Giá dầu ăn tại Việt Nam tăng 90% trong vòng 2 năm
08:44 30.05.2022 (Đã cập nhật: 08:58 30.05.2022)
© Depositphotos.com / Syda_ProductionsSiêu thị
© Depositphotos.com / Syda_Productions
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần vai trò điều tiết của các chính sách thuế để kiếm soát lạm phát tăng cao.
Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, hiện nay trên thị trường, giá trứng gà tại nhiều chợ truyền thống TP.HCM đã ở mức 35.000 đồng/chục, trứng vịt 38.000 đồng/chục, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đà tăng này, mỗi lít dầu ăn hiện tăng 50% so với đầu năm và gấp đôi 2 năm trước, lên hơn 55.000 đồng - mức cao nhất từ trước đến nay. Từ đầu năm đến nay, giá dầu thực vật đã được các đại lý điều chỉnh 3 lần từ 32.000 đồng/lít lên 48.000 đồng/lít. Giá bán lẻ mặt hàng này cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, lên 48.000 - 55.000 đồng/lít. Tương tự, dòng sản phẩm trung và cao cấp như dầu đậu nành, hướng dương, gạo lứt tăng 68.000 - 85.000 đồng/lít, tăng 90% so với cùng kỳ 2020.
Một công nhân may tại Q.12 (TP.HCM) than thở với báo giới:
“Giá trứng gà đang tăng phi mã, từ 22.000 - 24.000 đồng/chục, giờ tăng 50% lên 32.000 - 36.000 đồng/chục. Nhiều loại thực phẩm, gia vị khác cũng tăng giá như gạo sữa lài thơm tăng lên 17.000 đồng/kg, nước mắm tăng lên 47.000 đồng/chai, đường cát từ 18.000 - 19.000 đồng/kg tăng lên 21.000 đồng/kg, có nơi 22.000 - 24.000 đồng/kg. Muối i ốt 400 gr từ 2.500 đồng/túi giờ đã tăng lên 4.000 đồng/túi. Hầu hết giá cả các mặt hàng hiện nay đã cao hơn 15 - 20% so với giá sau tết. Nhà giàu thì không quan tâm, chứ nhà nghèo như giới công nhân thì càng nghèo thêm”.
Theo khảo sát của Thanh Niên, nhiều DN hiện đang gặp khó khăn khi phải duy trì sản xuất trong áp lực chi phí gia tăng, chi trả lương cho nhân viên trong khi sức mua trên thị trường vẫn khá yếu. Nhiều doanh nghiệp còn có nguy cơ thua lỗ vì khi tham gia chương trình bình ổn giá. Trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết:
“Giá trứng trên thị trường tăng cao quá trong khi giá bình ổn lại không được tăng. Điều này dẫn đến 2 hệ lụy: Thứ nhất, người dân sẽ đổ dồn vào mua trứng bình ổn để bán ra ngoài trục lợi. Thứ hai, giá bán không tăng dẫn đến DN thua lỗ và người chăn nuôi cũng không an tâm tái đàn”.
Vì sao cần áp dụng vai trò điều tiết của thuế?
Theo nhận định của PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, để giảm thiểu tác động của nhập khẩu lạm phát từ thế giới, Việt Nam cần phải sử dụng nhiều công cụ: thuế, điều hành, tổ chức sản xuất và cân đối cung cầu…
Đáng chú ý đối với mặt hàng xăng dầu, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng Việt Nam còn dư địa về thuế để giảm đà tăng nóng của giá xăng dầu, đó là 50% thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… Không nên quá quan ngại về việc giảm nguồn thu trước mắt do giảm thuế. Bởi khi xảy ra lạm phát cao, nguồn thu ngân sách cũng sẽ giảm trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam, kiến nghị:
“Các bộ, ngành nên xem xét áp thuế xuất khẩu với một số loại phân bón, nhóm sản phẩm đang chiếm 30 - 40% giá thành sản xuất lúa hiện nay. Việc áp thuế phải thỏa mãn 2 mục tiêu: Bình ổn cho người nông dân, tức là khi trong nước có nhu cầu thì thuế là công cụ chặn bớt xuất khẩu để tăng nguồn cung và ngược lại không gây khó khăn, đình trệ cho nhà máy sản xuất khi nhu cầu trong nước giảm. Để hài hòa nên chăng, cần áp dụng chính sách thuế linh hoạt theo biểu thuế tự động”.