“Trung tâm sản xuất mới của thế giới”: FDI đổ vào Việt Nam có thể đạt 38 tỷ USD
© Depositphotos.com / TeamtimeHoạt động của máy bốc dỡ vật liệu tại xí nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
© Depositphotos.com / Teamtime
Đăng ký
Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới của thế giới. Năm 2023, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam được dự báo có thể đạt con số ấn tượng 38 tỷ USD, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cần phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài.
FDI có thể đạt 38 tỷ USD năm 2023
“Đất lành chim đậu” – với những thế mạnh của mình, đặc biệt là việc trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu và quan trọng của hàng loạt ông lớn điện tử thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới.
Với lợi thế về chi phí sản xuất thấp, nguồn nhân lực dồi dào, năng động, chính sách đầu tư cởi mở, số lượng nhà máy lớn đang tăng dần lên, Việt Nam được các “ông lớn” nước ngoài chú ý như một điểm đến cạnh tranh FDI với công xưởng lớn nhất của thế giới – Trung Quốc.
Đặc biệt, như Sputnik đã đề cập, chiến lược “Trung Quốc + 1” nổi lên gần đây đã khuyến khích các nhà đầu tư đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và giảm sự phụ thuộc vào chỉ một quốc gia duy nhất. Chính vì lẽ đó, Việt Nam càng trở thành điểm đến hấp dẫn để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nhờ vào vị trí chiến lược và lợi thế về vận chuyển, nguồn nhân lực với dân số vàng cũng như chi phí sản xuất thấp.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD. Đáng chú ý, số vốn giải ngân đạt mức kỷ lục với hơn 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Về xu hướng giảm FDI năm nay, so với mức trên 31 tỷ USD năm 2021, theo nhà chức trách, điều này không quá đáng lo ngại. Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, một nguyên nhân khách quan khiến FDI giảm chính là những biến động chính trị trên thế giới dẫn đến lãi suất USD tăng mạnh, khiến các nhà đầu tư không muốn gia tăng đầu tư mới ở nước ngoài, thậm chí có xu hướng “co cụm” về nước.
Ông Kiên cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài từ nay đến 2025 chắc rất khó, vì giá vốn ở Mỹ quá cao. Trong khi đó, VND lại là đồng tiền không chuyển đổi.
“Còn các địa phương vẫn có xu hướng “chèo kéo” nhà đầu tư về tỉnh nhà bằng mọi giá mà không nghĩ đến cục diện chung”, - TS. Nguyễn Đức Kiên nhận định.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của thế giới, tốc độ thu hút đầu tư mới đang chậm lại vẫn là hiện tượng cần lý giải thấu đáo.
“Năm 2023, Việt Nam có thể thu hút 36 - 38 tỷ USD vốn FDI. Ngay từ đầu năm 2023, nhiều địa phương đã nêu rõ mục tiêu thu hút vốn FDI với những con số khá ấn tượng và triển khai các giải pháp để tăng tốc công tác này”, - Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh.
Chọn dòng vốn FDI công nghệ cao
Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, nhiều cơ sở quan trọng để vốn FDI tiếp tục khởi sắc trong năm 2023.
Trong đó, cần kể đến kết quả tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 (tăng trưởng GDP trên 8%), nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập niềm tin với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam tập trung khai thác có hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ.
Theo kế hoạch, năm 2023, cũng như giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ thu hút các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đồng thời, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đất nước cần cần xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới.
Tại các địa phương, điển hình như ở Bắc Giang, một trong những trung tâm hút FDI của Việt Nam, ngay từ những ngày đầu năm nay, tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian cho nhà đầu tư Ingrasys Pte.Ltd (Singapore) và giấy chứng nhận đăng ký cho Công ty TNHH Fulian tổ chức thực hiện dự án; trao biên bản ghi nhớ giữa nhà đầu tư Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, đây là 2 dự án sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị truyền thông, sản xuất tấm pin năng lượng; tổng vốn đăng ký khoảng 760 triệu USD. Về mặt chính sách, tỉnh luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Trong năm 2023, ông Dương nhấn mạnh, Bắc Giang sẽ tạo thêm nhiều quỹ đất sạch để chào đón làn sóng đầu tư mới.
Đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo
Lựa chọn của Việt Nam trong thu hút vốn FDI thời điểm này, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là hướng đến các dự án có chọn lọc, có sự lan tỏa đến quá trình thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
Để thực hiện thành công các mục tiêu này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc đề ra những giải pháp mang tính đột phá, hiệu quả và khả thi là yếu tố rất quan trọng.
“Ngoài các giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp môi trường kinh doanh số”, - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, một lượng lớn các công ty start-up Việt Nam đang dần lớn mạnh, thu hút được nguồn vốn lớn hơn qua các năm. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.Đồng thời, hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo được Chính phủ và các cơ quan quản lý hết sức quan tâm và đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển theo pháp luật về đầu tư, pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình, đề án hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
"Tôi cho rằng các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ là những đối tác quan trọng của Chính phủ, các bộ ngành để cùng chia sẻ, hỗ trợ và đóng góp ý kiến trong việc hoạch định chính sách về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, giúp Việt Nam có được một môi trường kinh doanh ngày càng hấp dẫn hơn trong khu vực và trên thế giới”, - Bộ trưởng khẳng định.
Thống kê cho thấy, cơ cấu đóng góp của khu vực FDI trong GDP của Việt Nam có xu hướng tăng dần từ năm 2005 đến nay. Khối FDI cũng luôn chiếm tới trên 70% tổng giá trị xuất khẩu và khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Tuy nhiên, tính liên kết của khối này với doanh nghiệp trong nước được coi là chưa thật chặt chẽ; tác động của FDI trong việc cải tiến khoa học - công nghệ vẫn còn rất hạn chế.
Nhằm tận dụng và phát huy tốt nhất hiệu quả của dòng vốn FDI đóng góp vào việc nâng cao khả năng tự chủ, tự cường của nền kinh tế, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, cần phải tìm được đối tác bắt tay với mình, chứ không phải thuê mình làm từng công đoạn cho họ. TS. Lê Đăng Doanh lưu ý, Việt Nam cần sớm có đánh giá toàn diện về xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI để Việt Nam có những chính sách thu hút dòng vốn này phù hợp và hiệu quả hơn nữa.
Ông Doanh cũng đề xuất tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, và cho rằng, tính ổn định trong chính sách sẽ tạo sự an tâm cho nhà đầu tư khi họ rót vốn vào Việt Nam.