“Vì sao số phận lại bi thảm đến thế?”: Hai cựu Chủ tịch Khánh Hòa cúi đầu xin lỗi
© Ảnh : Tiên Minh - TTXVNCác bị cáo tại phiên tòa xét xử
© Ảnh : Tiên Minh - TTXVN
Đăng ký
Ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khi nói lời sau cùng đã cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, xin lỗi nhân dân. Ông tự vấn vì sao số phận của mình lại rẽ sang một ngã rẽ bi thảm như vậy.
Trong khi đó, ông Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng khẳng định rất day dứt, đau buồn và suy nghĩ rất nhiều về lỗi lầm trong những ngày tháng ở trại tạm giam.
Ngã rẽ số phận bi thảm
Chiều nay 8/4, sau phần tranh luận, hai cựu Chủ tịch Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh cùng các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm xét xử về tội “vi phạm các quy định pháp luật về quản lý đất đai” ở 2 dự án trên núi Chín Khúc đã tiến hành nói lời cuối cùng trước khi tòa nghị án.
Hầu hết các bị cáo đều xin được Hội đồng xét xử xem xét cân nhắc vai trò trong vụ án, động cơ, nguyên nhân dẫn đến vi phạm, căn cứ các yếu tố giảm nhẹ hình phạt để được hưởng sự khoan hồng.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, là người nói lời sau cùng đầu tiên.
© Ảnh : Tiên Minh - TTXVNBị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tại phiên tòa xét xử
Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tại phiên tòa xét xử
© Ảnh : Tiên Minh - TTXVN
Ông Thắng bày tỏ, kể từ khi bị khởi tố, bắt tạm giam đến nay đã tròn 10 tháng. Đây là quãng thời gian bị cáo dằn vặt, suy nghĩ rất nhiều.
“Bị cáo tự vấn để cố gắng lý giải vì sao số phận của mình lại bước sang một ngã rẽ bi thảm như hiện nay”, cựu Chủ tịch Khánh Hòa đau lòng nói.
Ông Nguyễn Chiến Thắng thừa nhận, trong những ngày diễn ra phiên tòa, với các chứng cứ khách quan, phân tích từ các phía, bản thân bị cáo đã nhận thức được các sai phạm một cách rõ ràng hơn và khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước những cái sai bị cáo buộc.
Mặc dù vậy, ông Thắng vẫn “tha thiết kính mong”, HĐXX có đánh giá một cách công tâm, xem xét thấu đáo, quyết định mức hình phạt khoan hồng đối với bản thân ông.
Đặc biệt, cựu Chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng cũng đồng thời kiến nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo là cấp dưới của ông, những cựu lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành trong vụ án sai phạm đất đai của tỉnh Khánh Hòa.
“Bài học xương máu”
Mong tòa ghi nhận những nỗ lực của bản thân, ông Thắng khẳng định, khi đảm nhận trách nhiệm người đứng đầu chính quyền tỉnh Khánh Hòa, trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, ông cảm nhận được nhiều thách thức, đồng nghĩa với việc gánh chịu những rủi ro.
Với dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, cá nhân ông cùng tập thể lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thời kỳ đó rất tâm huyết, không xuất phát từ động cơ vụ lợi. Tất cả chỉ mong dự án sẽ thành công, với mục tiêu tốt đẹp.
“Đây chính là điều khiến bị cáo cảm thấy đau đớn, xót xa nhất khi những cán bộ đều xuất thân từ các gia đình có truyền thống cách mạng, có kiến thức, kinh nghiệm quản lý, có những đóng góp nhất định cho tỉnh Khánh Hòa, nay phải đứng trước sự phán xét của HĐXX”, cựu Chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng nêu rõ.
Cùng với đó, ông Thắng mong HĐXX xem xét nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án, những bất cập trong các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng và theo kịp thực tiễn đời sống.
“Qua sự phân tích của HĐXX, tôi cho rằng vụ án này là bài học xương máu, là lời cảnh tỉnh cho các thế hệ lãnh đạo kế tiếp trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật, để không xảy ra các vụ việc tương tự trong tương lai”, ông Thắng đau lòng nói.
Cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng xin cúi đầu tạ lỗi với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân.
“Bị cáo cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa về lầm lỗi, không hoàn thành trách nhiệm và tin tưởng đã dành cho bị cáo và cả những việc bị cáo còn chưa làm được cho sự phát triển của tỉnh”, ông Nguyễn Chiến Thắng nói lời sau cùng.
Vị cựu Chủ tịch tỉnh cũng xin lỗi vợ con vì chưa làm tốt trách nhiệm của người chồng, người cha, người ông.
“Mong hội đồng xét xử xem xét phán quyết bản án nhân đạo, có lý, có tình”, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh.
“Tôi rất ân hận”
Tiến hành nói lời sau cùng, bị cáo Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nêu, bản thân ông trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chỉ mong muốn, nguyện vọng thiết tha là đóng góp nhiều nhất cho tỉnh Khánh Hòa để làm sao phát triển ngang bằng tỉnh bạn và ngày càng tốt hơn.
Ông Lê Đức Vinh bày tỏ luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác. Tuy nhiên, vị cựu lãnh đạo cũng thừa nhận ông đã có những thiếu sót, vi phạm trong triển khai dự án khu biệt thự sông núi Vĩnh Trung.
“Tôi thật sự day dứt, đau buồn, suy nghĩ rất nhiều về những lỗi lầm của mình trong những ngày tháng ở trong trại tạm giam. Tôi nhận thấy đây là lỗi lầm của mình, một cái lỗi mà lẽ ra nếu một cách sáng suốt trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện sẽ tốt hơn không để có tình trạng như hôm nay”, ông Lê Đức Vinh nghẹn ngào.
Theo cựu Chủ tịch Khánh Hòa, trong quá trình công tác, ông đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhưng để xảy ra những thiếu sót, vi phạm pháp luật, bản thân ông thấy mình rất có lỗi với Đảng bộ, nhân dân tỉnh Khánh Hòa, có lỗi trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
“Tôi rất ân hận việc này và mong muốn những đồng nghiệp sau này sẽ tránh đi những lỗi lầm như thế để Khánh Hòa ngày càng phát triển tốt hơn, người dân có cuộc sống tốt hơn”, ông Vinh nhấn mạnh.
Bị cáo Vinh mong Tòa sẽ có bản án công minh, khoan hồng và sẽ cố gắng cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình để chuộc lại lỗi lầm.
“Phải biết kiên quyết”
Bước lên nói lời sau cùng, ông Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thừa nhận việc ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 513 ha cấp cho Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa để làm dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự.
© Ảnh : Tiên Minh - TTXVNBị cáo Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tại phiên tòa xét xử
Bị cáo Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tại phiên tòa xét xử
© Ảnh : Tiên Minh - TTXVN
Tuy nhiên, ông Thiên nhắc lại, ông đặt bút ký khi mới nhận nhiệm vụ phụ trách mảng tài nguyên môi trường được 10 ngày nên không thể tránh khỏi thiếu sót.
“Bị cáo thấy rất là hối tiếc, muốn xin lỗi Đảng, chính quyền, nhân dân đã tin tưởng gia nhiệm vụ cho bị cáo nhưng bị cáo không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Đào Công Thiên chia sẻ.
Phát biểu trước tòa, ông Thiên nói đang bị bệnh ung thư, mong HĐXX xem xét, chiếu cố điều kiện sức khỏe để sớm hòa nhập cộng đồng, được đi khám chữa bệnh.
Tương tự, các bị cáo Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng; Trần Văn Hùng, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai-Sở TN&MT, đều tỏ ra ân hận, tiếc nuổi với sai phạm trong quá trình công tác.
“Tôi mắc phải sai lầm mà đồng nghiệp sau này phải lấy đây là bài học, đó là phải có tính kiên quyết. Khi cấp trên chỉ đạo không đúng phải kiên quyết báo cáo lại”- bị cáo Dẽ nhắc.
Tất cả các bị cáo đều mong tòa xem xét, áp dụng tất cả các tình tiết giảm nhẹ để ban hành bản án đủ răn đe giáo dục nhưng cũng khoan hồng, nhân văn để có cơ hội sớm trở về gia đình.
Hai cựu Chủ tịch Khánh Hòa bị đề nghị bao nhiêu năm tù?
Hai dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Biệt thự sông núi Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa nêu rõ, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2015, quá trình cho phép thực hiện hai dự án này, 7 bị cáo trong vụ án đã có các hành vi giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật.
Trước đó, ngày 7/4, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa tại ngày làm việc thứ 4 xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại hai dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung theo quy định tại khoản 3, Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đề nghị mức án cho các bị cáo.
Theo đó, đối với bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (nhiệm kỳ 2011 - 2015), đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề nghị mức án từ 6 - 7 năm tù.
Ông Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh từ năm 2016 - 2019 và ông Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù.
Ba bị cáo gồm Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng cùng bị đề nghị mức án từ 4 - 5 năm tù.
Bị cáo Trần Văn Hùng, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường bị đề nghị mức án từ 3 - 4 năm tù.
Tiếp đó, mở đầu phần đối đáp, tranh luận vào chiều 8/4, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên bố vẫn giữ nguyên nội dung cáo trạng đã truy tố các bị cáo, không thay đổi gì.
VKSND Khánh Hòa đánh giá đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, dư luận xã hội.
Phiên tòa bước vào phần nghị án và sẽ tuyên án vào chiều 13/4 tới đây.