Vàng đang mất sức hấp dẫn. Tại sao các ngân hàng Nga bán tháo kim loại quý này
© Depositphotos.com / BalonciciVàng
© Depositphotos.com / Baloncici
Đăng ký
Trong tháng 2 và tháng 3 năm nay, các ngân hàng Nga đã giảm dự trữ vàng hơn 20%. Đến tháng 4, chỉ còn khoảng 44 tấn vàng dự trữ. Các nhà phân tích giải thích rằng, các tổ chức tín dụng đã tăng cường xuất khẩu để củng cố khả năng chống chịu các lệnh trừng phạt.
Tại sao Nga bán số lượng vàng khổng lồ? Những chi tiết – trong tài liệu của Sputnik.
Bán hết vàng dự trữ
Theo truyền thống, dự trữ vàng bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời vụ. Vào mùa đông, các công ty khai thác vàng ở Siberia, Chukotka, Ural giảm lượng khai thác - khí hậu khắc nghiệt buộc họ phải tạm ngừng các công việc. Do đó, vào mùa xuân, các nhà máy tách vàng từ quặng đều cạn kiệt nguyên liệu thô và thành phẩm.
Tuy nhiên, năm nay không chỉ có yếu tố thời vụ. Vào tháng Hai, những người tham gia thị trường đã tích cực bán kim loại quý này: họ đã chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt. Họ đã mua vàng thỏi từ các nhà sản xuất và ngay lập tức xuất khẩu ra nước ngoài, bán phần còn lại từ các cơ sở lưu trữ. Nhiều người cho rằng, xuất khẩu vàng là cách chắc chắn nhất để thu được ngoại hối.
Và có lý do khiến họ phải vội vàng bán vàng. Vào cuối tháng Hai, Mỹ và EU đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga. Trong điều kiện này, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ bắt đầu thu mua vàng trở lại sau hai năm tạm dừng do đại dịch COVID. Trước đó, kể từ năm 2014, Ngân hàng Trung ương đã mua gần như hết vàng từ các tổ chức tín dụng và tích lũy vàng như một giải pháp chống tình trạng đô la hóa.
Khách hàng doanh nghiệp cũng góp phần “rút ruột” dự trữ vàng của các ngân hàng: khi cuộc khủng hoảng trên thị trường ngoại hối đạt đến đỉnh điểm, họ đã bán tháo vàng và mua các tài sản khác. Các cá nhân cũng có phần đóng góp của mình.
"Nhu cầu tiêu dùng vàng của người dân đã tăng lên vào tháng 3 sau khi Nga thông qua đạo luật miễn thuế VAT 20% cho các cá nhân khi mua vàng. Đối với hầu hết mọi người, số phận của ngoại tệ là một bí ẩn. Bất động sản quá đắt và kim loại quý là một lựa chọn thay thế tốt cho các khoản đầu tư dài hạn", - chuyên gia Nikolay Pereslavsky, nhân viên của Khoa Nghiên cứu Kinh tế và Tài chính của CMS Institute, giải thích.
Một phần vàng vật chất chỉ đơn giản là được chuyển từ các tài khoản ngân hàng sang các két sắt ở nhà. Trước hết, người dân mua các thỏi vàng với trọng lượng 500g và 1kg, cũng như tiền xu bằng vàng. Bằng cách này người dân Nga cố gắng bảo vệ các khoản tiết kiệm bằng đồng rúp khỏi lạm phát, - chuyên gia Artem Deev, người đứng đầu bộ phận phân tích của công ty tài chính AMarkets, cho biết.
Tuy nhiên, không nên đánh giá quá cao quy mô nhu cầu của người dân: sự phấn khích giảm xuống sau khi đồng rúp mạnh lên. Ngoài ra, các nhà chức trách đã nới lỏng các hạn chế đối với các giao dịch ngoại hối.
Lượng dự trữ vàng đã bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi biện pháp của Ngân hàng Trung ương Nga quyết định tạm ngừng mua kim loại quý từ các ngân hàng do nhu cầu của các cá nhân tăng lên. Tuy nhiên, mười ngày sau, vàng vẫn quay trở lại thị trường.
Cách tiếp cận đã được thay đổi do các lệnh trừng phạt mới: vào cuối tháng 3, Vương quốc Anh đã bổ sung lệnh cấm giao dịch bằng vàng của năm ngân hàng Nga. Hai trong số đó - Gazprombank và Rosselkhozbank – thực hiện phần lớn các giao dịch liên quan đến vàng vật chất.
"Việc giảm dự trữ kim loại quý trong các ngân hàng không có gì nguy hiểm, đó là tài sản giao dịch. Họ mua vàng để mua bán chứ không phải để cất giữ", - chuyên gia Vladislav Antonov, nhà phân tích tài chính tại công ty BitRiver lưu ý.
Trong những năm gần đây, Nga đã gia tăng đáng kể khối lượng khai thác vàng và hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Theo Bộ Tài chính, năm ngoái Nga đã khai thác hơn 346 tấn vàng. Khoảng 87% đã được bán ra nước ngoài, mang về cho ngân khố khoảng 17,5 tỷ USD.
Nhà nhập khẩu chính là Vương quốc Anh. Vào năm 2021, khối lượng vàng trị giá gần 15,5 tỷ USD đã được chuyển đến nước này. Các trung gian cung cấp chính là các ngân hàng lớn giao dịch vàng vật chất vì lợi ích của khách hàng - những nhà khai thác và tinh luyện vàng.
Tuy nhiên, do lệnh trừng phạt của London nên không thể tiến hành các giao dịch này.
"Các công ty khai thác vàng của Nga bán vàng cho một số ngân hàng địa phương. Sau đó những ngân hàng này xuất khẩu và bán vàng. Nhưng, sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt với nhiều ngân hàng Nga, họ không có cách nào để xuất khẩu", - Phó giáo sư Alexander Timofeev của Khoa Tin học, Đại học Kinh tế Nga mang tên Plekhanov, cho biết.
Xuất khẩu sang Anh giảm xuống mức thấp nhất, theo thống kê ngoại thương của Anh. Trong tháng 2, Nga đã cung cấp hơn 29 tấn vàng trị giá 1,71 tỷ USD. Và trong tháng 3 - chỉ 1,44 triệu USD.
Ngoài ra còn có các vấn đề hậu cần: kim loại quý này được vận chuyển chủ yếu bằng đường không, nhưng các nước EU lại đóng cửa không phận đối với máy bay Nga.
Kênh trú ẩn tài chính an toàn
Tuy nhiên, có những phương thức bán hàng để lách lệnh trừng phạt, ví dụ, sử dụng thương hiệu nước ngoài khi bán vàng. Nhưng, các nước trung gian tiềm năng sợ bị phương Tây đưa vào danh sách đen.
Một phương thức khác là làm việc với các ngân hàng chưa bị trừng phạt.
Vẫn còn thời gian để chấn chỉnh hoạt động, mùa khai thác vàng đang sôi động.
Theo các chuyên gia, một phần đáng kể kim loại quý sẽ được chuyển đến thị trường trong nước.
"Các hạn chế xuất khẩu vẫn còn. Do đó, dự trữ ngân hàng sẽ có động lực tích cực hơn trong quý II", - chuyên gia Artem Deev nhận xét.
Chuyên gia Deev nhấn mạnh: từ xa xưa, người dân đã có truyền thống mua vàng làm của để dành. Người ta nhớ đến vàng trong thời kỳ khủng hoảng, và các nhà đầu tư gọi vàng là kênh trú ẩn tài chính an toàn. Khi thị trường chứng khoán giảm mạnh, kim loại quý thường tăng giá. Nhưng không phải năm nay.
"Vào đầu tháng 3, giá vàng đã tăng trong một thời gian ngắn. Nhưng, khu vực tài chính Nga đã không sụp đổ dưới các lệnh trừng phạt và báo giá đã tăng trở lại", - Pyotr Zabortsev, giám đốc đổi mới tại công ty OS-Center cho biết.
Vào ngày 1 tháng 6, giá vàng tương lai giao tháng 8/2022 trên sàn Comex New York giảm 13,7 USD xuống mức 1834,7 USD/ounce.
Giá vàng sụt giảm một phần chịu áp lực bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng và chỉ số đô la Mỹ cao hơn. Các nhà phân tích giải thích rằng, chứng khoán Mỹ trông hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, giá vàng đang biến động khó lường, vì thế dự báo của các chuyên gia có thể sai. Kim loại quý đang vấp phải quá nhiều yếu tố áp lực.