Đối nội Việt Nam năm 2021: Những “điểm cộng” và những “điểm trừ”
© AFP 2023 / Nha NguyenHà Nội, Việt Nam.
© AFP 2023 / Nha Nguyen
Đăng ký
Năm 2021 với Việt Nam có thể xem là năm khó khăn chưa từng có kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Với đợt dịch COVID-19 thứ tư do biến chủng Delta SARS-COV-2 gây ra, đất nước vừa gượng dậy sau 3 đợt dịch trong vòng 16 tháng đã tiêu hao phần lớn các nguồn lực tài chính, vật tư, công nghệ và nhân lực.
Đất nước cũng nằm trong tình hình phong tỏa toàn cầu để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và bùng phát, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng. Trong đó, các ngành du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, công nghiệp giải trí là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tăng trưởng kinh tế là “cơ sở” cho sự ổn định chính trị, xã hội
Đợt dịch COVID-19 thứ tư ở Việt Nam được coi là “khốc liệt ngoài sức tưởng tượng” đã “đánh” vào các vùng công nghiệp trọng điểm ở cả ba miền. Phía Bắc là các cụm công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Ở miền Trung, dịch bệnh đánh vào các cụm công nghiệp mạnh nằm rải rác xung quanh Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa.
Dịch bùng phát nặng nề nhất ở TP Hồ Chí Minh, sau đó lan ra 19 tỉnh Nam Bộ và NamTrung Bộ. Trong đó, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi tập trung phần lớn các cụm công nghiệp, khu chế xuất ở vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ bị thiệt hại nặng nề về nhân mạng. Riêng TP Hồ Chí Minh chiếm 70% số ca tử vong vì COVID-19 trong cả nước. Sản xuất bị đình đốn. Giao thông vận tải bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Riêng ngành hàng không hầu như tê liệt.
Hiểu rõ rằng, tăng trưởng kinh tế là “cơ sở” cho sự ổn định chính trị, xã hội, là “nền móng” để củng cố quốc phòng-an ninh, “bệ đỡ” cho công tác phòng chống dịch bệnh và là “bệ phóng” cho sự phát triển của đất nước, tháng 10/2021, Chính phủ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 128/NQ-CP, dứt khoát chuyển hướng từ mục tiêu “Zero COVID” sang mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
“Với việc thay đổi phương châm phòng chống dịch, linh hoạt trong ứng phó, thực hiện chiến lược bao phủ vaccine trên toàn quốc và việc huy động nhân lực, vật lực chưa từng có, đến cuối năm 2021, Việt Nam đã cơ bản tái kiểm soát đại dịch COVID-19, mặc dù đã trải qua nhiều thiệt hại nặng nề chưa từng có, nhất là về sinh mạng với hơn 31.200 người tử vong vì COVID-19 (tính đến hết ngày 26/12/2021). Sau “cú sốc” quý III/2021 với mức tăng trưởng âm (-6,17%), giảm nhất kể từ năm 2000, kinh tế Việt Nam đã phục hồi cơ bản trong quý IV/2021, kéo mức tăng GDP cả năm 2021 lên 2,2% (theo WB) hay 2,8% (theo IMF)”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.
“Năm 2021, Việt Nam tiếp tục xuất siêu với mức kim ngạch xuất khẩu đạt 301,73 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2020. Nhập khẩu đạt 300,27 tỷ USD. Tính chung cả xuất nhập khẩu đã đạt tổng kim ngạch 602 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2020, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 78,99 tỷ USD, tăng 11,1%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dầu khí) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu”, - TS kinh tế Lê Hòa chia sẻ thông tin với Sputnik.
“Không thể không nói tới ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam. Ngành này đã bứt tốc với mức tăng trưởng 9% trong năm 2021, mức cao nhất trong các ngành kinh tế hiện nay. Cả nước hiện đã có khoảng 64.000 doanh nghiệp công nghệ số với hơn một triệu lao động mà hầu hết là nhân lực có chất lượng cao. Chỉ riêng năm 2021 đã có hơn 5.400 doanh nghiệp công nghệ số được thành lập mới. Đây chính là bước đột phá quan trọng của Việt Nam trong trong thời đại công nghệ 4.0”, - Chuyên gia về các vấn đề đối nội của Việt Nam Hồng Long bình luận với Sputnik.
Những “cái nhất” của “năm Trâu Vàng” tại Việt Nam
Năm Tân Sửu 2021 mở đầu bằng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đại hội được coi là thành công rực rỡ nhất từ trước tới nay. Đại hội XIII không đơn giản chỉ là một đại hội tổng kết một nhiệm kỳ 5 năm và vạch ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo mà còn có thể coi là “Đại hội của các đại hội”.
“Đại hội này không chỉ đã nhất trí hoạch định phương hướng phát triển của Việt Nam đến năm 2025 mà còn vạch ra phương hướng, nhiệm vụ dài hạn đến năm 2030 (năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam) và có tầm nhìn chiến lược đến giữa thế kỷ XXI, đến năm 2045 (năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam)”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nêu đánh giá của mình với Sputnik.
Một “cái nhất” nữa của năm Tân Sửu 2021 là bầu cử Quốc hội diễn ra vào giữa năm. Cuộc bầu cử đã thành công, hiệu quả. Gần 70 triệu cử tri Việt Namtừ đủ 18 tuổi trở lên ở trong và ngoài nước, chiếm 99,6% tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu bầu 499 đại biểu Quốc hội khóa XV.
“Đây là cuộc bầu cử Quốc hội có số lượng và tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất kể từ cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa I ngày 6/1/1946 đến nay và cũng diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt nhất khi dịch COVID-19 đang bùng phát rất mạnh”, - Chuyên gia Hồng Long nhấn mạnh với Sputnik.
Năm Tân Sửu 2021 cũng là năm mà Đại dịch COVID-19 tàn phá Việt Namvới mức độ khốc liệt nhất chưa từng có trong nửa cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Dịch bệnh xảy ra ở tất cả 63 tỉnh thành trong cả nước và diễn biến cực kỳ phức tạp. Trung bình số ca nhiễm đạt khoảng 16.000 ca/ngày (tính đến thời điểm hiện tại), cao gấp 5 lần tổng số ca nhiễm của cả ba đợt dịch trước đó cộng lại. Tâm dịch lớn nhất là TP Hồ Chí Minh.
Trong nửa cuối năm 2021, chính quyền đã huy động một lực lượng tuyến đầu chống dịch lớn chưa từng có trong lịch sử, gồm cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Dân quân tự vệ cùng nhiều ngành chức năng khác. Tổng số nhân lực trên 300.000 người, bao gồm cả lực lượng tại chỗ và từ các địa phương khác đến chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch, trong đó có trên 50.000 bác sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên. Tổng cộng có 32 bệnh viện dã chiến đã được thành lập để chuyên trách điều trị bệnh nhân COVID-19 cùng với 64 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa bệnh phổi trên địa bàn. Gần 500 trạm y tế lưu động của lực lượng Quân y đã được thiết lập.
“Đây là chiến dịch động viên lực lượng chi viện phòng chống dịch bệnh lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay với quy mô vượt qua tất cả các chiến dịch phòng chống thiên tai, bão lũ những năm 1971, 1984, 1999, 2007, 2020... Riêng lực lượng Công an Nhân dân có khoảng 150.000 cán bộ chiến sỹ tham gia chống dịch. Trên
10 000 cán bộ, chiến sĩ đã bị lây nhiễm COVID-19, trong đó có khoảng 1.000 ca nặng và nguy kịch, 17 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì COVID-19 khi tham gia chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trên cả nước”, - Chuyên gia Hồng Long bình luận với Sputnik.
Đối phó với đợt dịch tàn khốc này, Chính phủ và ngành Y tế Việt Namđã phát động một chiến dịch tiêm chủng mở rộng lớn nhất từ trước tới nay với nhịp độ thần tốc cũng là nhanh nhất từ trước tới nay. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, tính từ tháng 2 đến hết ngày 24/12/2021, Việt Nam đã tiếp nhận 183,1 triệu liều vaccines phòng COVID-19 từ nhiều nguồn trên thế giới.
“Từ chỗ là quốc gia tiếp cận vaccine phòng chống COVID chậm nhất thế giới, Việt Nam đã trở thành quốc gia tiêm chủng phòng chống COVID-19 nhanh nhất thế giới. Toàn quốc đã tiêm 145,65 triệu liều vaccines COVID-19. Trong đó, tiêm đủ 2 mũi là 61.618.429 liều, tiêm mũi 1 là 69.577.941 liều, tiêm mũi 3 là 1.115.915 liều (đối với vaccine Abdala của Cuba), tiêm bổ sung 377.792 liều, tiêm nhắc lại 783.757 liều. Hàng trăm nghìn bác sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên đã được huy động cho chiến dịch tiêm chủng có một không hai này”, - Chuyên gia Hồng Long nói tiếp với Sputnik.
Làn sóng “lao động hồi hương” lớn nhất từ trước tới nay
Năm 2021 chứng kiến một làn sóng “lao động hồi hương” lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam do ảnh hưởng kéo dài và rất nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Theo số liệu chưa đầy đủ của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 75 ngày từ đầu tháng 7 đến 15/9/2021, đã có khoảng 1,3 triệu lao động rời bỏ các thành phố lớn về quê vì cạn kiệt cả về tài chính và sự kiên nhẫn. Trong đó, khoảng 324.000 người trở về từ thành phố Hồ Chí Minh, 292.000 người về từ Hà Nội và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác ở phía Nam. Con số này chưa tính tới dòng người tiếp tục “hồi hương” từ thành phố Hồ Chí Minh khi thành phố này dỡ bỏ phong tỏa sau ngày 15/10/2021.
Cũng theo thông tin của chuyên gia Hồng Long, trong “Năm đại dịch 2021”, lần đầu tiên, Chính phủ Việt Nam thực hiện hỗ trợ an sinh cho dân lên tới 64 nghìn tỷ đồng, lớn nhất từ trước tới nay. Trong đó, gói hỗ trợ đầu tiên theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 có trị giá 26 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ 12 nhóm người lao động, người sử dụng lao động, trong đó có cả lao động tự do. Mặc dù nhiều người lo ngại sẽ khó thực hiện vì các thủ tục chặt chẽ, nhưng đến ngày 25/11/2021, tổng kinh phí thực hiện gói hỗ trợ này đã vượt lên tới 28,45 nghìn tỷ, hỗ trợ tới 28,27 triệu lượt đối tượng, gồm 377.431 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 27,9 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Ngày 24/9/2021, Chính phủ Việt Nam tiếp tục ra Nghị quyết số 116/NQ-CP ban hành gói cứu trợ an sinh thứ hai có trị giá 38 nghìn tỷ đồng cho 357.861 đơn vị sử dụng lao động và 12.201.710 lao động, gồm 11.338.951 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 862.759 người đã dừng tham gia. Tính đến đầu tháng 12/2021, tổng số tiền đã chi trả là 28.798 tỷ cho 12.149.585 người lao động. Khoản tiền còn lại trong gói cứu trợ an sinh thứ hai sẽ tiếp tục được chi trả trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022.
Những “điểm trừ”
Trong bối cảnh tràn ngập những khó khăn trong nước và quốc tế do sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, do đại dịch COVID-19, do thiên tai bão, lũ và nhiều nguyên nhân khách quan khác, Việt Namvẫn đạt được nhiều điểm sáng mới trong việc duy trì ổn định chính trị, giữ vững mức tăng trưởng hợp lý và từng bước thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả đối với Đại dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự và an toàn phòng chống dịch. Nhưng, không thể không nói rằng, năm 2021 vẫn để lại một số “điểm trừ” khiến cho người dân thực sự bức xúc.
Nổi bật nhất là vụ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, đứng đầu là Phan Quốc Việt đã “móc ngoặc” với ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và một số quan chức tham nhũng khác để “thổi giá” bộ kit test SARS-COV-2, hưởng chênh lệch giá.
“Gần 60 đơn vị, địa phương trên cả nước đã mua bộ test kit của Việt Á với giá từ 497.000 VND đến 506.000 VND trong khi sản phẩm nhập ngoại tương đương có giá chưa đến một nửa giá đó, thậm chí chỉ bằng 1/3. Ngay cả đối với các sản phẩm trong nước khác như bộ test phát hiện vùng gen N đặc trưng của virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real RT-PCR trên các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp do Công ty Cổ phần Sao Thái Dương có giá 300.000 đồng/test; còn bộ test do Công ty Dược phẩm Ampharco (dùng xét nghiệm gộp mẫu) chỉ có giá 175.000/test”, - Chuyên gia Hồng Long chia sẻ thông tin trong cuộc trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Với thủ đoạn giả mạo, biến “Thư xác nhận đã nộp hồ sơ” của WHO thành “Thư xác nhận cấp phép sử dụng của WHO”, Công ty Việt Á đã được lãnh đạo nhiều địa phương chỉ định thầu cung cấp các bộ test kit SARS-COV-2 do họ sản xuất. Vụ án được khởi tố với tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 324, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
“Dấu hiệu phạm tội đầu tiên của Phan Quốc Việt bị phát hiện là việc ông Tổng giám đốc đã chi ngoài sổ sách cho CDC Hải Dương 30 tỷ VND để được trúng 5 gói thầu cung cấp các bộ test kit do Việt Á sản xuất có tổng trị giá 151 tỷ đồng. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) đang là việc với 16 đơn vị ngành y tế của 8 tỉnh thành có mua sản phẩm test kit của Việt Á để làm rõ những dấu hiệu sai phạm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đặt nhiều dấu hỏi về “năng lực tài chính” được “thổi” lên tới trên 1.000 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và hàng loạt “công ty con” của doanh nghiệp này được mở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Kon Tum, Đà Nẵng, Nghệ An...”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói với Sputnik.
“Vụ việc gây bức xúc dư luận trong và ngoài nước đến mức có một tờ báo chính thống của Bộ Thông tin và truyền thông phải “giật” hàng title: “Họ chính là những kẻ tối mắt vì tiền, phá hoại đất nước”. Có thể nói đây là “vết đen” đau đớn nhất trong năm 2021 trên lĩnh vực y tế, bảo vệ sức khỏe”, - Ông Hồng Long nhấn mạnh với Sputnik.
“Điểm trừ” thứ hai là sự mất cảnh giác với biển chủng Delta của virus SARS-COV-2 cũng như buông lỏng quản lý sinh hoạt tôn giáo trên một địa bàn cấp quận mà thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phía Nam đã phải “chịu trận” trong đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư. Hậu quả của đợt bùng phát và hoành hành của dịch bệnh trong giai đoạn này không chỉ ảnh hưởng tới TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận mà còn lan ra toàn quốc, gây nhiều thiệt hạt rất nặng nề. Trong đó, thiệt hại về nhân mạng là không thể cứu vãn.
“Điểm trừ” tiếp theo là những vụ việc tham nhũng kéo dài tại Bình Dương, dẫn đến việc các ông Trần Văn Nam, Phạm Văn Cành, Trần Thanh Liêm cùng 18 bị can khác đều là cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, gây thiệt hại tài sản, tiền bạc của Nhà nước tới hơn một nghìn tỷ đồng.
Một “điểm trừ” nữa là vụ án Trịnh Xướng cùng các đồng phạm ở Sóc Trăng và Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ cùng các đồng phạm ở Đồng Nai buôn lậu xăng dầu, sản xuất và buôn bán xăng giả, có sự tiếp tay của nhiều quan chức trong quân đội và cơ quan bảo vệ pháp luật. Kết quả là thậm chí cả tập thể Đảng ủy và Chỉ huy Bộ Tư lệnh cảnh sát biển, rất quan trọng của lực lượng vũ trang Việt Nam, bị kỷ luật. Nhiều cán bộ cấp tướng bị xử lý từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức đến xử lý hình sự. Đây là một bài học hết sức đau xót cho Việt Nam. Vụ việc lại diễn ra trong khung cảnh cả nước đang oằn mình chống dịch nên đã gây bức xúc rất lớn trong dư luận nhân dân Việt Nam.