Việt Nam đang sở hữu nhiều mỏ khoáng sản trữ lượng tầm cỡ thế giới
© Depositphotos.com / ThanasusThiếc
© Depositphotos.com / Thanasus
Đăng ký
Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú với trên 5000 mỏ, điểm quặng, nhiều loại khoáng sản có quy mô trữ lượng đáng kể, tầm cỡ thế giới và có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế.
Các nhà làm chính sách Việt Nam đang đặt mục tiêu hoàn thành bản đồ địa chất và khoáng sản năm 2025 cũng như hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại.
Việt Nam có một số mỏ khoáng sản quy mô “tầm cỡ thế giới”
Việt Nam là quốc gia giàu tài nguyên, đặc biệt là “của trời” (tài nguyên thiên nhiên) như rừng cây, các động vật, thực vật quý hiếm, các mỏ khoáng sản, các nguồn nước, dầu, khí.
Kết quả công tác điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản đã thực hiện đến nay cho thấy Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng và phong phú với trên 5000 mỏ, điểm quặng của 60 loại khoáng sản khác nhau.
Đặc biệt, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có một số loại khoáng sản quy mô trữ lượng đáng kể, thậm chí là “tầm cỡ thế giới”, có ý nghĩa chiến lược.
Đây cũng chính là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước hiện nay và trong dài hạn.
Tài nguyên khoáng sản Việt Nam thuộc về ai? Theo Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định, tài nguyên khoáng sản là “tài sản công” thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý.
Trung bình mỗi năm ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam cung cấp cho nền kinh tế khoảng 90 triệu tấn đá vôi xi măng, khoảng 70 triệu m3 đá vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT), gần 100 triệu m3 cát xây dựng, cát san lấp, trên 45 triệu tấn than, trên 3 triệu tấn quặng sắt…giá trị sản lượng ngành khai khoáng (không kể dầu khí) chiếm khoảng 4-5% tổng GDP hàng năm.
© Ảnh : Anh Tuấn – TTXVNSản suất đá tại Mỏ đá Lũng Cái Đay (Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Dụ, huyện Bình Gia
Sản suất đá tại Mỏ đá Lũng Cái Đay (Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Dụ, huyện Bình Gia
© Ảnh : Anh Tuấn – TTXVN
Thống kê cũng cho thấy, đóng góp trực tiếp cho ngân sách từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường (không kể dầu khí) từ năm 2014 đến nay trung bình mỗi năm từ 16-20.000 tỷ đồng, trong đó thuế tài nguyên từ 10.000 - 11.000 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, tài nguyên khoáng sản đã trở thành một trong những nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước qua các thời kỳ và góp phần tạo nên kỳ tích kinh tế Việt Nam.
Việt Nam giàu có về những tài nguyên khoáng sản nào?
Theo thống kê từ Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT cũng như các dữ liệu quốc tế, tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam đa dạng và phong phú.
Tài nguyên khoáng sản Việt Nam có khoảng 40 chủng loại khác nhau từ khoáng sản phi kim loại, khoáng sản năng lượng, vật liệu xây dựng đến khoáng sản kim loại.
Dầu khí: Vùng biển Việt Nam rộng hơn 1 triệu km2 trong đó có 500.000 km2 là triển vọng về dầu khí.
Trữ lượng ngoài khơi chiếm khoảng 25% trữ lượng dầu dưới đáy của biển Đông. Có thể khai thác được từ 30-40 ngàn thùng/ngày (mỗi thùng 159 lít) tương đương 20 triệu tấn/năm. Trong đó, tổng trữ lượng dầu khí có khả năng thương mại chiếm khoảng 67% tổng tài nguyên đã được phát hiện.
Là nguồn tài nguyên quan trọng hàng đầu, tích tụ trong các bể trầm tích như: Sông Hồng, Phú Khánh, nhóm bể Trường Sa, Nam Côn Sơn, Cửu Long, Malay- Thổ Chu, Tư Chính- Vũng Mây. Với sản lượng khai thác dầu khí như hiện nay, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á chỉ sau Indonesia và Malaysia.
Than khoáng: Việt Nam là đất nước có tiềm năng về than khoáng trong đó có 3 loại phổ biến là than biến chất thấp (lignit – á bitum) ở phần lục địa trong bể than của sông Hồng.
Tính đến chiều sâu khoảng 1700m có tài nguyên trữ lượng đạt được 36,960 tỷ tấn. Nếu tính đến độ sâu 3500m thì theo dự báo tổng tài nguyên than đạt tới 210 tỷ tấn.
Than biến chất trung bình (bitum) được phát hiện ở khu vực Thái Nguyên, vùng sông Đà và Nghệ Tĩnh. Trữ lượng lại không lớn, và chỉ đạt tổng tài nguyên khoảng 80 triệu tấn.
Than biến chất cao (anthracit) thường phân bố chủ yếu ở các bể than như: Quảng Ninh, Nông Sơn, Thái Nguyên, sông Đà với tổng lượng đạt trên 18 tỷ tấn. Bể than Quảng Ninh là lớn nhất với trữ lượng đạt trên cả 3 tỷ tấn.
Bauxite: Như Sputnik đã thông tin, bauxite (hay bô-xít) là một loại quặng nhôm có nguồn gốc từ núi lửa có màu hồng, nâu, được hình thành trong quá trình phong hóa các đá giàu nhôm, phân bố chủ yếu ở các vành đai xung quanh xích đạo, và đặc biệt là trong môi trường nhiệt đới.
Bauxite có 2 loại phổ biến là diaspor và gibsit. Trong khi Diaspor phân bố ở Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hải Dương, Nghệ An…với trữ lượng không lớn chỉ đạt gần 200 triệu tấn, thì Gibsit, guồn gốc phong hoá từ đá bazan, phân bố phổ biến ở Tây Nguyên, trữ lượng đạt khoảng 2,1 tỷ.
Bauxite được khai thác thử nghiệm để sản xuất alumina ở Tân Rai, Đăk Nông, Lâm Đồng và Nhân Cơ. Việt Nam có trữ lượng bauxite lớn, chất lượng, phân bố tập trung, khai thác vô cùng thuận lợi. Do đó, cần phải khai thác và chế biến để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Apatit: Đây là một nhóm các khoáng vật phosphat gồm hidroxylapatit, cloroapatit, floroapatit. Nó là nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng của đất nước để phát triển kinh tế xã hội.
Mỏ quặng apaitit của Việt Nam tập trung phổ biến ở Lào Cai. Quặng apatit ở đây được sử dụng cho ngành công nghiệp sản xuất phân bón chứa lân. Apatit Lào Cai được phân chia ra 4 loại quặng khác nhau:
Quặng loại I: Là loại quặng đơn khoáng, với hàm lượng P2O5 chiếm từ 28-40%. Quặng loại II: Hàm lượng P2O5 chiếm 18-25%. Quặng loại III: Là quặng apatit-thạch anh, với hàm lượng P2O5 chiếm từ 12-20%, trung bình khoảng 15%. Quặng loại IV: Là quặng apatit-thạch anh-dolomit, với hàm lượng P2O5 8-10%.
Đất hiếm: Là nhóm nguyên tố có hàm lượng rất ít trong vỏ trái đất. Trữ lượng đất hiếm tại nước ta ở khoảng 10 triệu tấn. Chúng phân bố rải rác ở các mỏ quặng ở khu vực Tây Bắc và dạng cát đen ven biển các tỉnh miền Trung.
Đất hiếm là tập hợp của 17 nguyên tố hóa học. Đất hiếm được ứng dụng rất nhiều trong các hoạt động sản xuất như: Nam châm vĩnh cửu, đèn cathode, phân bón vi lượng, xúc tác lọc hóa dầu, siêu dẫn, laser, phát quang…
Mặc dù là tài nguyên quý, thế nhưng đất hiếm lại chứa nhiều nguyên tố độc hại, có tính phóng xạ cao. Nếu khai thác không đúng quy trình kỹ thuật thì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là rất cao. Tuy nhiên, nhờ trữ lượng đất hiếm của Việt Nam rất lớn, nên các nhà đầu tư nước ngoài, điển hình như láng giềng Trung Quốc, vẫn luôn “dòm ngó” thứ khoáng sản đặc biệt này của Việt Nam.
Còn hiện tượng khai thác khoáng sản bừa bãi
Ban Chấp hành Trung ương vừa qua ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Điểm đặc biệt của Nghị quyết chính là việc đặt trọng tâm việc lập bản đồ địa chất khoáng sản Việt Nam.
Theo Ban Chấp hành Trung ương, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công tác quản lý và hoạt động của ngành địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết trên vẫn còn những hạn chế, yếu kém; chưa đạt được một số mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
“Công tác điều tra cơ bản về địa chất chưa được quan tâm đúng mức; chủ trương, chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản chưa đầy đủ”, Bộ Chính trị lưu ý.
Cùng với đó, thông tin, dữ liệu còn phân tán, sử dụng chưa hiệu quả, công tác quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biển khoáng sản còn bất cập.
Điều đáng nói nhất chính là hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh.
Biểu hiện rõ nét nhất là việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiênm tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường, tích tụ hoặc phát tán chất thải.
Cùng với đó, còn gây hệ quả, làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ...
“Những hoạt động này đang phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái được hình thành từ hàng chục triệu năm, gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường, trở thành vấn đề cấp bách mang tính chính trị và xã hội của cộng đồng một cách sâu sắc”, Trung ương lưu ý.
Chưa kể, nguồn ngân sách thu từ khoáng sản chưa được quan tâm đầu tư trở lại để phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường cho các địa phương nơi khai thác khoáng sản.
Các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chưa chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ để sử dụng tối đa giá trị khoáng sản, bảo vệ môi trường…
Việt Nam muốn hoàn tất bản đồ địa chất và khoáng sản năm 2025
Trước thực trạng này, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, xác định tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vừa là nguồn lực lâu dài của quốc gia.
“Do đó cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ, được quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa carbon”, Nghị quyết nhấn mạnh.
Việt Nam cũng phấn đấu sớm hoàn thành việc lập bản đồ địa chất và khoáng sản. Cụ thể, Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 80% diện tích đất liền, hoàn thành điều tra, đánh giá khoáng sản tại các khu vực có triển vọng ở Tây Bắc và Trung Trung Bộ.
Cùng với đó, điều tra địa chất, khoáng sản biển tỷ lệ 1:50.000 ở một số khu vực đến độ sâu 1.500m nước cũng được hoàn tất.
Đến năm 2030, kết quả lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 85% diện tích đất liền, hoàn thành điều tra, đánh giá khoáng sản năng lượng, kim loại tại các khu vực có triển vọng ở Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Việt Nam cũng kỳ vọng đẩy mạnh điều tra tai biến trượt lở, lũ quét tại các tỉnh miền núi có nguy cơ cao, điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ…
Đặc biệt, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên biển, hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với các tài nguyên địa chất khác.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực châu Á hiện nay.