Bơm tiền cứu bất động sản, Việt Nam không thể làm theo Trung Quốc
© AFP 2023 / Hoang Dinh Nam Khu dân cư, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
© AFP 2023 / Hoang Dinh Nam
Đăng ký
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế- tài chính khẳng định, Việt Nam không thể làm theo Trung Quốc. Chính sách tiền tệ của Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đang ngược nhau.
Đặc biệt, Việt Nam không thể bơm tiền để cứu thị trường bất động sản lúc này như cách Bắc Kinh đang làm.
Cách Trung Quốc cứu thị trường bất động sản
Tân Hoa Xã đưa tin, Trung Quốc vừa chính thức tung gói hỗ trợ cho thị trường bất động sản khi 6 ngân hàng quốc doanh của quốc gia này đã ký thoả thuận cấp tín dụng cho một số doanh nghiệp bất động sản.
Các ngân hàng quốc doanh lần này được huy động là Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Trung Quốc (BoC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Giao thông (BCM) và Ngân hàng Tiết kiệm bưu điện Trung Quốc (PSBC).
Đồng thời, khoản hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng có giá trị hơn 1.000 tỷ NDT (khoảng 140,2 tỷ USD), chủ yếu phục vụ hoạt động phát triển bất động sản, thế chấp cho khách hàng, mua bán và sáp nhập, cung cấp tài chính cho chuỗi cung ứng và đầu tư trái phiếu.
Quyết định mạnh tay này vốn đã được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) vạch ra kế hoạch 16 bước giải cứu bất động sản.
Các ngân hàng thương mại của Trung Quốc được khuyến khích cung cấp các khoản vay để mua lại các dự án bất động sản một cách thận trọng và có trật tự. Hai ngân hàng chính sách cũng sẽ được hỗ trợ trong việc cung cấp các khoản cho vay đặc biệt tới các công ty đủ điều kiện vay, với mục tiêu giúp họ hoàn thành dự án nhà ở.
Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc cũng cho biết, từ tháng 1 đến tháng 10/2022, ngành ngân hàng Trung Quốc đã cho các nhà phát triển bất động sản vay 2.640 tỷ NDT.
Trung Quốc đang nỗ lực để giúp thị trường bất động sản vực dậy – một trong những trụ cột đóng góp lên tới 1/4 GDP.
Thị trường bất động sản Việt Nam cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn tương tự như thị trường Trung Quốc. Việc tắc nghẽn các kênh huy động vốn khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc chật vật, trong khi áp lực trả nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu rất lớn vào năm tới.
Nhiều chuyên gia đề bạt ý kiến, liệu trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Việt Nam có nên tham khảo chính sách của Trung Quốc để đưa ra các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản?.
Việt Nam không thể bơm tiền cứu bất động sản như Trung Quốc
Đối với việc này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề của thị trường bất động sản Trung Quốc khác hẳn vấn đề của thị trường bất động sản Việt Nam.
“Trạng thái của các ngân hàng bên Trung Quốc cũng khác hẳn với trạng thái của các ngân hàng tại Việt Nam”, - ông Ánh nói.
Thêm nữa, chính sách tiền tệ của Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đang ngược nhau. Trao đổi quan điểm với Doanh nghiệp & Kinh doanh, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, Trung Quốc vẫn đang nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, thậm chí là giảm cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Ngược lại, Việt Nam đang thắt chặt tiền tệ.
“Do đó, Việt Nam không thể làm theo Trung Quốc. Tình hình hai nước hiện tại là hoàn toàn khác nhau”, - ông Ánh chỉ rõ.
TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nêu ý kiến, trong bối cảnh hiện nay, mấu chốt là yháo điểm nghẽn thị trường hiện nay vẫn là tháo "ngòi nổ trái phiếu".
Theo ông Thành, nếu muốn gỡ được điểm nghẽn này, cần phải lưu tâm đến một số vấn đề. Trên báo Chính phủ dẫn lời chuyên gia cho biết, trước tiên là thông tin minh bạch và nhà hoạch định chính sách phải cam kết rất rõ ràng về trái phiếu. Bên cạnh đó, cách xử lý sai phạm trong giai đoạn khó khăn này phải “hài hòa hơn, khéo léo hơn”.
Ông Thành bày tỏ, Việt Nam cũng có thể tham khảo cách giải cứu thị trường bất động sản của Trung Quốc gần đây để đưa ra giải pháp cho phù hợp. Theo đó, gói giải cứu thị trường bất động sản của Trung Quốc tập trung vào một số điểm cơ bản, trong đó tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp quay lại vận hành; linh hoạt điều kiện cho vay với bất động sản…
Vấn đề hiện nay là gì?
Theo TS. Vũ Đình Ánh, hiện nay, thị trường đang đối mặt với hai vấn đề lớn. Thứ nhất là câu chuyện về rủi ro pháp lý của các dự án liên quan đến câu chuyện giao đất, triển khai, hay thậm chí có những dự án đã hoàn thành rồi nhưng cũng không đủ điều kiện để bán. Thứ hai là câu chuyện không thanh toán được trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu do vi phạm của bản thân các nhà phát hành.
“Do đó, phải xử lý được các rủi ro pháp lý, đồng thời bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản khi mà các nhà phát hành và các dự án bị rơi vào trạng thái vi phạm pháp luật và thanh khoản bị đóng băng. Đây là vấn đề lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay và phải nhìn vào đó để xử lý”, - ông Ánh nói.
Đối với Nghị định 65, theo TS. Vũ Đình Ánh, có nhiều quy định theo hướng siết chặt hơn để giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh hơn trong tương lai. Tuy nhiên, một số điểm quá chặt, chưa phù hợp với thông lệ chung của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Do đó, vấn đề hiện nay là phải xử lý phần trái phiếu doanh nghiệp đến hạn mà các nhà phát hành đang phải đối mặt”, - chuyên gia lưu ý.
Theo TS. Ánh, khi mà các kênh phân phối đi qua hệ thống ngân hàng, trong khi ngân hàng không có quy định rõ ràng về trách nhiệm của hệ thống phân phối đó. Nên hiện nay nhiều nhà đầu tư đang phải đối mặt với rủi ro.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa gặp vấn đề của nhà phát hành, vừa gặp vấn đề rất lớn nữa liên quan đến hệ thống phân phối. Trong khi đó, Nghị định 65 không xử lý được vấn đề này, thậm chí còn làm khó hơn khi doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu mới để đảo nợ.
“Tóm lại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phải được sắp xếp lại từ đầu và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chứ không phải sau một thời gian buông lỏng thì lại siết chặt khiến thị trường đóng băng. Phải xem tại sao nhà đầu tư mất niềm tin trên thị trường và nếu khôi phục thì khôi phục bằng cách nào?”, - chuyên gia thẳng thắn.
Đối với một số đề xuất cho rằng nên nới trần tín dụng để hỗ trợ thị trường bất động sản, chuyên gia cho rằng, ‘điều này là không thể’ bởi room tín dụng hiện nay chưa dùng hết. Tính đến tháng 11, dụng toàn nền kinh tế tăng 11,5%, tức là còn hơn 2% nữa.
"Cũng không thể dùng một phần từ hạn mức còn lại bởi hiện nay tín dụng bất động sản đã chiếm khoảng 20% trong tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Có thể nói, đã hết room cho bất động sản và không thể nới thêm. Còn nếu “ép” các ngân hàng cho vay bất động sản, họ cũng không dám cho vay bởi vì rủi ro về phía họ rất lớn”, - ông Vũ Đình Ánh nói.
Chuyên gia tài chính nhắc lại, đề xuất nào thì cũng phải bắt nguồn từ thực trạng của thị trường bất động sản Việt Nam và vấn đề mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Không nên nới room tín dụng
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, không nên nới trần tín dụng để hỗ trợ bất động sản vì đã có quy định về hạn mức.
Theo ông Thịnh, phần còn lại của năm nay còn đâu đó khoảng 2% thì Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ cho các tổ chức tín dụng có việc cho vay tốt, đáp ứng nhu cầu cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên.
“Do đó, không thể nới room để ưu tiên vào lĩnh vực bất động sản”, - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ và nhấn mạnh, việc hỗ trợ thị trường bất động sản hiện nay cũng rất cần thiết.
Tuy nhiên, hỗ trợ phân khúc nào, hỗ trợ như thế nào lại là cả một vấn đề.
Do thị trường bất động sản thời gian gần đây tuy trầm lắng nhưng có một số phân khúc đã có biểu hiện của việc phát triển quá nóng và giá cả đã tăng quá cao. Nếu tạo ra bong bóng bất động sản có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống tài chính ngân hàng và nền kinh tế. Đây là một vấn đề cần lưu tâm.
Theo ông Thịnh, tất nhiên, khi nói đến việc hỗ trợ thị trường bất động sản, cần phải xem xét. Năm 2022, mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, cao hơn so với giai đoạn 2020 - 2021. Nhưng tính từ đầu năm đến nay, tín dụng cho bất động sản vẫn tăng mạnh và đã tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
“Nếu nói bất động sản thiếu vốn thì đúng là vẫn thiếu, nhưng hỗ trợ ai mới là vấn đề”, - ông Thịnh nêu.
Trong khi đó, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ hiện nay nhu cầu rất lớn nhưng lại thiếu. Nếu doanh nghiệp nào làm phân khúc này thì cần phải được ưu tiên như hỗ trợ các điều kiện, thủ tục, hỗ trợ lãi suất. Hay những người có nhu cầu mua nhà ở thực sự cũng cần phải được hỗ trợ. Còn nếu là nhu cầu đầu tư thì rõ ràng không cần hỗ trợ.
Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng bày tỏ, hiện nay, việc xác định đâu là nhu cầu ở thực, đâu là nhu cầu đầu cơ cũng là cả một vấn đề. Ngay cả việc ưu tiên mở rộng phân khúc này hay phân khúc khác cũng rất khó. Vì thế, nhiều người vẫn lo ngại tiền sẽ lại đổ vào để cứu các doanh nghiệp đang đầu tư những phân khúc “ế ẩm”, có nguy cơ tạo bong bóng.
“Vậy nên cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, vừa để tái cấu trúc thị trường bất động sản, vừa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của đại đa số người lao động”, - ông Thịnh chỉ rõ.
TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, thời điểm này việc nới room không còn nhiều ý nghĩa. Dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 2%, tương đương còn hơn 230 nghìn tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế. Vì vậy điều quan trọng là đưa dòng vốn này đến đúng địa chỉ.
TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.
TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.
Theo ông Thành, hiện nay, dư địa chính sách tiền tệ rất hạn hẹp khi mà phải xử lý cùng lúc nhiều vấn đề ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống. Ngân hàng nhà nước phải cân đối các yếu tố trên, nên việc thận trọng giữ room tín dụng ở mức 14% là phù hợp.
“Đối với những khó khăn hiện tại của thị trường, các bộ, ngành liên quan sau khi tìm ra được gốc rễ của vấn đề nên cùng ngồi lại "xúm tay" vào để xử lý sẽ hiệu quả hơn”, - TS. Võ Trí Thành đúc kết.