Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở cán bộ, đảng viên: "Thượng bất chính thì hạ tắc loạn!"
16:08 30.06.2022 (Đã cập nhật: 17:09 30.06.2022)
© Ảnh : Phương Hoa– TTXVNTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
© Ảnh : Phương Hoa– TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Trong bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi.
Sáng 30/6, phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân.
Theo Tổng bí thư nhờ làm tốt công tác này mà kinh tế - xã hội được phát triển, chính trị được ổn định. Đặc biệt góp phần bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh".
Tuy nhiên, Tổng bí thư cũng thẳng thắn thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế như một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp...
Trong bài phát biểu, Tổng bí thư cũng chỉ rõ nhiều bài học có thể rút ra.
Cụ thể, tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người. Phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.
"Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế là với ý nghĩa như vậy,” Tổng Bí thư nói.
Bên cạnh đó, phải xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng.
Tổng bí thư nhấn mạnh đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng cần phải kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính, phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng.
"Nhiều lần tôi nói rồi. Ai ở trong cơ quan phòng chống tham nhũng vi phạm, tôi xử lý trước. Tôi ở đây không phải là cá nhân tôi mà là cơ chế, luật pháp làm sao phải xử lý trước”, Tổng bí thư nói.
Đồng thời, nhấn mạnh việc đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng không được cậy mình có quyền thẳng uốn thành cong. Phải hết sức trong sạch.
Phổ biến về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng bí thư chỉ rõ cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
"Cha ông ta đã dạy: "Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài; có tài mà cậy chi tài; chữ "tài" liền với chữ "tai" một vần!". Tránh tình trạng "chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người"; "thượng bất chính thì hạ tắc loạn!"; "cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!"", Tổng bí thư dẫn chứng.
Bên cạnh đó, thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện đồng bộ; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống," "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực."