Việt Nam sẽ thành công xưởng của thế giới và tham vọng Top 30 của Hòa Phát
© Ảnh : Hoa Phat GroupCông ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát
© Ảnh : Hoa Phat Group
Đăng ký
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ‘vua thép’ Trần Đình Long đã vay 35.000 tỷ đồng từ 8 ngân hàng để có thêm tiền làm dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Theo tỷ phú Trần Đình Long, Hòa Phát sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ đồng bộ, hiện đại nhất thế giới hiện nay, sản xuất thép cuộn cán nóng từ quặng sắt tại dự án Dung Quất 2, đưa Hòa Phát vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Hòa Phát của vua thép Trần Đình Long vay 8 ngân hàng để làm dự án Dung Quất 2
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) của tỷ phú Trần Đình Long – ‘vua thép’ Việt – vừa vay 35.000 tỷ đồng để thực hiện dự án Dung Quất 2.
Theo thông báo của HPG, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (thành viên thuộc Tập đoàn Hòa Phát) và 8 ngân hàng tham gia đồng tài trợ vừa tổ chức Lễ ký kết Hợp đồng cấp tín dụng Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Đây là khoản tín dụng lớn nhất từ trước đến nay của Hòa Phát với các ngân hàng hàng đầu Việt Nam.
Trong đó Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giữ vai trò là “ngân hàng đầu mối”.
Đáng chú ý, ngoài Vietcombank, còn có 7 nhà băng khác đồng ý thu xếp khoản tài chính khổng lồ cho doanh nghiệp của tỷ phú thép là VietinBank, MBBank, BIDV, TPBank, VPBank, MSB và Agribank.
Cụ thể, đại diện các ngân hàng tham gia tài trợ vốn phát biểu tại Lễ ký kết, ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, với tư cách là ngân hàng đầu mối, Vietcombank đã thực hiện thu xếp thành công khoản cam kết cấp tín dụng trị giá 35.000 tỷ đồng cho Dự án cùng 7 tổ chức tín dụng có năng lực và uy tín tại Việt Nam.
© Sputnik / Taras IvanovNgân hàng Vietcombank
Ngân hàng Vietcombank
© Sputnik / Taras Ivanov
Ông Phạm Quang Dũng liệt kê tổ hợp ngân hàng tham gia tài trợ bao gồm 8 ngân hàng hàng đầu Việt Nam gồm: Vietcombank (đầu mối), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).
Cùng với đó, lãnh đạo Vietcombank và các ngân hàng tham gia đồng tài trợ cũn tin tưởng, với kinh nghiệm đã triển khai và vận hành thành công Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, cùng ưu thế về công nghệ và con người vượt trội, tư duy đầu tư chiến lược và bài bản, dự án mới của ông Trần Đình Long sẽ mang lại thành công to lớn cho Tập đoàn Hòa Phát nói riêng và ngành thép Việt Nam nói chung.
“Các ngân hàng đồng tài trợ cam kết sẽ dành những nguồn lực tối ưu cũng như hỗ trợ các giải pháp tài chính và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho Tập đoàn Hòa Phát”, ông Phạm Việt Dũng nhấn mạnh.
Là tổ chức tín dụng đồng hành cùng Tập đoàn Hòa Phát ngay từ những ngày đầu thành lập, Vietcombank là ngân hàng tài trợ vốn vay cho nhiều dự án lớn của Tập đoàn như: Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát (Hải Dương); Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1; Dự án Cảng tổng hợp Hòa Phát, cũng như đồng hành tài trợ vốn lưu động cho 35 công ty thành viên trong Tập đoàn Hòa Phát.
Thời điểm khởi công Hòa Phát Dung Quất 2
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 là dự án lớn nhất của Tập đoàn Hòa Phát, với công suất thiết kết 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm với tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng.
Dự kiến khi Dự án hoàn thành đi vào hoạt động sẽ đưa sản lượng thép của Hòa Phát đạt 14 triệu tấn/năm và giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động tại địa phương.
Với việc triển khai Dự án này, Tập đoàn Hòa Phát hướng tới sản phẩm HRC chất lượng cao để trở thành doanh nghiệp nội địa sản xuất thép HRC lớn nhất tại Việt Nam, theo tỷ phú Trần Đình Long.
Theo ông Trần Đình Long, khoản tín dụng 35.000 tỷ đồng này mang ý nghĩa quan trọng, đảm bảo sự thành công của dự án Dung Quất 2.
“Với kinh nghiệm và thành công từ Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, tập đoàn tin rằng dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo dòng vốn của các ngân hàng được sử dụng đúng mục đích”, vua thép Việt Nam cam kết.
Được biết, các khoản vay có thời hạn 7 năm kể từ ngày ký kết, được ân hạn 2 năm và thời gian rút vốn là 24 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.
Báo cáo của Tập đoàn Hòa Phát cũng nêu rõ, Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công trong tháng 5/2022 này, hoàn thành trong vòng 3 năm tới.
Hòa Phát muốn vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới
Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long cho biết, với Dung Quất 2, Hòa Phát sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ đồng bộ, hiện đại nhất thế giới hiện nay, sản xuất thép cuộn cán nóng từ quặng sắt.
“Khi dự án hoàn thành, năng lực sản xuất thép của tập đoàn đạt 14 triệu tấn/năm, đưa Hòa Phát vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025”, HPG kỳ vọng.
Dự án này cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ của Việt Nam, đóng góp tích cực vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi trong dài hạn.
Chốt thời điểm cuối năm 2021, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long có khoảng 40.670 tỷ tiền gửi và tương đương tiền.
Trong đó, 22.471 tỷ là tiền và các khoản tương đương tiền, tăng thêm 64% so với đầu năm; tiền gửi kỳ hạn ngắn 18.236 tỷ đồng, gấp 2,2 lần.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có 43.747,6 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 13.465 tỷ đồng vay dài hạn. Tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản ở mức 32%.
Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán, năm 2021, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần 149.680 tỷ đồng và lãi sau thuế 34.521 tỷ trong năm vừa qua, tăng lần lượt 66% và 156% so với năm trước, đồng thời vượt xa mục tiêu mà đại hội cổ đông đặt ra.
Hòa Phát Dung Quất 2 và niềm tin Việt Nam thành công xưởng của thế giới
Theo chia sẻ của tỷ phú Trần Đình Long về Dung Quất 2, đây là dự án tiếp bước Dung Quất 1.
“Chúng tôi sản xuất thép cuộn cán nóng, đến giờ phút này chỉ có Formosa Hà Tĩnh và Hoà Phát sản xuất được, cầu đang rất lớn tại Việt Nam”, ông Long nói.
Năm 2021 Việt Nam tiêu thụ khoảng 14 triệu tấn HRC, đây là sản phẩm tạo ra các sản phẩm sau thép như ống thép, tôn mạ màu, sản xuất ô tô và đồ da dụng.
Năm 2021 Hoà Phát và Formosa sản xuất được khoảng 6 triệu tấn HRC, trong khi nhu cầu sử dụng hơn 13 triệu tấn, tức là cung cấp chưa tới 50% nhu cầu thị trường.
“Việt Nam sẽ trở thành công xưởng của thế giới, vấn đề chỉ là thời gian. Do đó nhu cầu tiêu thụ HRC sẽ tăng trưởng hàng năm 10%, chúng tôi tính toán rằng đến 2025 Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 16-17 triệu tấn HRC, nếu thêm 6 triệu tấn của Dung Quất 2 thì trong nhu cầu có thể tiêu thụ được”, ông Trần Đình Long cho thấy tầm nhìn rất xa.
Lãnh đạo HPG cũng khẳng định HRC là một sản phẩm “hot” và có nhu cầu thực tế.
“Như Dung Quất 1 và Hải Dương trước đây chúng tôi rất khó khăn khi trình bày với ngân hàng và các cổ đông, mọi người rất lo lắng rằng sẽ thừa thép, nhưng tôi báo cáo với các ngân hàng rằng sản phẩm này chưa ra đã hết”, lãnh đạo Hòa Phát cho biết.
Theo “vua thép” Việt Nam, cách làm của Hoà Phát là thường suy nghĩ rất lâu, trên thương trường mọi người hay nói “HPG bảo thủ”.
“Chúng tôi suy nghĩ rất lâu rất kỹ nhưng làm rất nhanh. Toàn bộ hợp đồng ngoại, hợp đồng nội chúng tôi đã chuẩn bị xong, hiện chúng tôi đã triển khai một vài phần việc và cam kết 28-30 tháng sẽ ra sản phẩm đầu tiên. Chúng tôi sẽ làm rất nhanh, rất cẩn thận với tiến độ tốt nhất”, Chủ tịch Hòa Phát khẳng định.
Theo ông Trần Đình Long, Hoà Phát luôn giữ cam kết tín dụng với ngân hàng. Hoà Phát chưa một ngày chậm của một ngân hàng nào.
“Cách đây 3-4 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin Hoà Phát là doanh nghiệp có nhiều tiền mặt nhất Việt Nam, hơn 40.000 tỷ, điều này cho thấy là tập đoàn đang vận hành tiền rất là kém, nó thể hiện tính cách ban lãnh đạo của Hoà Phát là tập trung cao độ cho Dung Quất 2 mặc dù biết là nếu đồng tiền dùng vào việc khác thì có thể hiệu quả hơn nhưng không dám dùng”, ông Trần Đình Long bộc bạch.
Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát cũng cam kết đảm bảo phần đối ứng của Hoà Phát để thực hiện dự án tốt nhất, các chủ ngân hàng nói là Hoà Phát để tiền gửi ngân hàng như thế phí quá.
“Tôi cam kết đầy đủ vốn đối ứng thậm chí thừa, và tôi cam kết chắc chắn 100% là hiệu quả sử dụng vốn và trả ngân hàng đầy đủ”, tỷ phú Trần Đình Long hứa.