Samsung không thay lòng đổi dạ với Việt Nam
© AFP 2023 / Jung Yeon-jeSamsung
© AFP 2023 / Jung Yeon-je
Đăng ký
Việc tập đoàn Samsung Hàn Quốc đặt nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh năm 2008 là “quyết định lịch sử” cho quá trình đầu tư vào Việt Nam của ông lớn điện tử thế giới này.
Samsung tái khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn và quyết tâm không thay đổi chiến lược ở Việt Nam. Samsung sẽ nâng cao vị thế kinh doanh tại Việt Nam lên tầm cao mới.
Quyết định lịch sử của Samsung ở Việt Nam
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam đã nói về “quyết định lịch sử” đặt viên gạch đầu tiên xây dựng cứ điểm sản xuất toàn cầu lớn nhất của ông lớn điện tử thế giới tại miền Bắc Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn với Zing, ông Choi cho rằng, nhờ việc năm 2008, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) chính thức được thành lập tại Bắc Ninh đã tạo nên thành công của tập đoàn Hàn Quốc này ở đất nước hình chữ S.
“Đây là một quyết định lịch sử đặt nền móng cho quá trình đại đầu tư của Samsung tại Việt Nam”, ông Choi Joo Ho bày tỏ.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNÔng Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam phát biểu
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam phát biểu
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Vị lãnh đạo cũng lưu ý đặc biệt đến vai trò của Bắc Ninh – địa phương mà người ta vẫn kỳ vọng vào những điều mỹ miều của “người khổng lồ” – tỉnh dẫn đầu Việt Nam về sản xuất công nghiệp với GRDP năm 2021 đã lên mức 1,5 triệu tỷ đồng.
Vào thời điểm năm 2008 lựa chọn Bắc Ninh để xây dựng nhà máy đầu tiên, Samsung đánh giá các yếu tố thuận lợi về chính trị, kinh tế, con người, vị trí địa lý và Bắc Ninh đã đáp ứng được toàn bộ những yêu cầu này của tập đoàn Hàn Quốc.
Theo lời ông Choi Joo Ho, vị trí địa lý của Bắc Ninh rất thích hợp với các dự án lớn, Bắc Ninh rất gần Hà Nội, gần sân bay Nội Bài và cảng Hải Phòng, nên viêc vận chuyển hàng hóa, sản phẩm của Samsung Việt Nam đi thị trường toàn cầu là điều rất dễ dàng.
Ở các địa phương khác mà Samsung lựa chọn đặt nhà máy cũng đều được đánh giá một cách kỹ lưỡng, đáp ứng những yêu cầu khắt khe và có thể tận dụng những lợi thế sẵn có về cơ sở hạ tầng, logistics…
Theo đại diện Samsung, số vốn đầu tư tại Bắc Ninh chiếm gần một nửa, đạt hơn 9,3 tỷ USD, trong tổng số gần 19 tỷ USD tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam.
“Con số này là minh chứng rõ nhất khẳng định sự đánh giá cao và thể hiện sự tin tưởng của chúng tôi đối với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và các địa phương khác của Việt Nam nói chung”, ông Choi khẳng định.
Tại sao Samsung tiếp tục đổ tiền vào Việt Nam?
Trong những chia sẻ của mình, lãnh đạo Samsung Việt Nam nhắc rất nhiều về các lợi thế của quốc gia Đông Nam Á này trong cuộc đua giành FDI so với các đối thủ trong khu vực. Đó là ổn định chính trị, chính sách kêu gọi đầu tư cởi mở, thiện chí của lãnh đạo đất nước, địa phương và vị trí địa lý thuận lợi – tức Việt Nam hội đủ cả “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”.
Cụ thể, theo thông tin từ ông Choi Joo Ho, trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, tập đoàn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ và các địa phương.
Điển hình như ở Bắc Ninh, Samsung nhận thấy chính quyền tỉnh này liên tục có các hoạt động tích cực để cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân.
“Ông lớn” điện tử Hàn Quốc đánh giá, điều này rất quan trọng vì sản xuất không thể phát triển nếu cơ sở hạ tầng yếu kém không đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Cùng với đó, thành công của Samsung Việt Nam ngày hôm nay còn luôn có sự quan tâm và hỗ trợ hết mình của ban lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.
“Chúng tôi đánh giá cao sự sẵn sàng của ban lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trong việc giúp đỡ các nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh và đặc biệt là sự đồng hành để cùng nhau vượt qua khủng hoảng trong Covid-19”, ông Choi chia sẻ.
Thực tế, Samsung vẫn đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Theo nhận định của Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, doanh nghiệp Hàn Quốc này mong muốn tỉnh Bắc Ninh sẽ phát triển hệ sinh thái các nhà cung ứng nội địa đáp ứng tốt hơn nhu cầu về linh, phụ kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, sự thành công và lớn mạnh của hệ thống các nhà cung ứng sẽ góp phần rất lớn vào sự thành công của Samsung khi có thể tạo ra những sản phẩm cuối cùng đến tay khách hàng với chất lượng tốt nhất, theo ông Choi.
Vị lãnh đạo cũng bày tỏ, vừa qua, Samsung đã tham gia ký kết biên bản hợp tác 3 bên giữa doanh nghiệp với Bộ Công Thương, tỉnh Bắc Ninh để hỗ trợ tư vấn cải tiến cho các doanh nghiệp địa phương, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh để các doanh nghiệp tiềm năng có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ cho Samsung, mà còn nhiều công ty đa quốc gia khác, như Sputnik đã thông tin trước đó.
Bên cạnh đó, vấn đề an sinh xã hội, Samsung cũng mong muốn tỉnh Bắc Ninh sẽ xây dựng nhiều hơn các cơ sở tiện ích như trường học, bệnh viện, nhà ở... để cho người dân của tỉnh, hay người dân của các địa phương khác đến Bắc Ninh sinh sống và làm việc, trong đó có các nhân viên của Samsung.
Đầu tư thêm cho các nhà máy Samsung ở Việt Nam
Như Sputnik đã thông tin, theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Samsung Electronics vừa qua, năm 2021, Samsung đạt doanh thu 244,4 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020. Tính chung lợi nhuận cả năm 2021 đạt 34,88 tỷ USD, tăng 51%.
Năm 2021, bất chấp dịch Covid-19, doanh thu của Samsung Việt Nam vẫn tăng trưởng 14%, đạt 74,2 tỷ USD. Doanh nghiệp này đã xuất khẩu 65,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và đóng góp 1/5 tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, 4 nhà máy của Samsung ở Việt Nam (Samsung Bắc Ninh, Samsung Thái Nguyên, Samsung Display và Samsung HCMC CE Complex) có tổng doanh thu 71,71 tỷ USD, tăng 15%. Kỷ lục này vượt qua mốc đỉnh cao năm 2018 và chấm dứt chuỗi 2 năm liên tiếp tăng trưởng âm.
Tổng lợi nhuận 4 công ty ở Việt Nam mang lại cho Samsung là 4,55 tỷ USD, tăng trở lại sau 3 năm tăng trưởng âm vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhà máy có đóng góp doanh thu cao nhất là Samsung Thái Nguyên với 28,1 tỷ USD. Riêng Samsung ở TP.HCM (HCM CE Complex) duy trì đà tăng trưởng ổn định với 5,7 tỷ USD doanh thu. Samsung Bắc Ninh ở vị trí thứ 3 về doanh thu với 18,9 tỷ USD và thứ nhì về lợi nhuận đạt 1,27 tỷ USD.
Vừa qua, Samsung đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư để rót thêm 920 triệu USD vào Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV).
© AFP 2023 / Josep LagoSamsung
Samsung
© AFP 2023 / Josep Lago
Theo ông Choi Joo Ho, Samsung Việt Nam đạt được những tăng trưởng đáng khích lệ này là nhờ sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương.
“Cùng với các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, chúng tôi đã khắc phục được khó khăn”, ông Choi Joo Ho nói.
Tỉnh Bắc Ninh là địa phương đầu tiên của Việt Nam có sáng kiến thực hiện chính sách “3 tại chỗ”, vì vậy Samsung đã có thể duy trì sản xuất ổn định không bị gián đoạn.
“Ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh cũng đã hỗ trợ toàn diện để các chuyên gia Hàn Quốc của công ty có thể nhập cảnh nhanh chóng, nên chúng tôi đã không gặp trở ngại nào về phát triển và sản xuất hàng hóa”, vị lãnh đạo cho hay.
Thành công của Samsung Việt Nam, theo ông Choi, cũng có cơ sở là sự tự tin tích lũy được sau khi khắc phục những khủng hoảng này, cùng với sự tin tưởng vào môi trường đầu tư tỉnh Bắc Ninh.
“Ngoài việc giải ngân toàn bộ vốn đầu tư đã được phê duyệt, hàng năm chúng tôi vẫn duy trì đầu tư bổ sung nhằm mục tiêu ổn định vận hành nhà máy, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm”, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam nói.
Theo đó, hàng năm Samsung vẫn đang đầu tư thiết bị sản xuất cho 6 nhà máy, và đa dạng hóa các hạng mục sản xuất như thiết bị 5G hay máy tính xách tay.
Để giữ an toàn cho hơn 110.000 nhân viên làm việc tại các nhà máy, Samsung phải luôn tuân thủ quy định phòng dịch của Chính phủ cũng như của doanh nghiệp.
Samsung cũng tiến hành xét nghiệm Covid-19 với quy mô lớn, cấp phát khẩu trang phòng dịch và thực hiện khai báo y tế hàng ngày cho toàn bộ nhân viên thông qua hệ thống điện tử nội bộ.
Tập đoàn coi trọng việc khử trùng tất cả khu vực trong nhà máy, đảm bảo giãn cách an toàn giữa các nhân viên, lắp đặt vách ngăn, tránh tiếp xúc trực tiếp tại khu vực nhà ăn, phòng họp, vận hành khu vực khám sàng lọc trong và ngoài nhà máy.
“Chúng tôi gia tăng số lượng nhân viên làm việc ở nhà và nhân viên lưu trú làm việc tại nhà máy để đảm bảo sản xuất, hoàn thành các mục tiêu xuất khẩu đề ra”, ông Choi Joo Ho cho hay.
Công ty đã tạo mọi điều kiện để nhân viên yên tâm làm việc trong nhà máy an toàn cũng như cung cấp 3 bữa ăn mỗi ngày trong nhà ăn công ty để giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc với bên ngoài cũng như đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Samsung nâng tầm vị thế kinh doanh của Việt Nam
Khẳng định với báo giới Việt Nam, đại diện Samsung đánh giá, đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực, nhưng về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Với Samsung, chúng tôi không thay đổi chiến lược kinh doanh tại Việt Nam do đại dịch Covid-19”, Tổng Giám đốc Choi Joo Ho tuyên bố.
Theo vị lãnh đạo này, nếu như trước đây, Samsung đầu tư chủ yếu vào dây chuyền sản xuất, thì trong thời gian tới tập đoàn sẽ nâng cao vị thế kinh doanh tại Việt Nam của công ty lên một tầm cao mới, trở thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển chiến lược thông qua việc xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 20/1 vừa qua, lãnh đạo Samsung cũng nhấn mạnh, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc đang tiếp tục phát triển tốt đẹp mà hoạt động hợp tác, đầu tư của Samsung là một minh chứng cụ thể.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đánh giá cao việc Samsung coi Việt Nam là cứ điểm toàn cầu với chiến lược đầu tư nghiêm túc, lâu dài, các dự án của Samsung nằm trong số các dự án FDI có tiến độ triển khai nhanh tại Việt Nam và chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, lợi nhuận của Samsung trên toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội của tập đoàn Samsung, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và không ngừng tăng tỷ lệ nội địa hóa.
“Chính phủ coi Samsung là một hình mẫu đầu tư thành công tại Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ và nhấn mạnh, chính quyền luôn sẵn sàng lắng nghe, đối thoại.
Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có Samsung tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, khép kín “chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện, điện tử” (gồm 3 lĩnh vực thế mạnh là thiết bị di động, sản phẩm bán dẫn, điện tử gia dụng) của Samsung tại Việt Nam cũng như hỗ trợ Samsung tìm kiếm địa điểm phù hợp nhất để đầu tư dự án nhà máy sản xuất pin công nghệ cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng mong Samsung tiếp tục hỗ trợ trên diện rộng để tăng cường năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung và các hoạt động nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam, tăng nhanh hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa, tiếp tục kết nối đưa các doanh nghiệp đối tác đến Việt Nam đầu tư trong bối cảnh dòng vốn FDI trên thế giới đang tái định vị lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
Người đứng đầu Chính phủ cũng muốn sớm có người Việt Nam tham gia đội ngũ lãnh đạo cao nhất của Tổ hợp Samsung cũng như tại các nhà máy, cơ sở của Samsung và đề nghị Samsung có chiến lược đào tạo cho việc này.