Quy hoạch Việt Nam "vẽ như Paris, New York" rồi có làm nổi không?
14:09 06.01.2023 (Đã cập nhật: 14:10 06.01.2023)
© Ảnh : Vũ Minh Đức - TTXVNQuốc hội thảo luận tổ về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15
© Ảnh : Vũ Minh Đức - TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Tại buổi thảo luận về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm quy hoạch phải khả thi, rõ nguồn lực chứ “đừng vẽ như Paris, New York rồi không làm được".
Sáng 6/1, Quốc hội thảo luận tại tổ về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nêu ra mục tiêu về tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người, nhiều ý kiến đánh giá về việc lựa chọn nguồn lực thực hiện đảm bảo tính khả thi.
Cần phải chọn phương án tăng trưởng cao
Góp ý về dự thảo này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là vấn đề khó. Với một quy hoạch có tầm nhìn đặt ra rất dài trong một thế giới luôn biến động, theo Chủ tịch nước, cần lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Nếu chúng ta chậm, không cập nhật hàng tháng thì sẽ lạc hậu. Đây là vấn đề rất lớn và là yếu tố quyết định cho sự phát triển”, Chủ tịch nước lo nếu không có nguồn nhân lực tốt thì không thể nào thực hiện được quy hoạch.
Liên quan đến một số mục tiêu cụ thể được đề ra trong quy hoạch, theo Chủ tịch nước, cần phải chọn phương án tăng trưởng cao. Trước đó, Chính phủ đưa ra hai kịch bản tăng trưởng theo hai mức cao - thấp. Với kịch bản thấp, mục tiêu GDP bình quân đạt 7% giai đoạn 2021-2030 và GDP bình quân đầu người khoảng 7.500 USD.
Ở kịch bản cao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5-7,5% một năm vào giai đoạn sau 2030, đến 2050. Cùng đó, thu nhập bình quân đầu người đến 2050 đạt 27.000-32.000 USD.
Theo Chủ tịch nước, chỉ có tăng trưởng nhanh chóng mới có thể mở rộng quy mô nền kinh tế, đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao; củng cố thế và lực của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Ngoài ra, phải có những hành lang mới, đậm nét hơn, trong đó có hành lang kinh tế Đông - Tây.
Cũng nói về kịch bản tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu đề ra trong kịch bản tăng trưởng cao. Theo ông, vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã khó, việc đề ra mục tiêu như vậy là cả một thách thức.
“Tôi rất băn khoăn về mục tiêu, tầm nhìn này. Mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tới 2050 tối đa 32.000 USD là mục tiêu khá khó khăn cho năm 2050”, ông Hùng nhận định.
Ta không thể vẽ viễn cảnh như New York...
Tại tổ TP.HCM, đánh giá về quy hoạch, đại biểu Trần Hoàng Ngân (tổ TP.HCM) cho rằng, ban soạn thảo đã chuẩn bị công phu, có nhiều nét lớn đột phá, lồng ghép được nhiều quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đất và biển mà trước đó chưa được đề cập rõ. Ngoài ra, quy hoạch cũng đề cập tới không gian ngầm, phù hợp với xu thế phát triển hiệu quả và bền vững.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng việc này còn nhiều lúng túng khi dự thảo chưa phân biệt được thế nào là vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, thế nào là cực tăng trưởng và hành lang kinh tế.
Hay với lợi thế của đất nước ta có tiềm năng về biển, tỉnh nào cũng có biển và phát triển du lịch, ông nói cần phải đánh giá kỹ về ngành kinh tế dịch vụ đóng góp GDP thế nào? Việc quy hoạch và xây dựng vùng liên kết ra sao, để xác định cho đầu tư về hạ tầng, con người…
Đồng tình cần có nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước, song đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho rằng cần có cơ chế để xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại trên cơ sở có cơ chế chính sách tư nhân tham gia.
"Khảo sát các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Nhà nước quản lý là không hiện đại, nếu như vậy thì không đáp ứng được yêu cầu. Nhà nước cũng không đủ tiền để hiện đại hóa, các thiết bị cũ lắm rồi. Trong khi một số trường cao đẳng nghề của tư nhân họ có đầu tư, nên cần có quan điểm rõ hơn để có đội ngũ công nhân lao động lành nghề", bà Tuyết nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại biểu Ngân cũng lưu ý, quy hoạch đang xây dựng có giai đoạn 2030 - 2050, nên tình trạng quy hoạch "treo" là vấn đề đặt ra. Việc thực hiện quy hoạch cần đảm bảo tính khả thi, có cơ chế và làm rõ nguồn lực thực hiện quy hoạch.
"Mặc dù chúng ta học tập kinh nghiệm các nước, song khi thực hiện, vẽ ra đồ án thì phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam. Ta không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực của ta có hạn", ông Ngân nói.