So sánh GDP Ukraina -Việt Nam, Hà Nội còn rất mạnh về “quyền lực mềm”
© Ảnh : An Đăng - TTXVNCảng Hải Phòng là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, lớn nhất miền Bắc, là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam
© Ảnh : An Đăng - TTXVN
Đăng ký
Trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraina, dấu ấn về quyền lực mềm của Việt Nam được nêu bật, nhất là bài học về cách ứng xử với những nước lớn khi cạnh tranh địa chính trị ngày càng khốc liệt trên thế giới.
Trong khi đó, so sánh GDP Việt Nam và Ukraina cho thấy nhiều điểm đáng chú ý. Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới, gây ấn tượng, giới siêu giàu của Việt Nam tăng nhanh.
Ukraina được ví là “rổ bánh mì của châu Âu” và có vai trò khá quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay. Vì sao GDP Việt Nam cao gấp rưỡi Ukraina nhưng người dân Ukraina lại có thu nhập cao và khá giả hơn người Việt?
Kinh tế Ukraina ở đâu trên bản đồ thế giới?
Nền kinh tế Việt Nam và Ukraina đều là những thị trường mới nổi, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử với những nỗ lực cải cách kinh tế - tài chính - tiền tệ đáng kinh ngạc.
Thời còn nằm trong khối Xô Viết, Ukraina là một trong những thành phần kinh tế quan trọng nhất của nền kinh tế Liên bang Xô Việt. Ngành công nghiệp nặng của Ukraina có thể cung cấp nhiều loại thiết bị và vật liệu cần thiết cho phần còn lại của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đồng thời, nông nghiệp nước này cũng cung cấp tới một phần tư sản lượng nông nghiệp cho toàn khối Xô Viết (chủ yếu là các sản phẩm thịt, gia cầm, sữa, ngũ cốc và rau quả).
Năm 1990, Ukraina là một trong những nền kinh tế ngèo nhất ở khu vực Đông Âu, năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, có nhiều kỳ vọng Ukraina sẽ nhanh chóng phát triển thành một trong những nền kinh tế mới nổi hàng đầu châu Âu và sớm trở thành thành viên của cộng đồng châu Âu, nhưng lịch sử không dễ dàng như thế khi Ukraina đối mặt với thời kỳ suy thoái tồi tệ.
Khủng hoảng kinh tế Ukraina kéo dài đến cả 10 năm. Điển hình, kết quả của quá trình tư nhân hóa trong những năm 1990, đến năm 1999, tổng sản phẩm quốc nội của Ukraina giảm 40% so với mức của năm 1991.
Như đã thấy, nền kinh tế Ukraina đã trải qua nhiều bước thăng trầm lớn trong những năm sau 1990, chịu tình trạng siêu lạm phát và tụt dốc nhanh chóng, sau đó, tăng trưởng GDP đã bắt đầu được ghi nhận từ năm 2000, quá trình cải cách vẫn đang được tiếp tục. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraina được đánh giá sẽ gây thiệt hại nặng nề cho Kiev, đất nước sẽ phải vực dậy sau đổ nát và còn rất nhiều việc phải làm.
Là một nền kinh tế thị trường tự do mới nổi, Ukraina đã phát triển nhanh chóng từ năm 2000 cho đến năm 2008 khi cuộc đại suy thoái bắt đầu bùng phát trên thế giới và đến Ukraina là cuộc khủng hoảng tài chính Ukraina 2008 - 2009. Đến năm 2010, nền kinh tế này đã phục hồi và tiếp tục cải thiện cho đến năm 2013.
Từ năm 2014-2015, kinh tế Ukraina rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Đến năm 2016, nền kinh tế nước này lại bắt đầu tăng trưởng và đến năm 2018 đạt gần 80% quy mô như thời điểm 2008 nhờ sự hỗ trợ đáng kể của phương Tây cũng như việc đạt được thỏa thuận về giá khí đốt có lợi với Nga.
Theo công bố của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, nền kinh tế Ukraina đứng thứ 40 trên thế giới về GDP tính theo PPP vào khoảng 544 tỷ USD (số liệu của IMF cho năm 2020).
Về GDP bình quân đầu người tính theo PPP của Ukraina tính đến năm 2020 vẫn xếp áp chót trong số các nước châu Âu, chỉ sau Moldova và thứ 90 trên thế giới. Nền kinh tế Ukraina phụ thuộc nhiều vào công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đa dạng đang phát triển.
Về công nghiệp, Ukraina là nhà sản xuất khí đốt quan trọng thứ 3 và là thị trường khí đốt lớn thứ 4 châu Âu với hệ thống đường ống dẫn khí đốt lớn thứ 4 thế giới, cung cấp 142,5 tỷ m3 cho châu Âu.
Quốc gia Đông Âu này đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu sắt, thứ 4 châu Âu và 13 thế giới về chiều dài hệ thống vận tải đường sắt (trên 21.700km). Ukraina cũng là nhà sản xuất thép thứ 12 thế giới, đứng thứ 9 về xuất khẩu quặng, xỉ, thứ 5 về xuất khẩu titan.
Ukraina đứng thứ 2 châu Âu và thứ 7 thế giới về công suất lắp đặt các nhà máy điện hạt nhân và là một trong những nhà sản xuất bệ phóng tên lửa cho thế giới.
Đặc biệt, cũng như Liên bang Nga, Ukraina đặc biệt giàu có về tài nguyên khi đứng đầu châu Âu về trữ lượng quặng uranium, đừng thứ 2 châu Âu và thứ 10 thế giới về titan.
Ukraina cũng đứng thứ hai thế giới về quặng sắt với trữ lượng trên 30 tỷ tấn, thu hút rất nhiều sự quan tâm từ người Trung Quốc. Quốc gia Đông Âu này cũng đứng thứ hai toàn cầu về trữ lượng quặng mangan (chiếm khoảng 12% trữ lượng tế giới với kết quả thăm dò đạt trên 2,3 tỷ tấn).
Ukraina cũng đứng thứ 3 châu Âu và 13 thế giới về trữ lượng đá phiến, đứng thứ 8 toàn cầu về trữ lượng than (33,9 tỷ tấn).
Về nông nghiệp, Ukraina được gọi là “rổ bánh mì của châu Âu” vì đứng số 1 về diện tích đất canh tác các sản phẩm mì và mạch.
Ukraina cũng dẫn đầu thế xuất khẩu dầu hướng dương, hạt hướng dương. Đây cũng là nhà sản xuất lúa mạch đen thứ 4 của thế giới, xuất khẩu mạnh ngô, mật ong, lúa mì, khoai tây.
Chính những giá trị quan trọng của nền kinh tế Ukraina này cho thấy mức độ cấp bách khi thiếu nguồn cung nhiều thị trường trên thế giới, ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu khi bùng nổ xung đột căng thẳng Nga – Ukraina.
So sánh GDP Việt Nam và Ukraina
Sau 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam khác hẳn. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%.
Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Năm 2021, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,58%.
Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm. Tỷ lệ nghèo (theo chuẩn 1,9 USD/ngày) giảm mạnh từ hơn 32% năm 2011 xuống còn dưới 2% giai đoạn từ 2002-2020.
“Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ”, Ngân hàng Thế giới đánh giá.
Tờ Dân Việt của Việt Nam đã có một bài so sánh GDP giữa Việt Nam và Ukraina với nhận định rằng “thoạt nhìn thì có vẻ tương đương”, nhưng sự thật không phải thế.
Theo đó, xét ở quy mô nền kinh tế, năm 2013, GDP Ukraina nhỉnh hơn hẳn Việt Nam với 190 tỷ USD, còn Việt Nam có quy mô vào khoảng 171 tỷ USD.
Tuy nhiên chỉ sau 1 năm, đến năm 2014, GDP Việt Nam bắt đầu vượt Ukraina nhờ những thay đổi quan trọng về chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam trong khi năm 2014, Ukraina đối mặt với hàng loạt vấn đề vĩ mô liên quan đến xung đột địa chính trị, nền kinh tế tụt hậu sau cuộc nội chiến lật đổ Chính phủ lâm thời.
Thời điểm năm 2020, GDP Ukraina và Việt Nam đã bắt đầu ở thế khác biệt. Việt Nam vượt lên hẳn với những bước tiến thần kỳ về kinh tế, thuộc nhóm nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới.
Năm ngoái GDP Ukraina vào khoảng 155 tỷ USD trong khi đó Việt Nam lên tới 271 tỷ USD. Như vậy, GDP Việt Nam đạt gấp rưỡi GDP của Ukraina.
Tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam cũng thể hiện nền tảng vững chắc, sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng, điển hình như đại dịch COVID-19.
Việt Nam cho thấy sự tăng trưởng ổn định ở mức 5-7%/năm trong giai đoạn 2011 – 2019. Trong khi đó, Ukraina lại trùi sụt mức tăng trưởng GDP chỉ ở khoảng 2-3%/năm trong giai đoạn này. Thậm chí, năm 2014-2015, khi bất ổn chính trị xảy ra, mức tăng trưởng GDP hàng năm của quốc gia Đông Âu này giảm tới -10%.
Năm 2020, như đã biết, với cú sốc COVID-19, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ghi nhận tăng trưởng GDP dương khi đại dịch bùng phát với mức 2,9% thì Ukraina ở mức âm -4%.
GDP cho thấy mức tăng trưởng của Việt Nam nhanh và ổn định hơn Ukraina. Tuy nhiên, xét trên thu nhập bình quân đầu người thì Ukraina cao hơn Việt Nam do chênh lệch đáng kể về dân số.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cũng như Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, dân số Việt Nam ước tính là 98.564.407 người, tăng 830.246 người so với dân số 97.757.118 người năm trước, trong khi đó Ukraina là khoảng 44 triệu, tức Việt Nam gần gấp đôi.
Do đó, dù GDP Việt Nam cao gấp rưỡi GDP Ukraina, nhưng GDP bình quân đầu người của Việt Nam lại chỉ bằng 2/3 của Ukraina vì chênh lệch về dân số. Thống kê của WB cũng cho thấy, năm 2020, GDP bình quân đầu người của Ukraina là 3.724 USD còn Việt Nam là 2.785 USD.
Việt Nam đặt mục tiêu quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.900 USD/người cho năm 2022, theo nhiều thể chế tài chính, Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua Ukraina.
Đánh giá từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức trên 6,5% trong vài năm tới, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất của Ukraina chỉ vào khoảng 4%.
Như vậy, với tốc độ tăng trưởng này, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ vượt qua Ukraina vào khoảng năm 2025.
Quyền lực mềm của Việt Nam là điều đáng ngưỡng mộ
35 năm đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức.
Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế; tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO. Đến nay, đã có 71 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Sputnik cũng đã thông tin, hàng loạt ông lớn như Ngân hàng HSBC, Fitch Solutions đã nhận định, năm 2022, kinh tế Việt nam có thể đạt mức 7,0% trong năm 2022, cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Chính phủ đề ra.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, với tốc độ tăng trưởng 6,7%.
Cùng với đó, Ngân hàng Standard Chartered đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 lên 7% và nhận định Việt Nam tiếp tục có triển vọng tích cực trong trung hạn.
Như Sputnik đề cập, theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu.
Cụ thể, vị trí của Việt Nam được cải thiện, tăng 2,5 điểm, thay đổi từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.
Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế đã đạt được trong năm qua.
“Quyền lực mềm” cũng là điều mà theo nhiều chuyên gia, vô cùng cần thiết trong thế giới hiện đại, để tránh xung đột trực diện. Có ý kiến còn cho rằng, trong câu chuyện giữa Moskva và Kiev, Ukraina nên học hỏi từ Việt Nam với chiến lược ngoại giao khéo léo để có thể cân bằng lợi ích quốc gia trong thế đối trọng địa chính trị ngày càng khốc liệt hiện nay.
Điển hình như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong cuộc chia sẻ với Tuổi Trẻ gần đây đã có những quan điểm hết sức sâu sắc về vấn đề này. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, khi sống cạnh nước lớn mà anh lại định đem sức mạnh quân sự để đối đầu với họ là hạ sách. Do đó, theo tướng Vịnh, hoàn toàn có thể góp ý với bạn về việc không nên nghiêng về bên nào.
“Việt Nam có thể chia sẻ với bạn bài học “3 không” trong chính sách quốc phòng, đó là không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ nước mình để chống lại nước thứ ba”, tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.