Cú sốc nguồn cung kim loại: Mỹ xem xét cấm nhập khẩu nhôm của Nga
© Sputnik / Mikhail Voskresensky
/ Đăng ký
Washington đang xem xét áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với nhôm của Nga. Các nhà phân tích cảnh báo rằng, quyết định này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt kim loại và giá kim loại thế giới tăng cao, điều này sẽ gây tổn hại cho các ngành công nghiệp của Mỹ và châu Âu.
“Lại một lần nữa”
Theo Bloomberg, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với nhôm của Nga.
Ngay sau khi có tin này, giá nhôm tăng tới 8,5% lên 2.400 USD / tấn trên Sàn giao dịch kim loại London (LME). Nga là nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, chiếm 6% nguồn cung của thị trường toàn cầu.
Vào năm 2018, Mỹ đã trừng phạt Rusal. Trên thực tế, các lệnh trừng phạt năm 2018 đối với Rusal đã làm tê liệt các nhà máy luyện kim ở Mỹ và châu Âu. Việc tăng thuế nhập khẩu khiến giá alumina, một thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất kim loại, tăng 60%.
Khi đó, tập đoàn khai khoáng hàng đầu Australia và Anh Rio Tinto đã thông báo về nguy cơ tạm dừng một số hoạt động sản xuất. Alcoa, nhà sản xuất nhôm lớn nhất châu Mỹ, đã cảnh báo về việc sa thải hàng loạt, và Century Aluminium, một nhà sản xuất nhôm khác của Mỹ, đã báo cáo lợi nhuận giảm mạnh.
Roy Harvey, Giám đốc điều hành Alcoa, cho biết: “Các lệnh trừng phạt có tác dụng ngược: thị trường méo mó và chi phí tăng cao ngất ngưởng đã “ăn mòn” lợi nhuận”. Alumina đã trở thành mặt hàng có chi phí cao nhất, thậm chí đắt hơn điện năng.
Danh sách tùy chọn
Theo Bloomberg, Nhà Trắng đang cân nhắc ba phương án lựa chọn: áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với nhôm của Nga, tăng mạnh thuế quan và các biện pháp trừng phạt đối với công ty Rusal. Trong cơ cấu hàng nhập khẩu của Mỹ, nhôm của Nga chiếm khoảng 10%.
Trong sáu tháng qua, xuất khẩu nhôm và niken từ Nga sang Mỹ và các nước EU đã tăng 70% so với năm ngoái. Các lô hàng nhôm sang Mỹ đã tăng 21%.
Cho đến nay, báo giá đang giảm: giá nhôm đã giảm hơn 20% so với mùa xuân do lạm phát và triển vọng kinh tế xấu đi. Tuy nhiên, kể từ tháng 8, thị trường xe hơi tại Mỹ và EU bắt đầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Điều này có nghĩa là nhu cầu về nguyên liệu thô sẽ tăng lên. Việc nhiều hãng ô tô chuyển dịch sang xe điện cũng là một yếu tố quan trọng.
“Tính trung bình, trong một chiếc ô tô bình thường, các chi tiết bằng nhôm trị giá 534 USD, nhưng, trong chiếc ô tô điện các chi tiết bằng nhôm - trị giá gần 650 USD”, - giáo sư Mikhail Akim từ Đại học Tổng hợp Nghiên cứu Quốc gia "Trường Kinh tế Cao cấp" (HSE), cho biết.
Ngoài ra, nhôm còn được sử dụng rộng rãi trong ngành xây dựng, trong quá trình sản xuất đồ gia dụng, tiện ích, trong ngành hàng không, vũ trụ và quốc phòng.
Như thế vẫn chưa đủ
Ở Châu Âu và Hoa Kỳ có những nhà sản xuất nhôm nguyên chất, nhưng khối lượng này vẫn chưa đủ. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhôm không thể được khắc phục nếu không có hàng nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc.
“Cần phải chú ý đến việc, ngành công nghiệp này sử dụng rất nhiều năng lượng. Rusal chủ yếu sử dụng năng lượng “xanh” từ các nhà máy thủy điện. Trung Quốc - chủ yếu là than đá”, - chuyên gia Mikhail Akim nói.
Các nhà phân tích nhận định, nếu Washington cấm nhập khẩu nhôm của Nga, giá trên thị trường Mỹ sẽ tăng 10-20% và tình trạng thiếu hụt sẽ xảy ra. Vấn đề này không thể được giải quyết nhanh chóng.
"Ở Mỹ, sản lượng đang giảm. Ví dụ, Alcoa đã đóng cửa dây chuyền điện phân có công suất 54 nghìn tấn tại nhà máy Warrick ở Indiana. Tất cả những ngành công nghiếp sử dụng sản phẩm nhôm, từ các nhà luyện kim đến công nghiệp ô tô, sẽ bị ảnh hưởng", - chuyên gia công nghiệp độc lập, tiến sĩ kinh tế Leonid Khazanov cho biết.
Lựa chọn thay thế đáng ngờ
Theo chuyên gia tài chính Nikolai Neplyuev, tình trạng thiếu hụt nhôm sẽ buộc người Mỹ phải mua kim loại ở nước ngoài với giá tăng cao. Rất có thể Hoa Kỳ sẽ tăng nhập khẩu nhôm từ Canada.
Theo chuyên gia Khazanov, các nhà máy ở Trung Quốc và Trung Đông cũng có thể được xem xét như những nhà cung cấp thay thế.
"Tuy nhiên, việc nhập khẩu nhôm từ Trung Quốc không có lợi cho Washington vì lý do chính trị - động thái này sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh. Và các doanh nghiệp Trung Đông không thể cung cấp nhôm với khối lượng đầy đủ, vì họ đã có đủ đơn đặt hàng. Trong mọi trường hợp, giá nhôm dành cho khách hàng Mỹ chắc chắn sẽ tăng cao", - nhà phân tích nhận xét.
Ông nói, tình hình ở châu Âu phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nếu ông chỉ cấm nhập khẩu vào Mỹ, thì khối lượng dư thừa có thể được chuyển hướng sang EU, vì châu Âu có nhu cầu về kim loại này. Nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Rusal, thì các khách hàng châu Âu của công ty có thể chấm dứt các hợp đồng hiện tại để không gây ra vấn đề cho chính họ. Và các khách hàng châu Âu sẽ theo chân người Mỹ, họ cũng sẽ phải tìm kiếm những đối tác khác.
Các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng, việc "Iran hóa" vấn đề, các sơ đồ “xám” cho việc cung cấp nhôm từ Nga sẽ chỉ làm giàu thêm các trung gian từ các nước thứ ba. Và việc hạn chế kinh doanh bằng đô la sẽ làm phức tạp thêm thương mại nhôm toàn cầu.