Thành phố Thanh Hóa sẽ đổi tên thành Đông Sơn?
CC BY-SA 3.0 / Nguyenbadong / Lê Lợi Avenue in Thanh Hóa, VietnamThành phố Thanh Hóa
CC BY-SA 3.0 / Nguyenbadong / Lê Lợi Avenue in Thanh Hóa, Vietnam
Đăng ký
Ngày 8/6, Thành ủy thành phố Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị thông qua Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, theo đó có phương án đổi tên TP. Thanh Hóa thành TP. Đông Sơn.
Theo Bí thư Thành ủy TP. Thanh Hóa Lê Anh Xuân, việc lấy tên “Đông Sơn” không chỉ được cán bộ, đảng viên huyện Đông Sơn ủng hộ mà cả ở thành phố Thanh Hóa cũng mong muốn.
Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa Trịnh Huy Triều cho hay, còn rất nhiều bước phải thực hiện, phải trình lên Chính phủ, rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét đổi tên thành phố Thanh Hóa thành TP. Đông Sơn.
Thành phố Thanh Hóa muốn đổi tên?
Trình bày báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở Nội vụ thành phố Thanh Hóa cho rằng, do phải nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá (vì thành phố hiện nay có tới 30 phường, nhưng chỉ có 4 xã ngoại thành). Cùng với đó, dân số ngoại thành của thành phố chỉ chiếm 3,75% và 13,1% diện tích như vậy là “mất cân bằng” về chức năng của vùng nội và ngoại thành.
Sở này nhấn mạnh, thành phố Thanh Hóa đang có hướng phát triển về phía Tây trong khi huyện Đông Sơn đang đô thị hóa mạnh phù hợp với sự phát triển của thành phố trong tương lai.
Lý do khác nữa là hiện tuyến quốc lộ cao tốc Bắc Nam, quốc lộ 45 và quốc lộ 47 đi qua huyện Đông Sơn sẽ giúp thành phố kết nối với các tuyến giao thông quan trọng trong nước, trong tỉnh. Chưa kể, việc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa sẽ giúp tinh giảm bộ máy và số đơn vị hành chính theo chủ trương của Trung ương.
Hiện tại, huyện Đông Sơn có hơn 70.000 dân với diện tích là 84 km2 chỉ đạt 64,73% về dân số và 18,41% về diện tích so với quy định của Trung ương về đơn vị hành chính cấp huyện.
Sau khi sáp nhập thành phố sẽ có diện tích là 228,22 km2, dân số là 594.192 nhân khẩu với 48 đơn vị hành chính cấp phường, xã, gồm 31 phường và 17 xã khi thị trấn Rừng Thông lên sẽ được nâng cấp lên phường.
Vì sao lấy tên Đông Sơn?
Các căn cứ để sáp nhập, theo Thời báo Kinh tế trích quan điểm của đại diện Sở Nội vụ gồm quy mô dân số, diện tích, số lượng đơn vị hành chính, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế, cân đối ngân sách, thu nhập đầu người, mức tăng trưởng kinh tế trung bình, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp… đều đạt và vượt so với quy định của đô thị trực thuộc tỉnh.
Tuy nhiên, Sở Nội vụ cũng lưu ý, tiêu chí tỷ lệ phường từ 65% trở lên chưa đạt 65% nên cần phải đề xuất thành lập thêm các phường mới trực thuộc thành phố.
Do vậy, đại diện Sở Nội vụ cũng đưa ra 2 phương án về tên gọi cho thành phố. Phương án 1 lấy tên là thành phố Thanh Hóa do nhận diện về thành phố Thanh Hóa trong nước và quốc tế đã khá lâu và được nhiều người biết đến, lấy tên này sẽ không gây xáo trộn nhiều về thủ tục hành chính khi sáp nhập.
Phương án 2 là lấy tên thành phố Đông Sơn vì cái tên Đông Sơn gắn với bề dày lịch sử của dân tộc.
“Trong hàng ngàn năm Đông Sơn luôn là tỉnh lỵ của Thanh Hóa và là một trong 4 nền văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Thành phố Thanh Hóa hiện nay phần lớn là diện tích cũ của huyện Đông Sơn nhập vào, hầu hết cán bộ, đảng viên lão thành của thành phố đều có nguồn gốc từ huyện Đông Sơn”, phương án nêu.
Nêu ý kiến ở hội nghị này, đại diện Sở Xây dựng, Sở Tài chính cùng các phòng, ban của thành phố đã nêu ý kiến đề xuất về các vấn đề như sáp nhập các đơn vị phòng, ban trực thuộc của huyện Đông Sơn vào các đơn vị phòng, ban của thành phố Thanh Hóa.
Các đơn vị cũng xem xét vấn đề bố trí cán bộ, biên chế, đặc biệt là cán bộ cấp trưởng và cấp phó của thành phố và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, vấn đề tên gọi, vấn đề chọn, điều tra tiêu chí để đề xuất thành lập thêm phường trên cơ sở số xã hiện nay của thành phố và huyện Đông Sơn.
“Cả ở thành phố Thanh Hóa cũng mong muốn”
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hóa thể hiện quan điểm đồng thuận với ý nghĩa lấy tên thành phố Đông Sơn.
Về việc lấy tên thành phố, ông Lê Anh Xuân đề xuất ý kiến theo phương án 2 là nên lấy tên gọi là thành phố Đông Sơn.
Theo vị lãnh đạo, cái tên Đông Sơn gắn với lịch sử văn hóa của tỉnh Thanh Hóa và cả thành phố Thanh Hóa trong suốt hơn 1000 năm.
“Việc lấy tên Đông Sơn được cán bộ, đảng viên không chỉ huyện Đông Sơn mà cả ở thành phố Thanh Hóa mong muốn”, theo Bí thư Xuân.
Do đó, ông Lê Anh Xuân đề nghị làm rõ việc xác định lại thời điểm mốc lịch sử có tên Đông Sơn và các tài liệu liên quan đến lịch sử văn hóa của huyện Đông Sơn để làm căn cứ đề xuất với tỉnh, Trung ương đặt tên gọi là thành phố Đông Sơn.
Về việc nhập các đơn vị trực thuộc thành phố Bí thư thành ủy TP Thanh Hóa đề xuất đối với các Ban quản lý dự án, Ban Giải phóng mặt bằng nên để 5 năm sau mới sáp nhập. Vị lãnh đạo lưu ý, các Ban này có quy mô rất lớn lại đang quản lý nhiều dự án, tài sản, tiền bạc của Nhà nước nên cần phải có thời gian hoàn thành trước khi sáp nhập với nhau.
Đối với việc đề xuất thành lập thêm các phường để cho đủ tỷ lệ 65% là phường trở lên, ông Lê Anh Xuân cho biết thành phố đã đề xuất với tỉnh thành lập thêm 2 phường Hoằng Quang và Hoằng Đại, như vậy cùng với thị trấn Rừng Thông sẽ được nâng cấp lên phường, thành phố tương lai sẽ có 3 đơn vị được đề xuất thành lập phường. Như vậy, nếu được chấp thuận thành phố sẽ có 33 phường và 15 xã.
“Chưa thống nhất”
Ngày 10/6, trao đổi với báo chí, ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa, Thanh Hóa cho hay, hiện địa phương vẫn chưa thống nhất về việc lấy tên thành phố Thanh Hóa hay Đông Sơn sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn với thành phố Thanh Hóa.
Chủ tịch thành phố Trịnh Huy Triều nhấn mạnh, các cơ quan của TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện các bước đầu tiên trong quá trình lập đề án sáp nhập huyện Đông Sơn với TP. Thanh Hóa.
Trong đó, có việc đánh giá, lựa chọn tên gọi cho TP. Thanh Hóa sau khi sáp nhập.
“Vừa qua chúng tôi mới họp để làm bước đầu tiên trong việc lấy tên gọi của thành phố sau sáp nhập, chưa thống nhất điều gì cả”, ông Triều nói với Thanh niên và lưu ý rằng, tên gọi thì còn thực hiện theo nhiều bước, sau phải lấy ý kiến của hội đồng nhân dân cấp xã của tất cả các đơn vị trên địa bàn TP. Thanh Hóa hiện tại, và huyện Đông Sơn chứ không đơn thuần là họp rồi thống nhất.
Theo quy định, tiếp đó, sẽ trình Chính phủ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét việc đổi tên thành phố Thanh Hóa.