Việt Nam dừng dự án điện hạt nhân với Nga là cơ hội cho các ông trùm năng lượng Mỹ như AES
21:39 01.08.2022 (Đã cập nhật: 21:40 01.08.2022)
CC BY-SA 3.0 / Linhcandng (thảo luận) / Phong điện Tuy Phong, Bình ThuậnPhong điện Tuy Phong, Bình Thuận
CC BY-SA 3.0 / Linhcandng (thảo luận) / Phong điện Tuy Phong, Bình Thuận
Đăng ký
Việc Việt Nam còn chần chừ với điện hạt nhân và có thay đổi điều chỉnh về chiến lược năng lượng, cụ thể là quyết định tạm ngừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận ưu tiên hợp tác với Nga dù nhu cầu về điện duy trì ở mức cao giúp các nhà đầu tư Mỹ nhìn thấy “miếng bánh” mới, cơ hội mới.
Hiểu được nhu cầu điện, năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam cũng như nhận thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi vô cùng lớn của quốc gia ven biển này, tập đoàn năng lượng Mỹ AES muốn đổ 13 tỷ USD làm dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Thuận với công suất dự kiến 4.000MW.
Người Mỹ thấy “cơ hội vàng” sau khi ở Việt Nam dừng điện hạt nhân
Thông tin từ Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, Đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 4 đã diễn ra tốt đẹp tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ.
Đối thoại thường niên về an ninh năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ diễn ra từ ngày 27-28/7 ở Mỹ, theo Bộ Công Thương.
Điểm đáng lưu ý trong đối thoại an ninh năng lượng Việt – Mỹ lần này chính là có thể thấy, các nhà đầu tư năng lượng Hoa Kỳ đang hết sức tận dụng “cơ hội vàng” nhằm khai thác lợi thế hợp tác với Việt Nam.
Cụ thể, trong khi Việt Nam vẫn đang lưỡng lự với các dự án nhà máy điện hạt nhân với quyết định dừng triển khai xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1,2 hợp tác chặt chẽ với Nga từ năm 2016 với lý do “kinh tế”, giới doanh nghiệp năng lượng Hoa Kỳ đã nhận thấy nhu cầu năng lượng ngày một lớn của Việt Nam – cung không đủ cầu – cho phát triển kinh tế, nhất là phục hồi bứt tốc hậu đại dịch Covid-19 cũng như nhìn ra được tiềm năng của một “cường quốc năng lượng tái tạo” đang lên của thế giới.
Người Mỹ đã nỗ lực đối thoại và tìm được tiếng nói chung với đại diện nhà chức trách Việt Nam, nhất là trong bối cảnh, Hà Nội cũng đang thể hiện chiến lược nghiêm túc nhằm cắt giảm điện than, tăng cường năng lượng tái tạo của mình nhằm hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này.
Sau khi Việt Nam tạm dừng các dự án điện hạt nhân, nhưng vẫn phải giải quyết bài toán thiếu điện cho sản xuất và đời sống, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, các ông trùm năng lượng của Mỹ đã “nhảy vào” đầu tư, bắt đầu từ chính các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời tại quốc gia Đông Nam Á này.
Việt – Mỹ bàn về LNG và cả điện hạt nhân
Quay trở lại với Đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 4, về phía phái đoàn Việt Nam do ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn.
Cùng đi với Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An còn có lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương); Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao; Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ; Các Tập đoàn năng lượng: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam dự Đối thoại. Phía Mỹ do ông Harry Kamian, Trợ lý Ngoại trưởng Phụ trách Năng lượng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ làm Trưởng phái đoàn công tác cùng các đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cũng như lãnh đạo các tổ chức bao gồm: Cơ quan Tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Hội đồng Hoa Kỳ về Kinh tế tiết kiệm năng lượng, Uỷ ban Điều tiết năng lượng liên bang, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ.
Bộ Công Thương cho hay, tại Đối thoại, đại diện hai bên Việt – Mỹ đã trình bày các vấn đề then chốt trong hợp tác năng lượng song phương bao gồm những điểm chủ chốt như sản xuất điện sạch, phát triển thị trường điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, truyền tải và lưu trữ năng lượng. Hai bên cũng bàn thảo về vai trò của khí tự nhiên hoá lỏng LNG và các bước cần thiết để chuyển đổi năng lượng nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra cam kết tại COP26, Glasgow, Anh.
Đặc biệt, cũng theo thông cáo báo chí của Bộ Công Thương, các Phái đoàn Việt Nam và Hoa Kỳ đã thảo luận chi tiết về tương lai của các công nghệ năng lượng sạch như điện gió ngoài khơi, hydrogen, pin lưu trữ và cả điện hạt nhân.
Đối thoại lần này cũng ghi nhận và chào đón sự sự tham dự của các doanh nghiệp của Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng bao gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng Công ty Thăm dò khai thác và Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVEP), Trung tâm Luật và Chính sách xã hội, Hội đồng Hoa Kỳ về Kinh tế hiệu quả năng lượng, Sáng kiến khu vực về khí nhà kính.
Tập đoàn AES muốn làm trang trại điện gió ngoài khơi Bình Thuận
Bộ Công Thương cho hay, trong khuôn khổ Đối thoại lần này, Tập đoàn AES của Mỹ đã đề xuất Ý định thư với Phái đoàn Việt Nam. Cụ thể, AES bày tỏ mong muốn triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Thuận, Việt Nam với tổng kinh phí là 13 tỷ USD, công suất dự kiến 4.000 MW.
“Việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi này của Tập đoàn AES với mong muốn đóng góp vào kế hoạch giảm phát thải carbon của Việt Nam và đạt được mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26”, - thông báo cho biết.
Cùng với đó, Cục Tài nguyên Năng lượng của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã gửi lời mời chính thức đoàn Việt Nam tham dự hai chuyến công tác thăm quan thực tế thị trường điện và năng lượng tái tạo dự kiến diễn ra vào cuối năm 2022 tại Mỹ.
Tại Đối thoại lần này, công ty Năng lượng Dominion với tư cách là Công ty đầu tiên triển khai dự án điện gió ngoài khơi đã chia sẻ với Phái đoàn Việt Nam các thông tin quan trọng về kinh nghiệm triển khai trang trại điện gió ngoài khơi. Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) cũng công bố hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia Việt Nam (NPT) nhằm thúc đẩy việc triển khai các công nghệ lưới điện thông minh theo Lộ trình Công nghệ thông tin 2.0 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Được biết, NPT đã chọn LLC để triển khai hỗ trợ kỹ thuật này.
Như Sputnik đã thông tin, hồi tháng 4 năm nay, tại buổi làm việc giữa ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và ông Bernerd Da Santos, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn AES (Hoa Kỳ), hai bên cũng đã bàn thảo về dự án trang trại gió ngoài khơi Bình Thuận này.
Theo ông Bernerd Da Santos, AES luôn duy trì cam kết vì sự tăng trưởng kinh tế, xã hội của Việt Nam thông qua việc đầu tư vào các giải pháp năng lượng bền vững và đáng tin cậy (bao gồm các cơ hội tiềm năng về năng lượng tái tạo, cũng như việc phát triển dự án Nhà máy điện tua bin khí Sơn Mỹ 2 và dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, Bình Thuận). Ông Bernerd Da Santos nêu rõ, việc ký thỏa thuận liên doanh hợp tác nhằm phát triển dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ giữa AES và PV GAS vào cuối năm 2021 là cột mốc quan trọng đối với sự phát triển nguồn năng lượng LNG của Việt Nam, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình giảm phát thải tại Việt Nam phù hợp với cam kết tại Hội nghị COP26.
“AES mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo Việt Nam, lãnh đạo PVN để AES triển khai các hoạt động tại Việt Nam và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với PVN trong các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi”, - ông Bernerd Da Santos chia sẻ.
Về phần tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh này luôn hướng đến việc ưu tiên đầu tư, khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời và điện khí LNG, đưa Bình Thuận trở thành Trung tâm về năng lượng tái tạo quốc gia.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An chia sẻ với báo Thanh Niên, trên địa bàn tỉnh này hiện có 47 nhà máy điện đang hoạt động với tổng công suất 6.480 MW, tổng sản lượng điện 33 tỷ kW/năm, đã góp phần đảm bảo cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo an ninh năng lượng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với kết quả của Hội nghị COP26 được diễn ra trong tháng 11/2021 tại Glasgow (Vương quốc Anh) và cam kết của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
“Đây là cơ hội lớn để Bình Thuận đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi, bởi Bình Thuận có nhiều tiềm năng về bức xạ mặt trời, năng lượng gió”, - lãnh đạo tỉnh cho hay.
Lãnh đạo Bình Thuận cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, không gian biển để nghiên cứu, khảo sát tiềm năng, đề xuất dự án đầu tư, nhất là điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG, sản xuất năng lượng hydrogen. Bình Thuận cũng kiến nghị Chính phủ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VIII, đồng thời đề xuất Chính phủ xem xét, cho thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi như dự án Thăng Long Win của Tập đoàn Enginer Interprize (3.400 MW, tổng vốn đầu tư 11,9 tỷ USD); dự án điện gió Tuy Phong của Tập đoàn Orsted và T&T (4.600 MW, 15 tỷ USD), dự án điện gió AMI AC Bình Thuận của Công ty AMI AC Renewable (1.800 MW, 5 tỷ USD). Nếu dự án trang trại gió của Tập đoàn AES Hoa Kỳ (4.000 MW, 13 tỷ USD) được chấp thuận, cuộc đua các dự án năng lượng tái tạo tại địa phương này được dự báo trở nên vô cùng sôi động.
Ngoài điện khí hóa lỏng, điện gió ngoài khơi, thời gian gần đây, ở Việt Nam cũng đang bắt đầu thảo luận lại việc tái khởi động các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 bị tạm dừng trước đó, mở ra triển vọng mới cho phát triển điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hướng đến cam kết phát thải ròng bằng 0 như Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết tại COP26 trước lãnh đạo toàn thế giới.