Năm 2022 hứa hẹn sự bứt phá của vận tải đường biển
© AFP 2023 / Nhac NguyenCảng Hải Phòng.
© AFP 2023 / Nhac Nguyen
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19, song tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 vẫn đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020, trong đó khối lượng hàng container ước đạt 23,9 triệu TEUs, tăng 6% so với năm 2020.
Sputnik đã phỏng vấn ông Lưu Xuân Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Tiếp Vận Dịch Vụ Hàng Hóa Đặc Biệt (Special Cargo Services - SCS) về cơ hội và thách thức của ngành vận tải biển trong năm 2022.
© Ảnh : Ông Lưu Xuân HưngÔng Lưu Xuân Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Tiếp Vận Dịch Vụ Hàng Hóa Đặc Biệt (Special Cargo Services)
Ông Lưu Xuân Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Tiếp Vận Dịch Vụ Hàng Hóa Đặc Biệt (Special Cargo Services)
© Ảnh : Ông Lưu Xuân Hưng
Sputnik: Xin chào ông Lưu Xuân Hưng! Xin ông cho biết Việt Nam có lợi thế nào để phát triển ngành vận tải đường biển?
Giám đốc SCS Lưu Xuân Hưng:
Về lợi thế của Việt Nam để phát triển ngành vận tải đường biển, tôi đánh giá có 4 lợi thế sau:
Thứ nhất là vị trí địa lý. Việt Nam là quốc gia nằm “sát cạnh” Biển Đông, là tuyến giao thông huyết mạch nối Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Châu Á – Châu Âu, Trung Đông – Châu Á với đường bờ biển dài 3.260km.
Hiện tại, Việt Nam mới có khoảng 45 cảng biển. Nếu đơn giản cứ trong phạm vi 30km Việt Nam xây dựng 01 cảng biển, như vậy dọc bờ biển Việt Nam sẽ có khoảng 108 cảng biển. Diện tích vùng biển rộng trên 1 triệu km2 . Đặc biệt có nhiều vùng biển nước sâu, rất thuận lợi để xây dựng hệ thống cảng biển và đón được các tàu hàng lớn/ đặc biệt lớn.
Có thể nói rằng, lợi thế vị trí địa lý giúp Việt Nam là quốc gia có ưu thế rất lớn trong ngành vận tải hàng hải quốc tế.
Thứ hai là sự quan tâm, chú trọng đầu tư của Chính phủ Việt Nam trong đầu tư phát triển hệ thống cảng biển. Xuất phát từ việc nắm được tầm quan trọng của chuỗi cung ứng, đặc biệt tầm quan trọng của ngành vận tải hàng hóa và kết hợp với lợi thế từ vị trí địa lý, Chính phủ Việt Nam đã cho đầu tư, xây dựng nhiều cơ chế đặc biệt trong việc xây dựng các cảng biển.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã và đang xây dựng được hàng chục cảng biển lớn nhỏ, trải dài từ miền bắc (tỉnh Quảng Ninh) đến miền nam: Cái Lân, Hải Phòng, Nghi Sơn, Vũng Áng, Đà Nẵng, Cái Mép, Quy Nhơn, Cát Lái, …
© Ảnh : TTXVN - Dương GiangThủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)
© Ảnh : TTXVN - Dương Giang
Không dừng lại ở đó, Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, xây dựng và đồng bộ về cơ sở hạ tầng giao thông để kết nối trực tiếp giữa các khu công nghiệp, khu vực sản xuất với cảng biển. Hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam và các tuyến đường kết nối từ Tây sang Đông, tạo thuận lợi trong việc giao thương, vận chuyển hàng hóa từ khu vực đất liền ra cảng biển.
Cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ đối với ngành vận tải hàng hải quốc tế.
Thứ ba, Việt Nam là quốc gia kinh tế thị trường và là nước đang phát triển năng động trong tất cả các ngành nghề như: Nông nghiệp, ngành công nghiệp sản xuất, thương mại phục vụ xuất nhập khẩu v.v. Trong khu vực, Việt Nam tự hào là quốc gia thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, định hướng trở thành cơ sở gia công của thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu nhiều tài nguyên và vùng nguyên liệu dồi dào cho nhiều ngành nghề của thế giới.
Cuối cùng tôi muốn nói đến sự đầu tư công phu của các công ty vận tải, hãng tàu. Như chúng ta đã biết, ngành vận tải hàng hải ngày càng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành. Các doanh nghiệp vận chuyển đường biển chú trọng đầu tư lớn vào: nguồn nhân lực chất lượng cao; công nghệ, trang thiết bị như hệ thống tàu biển, thiết bị vận chuyển hàng hóa lên xuống tại các cảng, động cơ tàu, phương tiện vận tải .. Tất cả điều này nhằm đem lại một sự phát triển bền vững, cải thiện chất lượng dịch vụ để tiến trình vận tải được rút ngắn, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất, hiệu quả.
Sputnik: Vậy theo Ông, nguyên nhân nào giúp vận tải biển Việt Nam 'khởi sắc' trước làn sóng đại dịch? Liệu năm 2022 ngành vận tải biển có tiếp tục tạo nên ấn tượng?
Giám đốc SCS Lưu Xuân Hưng:
Trải qua hai năm 2020 và 2021, toàn nhân loại đều nhìn thấy những thiệt hại mà Covid-19 gây ra. Tuy nhiên điều đó lại không làm ngành vận tải biển giảm sút, trái lại còn tăng cả về tần suất và trữ lượng.
Các nguyên nhân giúp ngành vận tải biển Việt Nam khởi sắc, tôi có thể tóm lược như sau:
Việt Nam có sự chuẩn bị tốt về các kế hoạch và chiến lược phòng dịch. Mục tiêu phòng dịch và duy trì/phát triển kinh tế được xác định là mục tiêu kép để đảm bảo an toàn cho người dân và đáp ứng tối đa sản lượng cung ứng xuất khẩu.
Nhu cầu tiêu thụ các hàng hóa thiết yếu khi dịch bệnh bùng phát: Nhu cầu về thực phẩm, đồ dùng y tế, vật dụng cá nhân,…) ở các thị trường lớn nước ngoài tăng trong khi đó, Việt Nam có nguồn lực lớn trong việc cung ứng các mặt hàng này.
Nhu cầu phục hồi kinh tế sản xuất sau đại dịch, các nhà máy ở Việt Nam cũng cần nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu lớn để sản xuất, hàng hóa thương mại phục vụ tiêu dùng trong nước.
Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ cũng được coi là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư dịch chuyển sự tìm kiếm nguồn hàng, nguồn nguyên liệu và đầu tư sang Việt Nam.
Đó là những nguyên nhân chủ yếu khiến vận tải biển Việt Nam khởi sắc trong năm 2021 và dự kiến vẫn tiếp tục tạo nên ấn tượng trong 2022 khi các đơn vị sản xuất/ thương mại đang trên đà ổn định duy trì, phát triển sản xuất, và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chiếm được lòng tin của khách hàng/ đối tác nước ngoài.
Sputnik: Việt Nam đã đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cho hệ thống cảng biển hay chưa?
Giám đốc SCS Lưu Xuân Hưng:
Thực tế hiện nay, cơ sở hạ tầng cho hệ thống cảng biển của Việt Nam đang là thách thức cũng như điểm yếu của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực đầu tư hạ tầng nhằm hiện đại hóa, gia tăng năng lực khai thác các cảng biển hiện có. Bên cạnh đó, một số cảng biển mới được xây dựng và đây là điều cần thiết nhằm đáp ứng năng suất cung ứng tiêu thụ của các doanh nghiệp gần khu vực.
Xét về cơ sở hạ tầng cảng biển, cơ sở giao thông phụ trợ/ kết nối với cảng biển so với nhiều quốc gia có thế mạnh cùng ngành trong khu vực/ trên thế giới, hệ thống cảng biển, bến bãi của Việt Nam chưa có sự đồng bộ, nhiều lạc hậu, vận hành một cách thủ công và chưa áp dụng công nghệ tối đa, trang thiết bị hiện đại.
Sputnik: Vậy Việt Nam cần phải cải thiện điều gì để thu hút các nhà đầu tư 'rót tiền' vào hạ tầng cảng biển, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp?
Giám đốc SCS Lưu Xuân Hưng:
Trước hết, Chính phủ của Việt Nam cần nghiên cứu sâu hơn và tạo điều kiện nhiều hơn khuyến khích thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp khối tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài nếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng của cảng biển, hệ thống giao thông phụ trợ, kết nối. Cải cách các chính sách về thuế, thủ tục hành chính …
Thứ hai, hệ thống cảng biển, bến bãi cần áp dụng tối đa công nghệ, trang thiết bị hiện tại để tạo lợi thế cạnh tranh, tăng năng suất, hiệu quả xử lý quy trình giao nhận.
Thứ ba, nguồn nhân lực hoạt động trong ngành vận tải biển của Việt Nam cần học tập và nâng cao chuyên môn để nắm chắc các điều khoản giao nhận, xóa bỏ các rào cản về bất đồng ngôn ngữ.
Cuối cùng, các chính sách phòng chống, thích ứng với dịch bệnh Covid – 19 cần triển khai nghiêm túc và hiệu quả tránh tình trạng nguồn nhân lực bị ảnh hưởng, hoạt động giao thương hàng hóa, vận tải bị đình, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sputnik: Xin ông cho biết thách thức & cơ hội nào đang chờ ngành vận tải biển Việt Nam trong năm 2022?
Giám đốc SCS Lưu Xuân Hưng:
Thực tế, các khó khăn và các đánh giá về sự động bộ của cơ sở hạ tầng cảng biển tôi đã nói đến ở trên cũng chính là thách thức lớn nhất đối với ngành vận tải biển.
Hệ thống cảng biển, bến bãi thường xuyên thiếu diện tích, không gian; năng lực khai thác chưa đáp ứng kịp trữ lượng hàng ra vào bến bãi dẫn đến trì hoãn, quá trình vận tải của tàu chở container.
Hệ thống vỏ container rỗng liên tục rơi vào tình trạng quá tải dẫn đến khan hiếm (mất cân bằng container giữa nơi đi và đến) do nhu cầu xuất khẩu cao hơn nhu cầu nhập.
Bộ máy vận hành chưa thực sự phát huy triệt để năng lực, bị động và không kịp thời thích nghi những sự cố bất ngờ như dịch bệnh, thiên tai lũ lụt gây đình trệ quy trình vận hành từ cảng biển, bến bãi đến khi hàng hóa được xếp lên tàu.
© Depositphotos.com / XuanhuonghoCảng Cát Lái.
Cảng Cát Lái.
© Depositphotos.com / Xuanhuongho
Hệ thống thông tin quản lý chưa áp dụng công nghệ nhiều, trang thiết bị chưa hiện đại, không cập nhật kịp thời tin tức và các thông tin cần thiết cho doanh nghiệp và các bên liên quan.
Vận tải biển của Việt Nam đang bị phụ thuộc phần lớn vào dịch vụ của các hãng tàu nước ngoài vì vậy không thể tác động vào sự biến động tăng giá cước biển, giá dịch vụ để giảm các ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.
Nền kinh tế sản xuất đang dần phục hồi và đà tăng trưởng ấn tượng, sản lượng xuất nhập khẩu gia tăng tạo cơ hội gia tăng giá trị vì vậy, đòi hỏi năng lực phục vụ của vận tải biển phải được nâng cao.
Nếu nói về cơ hội, thấy rõ rằng Việt Nam đã và đang quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh Covid và hoàn thành tiêm chủng cho 100% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2022. Vì vậy, việc ngăn chặn dịch bệnh thành công trong năm 2022 sẽ tạo cơ hội rất lớn cho ngành vận tải biển khi hoạt động sản xuất kinh doanh được ổn định, phát triển.
Đây là cơ hội rất lớn để bản thân các doanh nghiệp tái cơ cấu, đầu tư nhân lực và vật lực nhằm thúc đẩy ngành vận tải biển phát triển nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Sputnik: Xin cảm ơn ông! Chúc Ông và SCS gặt hái nhiều thành công trong năm 2022!