Việt Nam có thành “át chủ bài” của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc?
© AP Photo / Susan WalshTổng thống Biden
© AP Photo / Susan Walsh
Đăng ký
Viện Hòa bình Hoa Kỳ chỉ ra thế tiến thoái lưỡng nan của Hà Nội trong quan hệ với Washington và Bắc Kinh. Nằm ngay cạnh cường quốc bành trướng như Trung Quốc khiến Việt Nam luôn phải tìm cách phòng thủ trước các mối đe dọa an ninh từ phía Bắc.
Coi Việt Nam như một “át chủ bài” trong thế đối trọng với Bắc Kinh, USIP khẳng định, quan hệ đối tác Việt - Mỹ vượt ra ngoài cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Tổ chức RAND đánh giá, Hoa Kỳ cần tăng cường mạng lưới hợp tác với Việt Nam ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương gồm cả đối thoại quốc phòng và đối ngoại khu vực ASEAN, huấn luyện và tập trận chung, mua bán và chuyển giao vũ khí giữa Hà Nội với Washington.
USIP: Việt Nam muốn thành cường quốc tầm trung
Chính sách đối ngoại “đa phương” của Hà Nội đã và đang giúp cho mối quan hệ ASEAN-Việt Nam trở nên bền chặt và đáng tin cậy hơn.
55 năm sau, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính dự kiến sẽ đến Washington để tham dự hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo ASEAN với Tổng thống Joe Biden.
Việc Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995 - cùng năm khi Hà Nội và Washington bình thường hóa quan hệ - là bước tiến lớn đầu tiên trong chính sách đối ngoại “đa phương” của Hà Nội.
Do chính quyền Biden xác định Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nên Mỹ cần ghi nhận sự ưu tiên của Hà Nội đối với chủ nghĩa đa phương trong cam kết của mình.
Theo USIP, chính sách đa phương của Việt Nam ban đầu nhằm mục đích mở rộng mạng lưới bạn bè của mình để bảo vệ trước những bất trắc sau Chiến tranh Lạnh. Tư cách thành viên ASEAN đánh dấu sự khởi đầu hội nhập khu vực và toàn cầu của Việt Nam, đóng góp vào những thành công kinh tế của Việt Nam trong 3 thập kỷ qua.
“Định hướng chiến lược của Hà Nội để trở thành một cường quốc tầm trung trong khu vực phụ thuộc nhiều vào cách tiếp cận đa phương này”, USIP khẳng định.
Mặc dù trao đổi song phương Việt - Mỹ đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua, nhưng tiếp xúc trực tiếp không phải là cách duy nhất để làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác.
Các kênh gián tiếp thông qua các thỏa thuận khu vực như ASEAN và các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực đã cung cấp không gian thay thế cho quá trình đối thoại và hợp tác.
Mạng lưới hợp tác với Việt Nam để áp chế Trung Quốc
Bất chấp những chỉ trích gần đây về sự không phù hợp của ASEAN trong bối cảnh cuộc chạy đua giữa các cường quốc, những nền tảng khu vực vẫn cực kỳ quan trọng.
“Ở ASEAN, Việt Nam có thể thể hiện tiếng nói của mình, kết nối với các đối tác cùng chí hướng và nhận được sự ủng hộ của quốc tế trong việc chống lại sự bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông”, theo Viện Hòa bình Mỹ.
Các diễn đàn mở rộng khác của ASEAN, chẳng hạn như Hội nghị Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN, cung cấp các nền tảng lý tưởng để thảo luận về những vấn đề song phương có thể được coi là “quá nhạy cảm”.
Đối với Việt Nam, chủ nghĩa đa phương luôn đi kèm với thương mại. Quốc gia này có tỷ lệ thương mại trên GDP gần 200%, một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới.
Việt Nam là thành viên của 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả FTA Việt Nam - EU ký kết năm 2019 và iệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
“Những thỏa thuận này, cả về kinh tế và chính trị, cung cấp nền tảng để Washington làm việc với Việt Nam về những vấn đề cùng quan tâm, cũng như cơ hội để tăng cường và xây dựng một trật tự khu vực dựa trên luật lệ”, chính quyền Mỹ nhận định.
Tuy nhiên, thật không may, hợp tác với các thể chế đa phương trong khu vực không phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ thời chính quyền Obama.
Hoa Kỳ dường như cũng thiếu các chính sách hợp tác kinh tế và thương mại khu vực hiệu quả sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Mặc dù Tổng thống Biden đã nhấn mạnh việc tái gắn kết với châu Á, điều này chủ yếu xảy ra thông qua các mạng lưới đối tác nhỏ hơn, chẳng hạn như QUAD.
Các đồng minh khu vực của Hoa Kỳ, mà Hà Nội có quan hệ gần gũi, đưa ra con đường thứ hai để tăng cường hợp tác giữa Mỹ với Việt Nam.
Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là nước có lượng đầu tư số 1 và số 2 vào Việt Nam.
Trong thập kỷ qua, cả hai nước đã mở rộng hợp tác an ninh với Hà Nội, có lẽ là với sự chú tâm đến tham vọng khu vực của Trung Quốc.
Tokyo đã tặng Hà Nội 6 tàu tuần tra đã qua sử dụng vào năm 2013 và cung cấp khoản vay trị giá 338 triệu USD để đóng 6 tàu khác vào năm 2017.
Vào tháng 11 năm 2021, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai phía đã nhất trí “đẩy nhanh tham vấn để chuyển giao các thiết bị cụ thể bao gồm tàu hải quân và các tàu liên quan cùng với trang thiết bị".
Một cách ít công khai hơn, Hàn Quốc cũng đã tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam trong vài năm qua, cũng như Ấn Độ và Australia.
Những mối quan hệ bền chặt này cung cấp một kênh thông tin cơ bản hiệu quả để Hà Nội hợp tác gián tiếp với Washington trên các lĩnh vực như chia sẻ thông tin tình báo và an ninh hàng hải.
Những điều này không chỉ là để tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, mà còn nhằm gắn kết một mạng lưới các quốc gia có cùng chí hướng và chia sẻ lợi ích chung.
Để diễn giải một báo cáo gần đây của Tổ chức RAND, Hoa Kỳ cần tăng cường mạng lưới hợp tác với Việt Nam ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương gồm các đối thoại quốc phòng và đối ngoại khu vực, huấn luyện và tập trận chung, mua bán và chuyển giao vũ khí, và / hoặc song phương mới hoặc các hiệp định đa phương.
“Về lâu dài, điều này sẽ bền vững và hiệu quả hơn so với cách tiếp cận ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc”, giới nghiên cứu khẳng định.
Việt Nam ‘đang mắc kẹt’ trong quan hệ với Trung Quốc
Mặc dù Việt Nam có quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn là “ưu tiên hàng đầu” trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Theo Viện Hòa bình Mỹ, Bắc Kinh có nhiều “đòn bẩy tùy ý” để gây áp lực hoặc ép buộc Hà Nội. Quyết định đóng cửa khẩu của Trung Quốc vào cuối năm 2021 đã gây ra thiệt hại lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Bất chấp những căng thẳng về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc vẫn duy trì mối quan hệ mật thiết do có sự thống nhất về ý thức hệ.
Theo Viện Hòa Bình Mỹ, Bắc Kinh khai thác một cách khôn ngoan thuật tâm lý với các nhà lãnh đạo Việt Nam và cảnh báo Hà Nội về “những cuộc cách mạng màu” khả dĩ nếu giao thiệp sâu với nước dân chủ như Mỹ.
Là nước láng giềng của một quốc gia hùng mạnh, Việt Nam có lý do để lo ngại về hậu quả của việc bị coi là “đối đầu” với Trung Quốc.
“Vì đất nước đã phải đối mặt với nhiều cuộc xâm lược từ Trung Quốc, gần đây nhất là vào năm 1979, nên luôn có một mối lo an ninh xuất phát từ biên giới phía Bắc”, theo USIP.
Việt Nam chưa nâng cấp quan hệ với Mỹ là vì Trung Quốc?
Điều này có thể giải thích tại sao Việt Nam và Hoa Kỳ chưa nâng cấp mối quan hệ lên cấp độ “đối tác chiến lược”, mặc dù vấn đề đã được nêu ra từ năm 2018.
“Hà Nội không muốn bị cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc”, USIP khẳng định.
Không còn nghi ngờ gì nữa, quan hệ Việt - Mỹ đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Bất chấp di chứng của chiến tranh, người Việt Nam là một trong những dân tộc có quan điểm thân thiện về Hoa Kỳ ở châu Á.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất nằm trong top 10 đối tác thương mại của Hoa Kỳ và các nhà sản xuất Mỹ ngày càng coi Việt Nam là điểm đến thay thế cho Trung Quốc.
Các lợi ích chiến lược đã hội tụ đáng kể trong thập kỷ qua, dẫn đến hợp tác an ninh mở rộng được đánh dấu bằng việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí gây sát thương vào năm 2016.
Việt Nam là quốc gia ủng hộ nhiệt thành cho một trật tự khu vực dựa trên luật lệ cũng như tự do mà Hoa Kỳ lãnh đạo với Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Mặc dù kịch bản về một liên minh chính thức khó xảy ra, nhưng quỹ đạo đi lên là rõ ràng. Khi thăm Việt Nam vào tháng 8 năm 2021, Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết cả hai bên đang nỗ lực hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược.
Việc Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam không chỉ là một cách để “kiềm chế” Trung Quốc (giả sử điều này có thể thành hiện thực). Một tình bạn lâu dài, ổn định không nên chỉ dựa trên mối quan tâm chung về một nước bá quyền trong khu vực đang trỗi dậy.
Washington không nên chỉ tập trung vào quan hệ đối tác kinh tế và an ninh mà cần hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực mà quốc gia Đông Nam Á này còn hạn chế.
Theo USIP, một Việt Nam cởi mở hơn sẽ không chỉ tốt cho người Việt Nam mà còn là một đối tác khu vực đáng tin cậy. Tình bạn dựa trên các giá trị được chia sẻ sẽ bền vững hơn nhiều so với tình bạn chỉ dựa trên các lợi ích an ninh và kinh tế.
Theo Viện Hòa bình Mỹ, cách tiếp cận đa phương của Hoa Kỳ, bao gồm thương mại và hợp tác chiến lược, có thể giúp tránh được những cạm bẫy quan trọng trong khu vực và mang lại tiến bộ thực chất trong mối quan hệ song phương Việt – Mỹ.