“Ấn Độ sẵn sàng chuyển giao tên lửa BrahMos cho Việt Nam”
© Gurinder Osan, FileBrahMos
© Gurinder Osan, File
Đăng ký
Hợp tác quân sự quốc phòng giữa Hà Nội và New Delhi ngày càng được củng cố bằng nhiều thỏa thuận chặt chẽ. Theo TS. Pradhan, Ấn Độ sẵn sàng chuyển giao tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho Việt Nam như đối với Philippines.
Đặc biệt, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đánh giá, Việt Nam được xem như nhà lãnh đạo của ASEAN và là quốc gia duy nhất có thể ngăn chặn những hành động gây hấn (đặc biệt là của Trung Quốc) và giúp thống nhất đoàn kết ASEAN vì sự ổn định ở Biển Đông.
Ấn Độ và Việt Nam “xích gần nhau”
Tại Việt Nam, các cơ quan truyền thông nhà nước đều lần lượt đăng tải bài phân tích của TS. Pradhan, nguyên cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Tình báo chung, lãnh đạo Lực lượng Đặc nhiệm về Cơ chế Tình báo (2008-2010), được thành lập để xem xét hoạt động của các cơ quan tình báo về mối thâm tình giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Tiến sĩ Pradhan cũng từng đã giảng dạy tại khoa nghiên cứu về quốc phòng và lịch sử tại Đại học Punjabi, Patiala, nguyên giáo sư thỉnh giảng khoa nghiên cứu kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị tại Đại học Illinois, Hoa Kỳ.
Bài viết hôm 19 tháng 4 trên Times of India, đề cập đến cuộc điện đàm cấp cao giữa Thủ tướng Modi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như quan hệ Hà Nội New Delhi ngày càng tốt đẹp trong bối cảnh biến đổi địa chính trị toàn cầu.
Theo TS. Pradhan, Ấn Độ có quan hệ thân thiết tự do với Việt Nam từ lâu. Trong khi quan hệ ngoại giao được thiết lập cách đây 50 năm, quan hệ giữa hai nước có lịch sử và văn hóa sâu sắc hơn 2000 năm.
Nền văn minh Chăm Pa là minh chứng cho mối liên hệ lịch sử và văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thủ tướng Modi đã cảm ơn Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cho phép Ấn Độ cùng tham gia trùng tu các di tích Chăm Pa ở Việt Nam thời gian qua.
Cuộc điện đàm (ngày 15/4) nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn-Việt giữa Thủ tướng Modi và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh tiếp tục có các chuyến thăm và hội đàm cấp cao giữa Lãnh đạo hai nước.
Kể từ khi nâng cấp quan hệ vào năm 2016 lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai nước đang tương tác chặt chẽ để thảo luận về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế.
Xét rộng ra, cách tiếp cận của hai nước là tương tự nhau. Hai bên có những mối quan tâm chung và lợi ích chung. Cả hai coi nhau là đối tác đáng tin cậy trong việc cùng theo đuổi tiến trình phát triển kinh tế.
“Quyết tâm của Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế và Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ đã đưa hai bên xích lại gần nhau hơn”, TS. Pradhan nói.
Việt Nam - Ấn Độ tăng cường hợp tác quốc phòng
Về các vấn đề quốc tế, hai nước có một số khía cạnh chung. Cụ thể, Hà Nội và New Delhi đều có mục tiêu chung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hai nước đã hợp tác chặt chẽ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) vào năm ngoái khi là Thành viên không thường trực.
Tiếp đó, trong thời kỳ đại dịch Covid-19 cũng vậy, sự tương tác chặt chẽ giữa các nhà lãnh đạo của hai nước vẫn tiếp tục không suy giảm hay đứt đoạn.
Vào ngày 21 tháng 12 năm 2020, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Thủ tướng Việt Nam lúc đó là Nguyễn Xuân Phúc (hiện là Chủ tịch nước) đã đồng chủ trì hội nghị cấp cao trực tuyến công bố Tầm nhìn chung Ấn Độ - Việt Nam vì Hòa bình, Thịnh vượng và phát triển Con người.
Trong đó, bao gồm các định hướng cụ thể cho sự phát triển trong tương lai của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Ấn Độ - Việt Nam.
Ý nghĩa của văn kiện này nằm ở chỗ nó được coi là nền tảng cho một kỷ nguyên mới của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Ấn Độ - Việt Nam.
Ngoài ra, 7 văn kiện được ký kết bao gồm một thỏa thuận về thực hiện các cam kết song phương về hợp tác công nghiệp quốc phòng và nội dung khác về hợp tác hạt nhân giữa Ban Điều tiết Năng lượng Nguyên tử của Ấn Độ và Cơ quan An toàn Bức xạ và Hạt nhân Việt Nam.
Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đồng thời tạo cơ hội để phía New Delhi bàn giao tàu hộ vệ cao tốc cho Việt Nam, hạ thủy hai tàu khác được sản xuất tại Ấn Độ và đóng mới 7 tàu được sản xuất tại Việt Nam theo Dòng tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu USD do Ấn Độ cấp cho Việt Nam (thỏa thuận).
Hồi năm ngoái, ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam – một chính trị gia trong nhóm lãnh đạo chủ chốt của Hà Nội đã thăm Ấn Độ (15-19 / 12/2021) cùng với Đoàn đại biểu cấp cao theo lời mời của Phó Tổng thống Sri Naidu và Chủ tịch Hạ viện Om Birla.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có một chương trình nghị sự đầy tham vọng.
Cụ thể, có 3 khía cạnh quan trọng được lư ý tới. Thứ nhất, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước nói chung và quan hệ giữa các cơ quan lập pháp của hai nước nói riêng. Thứ hai, tạo động lực mới cho quan hệ hai nước và cơ hội để hai bên hiểu thêm về chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của mỗi nước. Thứ ba, so sánh quan điểm hai bên về các vấn đề khu vực và thế giới cùng quan tâm cũng như tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu nhằm đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Ấn Độ sẵn sàng chuyển giao tên lửa BrahMos cho Việt Nam
Ở lần đối thoại vừa qua, Thủ tướng Modi và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã điểm lại những bước phát triển của quan hệ Đối tác Toàn diện Ấn Độ - Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng quan hệ hai bên đang tiến triển tốt đẹp với nhịp độ phù hợp với mong muốn của cả Hà Nội lẫn New Delhi.
Thủ tướng Modi tái khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam đối với Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ và tìm cách nâng cao phạm vi quan hệ song phương, bên cạnh nỗ lực thúc đẩy tiến độ thực hiện các sáng kiến hiện có.
Thủ tướng Modi cũng đề nghị phía Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp và dược phẩm của Ấn Độ tại Việt Nam.
“Điều quan trọng, hai nhà lãnh đạo đã cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và toàn cầu, bao gồm cuộc xung đột ở Ukraina và tình hình Biển Đông”, TS. Pradhan điểm lại.
Cần nhấn mạnh rằng, mối quan hệ chiến lược ngày càng phát triển giữa hai nước có tiềm năng to lớn trong việc đảm bảo hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hơn thế nữa.
Mối quan hệ này vẫn không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi căn bản trong các biến động địa chính trị quy mô toàn cầu.
Có sự hội tụ trong Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Ấn Độ thúc đẩy và Tầm nhìn ASEAN đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc liên tục tiến hành nhiều hoạt động lấn chiếm và tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông (kể cả ở Biển Hoa Đông) với cái gọi là yêu sách đường chín đoạn (đường lưỡi bò) đã khiến khu vực trở nên bất ổn.
Trong khi đó Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC) ở Biển Đông còn thiếu những tiến bộ thực sự. Xung đột Nga-Ukraina cũng đang tác động đến sự biến đổi môi trường địa chính trị cơ bản cũng như “thách thức kỹ năng ngoại giao” của các quốc gia.
Theo TS. Pradhan, các cuộc tham vấn trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay càng trở nên cần thiết hơn vì cả hai đều có quan điểm chung.
Trong khi đó, hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia đã được chú trọng nâng cao và cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
Tất cả các thiết bị và trang bị vũ khí mà Việt Nam mong muốn sở hữu cần được cung ứng nhanh chóng để xây dựng quân đội và tăng cường khả năng phòng thủ, năng lực quốc phòng của mình.
“Ấn Độ đã đồng ý chuyển giao tên lửa BrahMos cho Philippines và dòng thiết bị vũ khí này hoàn toàn có thể được chuyển giao cho Việt Nam nếu Hà Nội thể hiện sự quan tâm”, theo chuyên gia.
Việt Nam được xem như nhà lãnh đạo của ASEAN
Đặc biệt, theo nguyên cố vấn an ninh Ấn Độ, Việt Nam là quốc gia duy nhất có thể ngăn chặn các hành động gây hấn và giúp thống nhất ASEAN vì sự ổn định ở Biển Đông - trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngay cả trong thời kỳ đại dịch là đáng chú ý.
Xét về năng lực quốc gia tổng thể, Chỉ số Quyền lực Châu Á 2020 xếp Việt Nam ở vị trí thứ 12 trong tổng số 26 quốc gia.
Tốc độ tăng trưởng công nghiệp cùng với việc sẵn sàng đưa ra chính sách kinh tế mới cho thấy nước này sẽ sớm trở thành một trung tâm công nghiệp trong khu vực.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII đầu năm 2021, Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2030 là nước công nghiệp, hiện đại. Và đến năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm lập quốc, Việt Nam phấn đấu mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thuộc nhóm nước có thu nhập cao.
Trong khi đó, đối với các vấn đề quốc tế, Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là ở Biển Đông, bất chấp một số thách thức, vướng mắc còn hiện hữu.
“Việt Nam được xem như nhà lãnh đạo của ASEAN”, TS. Pradhan nhận xét.
Theo vị chuyên gia, Ấn Độ nhìn nhận và coi trọng quan hệ Ấn-Việt với lập trường kiên định, mang tính chiến lược và lâu dài.
Đồng thời, theo nguyên cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, sự hợp tác chặt chẽ giữa Hà Nội và New Delhi có thể góp phần đáng kể vào việc duy trì hòa bình và ổn định trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương.