Thủ tướng Đức Olaf Scholz bất ngờ nói về ‘sự trỗi dậy’ của Việt Nam
© AP Photo / Markus SchreiberКанцлер Германии Олаф Шольц принимает участие в церемонии в Берлине
© AP Photo / Markus Schreiber
Đăng ký
Ông Olaf Scholz, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức, lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Đức đã bất ngờ đề cập đến sự trỗi dậy của Việt Nam và nhắc về tầm ảnh hưởng, tiếng nói trong thế kỷ 21 của Hà Nội cùng nhiều đại diện khác ở châu Á.
Khẳng định thế giới lưỡng cực thời Chiến tranh lạnh là “lịch sử” và không thể bị thay thế bằng thế đối đầu Mỹ - Trung, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu quan điểm ủng hộ trật tự thế giới đa cực, sự đoàn kết, hợp tác vì tương lai tốt đẹp hơn.
Thế giới cần đoàn kết
Theo cổng thông tin Chính phủ Đức (Bundesregierung), hôm 6/5, có bài phát biểu mang tính thông điệp quan trọng tại Hamburg, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Câu lạc bộ Hải ngoại Hamburg (Übersee-Club) hôm 6/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz (đồng thời cũng là lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã nhắc tới Việt Nam.
Nhà lãnh đạo Đức nói về Việt Nam cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của châu Á và một số nước khác ngày càng có ảnh hưởng và muốn khẳng định tiếng nói riêng trên thế giới trong thế kỷ 21 với nhiều biến động chính trị sâu sắc và nhanh chóng này.
Thủ tướng Scholz đã tuyên bố về mục tiêu trọng tâm nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) của nước Cộng hòa này.
Theo đó, Đức muốn đạt được tiến bộ đáng kể hướng tới thành lập và duy trì một câu lạc bộ hay hiệp hội về vấn đề khí hậu quy mô quốc tế, trong đó tất cả các quốc gia có thể tham gia với cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu nhất định và đóng góp thiết thực ngăn chặn quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thủ tướng Đức cũng muốn đặt sự gắn kết trên thế giới vào trọng tâm của nhiệm kỳ Chủ tịch G7.
“Sự gắn kết toàn cầu này hiện rất mong manh. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng “liên minh” toàn cầu, vốn đã đứng vững sau trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, không bị rạn nứt “, ông Scholz nhấn mạnh.
Cũng vì nguyên cớ này, nên nhà lãnh đạo ông không chỉ mời đại diện của các tổ chức quốc tế tới Hội nghị Thượng đỉnh G-7 ở Elmau vào cuối tháng 6 này, mà còn cả các nguyên thủ quốc gia và chính phủ từ các khu vực khác trên thế giới - từ Indonesia, Ấn Độ, Senegal và Nam Phi.
Olaf Scholz nói về Việt Nam với sự ‘trỗi dậy’ và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng
Lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Đức cũng kêu gọi các nước cùng tham gia vào liên minh khí hậu bởi nếu không có sự hợp tác giữa các nước phát thải, các nước mới nổi và đang phát triển, thế giới sẽ không đạt được tiến bộ về bảo vệ khí hậu toàn cầu.
“Để đạt được điều này, thế giới cần hợp tác nhiều hơn, có nhiều liên minh hơn và hợp tác toàn cầu hơn nữa. Điều này càng đúng khi đề cập tới sự trỗi dậy của châu Á (trong đó có Việt Nam – PV) và sự xuất hiện của một thế giới đa cực”, Thủ tướng Olaf Scholz nêu rõ.
Theo người đứng đầu Chính phủ Đức, thế giới lưỡng cực thời Chiến tranh Lạnh sau cùng đã trở thành là lịch sử và không thể bị thay thế bởi một thế giới lưỡng cực mới trong cuộc đối đầu cạnh tranh gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên nhiều phương diện.
“Như chúng ta thấy, trong thế kỷ 21 này, quá nhiều bên muốn có tiếng nói và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng”, Thủ tướng Olaf khẳng định và dẫn chứng, điển hình như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia hay Việt Nam.
Thậm chí là còn có cả nhiều nước đông dân ở châu Phi và Nam Mỹ nữa.
Điều này chứng tỏ rằng, trên khắp thế giới, hàng chục triệu người đang kiên trì nắm bắt thời cơ và vận hội mới mà quá trình toàn cầu hóa đang mang lại cho chính họ và dân tộc của họ.
“Chính xác hơn là họ đi theo con đường riêng của mình mà không trông đợi vào ai”, ông Olaf Scholz nhận định.
Cũng vì thế, mà theo nhà lãnh đạo Đức, châu Âu cần phải bảo vệ lợi ích của mình bằng việc trở nên mạnh mẽ hơn trong thế giới đa cực, mà trong đó điều kiện tiên quyết là một châu Âu phải có chủ quyền và ngày càng độc lập hơn.
“Một châu Âu - cùng với Mỹ và các nền dân chủ khác, đảm bảo rằng nền dân chủ có triển vọng trong thế giới đa cực”, Thủ tướng Đức nhắc lại.
Người đứng đầu Chính phủ Đức thừa nhận, thời thế có thể khó khăn, mâu thuẫn lợi ích, xung đột to lớn - nhưng “đi cùng nhau”, tất cả đều có thể đạt được tiến bộ vì một thế giới tốt đẹp hơn, tự do hơn và công bằng hơn.
“Người quen cũ” của Câu lạc bộ Hải ngoại Hamburg
CLB Hải ngoại Hamburg là một diễn đàn có uy tín về kinh tế và chính trị của chính quyền Berlin.
Hiệp hội được hình thành để thúc đẩy quá trình trao đổi trong lĩnh vực kinh doanh và khoa học. CLB Hải ngoại Hamburg được thành lập vào năm 1922 theo sáng kiến của chủ ngân hàng Max Warburg.
Sau đó, Câu lạc bộ có thời gian bị giải thể vào năm 1934 và được tái lập năm 1948. Ngày nay CLB Hải ngoại Hamburg được coi là một diễn đàn có ảnh hưởng về các vấn đề kinh tế và chính trị và là một câu lạc bộ dành riêng cho “các quý ông” hàng đầu nước Đức.
Bản thân Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức, lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Đức hiện nay – ông Olaf Scholz là “người quen cũ” của Câu lạc bộ Hải ngoại Hamburg.
Đức coi trọng Việt Nam
Đây là lập trường được chính Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định trong cuộc điện đàm cấp cao gần nhất với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối tháng 3 vừa qua.
Với sự thăng hạng từ sức mạnh cứng đến “quyền lực mềm”, vị thế và uy tín ngày càng tăng trên trường quốc tế, Việt Nam ngày càng được rất nhiều cường quốc lớn trên thế giới đặt ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ cũng như coi trọng tiếng nói ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt toàn cầu, nổi lên là thế đối đầu Mỹ - Trung.
Tại điện đàm cấp cao, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận, trao đổi về nhiều nội dung đa dạng, trong đó có việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác song phương ngày càng sâu sắc, thiết thực và thắt chặt quan hệ kinh tế cũng như về tình hình quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm như xung đột ở Ukraina, hợp tác châu Á – Thái Bình Dương, Biển Đông….
Chúc mừng thành công của Việt Nam trong phát triển đất nước, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế, Thủ tướng Olaf Scholz nêu bật sự coi trọng của Đức đối với mối quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt Nam đang phát triển tốt đẹp, có nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ thời gian tới.
Đích thân người đứng đầu Chính phủ Đức cũng đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác chính trị song phương và tại các diễn đàn quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế, trong đó có phát huy thế mạnh của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thúc đẩy các dự án của Đức ở Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống dịch bệnh cũng như phục hồi hậu Covid-19.
Về phần mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức trong đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Hà Nội.
Khẳng định Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hà Nội – Berlin cùng tăng cường quan hệ chính trị trong đó có việc trao đổi đoàn, nhất là cấp cao, thúc đẩy quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng chính trị ở Đức, trong đó có Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền.
Lãnh đạo Việt Nam và Đức cũng nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước về đầu tư, thương mại, khoa học, công nghệ, giáo dục, quốc phòng, an ninh lên tầm cao mới, thực sự đúng tầm quan hệ đối tác chiến lược, tận dụng cơ hội mở ra từ EVFTA, tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, phòng, chống dịch COVID-19, giáo dục, đào tạo, dạy nghề cũng như hỗ trợ cuộc sống người dân ở quốc gia sở tại.
Đáng chú ý, Đức bày tỏ ủng hộ tự do hàng hải, lập trường của Việt Nam cũng như ASEAN về sự cần thiết của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).
Về tình hình Ukraina, trao đổi với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc, trong đó có việc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
“Việt Nam mong muốn các bên liên quan thúc đẩy đối thoại, đàm phán để chấm dứt chiến sự, lập lại hòa bình trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên, phù hợp với luật pháp quốc tế”, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.