Phải chăng Mỹ đang chuẩn bị hành động khiêu khích nhằm vào Trung Quốc với sự tham gia của Đức?
© Ảnh : Public domain / Australian Defence Force, Cpl. Glen McCarthyCuộc tập trận Pitch Black
Đăng ký
Danh sách các nước tham gia cuộc tập trận đa quốc gia do Không quân Australia tổ chức đã được bổ sung bởi các thành viên và các nước đối tác của NATO. Hoa Kỳ giao cho Đức vai trò liên kết giữa NATO và AUKUS. Các chuyên gia cảnh báo rằng, Trung Quốc cần cảnh giác với cuộc tập trận Pitch Black.
Cuộc tập trận mang tên Pitch Black của Không quân Hoàng gia Australia tập hợp khoảng 2.500 quân nhân và 100 máy bay từ 17 quốc gia. Đợt tập trận sẽ bắt đầu vào ngày 19 tháng 8 và sẽ kéo dài trong ba tuần. Australia thường xuyên mời các đối tác quốc tế của mình tham gia các cuộc tập trận Pitch Black diễn ra hai năm một lần này được tổ chức từ những năm 1980. Điểm mới về chiến lược của đợt tập trận lần này là sự hiện diện của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.
Trong năm nay, các nhà lãnh đạo của Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid. Rất có thể việc tham gia các sự kiện của NATO khiến các quốc gia đối tác của Liên minh Bắc Đại Tây Dương tham gia cuộc tập trận Pitch Black để kiểm tra và nâng cao năng lực phối hợp lực lượng và kiểm tra khả năng tương tác với các thành viên hàng đầu của NATO. Kết quả là cả 4 quốc gia đối tác NATO được mời đến Madrid, bao gồm cả New Zealand, đều tham gia cuộc tập trận Pitch Black.
Danh sách các quốc gia thành viên NATO theo truyền thống tham gia tập trận cũng được mở rộng - Đức lần đầu điều đội máy bay đến Australia để tham gia diễn tập Pitch Black cùng Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan và Anh. Theo Trung tướng Ingo Gerhartz, Tham mưu trưởng không quân Đức, trong hành trình từ Đức tới Australia kéo dài 3 ngày, các phi công Đức đã tiến hành gần 200 lần tiếp nhiên liệu trên không. Đức đã cử sáu chiếc Eurofighter Typhoon, bốn máy bay vận tải A400M và ba máy bay vận tải chở dầu đa năng A330 đến tập trận.
Hoa Kỳ lôi kéo Đức vào trò chơi địa chính trị
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Vladimir Yevseyev của Viện các nước CIS cho rằng, Mỹ đang lôi kéo Đức vào một trò chơi địa chính trị lớn với những hậu quả nghiêm trọng về an ninh khu vực.
“Sự hiện diện của các máy bay chiến đấu Đức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương gắn liền với lợi ích của Hoa Kỳ. Đức đã trở thành một công cụ trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ví dụ, điều này có thể thấy rõ trong vai trò của Đức tham gia vào cuộc xung đột tại Ukraina. Xét theo mọi việc, lần này Mỹ muốn sử dụng Đức như một liên kết giữa AUKUS và NATO. Rõ ràng là Hoa Kỳ muốn thành lập một liên minh quân sự-chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Kế hoạch của họ làm điều này trên cơ sở Quad không thành công. Sau đó, nền tảng cho việc này là AUKUS với sự tham gia của Hoa Kỳ, Anh và Úc.
Bây giờ họ xem xét khả năng New Zealand gia nhập liên minh này. Cuộc tập trận Pitch Black có thể giúp Mỹ xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa NATO và AUKUS với sự tham gia của Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiển nhiên là hoạt động này có định hướng chống Trung Quốc. Nếu ở châu Âu, NATO chống lại Nga, thì ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một liên minh dựa trên AUKUS đang được hình thành để chống lại Trung Quốc”.
Trung Quốc cần cảnh giác với cuộc tập trận Pitch Black, chuyên gia Hu Chunchun từ Viện Nghiên cứu Khu vực và Quản lý Toàn cầu thuộc Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, cho biết trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Hành động khiêu khích chính trị
Chuyên gia Hu Chunchun không loại trừ rằng, việc không quân Đức chuyển hướng tập trung sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để tham gia tập trận chung có thể đi kèm với những hành động khiêu khích chính trị.
“Nếu các hành động này nằm trong khuôn khổ pháp lý quốc tế, đương nhiên Trung Quốc không cần can thiệp. Nhưng, nếu họ chọn một con đường khác, ví dụ, chuyến bay qua eo biển Đài Loan, thì đây rõ ràng là một hành động khiêu khích chính trị. Hiện tại vẫn chưa biết Đức sẽ chọn gì", - chuyên gia Trung Quốc nói.
Được biết, sau khi tham gia đợt tập trận tại Úc, đội máy bay Đức sẽ thăm Nhật Bản và Hàn Quốc. Đồng thời, vẫn chưa rõ lộ trình chuyến bay từ khu vực tập trận tới hai quốc gia này sẽ đi qua vùng biển nào. Ấn bản Thời báo Hoàn cầu (Huanqiu Shibao) in lại hành trình bay từ tạp chí Spiegel. Nó cho thấy rằng, máy bay chiến đấu của Đức sắp đi qua không phận của eo biển Đài Loan.
Ngày cụ thể cũng được chỉ định. Trong khi đó, một số phương tiện truyền thông phương Tây và phía Đức sau đó đã bác bỏ các thông tin về việc máy bay Đức có thể bay qua eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, ấn bản Trung Quốc nghi ngờ về tính chân thực của lời từ chối như vậy, vì ở đây có một thủ đoạn tinh vi. Ấn phẩm cho biết, tướng Ingo Gerhartz đã thừa nhận rằng, Biển Đông và Đài Loan là hai khu vực nhạy cảm, sau đó ông nói rằng, các chiến đấu cơ sẽ bay ở độ cao hơn 10 km và hầu như không đi vào Biển Đông.
"Chúng tôi sẽ sử dụng các tuyến đường hàng không dân dụng", - vị tướng nói.