Vụ án Năm Cam ‘xử bắn’ Dung Hà: Vì sao Hải ‘bánh’ được ra tù sớm?
Đăng ký
Hải ‘bánh’ tên thật là Nguyễn Tuấn Hải, trùm giang hồ nổi tiếng trong vụ án Năm Cam – Dung Hà (chuyên án Z5.01), ‘đệ tử ruột’ gắn bó với tử tù Trương Văn Cam, đã được ra tù, hoàn lương, với quyết tâm làm người tốt, một công dân tốt trong xã hội.
Vì ao Hải ‘bánh’ được tự do (rời trại giam Xuân Lộc, Z30A, Bộ Công an, Đồng Nai) sau 22 năm thụ án vì tội Giết người (liên quan vụ bắn chết bà trùm Dung Hà – tức Vũ Hoàng Dung ngay trước quán karaole số 17 Bùi Thị Xuân, Q1, TP.HCM)?
Vì sao Hải ‘bánh’ ra tù sớm dù lĩnh án chung thân?
Như Sputnik đã thông tin, Nguyễn Tuấn Hải, tức Hải ‘bánh’, 55 tuổi, quê Hà Nội, đã được tha tù trước hạn.
Như đã biết, Hải ‘bánh’ là trợ thủ đắc lực, cánh tay phải, “đệ tử ruột” gắn bó với ông trùm Trương Văn Cam (Năm Cam), nhất là trong vụ “xử bắn” bà trùm Dung Hà vì mâu thuẫn băng nhóm ngay trên đường phố Sài Gòn năm 2000.
Nguyễn Tuấn Hải đã chấp hành 22 năm tù tại trại giam Xuân Lộc - Z30A, Bộ Công an, tỉnh Đồng Nai sau khi bị TAND TP.HCM tuyên án chung thân về tội giết người liên quan đến cái chết của Vũ Hoàng Dung (bà trùm Dung Hà).
Nhiều người thắc mắc, vì sao dù đã lĩnh án chung thân nhưng Nguyễn Tuấn Hải lại được ra tù trước hạn?
Ngày 27/1, Đại tá Thái Duy Hồng, Giám thị Trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thông tin với báo chí, làm rõ việc Nguyễn Tuấn Hải được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật, đồng thời, được trao cơ hội hoàn lương.
Theo đại diện trại giam Xuân Lộc xác nhận, Hải ‘bánh’ đã hết thời hạn chấp hành án và được tự do, trở về với xã hội.
“Phạm nhân Nguyễn Tuấn Hải đã được ra tù sáng nay 27/1/2022 sau khi chấp hành xong hình phạt tù”, đại diện trại giam Xuân Lộc nói.
Trong thời gian thụ án, Nguyễn Tuấn Hải đã nỗ lực cải tạo tốt, từ năm 2015 đến nay, phạm nhân này liên tục được giảm án qua bình xét hàng năm và cuối cùng được trả tự do, về với gia đình, người thân.
“Thời gian thụ án, Hải rất ân hận về những tội mà bản thân đã gây ra và nhiều năm liền cải tạo tốt nên sớm được trở về cuộc sống bình thường”, Đại tá Thái Duy Hồng cho biết.
Một vị lãnh đạo trại giam Xuân Lộc cũng từng nói với báo giới, Nguyễn Tuấn Hải trong thời gian ở tù, tham gia, đóng góp rất nhiệt tình nhiều hoạt động biểu diễn, chương trình văn nghệ trong trại giam để cùng giúp các phạm nhân khác cải tạo tốt.
Khi nào lĩnh án chung thân nhưng có thể không phải ngồi tù cả đời?
Dưới góc độ pháp luật, nhiều luật sư cho rằng, pháp luật Việt Nam dù rất nghiêm minh, trước pháp luật tất cả mọi người đều công bằng, dù họ là ai, tuy nhiên, Đảng, Nhà nước vẫn có chính sách khoan hồng, tạo điều kiện để những người từng vào tù ra tội, những phạm nhân từng một thời lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đôc Công ty Luật Minh Bạch chia sẻ với Zing nhận định, việc Hải ‘bánh’ được tha tù trước thời hạn thể hiện sự nhân đạo của pháp luật, là sự ghi nhận cho nỗ lực cải tạo của một người từng nổi tiếng với danh xưng “trùm giang hồ”, “đệ tử của Năm Cam”.
Luật sư Anh cho biết theo Điều 63 Bộ luật Hình sự 2015, người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ dân sự thì được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Đồng thời, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền là đơn vị đưa ra đề nghị giảm án với phạm nhân.
Cụ thể, đối với người bị tuyên cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù có thời hạn, thời điểm xét giảm án là sau khi chấp hành 1/3 thời hạn hình phạt. Đối với người bị kết án tù chung thân, mốc thời điểm này là sau 12 năm thi hành án.
Ông Trần Tuấn Anh phân tích, ở lần giảm án đầu tiên, nếu được chấp nhận, người bị kết án tù chung thân sẽ được giảm án xuống còn 30 năm tù.
“Trong những lần xét giảm tiếp theo, tùy thuộc quá trình cải tạo, họ có thể tiếp tục được giảm án. Tuy nhiên, việc giảm án vẫn phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt của họ ít nhất là 20 năm tù”, luật sư cho biết.
Như vậy, với việc Hải ‘bánh’ đã chấp hành án 22 năm trước khi được trả tự do, luật sư Trần Tuấn Anh nhìn nhận cơ quan chức năng đã thực hiện đúng quy định, thể hiện sự nghiêm minh nhưng cũng rất nhân đạo của pháp luật với những người phạm tội.
“Một người vào tù không có nghĩa họ không thể đóng góp cho xã hội. Quá trình cải tạo, họ vẫn phải lao động và được dạy nghề, làm những công việc tạo ra của cải, vật chất, giá trị cho xã hội”, luật sư nhấn mạnh.
Vị chuyên gia pháp lý cũng lưu ý, thông thường, mỗi năm sẽ có 3 đợt giảm án vào các dịp 30/4, 2/9 và Tết Nguyên đán. Tùy thuộc thái độ cầu thị của người phạm tội, giám thị trại giam sẽ xem xét đề nghị giảm án, tạo điều kiện để họ sớm trở về với người thân và làm lại cuộc đời.
Hải ‘bánh’ được tha tù thể hiện sự nhân đạo của pháp luật Việt Nam
Cùng chung quan điểm này, TS.LS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội cũng khẳng định, chuyện Hải ‘bánh’ được tha tù dù đã lĩnh án chung thân vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, vừa nêu bật được tinh thần nhân đạo, khoan hồng, bao dung.
Theo ông Cường phân tích các cơ sở pháp lý liên quan đến trường hợp của Nguyễn Tuấn Hải, luật sư đánh giá, đây không phải là chuyện hy hữu mà hoàn toàn có thể xảy ra.
“Trong trường hợp không được đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn thì Hải sẽ phải chấp hành hình phạt tù chung thân, nghĩa là ở tù đến hết đời. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có quy định về đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn”, TS.LS Đặng Văn Cường nêu rõ.
Luật sư Cường nhấn mạnh, người phải chấp hành hình phạt tù (kể cả tù chung thân) nếu chấp hành tốt trong quá trình cải tạo thì vẫn có cơ hội được giảm án, được trở về với gia đình.
Vị chuyên gia pháp lý thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội chỉ rõ, thời điểm Hải bánh bị xét xử, bị thi hành án với mức án tù chung thân là thời điểm áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Theo đó, Điều 58 Bộ luật hình sự quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên như sau: Người bị kết án cải tạo không giam giữ, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
“Người bị kết án phạt tù, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án, Toà án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt”, luật pháp quy định.
Tuy nhiên, cũng như luật sư Trần Tuấn Anh ở trên phân tích, theo ông Cường, thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ 30 năm trở xuống, 12 năm đối với tù chung thân.
Cùng với đó, người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm, quy định tại Điều 63 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
“Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam với người bị kết án tù chung thân thì cánh cửa cuộc đời của họ chưa hẳn đóng lại. Thậm chí với người bị kết án tử hình thì vẫn có thể có cơ hội được sống nếu họ được Chủ tịch nước ân giảm, đặc xá, đại xá”, luật sư cho biết.
Theo TS. Đặng Văn Cường, với chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật thì người bị kết án tù chung thân nếu tích cực cải tạo trong thời gian chấp hành án, được nơi cải tạo ghi nhận thì vẫn có cơ hội được giảm thời gian chấp hành hình phạt tù.
“Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, Nguyễn Tuấn Hải được giảm án nhiều lần và được tha tù trước thời hạn khi chấp hành được hơn 20 năm tù là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật”, luật sư khẳng định.
Góc khuất ít biết của trùm giang hồ Hải ‘bánh’
Ngày ra tù, ngày được thấy ánh mặt trời, ngày được hiểu giá trị của hai chữ “tự do”, Hải ‘bánh’ đã vét sạch tiền trong túi, khoảng 1,8 triệu đồng để mua ủng hộ người bán vé số.
Ông không phải mong đổi vận, cầu may, trúng số độc đắc, hành động vét sạch tiền của một trùm giang hồ cộm cán nổi tiếng cả Việt Nam, cùng những giọt nước mắt mừng tủi, ngày được hoàn lương, cho thấy, Nguyễn Tuấn Hải muốn được làm người tốt.
Như đã biết, giai đoạn những năm 1990-2000, Nguyễn Tuấn Hải được biết đến là “cánh tay phải đắc lực”, “đệ tử ruột thân tín” của trùm giang hồ Năm Cam, tức Trương Văn Cam.
Hải ‘bánh’ cũng từng khiến cả giới giang hồ rúng động khi tham gia vụ sát hại và gây nên cái chết của Vũ Hoàng Dung (tức bà trùm Dung Hà) ở Sài Gòn thời điểm năm 2000.
Để hiểu Hải ‘bánh’ nổi tiếng như thế nào và liên quan gì đến Năm Cam, Dung Hà, phải lật lại vụ án Dung Hà – Năm Cam, một trong những vụ án lịch sử liên quan đến những kẻ cầm đầu các băng nhóm “xã hội đen” khét tiếng một thời của Việt Nam.
Như người ta thường nói, trong giới giang hồ Việt Nam có hai “trùm giang hồ” (mafia) khét tiếng là Dung Hà (Vũ Hoàng Dung, Hải Phòng) và Năm Cam (TP.HCM).
Hai phe cánh xã hội đen này thường xuyên tranh giành, đấu đá nhau nhưng dường như Dung Hà vẫn kém Năm Cam đôi chút về quy mô và tầm hoạt động.
Do đó, để lấy lòng Năm Cam, Dung Hà dùng đến nhiều phương cách, trong đó có việc gợi ý cho Năm Cam nhận Hải ‘bánh’ và đám thuộc hạ thân cận trong nhóm “Trà Bắc” làm đàn em.
Kể từ sau “quy dưới chướng” của Năm Cam, Nguyễn Tuấn Hải cũng không mất nhiều thời gian để trở thành cánh tay phải đắc lực của ông trùm.
Được biết, để trả công cho Hải, Năm Cam cho đàn em nhiều tiền, cho hưởng hoa hồng bảo kê, thuê hẳn một tiệm cắt tóc cho Hải quản lý và ăn trọn lợi nhuận. Lúc đó, Hải muốn tiền có tiền, muốn hồng nhan có hồng nhan, thiếu huynh đệ, không ít người sẵn sàng ‘vào sinh ra tử’ với hắn.
Trong đoạn clip năm 2010, sau 9 năm bị bắt vì bắn chết trùm giang hồ Dung Hà trong tù, Hải từng kể về ‘kiếp đỏ đen hành tẩu giang hồ’ của mình.
“Lúc hoàng kim, em thiếu gì đàn em, chiến hữu, tình nhân. Nhưng khi em ngã ngựa thì cả thảy biệt dạng”, Hải nói.
Nguyễn Tuấn Hải cũng khẳng định, bản thân không buồn vì đó là luật chơi của giang hồ và cũng không trách khi vợ đi lấy chồng khác.
“Em không giận, không trách gì cô ấy đâu, có trách là trách mình có mà không biết giữ gìn, để rồi khi mất mới biết mình từng có”, Hải tâm sự.
Tuy nhiên, cuối thập niên 90-2000, mâu thuẫn giữa các băng nhóm ngày càng sâu sắc, đỉnh điểm chính là việc Năm Cam quyết “lấy số” và xử bắn Dung Hà, kết liễu đời bà trùm khét tiếng Hải Phòng. Ông trùm Năm Cam đã giao cho chính Hải ‘bánh’ lo vụ xử Dung Hà.
Theo lời khai, Hải ban đầu gọi 2 đàn em đang trốn truy nã ở Nga về nước để giết Dung Hà. Trong một lần sơ hở, Dung Hà bị hai đàn em thân tín khác của Hải là Hưng "Phi nhon" và Trường "Xoăn" bắt gặp.
Đến đêm 1/10/2000, Hưng và Trường đã “xử” Dung Hà bằng viên đạn ngay giữa đầu bà trùm. Vụ việc gây chấn động giới giang hồ trên cả nước và Bộ Công an chính thức vào cuộc.
Ngày 19/5/2001, Công an TP.HCM thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Hải ‘bánh’. Chỉ khoảng hơn nửa năm sau, Bộ Công an cũng bắt giữ Năm Cam và cả trăm đàn em, đồng bọn.
Khi TAND TP.HCM tiến hành xét xử, Hải đối mặt án tử hình với hàng loạt cáo buộc bao gồm Giết người, Cố ý gây thương tích ở quán ăn Tân Hải Vân và Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Tuy nhiên, sau đó, Hải được giảm án xuống còn chung thân do thành khẩn khai nhận tội và đã hợp tác với cơ quan điều tra khai báo về băng đảng của Năm Cam.
Hải ‘bánh’ muốn sống để chuộc đền tội lỗi
Đại tá Phan Hồng Lam, Phó giám thị trại giam Xuân Lộc từng đánh giá rằng, nếu đi đúng đường, Hải ‘bánh’ có thể trở thành một người thành công, bởi sự tài hoa như có sẵn trong máu của người đàn ông ấy. Lao động dẫn lời kể của Đại úy Lam cho biết, trong tù, thời gian rảnh rỗi, Hải đã tìm đến sách vở. Ngoài công việc chăm sóc và cắt tỉa cây cối, Hải còn rất thích vẽ tranh.
Đại úy Phan Hồng Lam cũng cho hay, trong một lần trò chuyện, Hải từng bộc bạch, khi vợ sinh con gái, Hải rất mừng vì sẽ “không có một thằng Chí Phèo con ra đời”.
Bản thân Hải luôn ân hận vì những gì mình đã làm, những năm tháng giang hồ mình đã trải qua.
“Nói thật em cố giữ mạng sống là để đền tội với mẹ và con, dẫu có muộn màng”, Nguyễn Tuấn Hải nhấn mạnh.
Hải cũng từng kể, nhiều lúc không hiểu sao khi đó mình lại sống như thế, lại đi giết người, đoạt mạng người ta, làm hại kẻ khác.
Ngày 27/1/2022 Hải ‘bánh’ đã chính thức được ra tù, được hoàn lương. Nguyễn Tuấn Hải “muốn quay đầu”, muốn hướng thiện, sống tốt, làm công dân tốt, đóng góp cho xã hội, đất nước.
Người Việt Nam có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, pháp luật rất nghiêm minh, có tội phải bị xử nghiêm, nhưng trong cái nghiêm minh ấy, luôn có sự khoan hồng cho bất cứ ai muốn làm lại cuộc đời, thay đổi để sống tốt, sống có ích hơn.
Hãy để Nguyễn Tuấn Hải có cơ hội trở thành một người tốt…