Bắt đầu lộ diện kẻ lừa đảo vụ 36 container điều Việt Nam ở Ý
© AFP 2023 / Nhac Nguyen Container
© AFP 2023 / Nhac Nguyen
Đăng ký
Liên quan đến vụ 36 container hạt điều mất kiểm soát khi xuất khẩu sang Ý, Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh cho biết, người mua đã lộ diện là kẻ lừa đảo, chiếm đoạt bộ chứng từ gốc bằng cách bất hợp pháp mà chưa trả tiền cho người bán.
Trước nguy cơ mất tiền, mất hàng, Tham tán Thương mại tại Ý nhấn mạnh, các doanh nghiệp và Hiệp hội Điều Việt Nam cần làm việc tích cực với cơ quan hữu quan để nhanh chóng có phán quyết. Đồng thời, cũng cần nhờ sự can thiệp của luật sư, củng cố các yếu tố pháp lý, thúc đẩy, hỗ trợ điều tra.
“Có chứng cứ lừa đảo”
Ngày 24/3, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh thông tin, đến nay, hãng tàu Cosco đã nhận được một bộ chứng từ gốc của một container từ khách mua đến lấy hàng.
Cụ thể, giấy tờ thu giữ được từ người đến cảng nhận hàng mới đây là bộ chứng từ gốc. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ý đánh giá đây là căn cứ quan trọng để điều tra vụ việc hàng loạt container điều xuất khẩu của Việt Nam bị mất kiểm soát.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh chia sẻ trên VnExpress, người này tới nhận hàng, các cơ quan chức năng đã giữ lại hàng, không giao.
Trong khi đó, bộ chứng từ đã được đem đi kiểm tra và xác nhận là thật.
“Người mua đã lộ diện là kẻ lừa đảo”, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ý nhấn mạnh.
Theo ông Thanh, kẻ lừa đảo đã chiếm đoạt bộ chứng từ gốc bằng cách bất hợp pháp nào đó mà chưa trả tiền cho người bán.
Vị lãnh đạo nhấn mạnh, đây chính là chứng cứ đầu tiên và quan trọng để các cơ quan tố tụng của Việt Nam cũng như Italy khởi động nhanh quy trình điều tra vụ việc lừa đảo giá trị lớn của nhóm người nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam.
Như đã thông tin, có 36 container hạt điều của Việt Nam bị mất kiểm soát từ đầu tháng 3 khi các doanh nghiệp xuất khẩu phát hiện nhiều dấu hiệu lừa đảo trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, số SWIFT đã bị thay đổi nhiều lần.
Thực tế, sau khi ngân hàng bên mua nhận chứng từ, đối tác mua hàng của Việt Nam lại thông báo không đúng thông tin của họ, yêu cầu trả lại bộ chứng từ, nhưng lại không ghi rõ trả theo hình thức nào dù phía ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần liên hệ.
Một số hợp đồng khác được phía ngân hàng Italy thông báo, hồ sơ gửi chỉ là bản photo, không phải bản gốc, thậm chí là giấy trắng, dấu hiệu lừa đảo rất rõ ràng.
Phong tỏa các container hạt điều đến cảng La Spezia
Như Sputnik thông tin, ngày 22/3, Thương vụ Việt Nam tại Ý đã có chuyến công tác đến thành phố cảng La Spezia, miền Bắc Italy nhằm liên lạc với chính quyền cảng, cơ quan cảnh sát kinh tế và các hãng tàu có đại diện tại La Spezia hỗ trợ phía Việt Nam.
Nỗ lực này nhằm giúp giảm tổn thất của các doanh nghiệp Việt Nam xuống mức thấp nhất.
Ông Nguyễn Đức Thanh thông tin về chuyến làm việc cho biết, chính quyền cảng La Spezia đã cam kết cùng với cơ quan cảnh sát kinh tế - tài chính phong tỏa, giữ lại số container mà các công ty Việt Nam mất kiểm soát bộ chứng từ, cập cảng này.
Thương vụ Việt Nam cũng đã tiến hành làm việc với chính quyền cảng về khả năng hợp tác cảng biển, bởi cảng Genoa là điểm trung chuyển của 30% lưu lượng container của toàn nước Ý, còn cảng La Spezia và cảng Carrara trung chuyển khoảng 20%.
“Tổng cộng hai cảng này chiếm tới 50% lượng container của Ý xuất - nhập khẩu với thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ cảng La Spezia có khoảng 500.000 container từ Ý xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng máy móc, thiết bị, hàng thực phẩm nông sản”, ông Thanh thông tin.
Trong số 36 container bị mất kiểm soát chứng từ, cảnh sát tài chính Italy đã ra quyết định giữ lại cảng 14-16 container.
“Số liệu có thể thay đổi do các tàu đến chậm hoặc số container bị vênh hay một container mới được phát hiện là không bị mất bộ chứng từ và có thể bán cho khách hàng khác”, Tham tán Nguyễn Đức Thanh lưu ý.
Số container còn lại sẽ đến cảng La Spezia và cảng Genoa, trong đó có 6 container sẽ đến cảng La Spezia vào ngày 26/3 và 2 container cũng đến cảng này vào ngày 28 và 29/3.
“Thời gian tới, Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với các hãng tàu về các vấn đề liên quan tới việc xử lý của tòa án”, ông Thanh khẳng định.
Chiêu thức lừa tinh vi
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) giữ quan điểm cho rằng, dấu hiệu lừa đảo của các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng lộ diện, các chiêu thức trong giao dịch ngân hàng giữa người mua và người bán rất tinh vi.
“Các bộ chứng từ gốc đã được trả lại theo như phản hồi của ngân hàng bạn, nhưng bằng cách nào đó người mua cố tìm cách để lấy lại chứng từ thông qua một đầu mối bất kỳ”, Vinacas lưu ý.
Thông thường, các doanh nghiệp xuất khẩu điều làm hồ sơ thanh toán bằng phương thức nhờ thu tiền kèm chứng từ (Documents against Payment - D/P).
Đây là hình thức mà bên nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ tiền. Nhưng rủi ro ở đây là bên bán, các doanh nghiệp, thông qua ngân hàng mới khống chế được quyền định đoạt hàng hóa, chứ chưa thực sự khống chế được việc trả tiền của người mua. Ngoài ra, ngân hàng không có nghĩa vụ phải xác minh tính xác thực của bộ chứng từ.
Hiệp hội Điều vẫn kết hợp với các bên liên quan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Italy cũng đã cam kết sẽ làm việc với các hãng tàu để lấy lại quyền sở hữu các container cho doanh nghiệp Việt.
Đặc biệt, Thương vụ cũng sẽ kết nối với các Việt Kiều tại Ý có kho xưởng để lưu kho với chi phí rẻ, hỗ trợ tìm kiếm các nhà phân phối uy tín ở châu Âu để bán lại lô hàng ngay sau khi nắm quyền kiểm soát.
Như đã thông tin ở trên, dù các container điều Việt Nam được cơ quan cảnh sát Italy ra lệnh phong tỏa, không cho bất kỳ ai ra cảng lấy hàng, để doanh nghiệp Việt củng cố chứng cứ nắm lại quyền sở hữu.
Tuy nhiên, để chứng minh, bắt buộc doanh nghiệp phải có chứng từ gốc hoặc có phán quyết khẩn cấp của tòa án hay các cơ quan liên quan về quyết định trao trả lại quyền sở hữu cho người bán.
Nhờ luật sư can thiệp
Theo Tham tán Nguyễn Đức Thanh, nếu những vụ việc này trở thành vụ án hình sự thì việc xử lý có thể nhanh hơn, vì có thông tin bên mua đã thuê luật sư và đã liên hệ với luật sư của bên bán (các doanh nghiệp Việt Nam), hãng tàu, tòa án để đòi giao hàng khi họ có bộ chứng từ gốc.
Cùng với đó, nhằm nhanh chóng lấy lại quyền kiểm soát lô hàng, ông Nguyễn Đức Thanh cho rằng, doanh nghiệp cần nhờ luật sư tìm phương án pháp lý hợp lý nhất và đưa các bằng chứng liên quan.
“Hiện tình trạng lừa đảo diễn ra ở khắp các nước”, ông Thanh lưu ý.
Do đó, trước khi bán hàng, doanh nghiệp cần thận trọng với các điều khoản của hợp đồng, nhất là điều khoản về thanh toán.
Để tránh bất trắc, doanh nghiệp cần xác minh đối tác để hiểu hơn về họ. Sau đó, nên liên hệ với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để được hỗ trợ các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu trước khi ký hợp đồng.
Tham tán Thương mại dẫn trước, trước đây đã từng có nhiều hợp đồng xuất khẩu được ký kết nhưng địa chỉ của doanh nghiệp mua ở Italy là giả mạo, khi đến thực tế nơi đó không có văn phòng hoặc công ty rất nhỏ.
“Trường hợp, những doanh nghiệp không có nhân viên xuất nhập khẩu giỏi ngoại ngữ, nắm chuyên môn ngoại thương, nên thuê nhân sự theo hợp đồng”, ông Thanh đề xuất.
Ông Nguyễn Đức Thanh cho biết, các doanh nghiệp và Hiệp hội Điều Việt Nam vẫn cần làm việc tích cực với các cơ quan hữu quan tại Việt Nam để nhanh chóng có các phán quyết.
“Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể sớm giải phóng hàng, bởi với mặt hàng thực phẩm như điều nhân này, thời gian chính là tiền bạc”, Tham tán Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh.