Vụ Redoxy-3C: Ông Nguyễn Đức Chung lĩnh 8 năm tù sau khi nộp 10 tỷ đồng
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVNBị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lĩnh án 8 năm tù
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVN
Đăng ký
Liên quan vụ mua chế phẩm Redoxy-3C, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị tuyên án 8 năm tù. Gia đình ông Chung đã nộp 10 tỷ đồng cho Cục Thi hành án Hà Nội để bảo lãnh.
Hai bị cáo Nguyễn Trường Giang (nguyên Giám đốc Arktic) và Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) đều nhận mức án dưới khung đề nghị của Viện Kiểm sát.
Nộp 10 tỷ đồng, ông Nguyễn Đức Chung lĩnh 8 năm tù
Liên quan vụ mua chế phẩm Redoxy-3C của Cộng hòa Liên bang Đức, sau thời gian xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành tuyên phạt các bị cáo gây thiệt hại cho Hà Nội hơn 36 tỷ đồng.
Theo đó, Tòa Hà Nội đã tuyên án phạt ông Nguyễn Đức Chung 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015, sau khi đánh giá toàn diện vụ án.
Như vậy, bị cáo Nguyễn Đức Chung, cùng với hình phạt 5 năm tù trước đó do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Chung là 13 năm tù.
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVNBị cáo Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C của Cộng hòa Liên bang Đức nghe Thẩm phán, Chủ tọa Phiên tòa tuyên án
Bị cáo Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C của Cộng hòa Liên bang Đức nghe Thẩm phán, Chủ tọa Phiên tòa tuyên án
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVN
Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Trường Giang, nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Arktic - Công ty Arktic bị tuyên mức án 4 năm 6 tháng tù.
Ông Võ Tiến Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Thoát nước Hà Nội – Công ty Thoát nước Hà Nội lĩnh 4 năm tù cũng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Về trách nhiệm dân sự, Tòa tuyên buộc các bị cáo Nguyễn Đức Chung và Nguyễn Trường Giang phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự là Công ty Thoát nước Hà Nội số tiền hơn 36 tỷ đồng.
Trong đó, tòa buộc ông Nguyễn Đức Chung khắc phục hậu quả với số tiền 25 tỷ đồng. Bị cáo Giang phải bồi thường 7,1 tỷ đồng. Ông Võ Tiến Hùng phải khắc phục 4 tỷ đồng.
Trước đó, luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Đức Chung cho hay, gia đình cựu Chủ tịch Hà Nội đã nộp 10 tỷ đồng bảo lãnh tại Cục Thi hành án thủ đô, đồng thời mong Tòa gỡ một phần kê biên tài sản nhà cựu lãnh đạo Hà Nội trước đó.
Hôm nay, khi tuyên án, HĐXX nêu rõ, đã ghi nhận sự tự nguyện của gia đình bị cáo Nguyễn Đức Chung (đã nộp 10 tỷ đồng), gia đình bị cáo Nguyễn Trường Giang (đã nộp 1 tỷ đồng) cho Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Đối với việc Viện Kiểm sát đề nghị cấm các bị cáo đảm nhận chức vụ từ 3 – 4 năm sau khi chấp hành xong hình phạt, HĐXX cho rằng, hình phạt bổ sung này là không cần thiết nên không áp dụng đối với ông Chung và các bị cáo.
Vụ Redoxy-3C: Không oan, đúng người, đúng tội
Bản án sơ thẩm nêu rõ, năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác xử lý, cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội bằng cách tìm kiếm các công nghệ tiên tiến phù hợp.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung với chức năng, nhiệm vụ là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (thời điểm đó) đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức).
Cụ thể, ông Chung đã cho tổ chức Đoàn thăm quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C để sử dụng vào việc xử lý ô nhiễm nước tại thành phố Hà Nội (trên bao bì ghi Sản phẩm thiết kế đặc biệt theo đơn đặt hàng của UBND thành phố Hà Nội).
Sau đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội (là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND thành phố Hà Nội thành lập là đơn vị có chức năng xử lý ô nhiễm nước hồ) mua chế phẩm Redoxy-3C thông qua Công ty Arktic (công ty trung gian do Nguyễn Trường Giang làm giám đốc) là công ty gia đình, với động cơ vụ lợi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước với tổng giá trị thiệt hại là hơn 36 tỷ đồng.
Căn cứ vào quá trình điều tra, xét hỏi, đối chất tại tòa và lời khai các bên liên quan, Hội đồng xét xử nhận thấy đối với Arktic, doanh nghiệp này ban đầu do con trai ông Nguyễn Đức Chung (Nguyễn Đức Hạnh) lập ra, nhưng sau đó chuyển nhượng.
Tuy nhiên trên thực tế, mọi giấy tờ chuyển nhượng công ty do bà Nguyễn Thị Trúc Tri Hoa (vợ ông Chung) lo liệu, nhờ người đứng tên hộ. Từ đó, có cơ sở để khẳng định Arktic là doanh nghiệp của gia đình bị cáo Nguyễn Đức Chung.
Về phần ông Nguyễn Trường Giang, ông Chung đã tạo mọi điều kiện, để Giang tham gia đoàn công tác của UBND Hà Nội đi sang Đức tham quan, dự triển lãm xử lý ô nhiễm môi trường. Mục đích để Giang tiếp cận, tham gia vào quá trình mua bán hóa chất Redoxy 3C về bán cho Công ty Thoát nước, phục vụ xử lý vấn đề ở thủ đô.
HĐXX đánh giá, hành vi của 3 bị cáo đã đồng phạm về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
“Như vậy, VKS sát truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội”, chủ tọa Trần Nam Hà tuyên bố.
Liên quan đến công tác xác định thiệt hại, Tòa cho biết giai đoạn 2016-2019, Công ty Arktic có 13 phiếu đặt hàng, mở 28 tờ khai nhập khẩu chế phẩm. Tổng chi phí nhập khẩu Redoxy 3C về Việt Nam là 115 tỷ đồng.
Nhờ có sự hậu thuẫn, được cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ‘bật đèn xanh’, mà Công ty Arktic đã độc quyền nhập chế phẩm. Dưới sự chỉ đạo không bằng văn bản của ông Chung, bị cáo Hùng đã ủy quyền cho cấp dưới ký hợp đồng mua hóa chất với công ty của gia đình bị cáo Chung.
“Sau khi tổng hợp các khoản lợi nhuận và kết quả kiểm tra đối với Công ty Arktic, tòa xác định hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 36 tỷ đồng”, Chủ tọa nhắc lại.
Chủ tọa Trần Nam Hà nêu rõ, đây là vụ án có đồng phạm song là đồng phạm giản đơn, các bị cáo không có sự bàn bạc, phân công, nhưng đều tiếp nhận ý chí của nhau để phạm tội.
“Vụ án gây hậu quả nghiêm trọng, lãng phí, thiệt hại cho tài sản Nhà nước, là mối lo ngại gây bức xúc cần loại bỏ. Việc đưa các bị cáo ra xét xử là cần thiết, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật”, HĐXX khẳng định.
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung là ‘chủ mưu’
Bản án sơ thẩm cho rằng, chủ trương, mục đích làm trong sạch môi trường thủ đô, trong đó có công tác xử lý nước sông hồ là đúng và rất tốt.
Đồng thời, việc tổ chức đoàn tham quan, mời chuyên gia khảo sát lấy mẫu về thử nghiệm nhằm tạo ra sản phẩm dành riêng cho Hà Nội cũng là chủ trương đúng.
“Tuy nhiên, cách thức, quy tình triển khai của các bị cáo là sai trái, không trong sáng, có hành vi vụ lợi”, Tòa lưu ý.
HĐXX cũng xác định, bị cáo Nguyễn Đức Chung giữ vai trò chính, chủ mưu của vụ án.
HĐXX đánh giá, ông Nguyễn Đức Chung phải chịu trách nhiệm chính, với vai trò người đứng đầu.
Theo đó, ông Chung đã quyết định mua chế phẩm Redoxy-3C trái pháp luật và phân công trái quy định để công ty của gia đình hưởng lợi. Cùng với đó, bị cáo còn chỉ đạo thuộc cấp là bị cáo Hùng mua chế phẩm trái tinh thần và trái với chính chỉ đạo của bị cáo.
Qua quá trình thẩm vấn, các bị cáo Nguyễn Trường Giang, Võ Tiến Hùng đều đã nhận tội. Cả hai người đều khai chỉ thực hiện chỉ đạo của cựu Chủ tịch Hà Nội, Công ty Thoát nước đã mua chế phẩm Redoxy 3C thông qua Công ty Arktic là công ty của gia đình bị cáo Chung, do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) thành lập, điều hành.
Trong khi đó, như Sputnik đã thông tin, cựu Chủ tịch Hà Nội khẳng định bản thân không chỉ đạo mua chế phẩm như lời khai của 2 bị cáo còn lại. Ông Chung cũng cho rằng, lời khai của 3 cá nhân như nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội gồm Nguyễn Thế Hùng, bị cáo Võ Tiến Hùng và ông Trần Trọng Văn (nguyên phó giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) đều là “không khách quan”.
Ông Nguyễn Đức Chung nêu rõ chưa bao giờ đặt vấn đề với bị cáo Nguyễn Trường Giang cho mình gửi phần trăm vào công ty của Giang để được hưởng lợi. Bản thân chưa bao giờ có ý nghĩ bàn với bị cáo Giang để “đẻ” ra một công ty gọi là “sân sau” của mình.
“Tôi có rất nhiều điều kiện nếu như muốn làm ăn. Tôi chỉ cần gửi gắm một câu trong lĩnh vực của mình hoặc dùng một chỉ đạo với cấp dưới cũng có tiền, thậm chí tiền nhiều hơn những việc này nhưng tôi không làm. Tôi tin là không bao giờ làm. Từ khi sinh ra tôi chưa bao giờ bàn bạc với một ai để làm cái gì để lấy một đồng tiền của Nhà nước cả”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung cũng phủ nhận Arktic là công ty của gia đình, làm ảnh hưởng uy tín của bản thân và gia đình, ông không góp vốn hay chỉ đạo Nguyễn Trường Giang đưa Redoxy 3C về bán cho Công ty Thoát nước.
Cùng với đó, cựu Chủ tịch Hà Nội còn gửi bản kiến nghị và trình bày tại tòa 15 nội dung để lý giải vì sao ông phủ nhận cáo trạng. Theo luật sư của ông Chung cho rằng sau ngày 26/1/2016, bị cáo cùng vợ và con trai không góp vốn, không có tên trong sổ đăng ký cổ đông của Công ty Arktic. Còn việc nhập khẩu chế phẩm được thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy.
“Gia đình tôi có công ty từ năm 1996, đã kinh doanh được 20 năm, kinh doanh hàng chục nghìn mặt hàng. Nếu tôi muốn làm Redoxy-3C cho cá nhân mình, tôi chỉ cần nói với ông Deepark Chopra cho vợ tôi làm đại diện, nhập về bán công khai, không phải lằng nhằng như thế này”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Bị cáo cũng nêu rõ, từ năm 2016 giữ chức người đứng đầu Hà Nội, ông chỉ luôn nghĩ làm những gì tốt nhất cho thủ đô, chứ không màng tư lợi mà gây thiệt hại cho Nhà nước.
Thực tế, HĐXX đã cân nhắc rất nhiều yếu tố để giảm nhẹ cho các bị cáo. Trước đó, ông Nguyễn Đức Chung bị đề nghị từ 10 -12 năm tù, nhưng chỉ phải nhận 8 năm tù. Nguyễn Trường Giang và Võ Tiến Hùng bị VKS đề nghị từ 6 – 7 năm tù nhưng tòa chỉ tuyên 4 – 4,5 năm tù về cùng tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015.