Các nhà địa chất Việt Nam lập bản đồ tiềm năng khoáng sản quý khu biên giới Việt - Lào
17:08 21.12.2021 (Đã cập nhật: 17:23 21.12.2021)
© Depositphotos.com / AssistantVàng
© Depositphotos.com / Assistant
Đăng ký
Việc lập bản đồ tiềm năng khoáng sản quý khu vực biên giới Việt Nam – Lào đóng vai trò hết sức quan trọng, mở ra cơ hội đầu tư, thăm dò, khai thác khoáng sản tại Lào cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới.
Theo đó, khu vực có tiềm năng về trữ lượng vàng, vonfram, chì, kẽm, thiếc, bismuth... thuộc biên giới Việt Nam – Lào trải rộng trên diện tích 9.200km2 đã được nhóm các nhà địa chất Việt Nam xây dựng thành bản đồ.
Tiềm năng khoáng sản quý vùng biên giới Việt – Lào
Các nhà khoa học địa chất Việt Nam vừa xây dựng bản đồ khu vực giàu tiềm năng về khoáng sản quý (trữ lượng vàng, vonfram, chì, kẽm, thiếc, bismuth…) thuộc biên giới Việt – Lào.
Theo đó, đề tài nghiên cứu tiến hóa kiến tạo - magma và sinh khoáng vàng, vonfram, chì, kẽm vùng Tây Bắc Nghệ An - Sầm Nưa được triển khai từ năm 2007 do nhóm các nhà khoa học Lưu Công Trí, Trịnh Đình Huấn, Chu Minh Tú, Đinh Xuân Hà, Nguyễn Phương… thực hiện.
Sau ba năm, đến cuối năm 2020, các Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam công bố kết quả. Đặc biệt, nghiên cứu đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, phối hợp cùng Cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Năng lượng và Mỏ (Lào).
Theo Thạc sĩ Lưu Công Trí, chủ nhiệm đề tài cho hay, mục tiêu của nghiên cứu là làm rõ cấu trúc địa chất, tiến hóa kiến tạo - magma và tiềm năng sinh khoáng vùng Tây Bắc Nghệ An - Sầm Nưa.
Nghiên cứu này cũng nhằm tìm hiểu thành phần vật chất, nguồn gốc, điều kiện tạo quặng hóa... từ đó lập tiền đề và dấu hiệu tìm kiếm, đánh giá tiềm năng khoáng sản.
“Kết quả nghiên cứu giúp định hướng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đầu tư thăm dò và khai thác khoáng sản tại Lào”, nhóm nghiên cứu cho hay.
Được biết, nhóm nghiên cứu địa chất Việt Nam đã sử dụng phương pháp phân tích ảnh viễn thám, khảo sát thực địa với hàng trăm vết lộ địa chất, tiến hành lấy mẫu, phân tích.
Theo chia sẻ của Thạc sĩ Lưu Công Trí với VnExpress, các mẫu phân tích phát hiện có hàm lượng quặng cao sẽ được nhóm nghiên cứu chi tiết để đánh giá độ dày của quặng cũng như quan hệ giữa các lớp đá.
Các chỉ số về tuổi, thành phần, đồng vị... cũng được phân tích để kết luận quặng tiềm năng loại gì, có cộng sinh với các khoáng sản khác không, có khả năng khai thác hay không.
Chuyên gia nhấn mạnh, cơ sở để đánh giá tiềm năng quặng dựa vào bản đồ mặt cắt địa chất.
“Trong các công trình tìm kiếm thăm dò, nhóm thường thực hiện khoan hay đào giếng để đánh giá tiềm năng trữ lượng. Nhưng trong nghiên cứu này, nhóm chỉ dừng ở mức độ khoa học cơ bản”, Thạc sĩ Lưu Công Trí cho hay.
Thông qua chính các dữ liệu, mẫu vật thu được, từng nền địa chất, loại đá, cấu trúc đều được nhóm nghiên cứu đo vẽ chi tiết. Các tập đá, các địa tầng, khối magma... một số điểm có tiềm năng khoáng hóa (kim loại số lượng nhỏ, không tích tụ thành điểm quặng cụ thể) cũng được thống kê.
Lập bản đồ tiềm năng khoáng sản quý biên giới Việt - Lào
Như đã biết, đường biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào có chiều dài 2.337,459km, trong đó đường biên giới trên bộ là 2.026,667km, đường biên giới trên sông, suối là 310,792km.
Đây là đường biên giới dài nhất của Lào, gần bằng tổng chiều dài biên giới với các nước láng giềng khác, với Trung Quốc (505 km), Myanmar (236 km), Campuchia (435 km) và Thái Lan (1.835 km).
Biên giới Việt - Lào cũng là đường biên giới dài nhất của Việt Nam với các nước láng giềng. Biên giới Việt - Trung dài 1.499,6 km và biên giới Việt Nam - Campuchia dài khoảng 1.255 km (trong đó 84% đã phân giới cắm mốc).
Biên giới Việt Nam - Lào đi qua mười tỉnh biên giới (với 31 huyện, 140 xã biên giới) của Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum; mười tỉnh biên giới của Lào là Phongsaly, Luang Prabang, Houaphanh, Xiangkhoang, Bolikhamsai, Khammouan, Savannakhet, Salavan, Sekong và Attapeu.
Điểm khởi đầu của đường biên giới ở vị trí ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc và kết thúc ở vị trí ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.
Theo các nhà nghiên cứu địa chất Việt Nam, trên nền diện tích 9.400 km2 trong đó 5.600km2 tại hai tỉnh Hủa Phăn (Huaphanh) và Xiêng Khoảng (Xiengkhuang) của Lào, nhóm nghiên cứu phát hiện có bốn vùng có tiềm năng quặng lớn, trong đó có một mỏ quặng thiếc đang được khai thác.
Tại Việt Nam có hai vùng nhiều triển vọng về khoáng sản thiếc, một số điểm có triển vọng quặng vàng.
Vào thời điểm hiện tại, các dữ liệu được sử dụng để xây dựng bản đồ phân vùng khoáng sản (tỷ lệ 1:200.000), bản đồ kiến tạo - sinh khoáng vùng Tây Bắc Nghệ An - Sầm Nưa. Bản đồ phân vùng triển vọng tỷ lệ 1:200.000 và đề xuất chi tiết các diện tích chi tiết hóa.
Bản đồ địa chất khoáng sản và cấu trúc khống chế quặng hóa thiếc, wofram, vàng, đa kim những khu vực có tiềm năng trên lãnh thổ Lào (trong đó có hai khu vực dự kiến tỷ lệ 1:25.000) cùng với bộ cơ sở dữ liệu cho các tụ khoáng (thiếc, wofram, vàng, đa kim) vùng nghiên cứu đều cũng được xây dựng.
Các bản đồ và dữ liệu trên được Hội đồng khoa học của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đánh giá, nghiệm thi, chuyển giao cho Cục Địa chất & Khoáng sản Lào để áp dụng triển khai, quản lý cũng như tiến hành nghiên cứu mở rộng.
Theo TS. Trịnh Đình Huấn, thành viên thuộc nhóm nghiên cứu địa chất này, kết quả công trình của cả nhóm sẽ là cơ sở để triển khai các dự án điều tra cơ bản, thăm dò khoáng sản cho vùng nghiên cứu và các khu vực có điều kiện tương tự.
Cùng với đó, theo chuyên gia, nghiên cứu cũng giúp xác lập các tiền đề và dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản thiếc, vonfram, vàng, đa kim trong vùng cũng như dự báo tiềm năng các khoáng sản.
Nhờ chính những kết quả này, các doanh nghiệp có thể tiến hành đề xuất các diện tích để tác điều tra, thăm dò mỏ tại các vị trí đã được xác lập.
Trước đó, tháng 4/2020, công bố khoa học “Một số kết quả nghiên cứu mới về quặng hóa wolfram (vonfram), thiếc – đa kim khu vực Huổi Chừng, tỉnh Hủa Phăn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của nhóm Thạc sĩ Lưu Công Trí, cho thấy, tiềm năng lớn về khoáng sản quý ở khu vực biên giới Việt – Lào đã được trường Đại học Mỏ - Địa chất đăng tải.
© Ảnh : tapchi.humg.edu.vn/ScreenshotSơ đồ địa chất - khoáng sản và vịtrí lấy mẫu vùng nghiên cứu
Sơ đồ địa chất - khoáng sản và vịtrí lấy mẫu vùng nghiên cứu
© Ảnh : tapchi.humg.edu.vn/Screenshot
Đây là sản phẩm của đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình Nghị định thư, mã số NĐT.35.LA/17.
Từ kết quả nghiên cứu (dựa trên phương pháp địa chất truyền thống, kết hợp nghiên cứu thành phần vật chất quặng và phương pháp thống kê), các nhà khoa học Việt Nam đã tổng kết một số đặc điểm như, các khoáng vật quặng trong khu vực Huổi Chừn được thành tạo chủ yếu theo phương thức lắng đọng vật chất, kết tinh từ dung dịch nhiệt dịch, lấp đầy các hệ thống khe nứt có phương phát triển khác nhau.
Khoáng sản chủ đạo trong khu vực là wolfram, thiếc, đồng, kẽm, bismut; Quặng hóa wolfram, thiếc - đa kim được thành tạo trong thời kỳ tạo quặng nhiệt dịch, gồm 3 giai đoạn tương ứng với 3 tổ hợp công sinh khoáng vật. Đáng chú ý, trong đó, tổ hợp cộng sinh khoáng vật wolframit - bismut tự sinh là phát hiện mới của tập thể tác giả.
Các nguyên tố Sn, Cu, Pb, Zn, As và Cd có mối quan hệ tương quan khá chặt chẽ với nhau, là tổ hợp nguyên tố đặc trưng cho giai đoạn tạo khoáng II và các nguyên tố W, Co và Bi đặc trưng cho giai đoạn tạo khoáng III của thời kỳ tạo quặng nhiệt dịch. Quặng hóa wolfram, thiếc - đa kim được hình thành có thể có liên quan đến hoạt động magma xâm nhập xảy ra trong giai đoạn Mesozoi – Kainozoi.