển đảo”, chuyên gia lưu ý.
© AFP 2023 / Satellite image ©2021 Maxar TechnologiesTàu Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu Trung Quốc ở Biển Đông.
© AFP 2023 / Satellite image ©2021 Maxar Technologies
Đối với mối quan hệ với Bắc Kinh, Hà Nội được cho là sẽ tiếp tục giữ hòa khí, tình cảm hữu nghị tốt đẹp.
“Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định, đề nghị quân đội hai nước cam kết không nổ súng trước”, chuyên gia Việt khẳng định.
Bên cạnh đó, là quốc gia theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam hiện cần tranh thủ các diễn đàn quốc tế, khu vực để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trong đó, cần tập trung phân tích rõ ý đồ trong chiến thuật “vùng xám”, làm rõ những nguy cơ của Luật Hải cảnh của Trung Quốc.
“Lực lượng Hải quân (Việt Nam – PV) nên mở rộng tham gia diễn tập quốc tế (RIMPAC) để hội nhập sâu hơn cũng như xây dựng các mạng lưới đối tác ở khu vực”, Thạc sĩ Việt đề xuất.
Như Sputnik đã thông tin trước đó, trong hầu hết các tuyên bố chính thức hay tại cuộc hội đàm cấp cao gần nhất giữa lãnh đạo Bộ Ngoại giao hai nước Việt Nam – Trung Quốc, cả Hà Nội và Bắc Kinh đều nhất trí “kiểm soát tốt bất đồng ở Biển Đông”.
Cụ thể, hôm 2/12, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tại Chiết Giang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã gặp trực tiếp và trao đổi thẳng thắn với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong đó có đề cập đến các vấn đề còn xung đột ở Biển Đông.
© Ảnh : TTXVN - Lê Mạnh CườngBộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị
© Ảnh : TTXVN - Lê Mạnh Cường
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Vương Nghị đã thảo luận cởi mở và thẳng thắn về vấn đề biên giới lãnh thổ, qua đó, hai bên nhất trí tuân thủ nghiêm túc các văn kiện pháp lý, phối hợp quản lý tốt biên giới trên đất liền, kịp thời trao đổi, xử lý vấn đề nảy sinh, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển.
Đối với Biển Đông, hai bên đồng thuận tiếp tục tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực vùng biển tranh chấp.
Đại diện chính quyền Hà Nội và Bắc Kinh cũng cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tích cực thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Việt Nam cần làm gì để chống chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc?
Dẫn quan điểm của TS. Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Quốc phòng và Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore (RSIS) về lực lượng dân quân biển trong chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc, ông Việt cũng ngầm nhắc về việc phải cảnh giác trước những mưu đồ “tạo sự đã rồi” của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo TS. Koh, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc không chỉ đơn giản là hoàn thành tốt nhiệm vụ này toàn thời gian. Họ được cho là vừa có thể đánh bắt cá và vừa có thể chiến đấu.
Chuyên gia cho biết, điều này có nghĩa là trong công việc thường nhật, dân quân biển Trung Quốc có thể ở ngoài khơi thực hiện các hoạt động đánh bắt thông thường, nhưng điều này cũng buộc anh ta phải đồng thời thực hiện “sứ mệnh yêu nước của mình.
Nghiên cứu viên của Viện Quốc phòng và Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cũng đánh giá, việc tận dụng các chiến thuật vùng xám như vậy đặt ra một thách thức trực tiếp và nghiêm trọng đối với một trật tự dựa trên luật lệ, vốn tạo điều kiện cho các quốc gia tương tác với nhau và xóa bỏ mâu thuẫn khi chủ quyền của họ bình đẳng.
“Điều này có nghĩa là chúng ta chấp nhận “ưu thế thuộc về kẻ mạnh” thay vì ngược lại”, TS. Collin Koh bày tỏ.
Phân tích về góc độ pháp lý, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng, mặc dù Việt Nam và Trung Quốc chủ trương thỏa thuận giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, nhưng không có nghĩa là chỉ đàm phán ngoại giao mà còn có thể thông qua cơ chế tài phán quốc tế.
“Cùng với các nỗ lực ngoại giao, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ, tư liệu lịch sử, chứng lý... để có thể đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa án quốc tế khi cần thiết”, ông Việt lưu ý.
Cùng với đó, các lực lượng chức năng, đặc biệt là Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển, kiểm ngư, dân quân biển cần được đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa để hiện đại hóa trang thiết bị.
Chuyên gia phân tích, để đối phó với chiến thuật “vùng xám” và các tàu hải cảnh Trung Quốc thì Việt Nam cũng cần đóng mới, mua sắm các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư lớn hơn, trang bị hiện đại hơn. Chuyên gia lưu ý, các lực lượng phải luôn chuẩn bị, không để xảy ra bị động, bất ngờ trên Biển Đông. Trong khi đó, cũng phải luôn chú ý bảo vệ chủ quyền biển đảo mạn Tây Nam.
“Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự có mặt của các lực lượng lao động hòa bình trên biển, để khẳng định chủ quyền một cách vững chắc. Các lực lượng chấp pháp luôn sẵn sàng có mặt để hỗ trợ, bảo vệ ngư dân”, chuyên gia Luật Quốc tế nhấn mạnh.
Cùng với đó, ở tầm nhìn dài hạn, Việt Nam cần có chiến lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo vững chắc nhất.
Theo kiến nghị của chuyên gia Hoàng Việt, Việt Nam cần phát triển thành quốc gia có kinh tế biển giàu mạnh, với những hạm đội tàu thương mại và quân sự hùng mạnh.