Bước tiến mới trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức

© Ảnh : Xuân Khu-TTXVNKhoang đỗ trực thăng trên tàu FGS Bayern
Khoang đỗ trực thăng trên tàu FGS Bayern - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.01.2022
Đăng ký
Những lợi ích song trùng đã thúc đẩy Việt Nam và Đức mở rộng quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, tờ The Diplomat viết.
Ngày 6/1, khinh hạm Bayern của Đức đã cập cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài 4 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu Hải quân Đức tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975. Việt Nam là một trong 10 điểm dừng chân trong hải trình dài 7 tháng của tàu chiến Đức ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuyên bố chính thức của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cho biết rằng, sự hiện diện của khinh hạm Bayern trong khu vực "làm nổi bật thành phần an ninh trong chiến lược đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được chính phủ Đức thông qua vào tháng 9 năm 2020 sau các động thái tương tự của các nước châu Âu khác. Thông cáo dẫn lời Đại sứ Đức cho biết chuyến thăm của khinh hạm Bayern là biểu hiện của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Đức.

Quan hệ song phương Việt Nam - Đức được nâng lên một tầm cao mới

Năm 2011, Việt Nam và Đức đã nâng mối quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược. Bản tuyên bố về điều này được ký bởi cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel trong thời gian chuyến thăm Hà Nội của bà. Tuyên bố này bao gồm một kế hoạch hành động chiến lược (SAP) nêu rõ năm lĩnh vực hợp tác được ưu tiên. Đó là hợp tác chiến lược về chính trị - ngoại giao; thương mại và đầu tư; hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường và phát triển, và hợp tác xã hội, truyền thông, văn hóa, công nghệ, khoa học và giáo dục.
Để thúc đẩy hợp tác chiến lược, hai bên nhất trí thành lập Nhóm chỉ đạo chiến lược (SSG) do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao Đức đồng làm Trưởng nhóm. Nhóm này dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp định kỳ để đánh giá việc thực hiện SAP trong khuôn khổ các cuộc tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là hợp tác quốc phòng và an ninh không phải là một ưu tiên mà được đề cập đến như một trọng tâm thứ yếu trong quan hệ đối tác chiến lược của hai nước.
Tàu hộ vệ FGS Bayern số hiệu F217 của hải quân Đức cập bến cảng Nhà Rồng, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Việt Nam trong 4 ngày. - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.01.2022
Thấy gì từ chuyến thăm đầu tiên của một khinh hạm Đức đến Việt Nam?
Quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia khác thường, nhưng không nhất thiết, được xác định theo bốn cấp độ tiến bộ, quan hệ "đối tác chiến lược" thường được thiết lập sau khi hai bên có quan hệ "đối tác toàn diện" bao gồm sự hợp tác trong tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và CHLB Đức được thiết lập mà bỏ qua giai đoạn quan hệ toàn diện.

Thay đổi thái độ đối với hợp tác quốc phòng và an ninh

Việc không chú tâm vào hợp tác quốc phòng và an ninh phản ánh các ưu tiên chiến lược của hai nước vào thời điểm đó, và phù hợp với tình hình ở Biển Đông và trong các vấn đề quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương một thập kỷ trước. Trung Quốc đang "trỗi dậy" với nhiều hành động cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, sự bành trướng quân sự, sức mạnh chính trị toàn cầu và tham vọng ngày càng rõ ràng nhằm tạo ra một trật tự thế giới mới theo các quy tắc riêng của họ. Sáng kiến Vành đai và Con đường trong khuôn khổ chiến dịch "Giấc mơ Trung Hoa" và mục tiêu "trẻ hóa quốc gia" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở thành một động lực đặc biệt để cả Việt Nam và Đức xem xét lại các chính sách quốc phòng và an ninh của họ đối với khu vực.
Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.07.2021
Việt Nam và Đức cùng khởi xướng sáng lập "Nhóm luật biển" UNCLOS
Gần đây Việt Nam chuyển từ “Ba không” sang “Bốn không” trong chính sách quốc phòng, đó là:
không tham gia liên minh quân sự;
không liên kết với nước này để chống nước kia;
không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác;
không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, như tác giả bài báo lưu ý, chính sách này không đặt ra những hạn chế đối với sự hợp tác của Việt Nam với các quốc gia khác, đặc biệt là với các nước mà Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện, nhằm tăng cường khả năng quốc phòng. Sự điều chỉnh trong chính sách quốc phòng của Việt Nam phản ánh thái độ của Việt Nam trước việc Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng biển của mình và các hành động gây hấn ở các khu vực khác trên Biển Đông.
Trong khi đó, các hướng dẫn chính sách của Đức đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã công nhận vai trò quan trọng của các tuyến vận tải qua Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và Biển Đông đối với hoạt động ngoại thương của thế giới và nền kinh tế của cả Liên minh Châu Âu (EU) và Đức. Mặc dù Đức không phải là một quốc gia trong khu vực, nhưng Đức có vai trò trong việc EU tham gia vào các động lực tăng trưởng của Châu Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel. - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.06.2021
Thủ tướng Angela Merkel: “Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức”
Theo thông cáo báo chí từ Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, nhiệm vụ của khinh hạm Bayern là đóng góp một cách hữu hình vào việc bảo vệ và gìn giữ trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chuyến đi qua Biển Đông nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS, quy định về tự do hàng hải và hàng không trong các vùng biển quốc tế, cũng như quyền đi lại qua các vùng nước ven biển. Đức luôn tán thành quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông.
Sự đồng thuận về lợi ích này đã tạo ra động lực rõ ràng để Việt Nam và Đức mở rộng quan hệ đối tác chiến lược, bao gồm hợp tác quốc phòng và an ninh theo hướng thực chất hơn.
Năm 2003, Việt Nam bổ nhiệm Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Berlin, trong khi người đồng cấp Đức thường trú tại Bangkok. Năm sau, trong chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam tới Đức, một biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa hai Bộ Quốc phòng, mở đường cho Việt Nam cử các quan chức quân sự sang Đức đào tạo. Kể từ đó, đội ngũ sĩ quan quân đội Việt Nam đã tham gia các khóa đào tạo hàng năm tại các căn cứ quân sự của Đức. Kể từ năm 2011, hợp tác quốc phòng Việt-Đức đã được mở rộng sang lĩnh vực quân y và hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, cũng như ghi nhận nhiều hơn các chuyến thăm của các quan chức quân sự cấp cao. Đặc biệt, vào năm 2019, Đức bổ nhiệm tùy viên quốc phòng thường trú đầu tiên tại Hà Nội, động thái cho thấy phạm vi hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn nữa trong tương lai.
Trong mối quan hệ song phương đã có những tranh cãi. Vào năm 2017, CHLB Đức cáo buộc Bộ Công an Việt Nam tổ chức “bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh” từ Berlin, dẫn đến việc Đức đã "tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược". Ông Trịnh Xuân Thanh đã bị điều tra về tội tham ô tài sản nhưng đã trốn ra nước ngoài để tránh bị trừng phạt.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao CHLB Đức Heiko Maas tại Trụ sở Bộ Ngoại giao Đức ở Thủ đô Berlin. - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.02.2019
Đức muốn "khôi phục quan hệ đối tác chiến lược" với Việt Nam sau vụ Trịnh Xuân Thanh
Tuy nhiên, những lo ngại về nhân quyền đã không ngăn được các quan chức Đức và Việt Nam kêu gọi cải thiện quan hệ đối tác chiến lược. Cho đến nay, Nhóm Chỉ đạo Chiến lược SSG Việt - Đức đã tổ chức sáu cuộc họp, mặc dù các nội dung liên quan đến hợp tác quốc phòng và an ninh đã không được thảo luận chính thức cho đến cuộc họp thứ năm và thứ sáu của nhóm lần lượt vào các năm 2019 và 2021. Kế hoạch hành động trong giai đoạn 2019-2022 cũng ghi nhận hợp tác quốc phòng và an ninh là một ưu tiên mới của hợp tác song phương.
Chuyến thăm của khinh hạm Bayern đến Thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày đầu tiên của năm 2022 là một bước đi cụ thể báo hiệu mối quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Đức, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quân. Tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng sẽ là bước tiếp theo trong việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược hiện tại lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian 3 năm tới, khi hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trên nền tảng là Đức và Việt Nam đều là đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong EU và ASEAN.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала