Việt Nam trông đợi gì ở Hội nghị Cấp cao ASEAN?
15:55 03.11.2022 (Đã cập nhật: 16:50 03.11.2022)
© AP Photo / Aijaz RahiCờ ASEAN
© AP Photo / Aijaz Rahi
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 03/11, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông tin về Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị liên quan sẽ diễn ra tại Campuchia và quan điểm của Việt Nam về tình hình Myanmar hiện nay.
Trong buổi họp báo, bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, nêu rõ:
“Theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia đồng thời là Chủ tịch ASEAN 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Phnom Penh, Campuchia từ ngày 10-13/11/2022. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự khoảng 20 hoạt động và cùng các nhà lãnh đạo thảo luận các vấn đề quan trọng như Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN, các vấn đề quốc tế cần quan tâm”.
Bà Hằng cho biết thêm, nhân dịp này Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ có các cuộc gặp với nhiều đối tác nhằm trao đổi về các vấn đề liên quan đến ASEAN cũng như giữa Việt Nam với các đối tác.
“Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Campuchia cũng như thành viên khác của ASEAN đảm bảo các hội nghị diễn ra thành công, hiệu quả thực chất,góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất vai trò của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ ASEAN với các đối tác; cân bằng các vấn đề ASEAN phải đối diện, vì hòa bình, ổn định của ASEAN nói riêng, Châu Á - Thái Bình Dương nói chung".
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chia sẻ, Myanmar là nước láng giềng trong khu vực và là thành viên của ASEAN. Do đó, Việt Nam luôn mong muốn Myanmar ổn định tình hình để phát triển đất nước, vì lợi ích của người dân, tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và vững mạnh.
“Việc hỗ trợ Myanmar cần được ASEAN triển khai từng bước, ủng hộ, cân bằng và minh bạch. Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần là lực lượng hạt nhân tập hợp và điều phối các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho Myanmar”, bà Hằng nhấn mạnh.
Sau sự cố Formosa: Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Cũng tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 3/11, liên quan đến nội dung một số Nghị sĩ Mỹ gửi kháng cự lên giới chức Đài Loan, trong đó có nội dung cho rằng cách thức xử lý sự cố môi trường Formosa còn chưa thỏa đáng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ quan điểm:
"Quan điểm nhất quán của Việt Nam là luôn coi bảo vệ môi trường sống, sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Việt Nam kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường."
Kể từ khi xảy ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam vào năm 2016, Đảng và Chính Phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương liên quan, khẩn trương vào cuộc. Từ đó, xác định nguyên nhân, triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục sự cố, ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng.
"Trước những chứng cứ khoa học rõ ràng, phía công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh) đã nhận trách nhiệm, bồi thường thiệt hại theo quy định, xin lỗi nhân dân và Chính phủ Việt Nam", bà Lê Thị Thu Hằng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Được biết, theo phân công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã thành lập Hội đồng và Tổ giám sát liên ngành đối với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh) trong việc khắc phục hậu quả sau khi gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam.
Từ tháng 7/2016 đến nay, Hội đồng giám sát và Tổ giám sát liên ngành đã thường xuyên giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của Công ty này.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, khôi phục sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và TT-Huế. Qua đó, phân công cụ thể trách nhiệm và tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong giải quyết và xử lý vụ việc.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ TN&MT về kết quả 6 năm thực hiện cơ chế giám sát liên ngành, quá trình khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện cam kết việc bảo vệ môi trường của Công ty Formosa, đến nay việc khắc phục vi phạm đã hoàn thành. Bên cạnh đó, các cam kết về bảo vệ môi trường được thực hiện đầy đủ.
Hiện nay, các hoạt động sản xuất của công ty cũng như đời sống của người dân trong khu vực đã được khôi phục, ổn định và diễn ra bình thường.