Việt Nam sẽ nghiên cứu chính sách tiền tệ của Mỹ
© AP Photo / Hau DinhContainer vận tải đang được xếp lên tàu tại Cảng Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
© AP Photo / Hau Dinh
Đăng ký
Theo chuyên gia, trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ có biến động mạnh trong năm 2023.
Về điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nêu rõ, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài về Việt Nam, cũng như đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng đồng ngoại tệ.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, đánh giá chính sách của các nước lớn trên thế giới, đặc biệt chính sách tiền tệ của Mỹ.
‘Biến động mạnh trong năm 2023’
TS. Phạm Thị Thanh Xuân (Đại học Quốc gia TP.HCM) thông tin với báo Tiền phong cho biết, kinh tế Việt Nam sẽ có biến động mạnh trong năm 2023.
Theo đó, áp lực lạm phát đã quay trở lại vào cuối 2022 và có thể dao động mạnh trong năm nay.
Bà Xuân cho rằng, bản chất lạm phát của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung gần như hoàn toàn nhập khẩu của thế giới.
Từ quý I/2023 đến quý II/2023, lạm phát của TP.HCM còn bị khuếch đại do chủ yếu nhập khẩu, tái xuất và vận động hoàn toàn trên đồng USD.
Ở quý I năm nay, hoạt động bán lẻ có thể gặp cú sốc ngắn và cần được tiếp lửa để phục hồi. Lãi suất năm 2023 sẽ không tăng nhưng vẫn duy trì ở mặt bằng cao cho đến hết năm. Điều này ít nhiều gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp…
Chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục kéo dài tới hết năm 2023 các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực như giảm thuế giá trị gia tăng 2%; giảm hay hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới...
“Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát cuộc đua lãi suất nhằm giữ trạng thái ổn định cho cả năm”, - TS. Phạm Thị Thanh Xuân đề xuất.
Ưu tiên đưa lãi suất huy động về mức ổn định, qua đó giúp bình ổn chi phí vốn. Chính sách hỗ trợ giảm lãi suất là công cụ khó khai thác, vướng mắc nhiều trong thực thi.
Siết chặt kỷ luật
Đặc biệt, cuộc đua lãi suất cần kiểm soát sớm và giữ trạng thái ổn định cho cả năm. Thời gian qua các công cụ chính sách tiền tệ đã phát huy tác dụng, tuy nhiên thị trường cạnh tranh đã ở mức lưu ý, cần siết chặt kỷ luật và nêu cao trách nhiệm xã hội của các định chế tài chính trong bối cảnh ưu tiên ổn định vĩ mô, hài hòa cùng khó khăn của nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đưa lãi suất huy động về mức ổn định là ưu tiên, chi phí vốn sẽ theo đó bình ổn theo. Hỗ trợ giảm lãi suất là công cụ khó khai thác, vướng nhiều trong thực thi. Vì vậy, hỗ trợ doanh nghiệp nên trọng tâm hơn vào việc ổn định lãi suất, tinh gọn hóa quy trình, thủ tục thẩm định cấp tín dụng.
“Để hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước nên đặt trọng tâm hơn vào việc ổn định lãi suất, tinh gọn hóa quy trình, thủ tục thẩm định cấp tín dụng. Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng cần tăng cường sự minh bạch và thống nhất trong hệ thống thông tin tài chính, phi tài chính, đáp ứng yêu cầu thẩm định tín dụng ngày càng cao từ ngân hàng”, - chuyên gia khuyến nghị.
Chính sách tiền tệ chắc chắn
Mới đây, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 đối mặt khó khăn, thách thức chưa từng có.
“Biến động phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt vấn đề lạm phát, lãi suất tăng cao ở một số quốc gia, tình hình địa chính trị quốc tế diễn biến khó lường”, - Phó Thống đốc thừa nhận.
Với giải pháp điều hành chính sách tiền tệ triển khai đồng bộ, năm 2022, ngành Ngân hàng đóng góp tích cực vào thành quả nổi bật của nền kinh tế.
“Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả và kịp thời, nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động ngay từ đầu năm để có những biện pháp phù hợp”, - ông Đào Minh Tú khẳng định.
Đồng thời, sẵn sàng đón nhận tác động đột xuất từ nền kinh tế thế giới cũng như khó khăn nội tại trong nước để có chính sách linh hoạt, phù hợp nhằm điều hành tỷ giá, lãi suất, lượng tiền cung ứng. Từ đó, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, đánh giá chính sách của các nước lớn trên thế giới, đặc biệt chính sách tiền tệ của Mỹ. Việc điều hành lãi suất và tỷ giá năm 2023 trước hết tính toán từ con số, thông số để xác định một chính sách ổn định, tiếp tục duy trì sự ổn định của lãi suất cũng như tỷ giá hiện nay.
“Trong thời gian tới, có điều kiện thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất. Từ đó, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn”, - Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Về tỷ giá, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ cố gắng duy trì sự ổn định, đảm bảo hài hòa cho chính sách xuất khẩu cũng như nhập khẩu. Đặc biệt, tạo điều kiện tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài về Việt Nam, cũng như đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng đồng ngoại tệ.
“Đảm bảo nguồn lực mà Chính phủ, doanh nghiệp đang vay ở nước ngoài, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp khi tỷ giá biến động, hạn chế tâm lý kỳ vọng của thị trường”, - Phó Thống đốc nhấn mạnh
Theo đại diện nhà điều hành, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tính toán, định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.
Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ban hành Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023.
Chỉ thị nêu rõ, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.