Việt Nam được đề nghị kịch bản tự sát giống như Ukraina
© AFP 2023 / -Quần Đảo Hoàng Sa.
© AFP 2023 / -
Đăng ký
Gần đây, ấn phẩm uy tín "The Diplomat" đăng một bài báo lớn về các vấn đề an ninh của Việt Nam.
Với mục đích kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc, kể từ những năm 1990 biển Đông là trung tâm của chiến lược an ninh quốc gia của giới lãnh đạo Việt Nam,- tác giả viết. Để đạt được điều này, phần lớn các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Việt Nam kể từ đầu những năm 2000 đều tập trung vào lực lượng hải quân và không quân. Nhưng tác giả bài báo coi việc ưu tiên nhấn mạnh như vậy là không hợp lý. Xét cho cùng, tiềm lực hải quân của Trung Quốc còn cao hơn gấp bội, bất kể Việt Nam chi bao nhiêu để mua vũ khí từ Nga. Và không thể trông chờ vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ, do sự trung lập của Washington liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và tính đến việc không có hiệp định quân sự giữa hai nước, như trường hợp của Philippines. Đối với sự tồn vong của Việt Nam, biển không có tầm quan trọng chiến lược như đất liền. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm cách xa bờ biển Việt Nam, và sự mất mát, tuy có phương hại đến lợi ích kinh tế đất nước, nhưng sẽ không làm tổn hại đến sự tồn vong dưới bất kỳ hình thức nào.
Nhưng tình hình của các nước láng giềng trên đất liền - Lào và Campuchia - có ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam. Và do đó, việc Bắc Kinh muốn khuất phục các nước này về mặt kinh tế còn nguy hiểm hơn cho Hà Nội so với các hành động gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tác giả khuyên các nhà lãnh đạo Việt Nam nên quan tâm hơn đến biên giới phía tây của mình và “thực địa chiến trường’’ trên đất liền.
Sử dụng kinh nghiệm Ukraina
“Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong chiến trận lớn trên bộ trước các đối thủ mạnh, và có nhiều khả năng vô hiệu hóa các lợi thế quân sự về chất và lượng của Trung Quốc trên bộ hơn là trên biển. Cuộc chiến ở Ukraina cho thấy một quốc gia nhỏ có thể chống đỡ các cuộc tấn công từ một cường quốc bằng chiến lược con nhím. Thay vì triển khai các thiết bị quân sự tối tân, Việt Nam có thể chỉ cần mua các hệ thống vũ khí giá rẻ và sản xuất hàng loạt, loại dễ cất giấu và sử dụng để tăng cái giá phải trả cho các cuộc tấn công mặt đất của Trung Quốc’’ - bài báo khẳng định.
Và các đối tác của Việt Nam trong Đối thoại An ninh Bốn bên (Bộ Tứ - Quad) - Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ - cần ủng hộ các nỗ lực cân bằng không chỉ ở Biển Đông, mà còn ở Lào và Campuchia, không chỉ về mặt quân sự mà còn về kinh tế, để làm suy yếu sức hấp dẫn của lợi ích hợp tác với Trung Quốc , ấn phẩm khuyến cáo và kết luận: tiếp tục cân bằng chống lại Trung Quốc trên biển bằng cách hiện đại hóa hải quân và không quân là một bước đi sai hướng nếu Bắc Kinh gây ra mối đe dọa ngày càng tăng trên đất liền. Vì vậy, Việt Nam cần củng cố quân đội và đưa Lào và Campuchia trở lại thành trung tâm của chiến lược an ninh quốc gia.
Cuộc chiến tốt nhất là giành chiến thắng mà không cần chiến đấu
Nhà khoa học chính trị - nhà phương Đông học nổi tiếng của Nga, Trưởng Khoa Lịch sử Viễn Đông, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp St.Petersburg Vladimir Kolotov hoàn toàn không đồng ý với kết luận của bài báo.
“Lào và Campuchia luôn là tâm điểm chú ý của Hà Nội, Việt Nam nhận thức rõ đây là những quốc gia then chốt về an ninh của mình và đặc biệt không trông chờ vào sự giúp đỡ của “đối tác” từ Quad, mà 3 trong số đó đã từng tiến hành các cuộc chiến tranh lâu dài và tàn khốc chống lại Việt Nam. Bộ tứ này được lập ra nhằm mục đích để các nước “thượng đẳng” gây sức ép với các nước “hạng nhất”, thúc đẩy họ chống lại Trung Quốc. Trò vui cũ của người Anh trong Trò chơi vĩ đại - cầm chân kẻ thù bằng cách ủy quyền vào tay của kẻ khác”, - Vladimir Kolotov khẳng định.
Giáo sư Kolotov gọi đề xuất của tác giả về việc sử dụng "chiến lược con nhím" của Ukraina ở Việt Nam là sự tự sát.
“Ukraina đã bị phương Tây biến thành bãi chiến trường để kiềm chế Nga và thậm chí có thể mất vị thế của một nhà nước. Không một chính khách nào có suy nghĩ đúng đắn lại đi biến đất nước của mình thành chiến trường của các cường quốc. Cuộc chiến tranh tốt nhất, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, là chiến thắng mà không phải đánh nhau. Trung Quốc không cần đưa quân vào Lào và Campuchia để tấn công Việt Nam. Người Anglo-Saxon cần điều này để dàn xếp một cuộc xung đột vũ trang có kiểm soát giữa Trung Quốc và các nước nhỏ, điều này sẽ làm suy yếu Trung Quốc và phá hủy nền kinh tế các nước nhỏ”, - ông Vladimir Kolotov nói.
Việc khua gõ vũ khí có thể kích động Trung Quốc hành động quyết đoán. Mối đe dọa Ukraina gia nhập NATO và việc khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương biến thành lãnh thổ của khối này để tấn công Nga đã kích động Moskva tiến hành chiến dịch đặc biệt . Nếu không có sự giúp đỡ của phương Tây, chiến dịch đặc biệt đã kết thúc từ lâu, và không có tổn thất lớn về nhân lực và trang thiết bị như hiện nay.
Còn giới lãnh đạo Việt Nam đã vận dụng rất khéo léo những lợi thế của quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ trên cả lĩnh vực chính trị và kinh tế, thành thạo việc cân bằng và không sẵn sàng hy sinh sự ổn định và phát triển năng động của đất nước mình vì tham vọng của nước ngoài, chuyên gia Nga nêu ý kiến.