HSBC tài trợ 12 tỷ USD cho các dự án phát triển bền vững tại Việt Nam
© Ảnh : Trần Việt - TTXVNSản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam. Ngành dệt may 'cán đích' với doanh thu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD
© Ảnh : Trần Việt - TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Ngày 25/1, ngân hàng HSBC Việt Nam công bố cam kết thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030.
Nguồn vốn trên nhằm hỗ trợ Việt Nam đầu tư vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng giúp quốc gia Đông Nam Á này đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cam kết vì một Việt Nam xanh bền vững
Được biết, đây là một phần trong cam kết về cân bằng khí thải của Tập đoàn HSBC, nhằm cung cấp từ 750 tỷ USD tới 1.000 tỷ USD đến năm 2030 để tài trợ và đầu tư bền vững, hỗ trợ các doanh nghiệp khi họ chuyển sang các phương thức kinh doanh bền vững hơn và giảm phát thải carbon.
HSBC cũng nêu rõ kế hoạch tài trợ về tài chính và chuyên môn cho các dự án xanh, dự án phát triển bền vững trọng điểm và có tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải carbon của Việt Nam.
Theo báo cáo của HSBC chỉ ra, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khác tại Châu Á sẽ chịu tác động lớn khi mực nước biển dâng cao. Ngoài ra, thu nhập của Việt Nam cũng bị giảm 3,5% do biến đổi khí hậu vào năm 2050.
Nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng xanh. HSBC đã gia tăng các hoạt động và giải pháp hỗ trợ khi phát triển bền vững ở châu Á tăng tốc vào năm 2021. Đây cũng là mục tiêu chính của HSBC Việt Nam nhằm giúp xây dựng một tương lai phát triển và bền bỉ hơn cho Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp.
Phát triển bền vững - Hướng đi đúng đắn
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Chính phủ Việt Nam cam kết chuyển đổi thành nền kinh tế đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là mục tiêu đúng đắn của Việt Nam nhằm phát triển bền vững nền kinh tế.
Như Sputnik đã đưa tin, tại Hội nghị COP26, Việt Nam tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng tại COP 26, như cam kết không xây dựng mới điện than, cam kết về bảo vệ rừng và sử dụng đất hợp lý, tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
© Ảnh : Danh Lam - TTXVNSản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Điện - Điện tử Mê Trần Vĩnh Phúc
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Điện - Điện tử Mê Trần Vĩnh Phúc
© Ảnh : Danh Lam - TTXVN
Không chỉ vậy, những sáng kiến và cam kết của Việt Nam luôn lấy con người làm trung tâm. Đánh giá cao cam kết của Việt Nam, bà Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ:
“Chúng tôi chúc mừng Việt Nam luôn là quốc gia tiên phong trong các hợp tác đa phương, đi đầu trong chủ trương lấy người dân làm trung tâm, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững ở cả khu vực và trên toàn cầu. Chúng tôi đặc biệt khen ngợi cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao tham vọng và tham gia các nỗ lực toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu”.
Về phần mình, Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ, ngân hàng này sẽ huy động nguồn vốn từ thị trường tài chính trong nước và quốc tế để có thể cung cấp đa dạng các giải pháp bền vững trong lĩnh vực tín dụng xanh, tài trợ nợ, chuỗi cung ứng, thương mại, tiền gửi xanh và các sản phẩm đầu tư.
“Chúng tôi đã nhận được những góp ý tích cực cũng như hướng dẫn tường tận từ Chính phủ Việt Nam để tiến hành làm việc với các Bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước trong việc thu xếp nguồn vốn xanh cho Việt Nam. Với sự hỗ trợ và chỉ đạo từ Chính phủ, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam, kiến thức và kinh nghiệm quốc tế chuyên sâu của HSBC trong lĩnh vực tài chính bền vững, tôi tin rằng chúng ta có thể tạo nên những đóng góp rõ rệt cho mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Việt Nam” - Ông Tim Evans tin tưởng.
Đồng thời, HSBC Việt Nam cũng sẽ kết hợp giữa quy trình đánh giá rủi ro nghiêm ngặt và các tiêu chuẩn tài chính xanh quốc tế đối với các dự án nêu trên.