Hàng loạt kiến nghị về Luật Cảnh sát cơ động ‘nhắm’ vào Bộ trưởng Tô Lâm
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNPhiên họp thứ 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 15/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 8. Cũng trong phiên họp sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Mở đầu phiên họp thứ 8 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các câu ý kiến xoay quanh Luật Cảnh sát cơ động đã làm “nóng” nghị trường. Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai (cuối năm 2021) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022).
Làm rõ quy định ‘biện pháp vũ trang’
“Biện pháp vũ trang” là một trong 7 biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia quy định tại Điều 15 Luật An ninh quốc gia và đã được quy định tại khoản 14 Điều 16 (Nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân) Luật Công an nhân dân năm 2018; Luật Công an nhân dân cũng đã quy định cụ thể các đối tượng phục vụ trong Công an nhân dân.
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNChủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu ý kiến.
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVN
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, các luật nói trên chưa có quy định cụ thể về biện pháp vũ trang và các văn bản dưới luật cũng chưa thấy quy định thế nào là biện pháp vũ trang. Vì vậy cần phải xem xét và làm rõ quy định này vì liên quan tới nhiều quyền.
“Cảnh sát cơ động là nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang, dự thảo luật có 5 lần xuất hiện "biện pháp vũ trang", nhưng nội hàm lại không rõ, mà chắc chắn khi áp dụng biện pháp này thì liên quan rất lớn đến quyền con người, quyền công dân, nên cần quy định rõ để cảnh sát cơ động yên tâm thực hiện nhiệm vụ, tránh lạm dụng quyền hạn” - Ông Tùng góp ý.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nhận xét, biện pháp vũ trang là gì thì chưa ai nói cả, sử dụng biện pháp này của cảnh sát cơ động như thế nào thì lại chưa nói.
“Với cảnh sát cơ động, biện pháp vũ trang là biện pháp đặc biệt, vì đây là lực lượng tinh nhuệ nên cần nói cho rõ” - Ông Định nhấn mạnh.
Trước các ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công an giải thích từ ngữ đầy đủ để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Câu trả lời từ phía Bộ trưởng Tô Lâm
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm không giải thích thế nào là “biện pháp vũ trang” mà chỉ nhấn mạnh:
“Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang chủ yếu thực hiện biện pháp vũ trang là rất đúng, công an có nhiều lực lượng, nhưng thực hiện biện pháp vũ trang chủ yếu là ở lực lượng này”.
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNĐại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu.
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVN
Các đại biểu tại phiên họp ngay lập tức có ý kiến phản hồi rằng, do vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau về nội hàm, cần thiết tổ chức xin ý kiến chuyên gia nhà khoa học, hội thảo riêng về khái niệm này để quy định cho chính xác.
Ngoài ra, các đại biểu cũng có kiến nghị về điều chỉnh quyền hạn của lực lượng cảnh sát cơ động, tránh chồng chéo với các lực lượng khác, tránh lạm quyền. Về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết:
“Dự thảo luật mới nhất đã chỉnh lý quy định về nhiệm vụ quyền hạn của cảnh sát cơ động, nhưng không làm thay đổi chính sách lớn đã trình Quốc hội”.
Đồng thời, cũng có một số ý kiến yêu cầu quy định rõ hơn để tránh lạm quyền, trong đó có quy định cảnh sát cơ động được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan.
Được biết, Luật Cảnh sát cơ động sẽ được tiếp tục thảo luận và hoàn thiện tại kỳ họp gần nhất.