Cạn khí đốt Nga, hàng loạt nhà máy ở châu Âu phải đóng cửa, cơ hội cho thép Việt Nam
© Sputnik / Alexandr Kondratyuk
/ Đăng ký
Nền công nghiệp châu Âu đứng trước nguy cơ khủng hoảng trầm trọng sau nhiều thập kỷ hưng thịnh vì cạn kiệt khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng loạt nhà máy sản xuất thép ở EU phải đóng cửa, cắt giảm sản xuất, thì đây lại được xem là cơ hội cho thép Việt Nam, rộng cửa tiến vào thị trường hiện cung không đủ cầu này.
Hàng loạt nhà máy ở châu Âu đóng cửa vì thiếu khí đốt Nga
Như Sputnik đã thông tin, Cộng hoà Liên bang Đức có nguy cơ tiêu tan ngành công nghiệp hàng đầu thế giới vì cuộc khủng hoảng năng lượng khắc nghiệt đến từ chính những đòn trừng phạt phản tác dụng mà phương Tây nhằm vào Nga.
Chưa bao giờ thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng như hiện nay. Nguồn cung khí đốt, gas của Nga không hề bị gián đoạn kể cả trong thời chiến tranh Lạnh đến khủng hoảng kinh tế tài chính hay khi giữa Moskva và phương Tây “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Thế nhưng, kể từ khi tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraina bùng nổ, các lệnh trừng phạt “như tự bắn vào chân mình” khiến Hoa Kỳ và đồng minh EU phải trả giá đắt. Thiếu khí đốt của Nga kéo theo hệ luỵ mà chính người châu Âu cũng không thể nào tưởng tượng được - hoặc nhịn đói - hoặc no bụng nhưng không có lò sưởi và đối mặt với mùa đông lạnh giá. Chưa kể, thiếu khí đốt của Nga, đẩy thị trường năng lượng toàn cầu biến động mạnh, đe doạ sự tồn vong của chính nền công nghiệp huy hoàng ở châu Âu.
Vừa qua, The Economist dẫn phát biểu của ông Siegfried Russwurm, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Đức BDI thừa nhận, nền sản xuất của Đức có nguy cơ “biến mất” trong bối cảnh thiếu khí đốt của Nga, khủng hoảng năng lượng, giá nhiên liệu tăng chóng mặt.
“Ngành công nghiệp Đức những năm gần đây dựa vào năng lượng giá rẻ từ Nga và khả năng tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Trung Quốc. Chính vì các biện pháp trừng phạt cũng như xu hướng suy thoái xuống dốc của nền kinh tế Trung Quốc, Đức phải đối mặt với thử thách tính bền vững của hệ thống công nghiệp nước nhà”, - The Economist nêu rõ.
Ở Cộng hoà Liên bang Đức, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal đã xác nhận đóng cửa một lò cao ở Bremen và một nhà máy ở Hamburg. Phía ArcelorMittal buộc phải giảm nhu cầu khí đốt khoảng 40% so với mức dự kiến tiêu thụ vào đầu năm do chính lệnh trừng phạt của Berlin nhằm vào Nga gây ra hệ luỵ tồi tệ.
“Chúng tôi chưa bao giờ gặp những biến động giá năng lượng như vậy”, - Reiner Blaschek, Giám đốc kinh doanh tại Đức của ArcelorMittal lưu ý.
Thực tế hiện nay cho thấy, không chỉ riêng tại Đức, ngành công nghiệp của châu Âu nói chung đang lâm vào cảnh khốn đốn, nhiều nhà máy giảm sản lượng sản xuất, thậm chí đóng cửa vì giá nhiên liệu tăng vọt do thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga. Theo WSJ, ở Žiar nad Hronom, một thành phố của Slovakia- nơi có nhà máy nhôm Slovalco đã hoạt động trên 70 năm, chuyên cung cấp cho các nhà sản xuất phụ tùng ô tô trên khắp EU, đang vô cùng sốt sắng vì thiếu khí đốt Nga.
“Có lẽ đây là sự chấm hết cho kỷ nguyên sản xuất kim loại ở châu Âu”, - Milan Veselý, Giám đốc Slovalco thất vọng thừa nhận.
Doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nguồn cung khí đốt bị gián đoạn từ Nga, khủng hoảng năng lượng, giá nhiên liệu “nhảy múa”. Để nhìn rõ những tổn thất khủng khiếp, đại diện Slovalco dẫn chứng, trước đà tăng giá năng lượng hồi năm ngoái, công ty chỉ chỉ trả khoảng 45 euro cho mỗi MWh thế nhưng năm nay, họ phải trả đến 75 euro trong một thỏa thuận chốt từ 2021. Thậm chí hồi tháng 8, giá điện đã lên tới 1000 euro/MWh trên khắp châu Âu. Điều này thật kinh khủng.
“Sự thay đổi biến động của giá điện hiện nay thật điên rồ. Không lẽ đây là cách chúng ta giết chết ngành công nghiệpchâu Âu?”, - ông Vasely trăn trở.
Ở Hà Lan, Michael Schlaug, Tổng giám đốc Yara Sluiskil cho biết doanh nghiệp này đã buộc phảicho dừng hoạt động 2 trong số 3 nhà máy amoniac vào cuối tháng 8/2022. Thêm báo cáo từ nhóm vận đồng hành lang ngành kim loại Eurometaux cho biết, các kho dự trữ kẽm ở khắp châu Âu cũng gần như cạn kiệt, khiến các khách hàng phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo Eurometaux, sản lượng nhôm nguyên sinh giảm mạnh khiến EU phải duy trì hoạt động tái chế để sản xuất kim loại cho các ngành công nghiệptrên lục địa “già”.
Sự phụ thuộc của ngành công nghiệp EU vào nguồn cung khí đốt từ Nga
Xu hướng các nhà máy kim loại ở châu Âu phải cắt giảm sản lượng hay đóng cửa tăng lên cho thấy sự phụ thuộc của EU vào nguồn cung khí đốt của Nga.
“Ảnh hưởng của sự sụt giảm nguồn cung khí đốt Nga đối với kinh tế châu Âu đã quá rõ ràng. Nền kinh tế khu vực này đã bị đẩy tới bờ vực của một cuộc suy thoái sâu và kéo dài”, - theo WSJ.
Các ngành sản xuất công nghiệp của châu Âu cũng đang hứng chịu những tổn hại to lớn mà giới phân tích cho rằng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng trong dài hạn. Đặc biệt, không giống như Hoa kỳ, EU dựa vào các ngành sản xuất và công nghiệp nặng như trụ cột cho tăng trưởng kinh tế trong những thập kỷ gần đây.
“Các nhà máy thép, hoá chất và ô tô đóng góp một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế khu vực nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng mà châu Âu đang oằn mình chống chọi gần như không có một doanh nghiệp nào trong khu vực “né” được thiệt hại, từ ngành thép và nhôm tới ô tô, kính, gốm, đường, và thậm chí các hãng giấy vệ sinh”, - WSJ khẳng định.
Càng những ngành tiêu hao năng lượng lớn như nhôm, luyện kim màu, xu hướng đóng cửa ồ ạt càng rõ rệt vì thiếu nguồn cung khí đốt của Nga. Ông Axel Eggert, Tổng Giám đốc Hiệp hội Thép châu Âu (Eurofer) vừa qua lên tiếng thừa nhận, thiếu nguồn cung từ Nga, “giá điện và khí đốt hiện đang đe dọa khả năng sản xuất thép ở châu Âu” hơn bao giờ hết.
Ông Eggert lưu ý, châu Âu hiện đang phải chứng kiến việc đóng cửa nhà máy thép, cắt giảm sản xuất và chính sách sa thải hàng loạt chưa từng có.
“Xung đột ở Ukraina và các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga đã đẩy EU vào một cuộc khủng hoảng đặc biệt”, - lãnh đạo Hiệp hội Thép châu Âu nhấn mạnh.
Thực tế này cũng đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách của EU phải có các biện pháp đặc biệt và tức thì để ngăn chặn việc phá hủy cơ sở công nghiệp của châu Âu, bao gồm các biện pháp khẩn cấp thương mại nhanh chóng. Trước đó, rất nhiều cuộc họp bất thường của Hội đồng Năng lượng EU, ngành công nghiệp thép EU đã kêu gọi giới cầm quyền đưa ra thêm biện pháp hỗ trợ “ngay lập tức” nhằm chống lại sự gia tăng của giá năng lượng và chi phí sản xuất vì thiếu khí đốt của Nga.
“Ngành công nghiệp thép châu Âu sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách trong việc phát triển các giải pháp cụ thể nhằm vượt qua khủng hoảng và xây dựng một EU thống nhất và thịnh vượng hơn”, - lãnh đạo Hiệp hội Thép EU tuyên bố.
Cơ hội cho doanh nghiệp thép Việt Nam
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam ghi nhận, trong tháng 8 vừa qua, nhập khẩu thép vào Việt Nam đã giảm 13,6% so với tháng trước đó, đạt 785.000 tấn.
Trong khi đó, xuất khẩu thép cũng giảm 16,3%, xuống còn 513.000 tấn. Trong tháng 8, Việt Nam tiếp tục nhập siêu 272.000 tấn sắt thép. Tính chung trong 8 tháng, Việt Nam nhập siêu hơn 2,2 triệu tấn sắt thép. Đây là con số trái ngược với cùng kỳ năm ngoài, khi Việt Nam xuất siêu gần 330.000 tấn.
Theo lý giải của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), năm 2021, xuất khẩu thép tăng trưởng tốt là do các nước nhập khẩu lớn tung ra nhiều gói kích thích kinh tế sau Covid-19. Nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam đã có thể cạnh tranh tốt trên thị trường thép thế giới.
Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn hiện nay đều thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát leo thang, trong khi nhu cầu hàng hóa nói chung và sắt thép nói riêng đều giảm. Do vậy, trong giai đoạn này, ngành thép Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Tuy vậy, Người đồng hành dẫn quan điểm của MXV cho rằng, các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội trong các tháng cuối năm 2022 khi các nhà máy thép tại châu Âu phải đóng cửa vì chi phí năng lượng tăng cao.
Bên cạnh đó, triển vọng tiêu thụ nội địa cũng được dự báo khởi sắc hơn trong bối cảnh nhiều dự án đầu tư được đẩy nhanh tiến độ.
“Để có thể tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành sắt thép tại Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm”, - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam lưu ý.
Nếu tận dụng tốt cơ hội khi các nhà máy thép ở EU đang phải cắt giảm sản lượng, đóng cửa hàng loạt để tăng nguồn cung xuất khẩu thép Việt Nam, dư địa và triển vọng tăng trưởng lĩnh vực này từ nay đến cuối năm là rất lớn.
Giá sắt thép xây dựng hôm nay tại Việt Nam
Quặng sắt giao tháng 1/2023 trên Sàn Giao dịch Đại Liên (DCE) đã chốt phiên với mức tăng 2%, đạt 728,50 nhân dân tệ/tấn (tương đương 105,23 USD/tấn). Trong khi đó, tại Sàn giao dịch Singapore (SGX), giá quặng sắt giao tháng 10/2022 tăng 1,9% lên 104,05 USD/tấn, gần chạm mức cao nhất trong hai tuần là 104,55 USD/tấn.
Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh dẫn dữ liệu từ SteelOnline.vn cho hay, giá thép xây dựng trong nước được nhiều thương hiệu điều chỉnh tăng trong ngày 13/9. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 tại miền Bắc tăng 400 - 880 đồng/kg, với mức tăng cao nhất được ghi nhận ở thương hiệu Việt Nhật. Giá thép thanh vằn D10 CB300 của các thương hiệu cũng tăng 110 - 470 đồng/kg, ngoại trừ giá của Hòa Phát được giữ nguyên.
Tại miền Trung ghi nhận giá thép cuộn CB240 tăng lần lượt 300 đồng/kg và 400 đồng/kg đối với thương hiệu Pomina và Hòa Phát, trong khi Việt Đức vẫn giữ giá ở mức ổn định. Thép Pomina cũng tăng giá thép thanh vằn D10 CB300 thêm 100 đồng/kg trong cùng đợt điều chỉnh.
Đối với khu vực miền Nam, giá thép cuộn CB240 của ba thương hiệu Hòa Phát, Pomina và Thép miền Nam tăng 400 - 410 đồng/kg sau đợt cập nhật. Tương tự, giá thép thanh vằn D10 CB300 của Pomina và Thép miền Nam cũng lần lượt tăng 100 đồng/kg và 200 đồng/kg.