Ai hưởng lợi từ gói cứu trợ lịch sử gần 350.000 tỷ đồng của Việt Nam?

© AFP 2023 / Hoang Dinh NamĐồng Việt Nam
Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 31.01.2022
Đăng ký
Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội – gói cứu trợ gần 350.000 tỷ đồng. Việt Nam kỳ vọng gì từ gói hỗ trợ kinh tế lớn chưa từng có này?
Chuyên gia cũng phân tích nhiều lo ngại việc giải ngân chậm, ảnh hưởng đến các mục tiêu phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cấp bách hiện nay. Gói cứu trợ 350.000 tỷ đồng sẽ được triển khai như thế nào để mang đến hiệu quả thiết thực?

Việt Nam muốn tăng GDP 6,5 - 7%/năm

Ngày 30/1 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ.
Mục tiêu của gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ là nhằm phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025.
Thành phố Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.01.2022
Standard Chartered: GDP Việt Nam 2022 có thể tăng 6.7%, VND đang ổn định
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng muốn duy trì mức tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
Chính phủ của Thủ tướng Chính cũng nỗ lực tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.
“Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, Nghị quyết nêu rõ.
Đối tượng được gói hỗ trợ là người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.
Các chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện trong 2 năm (2022-2023), một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực tuỳ diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong nước.

Có gì trong gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng?

Nghị quyết mà Chính phủ vừa ban hành đã đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính.
Một là, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, dịch vụ giải trí... sẽ được cấp có thẩm quyền hướng dẫn triển khai trên cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Chính phủ của ông Phạm Minh Chính sẽ điều chỉnh, thống nhất các quy định về đi lại, di chuyển của người lao động, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất an toàn, duy trì hoạt động liên tục, ổn định.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.11.2021
Ông Vương Đình Huệ: Thêm kỳ họp Quốc hội cuối năm để quyết định giải pháp phục hồi kinh tế
Các dự án đầu tư mới, cải tạo nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị... sẽ được tập trung thực hiện trong 2 năm tới 2022-2023 này.
Hai là, Chính phủ Việt Nam muốn đảm bảo an sinh xã hội, việc làm cho người dân.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, gói hỗ trợ đưa ra chính sách hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất...
Mức hỗ trợ với lao động quay trở lại làm việc là 1 triệu đồng một tháng và lao động đang làm tại các doanh nghiệp là 500.000 đồng một tháng.
Ở nhóm giải pháp này, Chính phủ cũng đưa ra chính sách cho vay hỗ trợ duy trì, mở rộng việc làm, với tổng vốn cho vay tối đa 10.000 tỷ đồng.
“Các cá nhân, hộ gia đình cũng sẽ được vay để mua, thuê mua nhà ở nhà xã hội, nhà ở cho công nhân, hoặc vay để cải tạo, sửa chữa nhà... với tổng vốn 15.000 tỷ đồng”, theo Nghị quyết.
Ngoài ra, học sinh, sinh viên sẽ được vay để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và chi phí học tập... khoảng 3.000 tỷ đồng.
Chính phủ cũng dành nguồn lực cho vay chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi 10 năm tới, với tổng vốn vay 9.000 tỷ đồng.
Các đại biểu tham luận tại diễn đàn - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.11.2021
Diễn đàn Tài chính Việt Nam: Thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch sẽ được vay hỗ trợ, tổng vốn vay tối đa 1.400 tỷ đồng.
Chính phủ sẽ cấp bù lãi suất và phí quản lý tối đa 2.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay ưu đãi. Đồng thời, hỗ trợ lãi suất 2% một năm với các khoản có lãi suất cho vay trên 6% một năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong trong 2022-2023. Tổng vốn hỗ trợ lãi suất là 3.000 tỷ đồng.
Ba là, Việt Nam kỳ vọng hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Theo đó, loạt chính sách miễn giảm thuế phí, lệ phí trong năm 2022 được Chính phủ đưa ra. Chẳng hạn, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) về 8% với cơ sở kinh doanh tính theo khấu trừ và giảm 20% tỷ lệ phần trăm khi xuất hoá đơn với hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu.
“Việc giảm thuế VAT không áp dụng với lĩnh vực viễn thông, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản”, Nghị quyết lưu ý.
Thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay giảm 50%, giảm 50% phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân phải ngừng kinh doanh, sản xuất do ảnh hưởng của Covid-19 sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022.
Các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức vào hoạt động phòng, chống dịch sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế doanh nghiệp, cho kỳ tính thuế năm 2022.
Các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ lãi suất 2% một năm trong hai năm (2022 - 2023) với các khoản vay của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã có khả năng trả nợ, phục hồi, thuộc lĩnh vực như hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; xuất bản phần mềm...
Ngành ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5-1% trong 2 năm tới, nhất là với lĩnh vực ưu tiên. Các ngân hàng cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.11.2021
Đại dịch COVID-19
Việt Nam tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh để phục hồi kinh tế
Nghị quyết lần này Chính phủ Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng quyết định tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước giữ trên 50% vốn từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ 2021-2023 cho và từ nguồn ngân sách Nhà nước cho Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank).
Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, người dân.
Bốn là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn và giải ngân nhanh, hấp thụ ngay vào nền kinh tế.
Trong đó, các dự án hạ tầng quan trọng được Chính phủ chú trọng đầu tư giai đoạn này là hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với Miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long, hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp, hạ tầng số, chuyển đổi số.
Việt Nam cũng hướng đến việc sử dụng hiệu quả nguồn lực của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet trong nước với công cuộc “make in Vietnam”, thương mại hóa 5G, nghiên cứu 6G.
Năm là, Việt Nam nhắm đến việc cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, các cơ chế, chính sách cản trở sản xuất, kinh doanh sẽ được đẩy nhanh cắt giảm.
Thủ tục hành chính sẽ được tăng xử lý trực tuyến; nghiên cứu các giải pháp đột phá, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững.
“Tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị xã hội, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm”, Nghị quyết nêu rõ.
Chính phủ cũng xác định cần điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, chú ý nợ xấu, tiết kiệm chi, tăng thu.
“Trường hợp có biến động, rủi ro lớn, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cân đối giải pháp tiền tệ hỗ trợ Chương trình với tổng thể phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt”, Nghị quyết nói.
Nghị quyết cũng đưa ra cơ chế giám sát để tránh trục lợi chính sách trong quá trình thực hiện gói hỗ trợ phục hồi này.
Kết quả thực hiện gói hỗ trợ sẽ được Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022 - 2023 và kỳ họp cuối năm 2024.

Làm sao để giải ngân nhanh, hiệu quả gói 350.000 tỷ đồng?

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, vừa qua, số lượng người nhiễm Covid-19 rất nhiều, gây áp lực cho nền kinh tế và y tế, đặc biệt là y tế dự phòng. Đây là nhiệm vụ cần tiếp tục được triển khai. Bên cạnh đó, đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, hỗ trợ cho người lao động làm việc, hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
“Trong Nghị quyết này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham mưu Chính phủ cần triển khai ngay gói hỗ trợ và giải ngân ngay trong 2 năm 2022-2023. Với những nhiệm vụ đưa ra cho các bộ, ngành, cần triển khai ngay và chậm nhất trong quý I/2022. Chính phủ rất tích cực triển khai sau khi có Nghị quyết 43”, ông Đông lưu ý.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nổi tiếng ở Việt Nam chia sẻ, Chính phủ cần khẩn trương ban hành các giải pháp để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, phải cụ thể hoá bằng kế hoạch chi tiết, giao cụ thể nhiệm vụ cho từng bộ ngành, địa phương trên cơ sở Nghị quyết được Quốc hội thông qua.
Quang cảnh thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.01.2022
Phép lạ kinh tế Việt Nam là một tấm gương cho các nước khác
Theo PGS.TS Thịnh, tinh thần phải khẩn trương và khẩn trương hơn nữa ngay từ những ngày đầu năm 2022. Chia sẻ với Người lao động, ông Thịnh cho rằng, Chính phủ cần khẩn trương “chốt” danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư từ chương trình, để sớm triển khai.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhấn mạnh cần lựa chọn các dự án khả thi, tránh cơ chế “xin-cho”, dàn trải như một số địa phương vừa rồi tại kỳ họp bất thường của Quốc hội đã “xin” làm cao tốc.
Theo ông Thịnh, Chính phủ, các bộ ngành cần vận dụng có hiệu quả các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho phép để triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn để tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Chuyên gia kinh tế đặc biệt lưu ý đến cơ chế chỉ định thầu, bởi có thể quy trình “rút gọn”, nhưng cần lựa chọn các nhà nhà thầu đủ năng lực và sẵn sàng các chế tài để xử lý nếu nhà thầu đó không đáp ứng tiến độ và chất lượng công trình.
“Càng cho cơ chế đặc thù thì càng phải kiểm tra, giám sát để tránh tiêu cực xảy ra”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, Chính phủ cần tập trung mọi nguồn lực, cơ chế để giải ngân một lượng vốn lớn “chưa từng có” phải chi ra trong một khoảng thời gian ngắn.
Theo ông Hùng, việc huy động vốn khó, nhưng việc hấp thụ vốn như thế nào cho hiệu quả lại là vấn đề khó hơn.
“Cần phân bổ vốn vào các dự án trong tâm, trọng điểm, giải ngân có hiệu quả, hiện Chính phủ đã có phục lục chi tiết các dự án dự kiến được chi vốn từ chương trình này”, ông Hùng nói.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, việc giải ngân vốn đầu tư trong gói hỗ trợ cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
“Khi đã có kế hoạch phân bổ vốn cho từng dự án, phải giao chỉ tiêu cụ thể cho người đứng đầu và yêu cầu báo cáo tiến độ giải ngân thường xuyên để cấp có thẩm quyền giám sát”, ông Doanh nói.
Đây cũng là quan điểm mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng như Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định trước đó. Theo TS. Lê Đăng Doanh, Chính phủ, các bộ ngành cũng cần bám sát từng dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
TP Hồ Chí Minh. - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.01.2022
‘Lốc xoáy’ Covid-19, giá cả tăng phi mã, rủi ro lạm phát với nền kinh tế Việt Nam
“Có vốn nhưng không giải ngân được, bị "ngâm" quá lâu thì sẽ không đáp ứng được mục tiêu cấp bách của chương trình phục hồi và phát triển trong 2 năm 2022-2023”, chuyên gia lưu ý.
Đối với các dự án giao thông trọng điểm, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần chuẩn bi kỹ để không rơi vào tình trạng thiếu vật liệu như tuyến cao tốc Bắc - Nam vừa qua. Đồng thời, các cơ quan có liên quan cần chủ động về các mỏ vật liệu để không bị động, không gián đoạn thi công, gây đội vốn, chậm tiến độ.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала