Người Việt bị đánh chết bên ngoài sòng bạc Bavet Campuchia, tan mộng việc nhẹ lương cao
© Ảnh : Public domain/TrinhhoaLãnh sự quán Việt Nam tại Phnôm Pênh, Campuchia
© Ảnh : Public domain/Trinhhoa
Đăng ký
Một người đàn ông Việt Nam bị một nhóm đông cầm gậy gộc đánh chết ngay bên ngoài casino Bavet, Campuchia sáng ngày 26 tháng 8.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Phương, Trưởng phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, trong thời gian qua, một số đối tượng đã sử dụng mạng xã hội lôi kéo người dân vượt biên trái phép sang Campuchia với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”, thậm chí không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp, sẵn sàng hỗ trợ chi phí, thủ tục nhập cảnh nhằm dụ dỗ người lao động ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp.
Người Việt bị đánh chết bên ngoài casino ở Campuchia
Một người đàn ông nước ngoài, theo truyền thông Campuchia, là người Việt Nam, bị đánh chết trong vụ cả nhóm hành hung bằng gậy gộc bên ngoài một sòng bạc ở Bavet vào sáng hôm qua (26/8).
Theo Khmer Times, vụ việc xảy ra vào lúc 3:15 sáng ngày 26 tháng 8 năm 2022 ngay trước Casino 67 ở làng Bavet Kandal, Bavet Sangkat, thành phố Bavet của Campuchia.
Theo cảnh sát Campuchia, người đàn ông thiệt mạng sau vụ hành hung hội đồng có tên là Duong Minteang - một người đàn ông Việt Nam 34 tuổi, làm nghề đầu bếp. Khmer Times lưu ý, nghi phạm đánh chết người đàn ông Việt Nam được xác định cũng là người Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng đã bỏ trốn ngay sau khi đánh chết người, theo cảnh sát thành phố Bavet.
© Ảnh : Surveillance cameraTấn công một người đàn ông ở thành phố Bavet, Campuchia
Tấn công một người đàn ông ở thành phố Bavet, Campuchia
© Ảnh : Surveillance camera
Nhân chứng chứng kiến vụ đánh người này kể lại rằng, trước khi xảy ra vụ việc, nạn nhân có đến tiệm cầm đồ để vay tiền vào casino đánh bạc. Các nguồn tin sau đó cũng cho biết, một nhóm khoảng 4-5 nghi phạm bước vào để “nói chuyện” với nạn nhân.
Sau đó cả hai bên bất ngờ xảy ra mâu thuẫn, tấn công người đàn ông tên Dương Minteang đến trọng thương, nguy kịch, rồi bỏ trốn khỏi hiện trường gây án. Sau khi phát hiện sự việc xảy ra, người dân đã trình báo công an địa phương đến can thiệp và điều tra vụ hành hung hội đồng khiến một người đàn ông Việt Nam tử vong.
“Cảnh sát hiện đang xác minh vụ việc bằng hình ảnh nghiên cứu camera an ninh để nhanh chóng xác định thủ phạm gây án”, - Khmer Times nhấn mạnh.
Campuchia mạnh tay chống nạn buôn người
Hôm 26/8, phát biểu tại sự kiện về phòng chống nạn mua bán người, bóc lột lao động và cưỡng bức tình dục, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Samdech Krolahom Sar Kheng - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chống buôn người của quốc gia Đông Nam á này tái khẳng định quyết tâm của Phnom Penh trong cuộc chiến chống nạn buôn người.
Theo Bộ trưởng Samdech Krolahom Sar Kheng, kể từ đầu tháng 8 đến 26/8, các lực lượng chức năng đã triển khai 7 đợt truy quét các nhóm mua bán người, giải cứu 25 nạn nhân từ 6 nước khác nhau ở các tỉnh Preah Sihanouk, Pursat, Svay Rieng và Oddar Meanchey.
Riêng trong tháng 8, nhà chức trách Campuchia đã bắt giữ 23 nghi phạm thuộc 4 quốc tịch khác nhau và đang tiếp tục mở rộng các vụ án này thời gian tới. Ông Sar Kheng nói, nếu tính từ ngày 1/1 đến 20/8/2022, Campuchia đã giải cứu tổng cộng 865 người nước ngoài trong 87 vụ có dấu hiệu mua bán người, đưa ra xét xử 60 người thuộc 17 vụ.
Bộ trưởng Nội vụ Campuchia nhấn mạnh, phần lớn nạn nhân nước ngoài bị chính người các nước này (đồng hương) và Campuchia lừa đảo, dụ dỗ với lời hứa sẽ có công việc nhẹ nhàng mà lại tha hồ nhận lương cao.
“Đến nơi, những công dân nước ngoài này bị buộc phải làm việc trong các sòng bạc, casino hay cơ sở cá cược trực tuyến bất hợp pháp rồi trở thành nạn nhân của nạn mua bán người”, - Bộ trưởng Nội vụ Campuchia lưu ý và cho biết, bọn tội phạm thường chuyển các nạn nhân từ nhóm này sang nhóm khác thay phiên nhau, tất nhiên là chúng sẵn sàng sử dụng vũ lực hoặc đe dọa nếu không nghe lời hoặc chống cự.
Bộ trưởng Sar Kheng nhấn mạnh, trong hơn một năm qua, chính quyền đã nhận được yêu cầu từ một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Campuchia về các hoạt động giải cứu công dân nước mình, cho rằng đây là các nạn nhân của nạn mua bán người.
Sau khi Campuchia xem xét cẩn thận các yêu cầu, nhà chức trách đã triển khai các hoạt động giải cứu, miễn tiền phạt vì nhập cư bất hợp pháp và cho phép họ hồi hương an toàn. Đó là chính sách nhân đạo của Vương quốc Campuchia, theo Bộ trưởng Sar Kheng.
“Campuchia hoan nghênh thông tin được cung cấp bởi các cá nhân và cơ quan đại diện nước ngoài tại Campuchia liên quan đến các trường hợp nghi ngờ là nạn nhân buôn người”, - ông Sar Kheng bày tỏ.
“Chính phủ Campuchia quyết tâm chống lại các hành vi lừa đảo qua mạng, hỗ trợ các nạn nhân của bọn mua bán người ở Campuchia”, - Bộ trưởng Sar Kheng kiên quyết.
Đại sứ quán Việt Nam cảnh báo chiêu trò lừa đảo việc nhẹ lương cao
Đến hôm nay, 27/8, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia tiếp tục đưa ra lời cảnh báo về các đường dây lừa đảo, mua bán người diễn ra gần đây về các trường hợp công dân Việt Nam bị lôi kéo, lừa sang Campuchia làm việc bất hợp pháp với chiêu trò “việc nhẹ lương cao”.
Hệ quả là có nhiều trường hợp sau khi được đưa ra nước ngoài đã bị cưỡng bức làm việc, quản thúc nghiêm ngặt, chế độ đãi ngộ/tiền lương không được đảm bảo như cam kết, hứa hẹn, theo ông Phương thông tin trên VOV. Trong thời gian này, bộ phận bảo hộ công dân của các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia đã nhận được nhiều đơn, thư, điện thoại đề nghị hỗ trợ đưa về nước các trường hợp công dân bị dụ dỗ, lừa gạt để đi lao động làm việc bất hợp pháp vỏ bọc “việc nhẹ lương cao”.
“Tập trung chủ yếu ở một số tỉnh phía Đông Nam và duyên hải miền Nam Campuchia (tỉnh Svay Rieng, Preah Sihanouk). Có trường hợp bị dụ dỗ còn ở tuổi vị thành niên, thậm chí cả đồng bào dân tộc thiểu số”, - Trưởng phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho hay.
Ông Trần Văn Phương cho biết thêm, trong thời gian qua, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp với các các cơ quan chức năng, địa phương, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới với Campuchia cùng các cơ quan chức năng nước sở tại thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ, hỗ trợ các trường hợp công dân khó khăn, hoạn nạn và đưa về nước.
Ông Phương thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay, Đại sứ quán đã can thiệp, hỗ trợ pháp lý cho gần 2.000 trường hợp công dân Việt Nam gặp khó khăn, trong đó bảo hộ, đưa về nước khoảng 500 trường hợp bị dụ dỗ sang lao động bất hợp pháp và đang hỗ trợ rất nhiều trường hợp người Việt khác đang bị giam giữ tại Campuchia về nước.
“Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia khuyến nghị mọi công dân đề cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và gia đình mình trước những lời dụ dỗ việc nhẹ lương cao”, - ông Trần Văn Phương nhấn mạnh.
Trưởng phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đề nghị người dân cần cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn công việc có thu nhập cao, cá cá nhân/tổ chức có hoạt động tuyển dụng trên mạng nhưng không có địa chỉ rõ ràng hoặc tư cách pháp nhân ở Việt Nam, tổ chức nhập cảnh Campuchia qua đường tiểu ngạch.
“Từ chối mọi sự giúp đỡ, hứa hẹn, cam kết làm việc nhẹ thu nhập cao, lợi ích vật chất để đi lao động nước ngoài từ người khác qua mạng xã hội nhất là những người lạ, người không thân quen”, - nhà chức trách nói.
Cùng với đó là tuyên truyền, cảnh báo cho những người xung quanh về thủ đoạn của đối tượng hứa hẹn việc làm nhàn hạ, thu nhập cao để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động, tổ chức nhập xuất nhập cảnh bất hợp pháp; hiểu rõ hậu quả của việc bị dụ dỗ làm việc bất hợp pháp.
“Đó là việc bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ/đánh đập, bị bóc lột tình dục, bị giam giữ trái phép, bị bắt giữ làm con tin đòi tiền chuộc từ gia đình”, - ông Trần Văn Phương bổ sung thêm.
Đại sứ quán xin lưu ý các trường hợp công dân Việt Nam bị lôi kéo sang Campuchia làm việc bất hợp pháp, trong trường hợp cần thiết đề nghị liên hệ thông qua Tổng đài Bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao hoặc qua đường dây nóng bảo hộ công dân của các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia để được hỗ trợ.