Đồng yen Nhật mất giá kỷ lục bất ngờ giúp một doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam lãi lớn

© Ảnh : Japanexperterna.seYên Nhật
Yên Nhật - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.10.2022
Đăng ký
Trong bối cảnh tỷ giá USD liên tục biến động mạnh, đồng yen (JPY) Nhật Bản mất giá kỷ lục, trong 3 quý đầu năm 2022, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) của Việt Nam đã ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá là 2.255 tỷ đồng.
Chênh lệch tỷ giá giúp báo cáo tài chính quý 3/2022 của ACV sáng sủa hơn hẳn với doanh thu và lợi nhuận vượt trội so với cùng kỳ.

Yen Nhật mất giá kỷ lục

Đồng yen (JPY) của Nhật Bản tiếp tục lao dốc mạnh xuống mức thấp nhất 33 năm qua trong bối cảnh đồng bạc xanh tăng cao và cả Chính phủ lẫn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BOJ không cho thấy động thái can thiệp mạnh mẽ để ngăn đà giảm giá của đồng Yên.
Kể từ đầu năm tới nay, đồng Yen đã mất giá khoảng 30% so với USD. Cập nhật ngày 29/10, 1 USD đổi được 145.903 JPY. Trước đó, hôm 20/10, đồng yen Nhật Bản đã xuống mức 149,94 yen/USD và là mức giá thấp nhất trong 33 năm so với USD.
Trong khi đó, tại Việt Nam, ngày 29/10, tại các ngân hàng thương mại của Việt Nam, tỷ giá đồng tiền quốc gia Nhật Bản đều có xu hướng giảm. Sáng nay, Vietcombank niêm yết giámua yen Nhật là 163,33 VND/JPY và bán ra ở mức 172,9 VND/JPY, giảm lần lượt 0,93 đồng và 0,98 VND/JPY.
VietinBank, tỷ giá mua yen Nhật cũng giảm 1,81 đồng và tỷ giá bán giảm 0,81 đồng, tương đương với mức 164,36 VND/JPY và 173,91 VND/JPY. Eximbank niêm yết tỷ giá mua yen Nhật là 167,29 VND/JPY và tỷ giá bán là 171,51 VND/JPY.
đô la Mỹ - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.10.2022
Dự đoán từ Hoa Kỳ về số phận USD
Ngày 28/10, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng do lo ngại đà phục hồi của nền kinh tế nước này có thể chậm lại vì tác động tiêu cực của lạm phát và sự mất giá của đồng yen.
Ngân hàng Trung ương Nhật cũng đã quyết định nâng dự báo lạm phát ở Nhật Bản trong tài khóa 2022 (kết thúc vào cuối tháng 3/2023) từ 2,3% lên 2,9%, đồng thời hạ triển vọng tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nhật Bản từ mức 2,4% xuống còn 2%.
Giới quan sát cho rằng, việc BoJ quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng có thể làm tăng áp lực giảm giá đối với đồng yen.
Đồng thời, điều này có thể sẽ khiến chính phủ Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường tiền tệ một lần nữa bằng nghiệp vụ bán ra dự trữ ngoại hối (USD) để cứu đồng yen.

ACV lãi lớn nhờ chênh lệch tỷ giá và khoản nợ bằng đồng yen Nhật

Trong khi đồng yen mất giá, nền kinh tế Nhật gặp khó khăn, nhiều lao động Việt bớt mặn mà xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản, thì một doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam bất ngờ báo lãi lớn do khoản vay từ đồng JPY.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) ghi nhận 917 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 98% so với cùng kỳ năm ngoái.
Yếu tố quan trọng giúp nguồn thu tài chính của ACV tăng đột biến trong kỳ đến từ khoản lãi chênh lệch tỷ giá tổng cộng 505 tỷ đồng, gấp 25 lần cùng kỳ năm ngoái. Được biết, tại thời điểm cuối quý 3/2022, ACV có khoản nợ vay tổng cộng 11.363 tỷ đồng đều bằng đồng yen Nhật, trong đó 11.060 tỷ là vay dài hạn.
Trong bối cảnh đồng yen Nhật liên tục mất giá so với VND từ đầu năm tới nay đã giúp doanh nghiệp quốc doanh này của Việt Nam ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá hàng trăm tỷ đối với khoản vay với phía Nhật. Ngoài khoản lãi tỷ giá, báo cáo quý 3 cũng cho thấy, nguồn thu tài chính của ACV ghi nhận khoản lãi tiền gửi 413 tỷ, tương đương cùng kỳ.
Tính đến hết ngày 30/9, ACV có tổng cộng 33.341 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Trong đó khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 12 tháng là 31.880 tỷ. Trên nền ngành hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục và các chính sách giá dịch vụ của ACV hỗ trợ các hãng hàng không, các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không dần quay trở về sau giai đoạn dịch bệnh.
Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.10.2022
Đồng tiền Việt Nam suy yếu vì đâu?
Điều này cũng giúp ACV ghi nhận 4.187 tỷ đồng doanh thu thuần quý 3, gấp 11,2 lần cùng kỳ năm ngoái khi ngành hàng không còn tê liệt. Báo cáo cũng cho thấy, trong quý 3/2022, doanh thu của ACV đạt 4.204 tỷ đồng – tăng gấp 10,6 lần so với quý 3/2021. Doanh thu tất cả các dịch vụ đều tăng, trong đó doanh thu phục vụ hành khách (PSC) đạt 1.981 tỷ đồng, tăng gần 40 lần và trở lại vị trí là mảng đem lại nguồn thu lớn nhất cho doanh nghiệp.
Trong khi giá vốn chỉ tăng 31,5%, do đó, thay vì lỗ hơn 1.004 tỷ như quý 3 năm trước, ACV ghi nhận 2.380 tỷ đồng lợi nhuận gộp. ACV tiếp tục hưởng lợi nhờ vay nợ bằng đồng Yên Nhật (JPY) trong bối cảnh đồng tiền quốc gia Nhật Bản liên tục lao dốc giúp cho khi đánh giá cuối kỳ, công ty lãi chênh lệch tỷ giá tới 471 tỷ đồng.
Cùng với khoản doanh thu tài chính đột biến giúp ACV báo lãi ròng 2.397 tỷ đồng quý 3/2022, cùng kỳ năm ngoái lỗ 702 tỷ. Trong đó, lợi nhuận của ACV là 2.118 tỷ còn gần 279 tỷ là lợi nhuận từ hoạt động khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.
Biên lãi gộp quý 3 là hơn 56,8%, biên lãi thuần là 57,2%. Luỹ kế 9 tháng, ACV đạt 9.725 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 156% và lãi ròng 5.838 tỷ đồng, gấp 11,6 lần cùng kỳ năm ngoái.
Tổng 9 tháng đầu năm, ACV thu về 3.486 tỷ đồng doanh thu tài chính, trong đó riêng khoản lãi chênh lệch tỷ giá là 2.255 tỷ đồng.

Nợ xấu của ACV đến từ đâu?

Qua báo cáo có thể thấy, ACV đã vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm 2022. Về tình hình nợ xấu, báo cáo cho thấy, tính đến ngày 30/09/2022, trong danh sách nợ xấu, ACV đang ghi nhận 2.624 tỷ đồng các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi.
Khoản nợ lớn nhất là khoản phải thu với CTCP Hàng không Vietjet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trị giá gần 1.100 tỷ đồng, đang phải dự phòng 230 tỷ. Tiếp đó là từ CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với 891 tỷ đồng, đang phải dự phòng 194 tỷ đồng và CTCP hàng không Pacific Airlines là 415 tỷ, đang dự phòng 186 tỷ.
Đáng lưu ý, tất cả các khoản nợ xấu này đều tăng lên so với đầu năm, nhất là khoản phải thu của Bamboo Airways tăng mạnh nhất. Chỉ có khoản nợ xấu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, HVN) giảm từ 298 tỷ hồi đầu năm xuống 123 tỷ.
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản của ACV đạt 58.456 tỷ đồng cuối quý III, tăng 6,3% so với đầu năm. Trong đó, chỉ tiêu tiền và tiền gửi có kỳ hạn chiếm tới 57% tổng tài sản. Trong cơ cấu nguồn vốn thì nợ phải trả là 15.726 tỷ cuối quý III bao gồm 11.363 tỷ đồng nợ vay đã đề cập ở trên. Vốn chủ sở hữu đạt 42.730 tỷ bao gồm 14.868 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Về lưu chuyển tiền tệ, ACV cho biết, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đã dương trở lại với 2.017 tỷ đồng 9 tháng đầu năm, cùng kỳ năm ngoái âm 774 tỷ. Dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 362 tỷ do trong kỳ công ty trả nợ gốc đúng bằng số tiền này. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 786 tỷ do đẩy mạnh tiền chi mua sắm tài sản. Lưu chuyển tiền thuần trong 9 tháng ghi nhận 869 tỷ đồng.
Rúp và nhân dân tệ - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.04.2022
Trung Quốc đánh giá hiệu quả vai trò "vũ khí tài chính" chống Mỹ của đồng nhân dân tệ
Trong báo cáo mới cập nhật, SSI Research lưu ý, trong khi nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khi đồng nội tệ của Việt Nam suy giảm thì vẫn có một số doanh nghiệp được hưởng lợi khi VND mất giá.
Điển hình như trường hợp của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Theo SSI, ACV có khoản nợ bằng đồng JPY là 12 nghìn tỷ đồng với lãi suất cố định, trong khi tất cả doanh thu từ hành khách quốc tế của công ty được tính bằng USD, do đó, công ty có thể được hưởng lợi từ việc USD tăng giá.
“Hơn nữa, vị thế tiền mặt là 33 nghìn tỷ đồng sẽ mang lại lợi thế cho công ty trong môi trường lãi suất tăng”, - SSI Research nhận định.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là công ty cổ phần với 95,4% vốn điều lệ thuộc sở hữu của Nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
ACV được thành lập theo năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở hợp nhất ba Tổng công ty gồm Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, Tổng công ty Cảng hàng không miền Trung và Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала