Chuyên gia nói về nguy cơ lạm phát của Việt Nam từ xung đột Nga - Ukraina
© AFP 2023 / Hoang Dinh NamĐồng Việt Nam
© AFP 2023 / Hoang Dinh Nam
Đăng ký
Giới chuyên gia cho rằng, dù mặt kinh tế khó tránh ‘trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết’ nhưng Việt Nam sẽ ít khả năng đảo chiều chính sách tiền tệ.
Cụ thể, nhận định về ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraina đến kinh tế Việt Nam, TS. Võ Đình Trí đánh giá, tình hình căng thẳng có thể dẫn truyền lạm phát thế giới vào Việt Nam, tuy nhiên, lạm phát về tâm lý còn nguy hiểm hơn lạm phát kinh tế.
Cùng với đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất được dự báo khó làm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ‘bẻ lái’, ‘quay xe’, đảo chiều chính sách tiền tệ.
Nguy cơ lạm phát
TS. Võ Đình Trí (Trường Đại học Kinh tế TP. HCM & IPAG Business School Paris) cho rằng, xung đột Nga – Ukraina có thể tác động đến dẫn truyền của lạm phát thế giới vào Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia đang bắt đầu phục hồi sau 2 năm dịch bệnh, điều này càng trở nên nghiêm trọng.
Chuyên gia cho rằng, cần tạo ra sự nhất quán và đưa ra thông điệp rõ ràng về mặt điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nhằm tạo tâm lý an toàn cho doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Trí, một cách rõ ràng, cuộc chiến này có tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới. Ngày 19/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến sẽ công bố đánh giá lại tăng trưởng toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới theo các định chế tài chính lớn chắc chắc sẽ thấp hơn các dự báo đưa ra hồi đầu năm.
“Đến lúc đó mới có thể phần nào định lượng được ảnh hưởng của cuộc chiến này tới nền kinh tế”, ông Trí nhận định.
Đặc biệt, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và Hàn Quốc hiện cũng rất đáng quan ngại. Các nước lớn có thể phải đối mặt với cùng lúc 3 trở ngại là dịch bệnh, lạm phát và chiến tranh. Trong cuộc phỏng vấn với Vietnamfinance, vị chuyên gia gọi đây là “tam tai”.
Theo ông, cho đến nay, cuộc chiến Nga – Ukraina chưa cho thấy tác động quá nhiều tới kinh tế Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với hai nước này không lớn.
Tuy nhiên, xung đột có thể tạo ra sự biến đổi mạnh mẽ của quan hệ thương mại quốc tế, đặc biệt liên quan đến Nga, vốn là quốc gia đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt kinh tế lẫn nhau giữa Nga và phương Tây có thể đẩy Việt Nam rơi vào cảnh “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”.
“Bên cạnh đó, cuộc chiến đã tạo nên một hoàn cảnh ngặt nghèo cho tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch: giá nguyên vật liệu gia tăng (điển hình là xăng dầu, sắt thép…), dẫn đến chi phí sản xuất tăng lên, giá cả leo thang, ảnh hưởng tới sức mua vốn dĩ đã yếu ớt”, chuyên gia cho biết.
Ông Trí cho biết, trong ngắn hạn, có thể thấy những ngành có chi phí đầu vào phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Tác động càng nghiêm trọng đối với những ngành khó chuyển gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng.
Tuy vậy, vẫn có những doanh nghiệp sẽ lợi dụng tình hình để “té nước theo mưa”, điều chỉnh giá bán còn nhanh hơn cả tốc độ tăng của chi phí đầu vào. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần hết sức chú ý.
Khó dự báo
Theo ông, rất khó để dự đoán được kết quả cuộc chiến, vì nó phụ thuộc vào toan tính của các nước lớn, việc đàm phán giữa các bên tham chiến và những nước liên quan.
Tương tự, tác động của cuộc chiến đến nền kinh tế Việt Nam cũng rất khó dự báo. Dù vậy, mọi nền kinh tế đều sẽ tự động thích nghi với hoàn cảnh mới và Việt Nam cũng vậy.
“Nếu chiến sự kéo dài, tôi nghĩ rủi ro sẽ là đáng kể đối với Việt Nam, bởi khi đó giá của nhiều nguyên liệu và hàng hóa nhập khẩu sẽ giữ ở mức cao. Giá thế giới tăng thì Việt Nam có thể tăng giá xuất khẩu, nhưng sẽ khó khăn khi tiền lương, thu nhập của người lao động chưa điều chỉnh theo kịp”, ông Trí chia sẻ.
Chuyên gia cho rằng, sẽ có những bên hưởng lợi nhất định trong cuộc chiến này, nhưng đáng tiếc Việt Nam lại nằm ở bên chịu thiệt hại. Có thể một số ngành nghề tại Việt Nam có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn, ví dụ như nông – thủy sản. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này lại không quá lớn.
Thêm nữa, nếu xung đột kéo dài thì nhu cầu trên thế giới cũng sẽ suy giảm, từ đó dẫn tới thiệt hại. Đó là chưa kể, xuất khẩu của Việt Nam phần lớn được tạo ra bởi khối ngoại.
TS. Võ Đình Trí cho rằng, hệ lụy lớn nhất của cuộc xung đột là tác động dẫn truyền của lạm phát thế giới vào Việt Nam. Điều này càng nghiêm trọng trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần môi trường ổn định để phục hồi và tăng trưởng sau 2 năm dịch bệnh. Do đó, Chính phủ phải chuẩn bị cẩn trọng, ứng xử linh hoạt vì mục tiêu kiểm soát lạm phát sắp tới có thể sẽ rất khó khăn.
Tránh lạm phát tâm lý
Theo chuyên gia, ứng phó với lạm phát thì lý thuyết kinh tế đã có những “bài thuốc” kinh điển, vấn đề chỉ là mỗi thời điểm khác nhau sẽ “kê đơn” theo các liều lượng khác nhau: điều chỉnh lãi suất, hỗ trợ những người có thu nhập thấp…
“Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nhất quán và thông điệp rõ ràng về mặt điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, để tạo ra tâm lý an toàn cho giới kinh doanh và người dân”, ông Trí cho biết.
Một vấn đề thậm chí còn nguy hiểm hơn là lạm phát về tâm lý. Điều này sẽ tạo ra tâm lý đám đông, khiến cho các doanh nghiệp găm hàng, người dân tranh mua, tranh bán.
Phải làm sao để người dân biết rằng giá tăng là có giới hạn, Chính phủ sẽ can thiệp khi cần thiết, đảm bảo nguồn cung. Có như vậy thì mới có thể ngăn chặn những cơn sốt giá.
Việt Nam khó đảo chiều chính sách tiền tệ
Ngoài tình hình căng thẳng Nga – Ukraina, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất được dự báo cũng tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam, trực tiếp là chính sách tài khóa, tiền tệ.
Tuy nhiên, thái độ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại khá bình tĩnh. Không có gì hốt hoảng.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện chỉ đang tập trung lo phục hồi kinh tế, tăng trưởng, chứ chưa đến mức phải quay cuồng kiểm soát lạm phát. Do đó, việc đảo chiều, bẻ lái chính sách tiền tệ, từ nới lỏng sang siết chặt, nhiều khả năng khó xảy ra.
Đối với Việt Nam, việc Fed tăng lãi suất lần này chưa tác động đáng kể, tuy nhiên, với 7 lần tăng lãi suất dự kiến năm nay và khoảng 3-4 lần năm 2023 của Fed, tác động tiêu cực tới tỷ giá, lãi suất, gánh nặng nợ nước ngoài, dòng vốn ngoại cũng cần phải tính đến.
Mặc dù vậy, Việt Nam hiện vẫn đang có nhiều bệ đỡ tốt, giúp trung hòa các yếu tố rủi ro, đó là nguồn dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, thặng dư thương mại dự kiến khá lớn, theo nhận định trên báo Đầu tư. Cùng với đó, triển vọng tăng trưởng sáng sủa của nền kinh tế cũng khiến dòng tiền nước ngoài tiếp tục ở lại Việt Nam, thay vì tháo chạy, kể cả vốn trực tiếp và gián tiếp.
Đáng nói, Việt Nam cũng không cần lo vì yếu tố lạm phát tiền tệ. Theo các chuyên gia phân tích, các gói hỗ trợ nền kinh tế 2 năm qua quy mô khá nhỏ và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt rất ít.
Trong khi đó, gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai chỉ có phần nhỏ là hỗ trợ về tiền tệ. Đồng thời, gói hỗ trợ tiền tệ này được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt trong tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm.
Lạm phát của Việt Nam không xuất phát từ cung tiền và không có yếu tố cung tiền, nên Ngân hàng Nhà nước không có lý do để thay đổi chính sách tiền tệ.
Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, việc nới lỏng tiền tệ ở mức nhất định mới được thực hiện vài năm gần đây để kích cầu kinh tế, dù vậy, yếu tố ổn định vẫn luôn đặt lên hàng đầu.
© Depositphotos.com / TKKurikawaNgân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
© Depositphotos.com / TKKurikawa
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của chính sách tiền tệ là đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.