Chính sách tiền tệ của Việt Nam lộ nhược điểm lớn
© Depositphotos.com / OlegDoroshenkoĐồng Việt Nam
© Depositphotos.com / OlegDoroshenko
Đăng ký
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, xét trong 30 năm qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối ấn tượng với mức tăng trung bình 6,5%, tốc độ thuộc loại cao và ổn định so với thế giới.
Đồng thời, Việt Nam đã nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu với quy mô nền kinh tế năm 2021 vào khoảng 363 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo báo cáo nghiên cứu của VESS, chính sách tiền tệ phải đặc biệt tuân thủ theo quy tắc minh bạch và có giải trình rõ ràng. Đây là nhược điểm rất lớn của chính sách tiền tệ của Việt Nam, bởi nếu quá khó dự đoán, không minh bạch, thay đổi đột ngột sẽ tạo ra cú sốc tiêu cực.
Việt Nam đã lọt top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), Cơ quan điều phối Liên minh Công bằng thuế Việt Nam (VATJ) đã tổ chức Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển 2022. Diễn đàn năm nay có chủ đề “Thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hậu Covid”.
Trình bày cáo cáo “Từ chính sách kinh tế vĩ mô đến tăng trưởng dài hạn” tại diễn đàn, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã phân tích cụ thể về những tác động dài hạn của các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đến kinh tế Việt Nam.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua (giai đoạn 1991-2021) tương đối ấn tượng với mức tăng trung bình 6,5%, tốc độ thuộc loại cao và ổn định so với thế giới.
Quy mô kinh tế năm 2021 khoảng 363 tỷ USD, Việt Nam đã lọt top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2021 đạt gần 3.700 USD, gấp 2,4 lần so với năm 2011.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, từ năm 2008 đến nay, tăng trưởng kinh tế chậm lại do hậu quả của các chính sách vĩ mô yếu kém thời kỳ trước đó, ảnh hưởng của môi trường kinh tế quốc tế bất lợi, tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng (dựa thuần túy vào vốn) đang đạt đến giới hạn và tác động của dịch COVID-19.
Chuyên gia chỉ rõ, thu nhập bình quân đầu người theo sức mua tương đương năm 2021 của Việt Nam bằng 17% của Mỹ, bằng 24-26% của Nhật Bản, Hàn Quốc, bằng 40% của Malaysia và bằng 61% Thái Lan và Trung Quốc.
“Việt Nam chỉ đuổi kịp những nước thu nhập cao hơn nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài, nếu không thì khả năng đuổi kịp các nước càng xa hơn, nguy cơ bị tụt hậu”, PGS.TS Phạm Thế Anh nói.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng nợ đang tăng lên
PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Cụ thể, 10 năm sau đổi mới (1991-2000), GDP Việt Nam tăng trưởng 7,6%/năm, sang 10 năm tiếp theo (2001-2010), tăng trưởng GDP giảm còn 6,6%/năm và 10 năm gần đây (2011-2021), GDP đã giảm còn 5,6%/năm.
Nguyên nhân của tăng trưởng chậm lại, theo Kinh tế trưởng của VESS, là do hậu quả của các chính sách vĩ mô yếu kém thời kỳ trước đó, ảnh hưởng của môi trường kinh tế quốc tế bất lợi, tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng đang đạt đến giới hạn và tác động của dịch Covid-19.
Đánh giá về điểm tích cực, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, trong 10 năm qua tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức một con số, cán cân thương mại thường xuyên thặng dư và FDI, dự trữ ngoại hối tăng 10 lần từ 2020-2021.
Tuy nhiên bên cạnh đó nền kinh tế Việt Nam còn những thách thức nhất định như gánh nặng nợ công có thể gây bất ổn cho nền kinh tế trong thập niên tới. Đại diện VESS chỉ rõ, giai đoạn 2010-2021, nợ công tăng 3,2 lần (từ 1,144 triệu tỷ đồng lên 3,655 triệu tỷ đồng). Tốc độ tăng 11,3%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm, tuy nhiên tỷ lệ nợ công/thu NSNN lại tăng. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ/thu NSNN tăng nhanh.
Theo ông Phạm Thế Anh, so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam là khá cao so với ASEAN-5.
“Về hình thức, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có vẻ vẫn thấp và trong tầm kiểm soát, tuy nhiên đó là do Việt Nam tính lại GDP và thực hiện cách tính ‘không giống ai’ này bắt đầu từ năm 2021, còn về bản chất con số nợ công thì vẫn không thay đổi, vẫn rất cao”, ông Thế Anh thẳng thắn.
Báo cáo của VESS cũng lưu ý, gánh nặng nợ công có thể gây bất ổn cho nền kinh tế Việt Nam trong thập niên tới.
Về thu NSNN của Việt Nam, TS. Phạm Thế Anh cho rằng, tốc độ tăng thu có chậm lại nhưng vẫn ở mức cao, từ 11,5%/năm trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 8,8%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ thu ngân sách/GDP tăng từ 23,6% lên 25,2% trong cùng giai đoạn, cao nhất trong ASEAN-5. Tỷ lệ thu từ thuế và phí giảm nhanh, từ 88% trong năm 2011 xuống còn 72% trong năm 2020. Tỷ trọng thuế TNDN giảm nhanh chỉ còn khoảng 17% gần đây. Thuế VAT chiếm tỷ trọng lớn nhất và có xu hướng giảm nhẹ. Tỷ trọng thuế xuất nhập khẩu giảm chỉ còn một nửa trong giai đoạn 2016-2020 so với 2011- 2015.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam theo đuổi nhiều mục tiêu
Nói thêm về các trở ngại, PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết, chính sách tiền tệ nhiều bất cập, nặng về can thiệp hành chính, sử dụng nhiều công cụ hành chính trong thị trường vốn.
Bàn sâu hơn về chính sách tiền tệ, PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết, chính sách tiền tệ của Việt Nam trong một thập kỷ qua theo đuổi nhiều mục tiêu, ngoài kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá còn hỗ trợ tăng trưởng.
Tốc độ tăng trưởng cung tiền giảm trong 20 năm qua, nếu so với 10 năm trước thì tốc độ tăng khá mạnh, gần 30%, tuy nhiên trong 10 năm gần đây đã giảm xuống.
“Biểu đồ cho thấy, khi nào Việt Nam duy trì tăng trưởng cung tiền cao, thì tỷ lệ lạm phát cũng cao theo. Ông cho hay điều này hàm ý nếu Việt Nam muốn duy trì lạm phát ổn định thì phải kiểm soát được tốc độ tăng trưởng cung tiền”, chuyên gia bày tỏ.
Về tỷ giá hối đoái, báo cáo của VESS cho rằng, trong thập kỷ trước liên tục bất ổn, có đợt phá giá mạnh đồng nội tệ nhưng 10 năm gần đây không còn hiên tượng đó, nhờ vậy các chính sách tiền tệ của NHNN có tín nhiệm cao hơn giai đọan trước.
Đặc điểm tiếp theo của hệ thống tiền tệ, theo ông, đó là khả năng tuân thủ các chỉ tiêu an toàn (Basel II) của hệ thống còn thấp và cơ cấu vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cao và khó giảm.
Chuyên gia chỉ rõ, huy động vốn của ngân hàng thường dưới một năm, trong khi đó vốn vay cho phát triển sản xuất dựa vào vốn vay dài hạn. Trong bối cảnh thị trường vốn còn sơ khai, vốn vay của doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.
Nhược điểm lớn trong chính sách tiền tệ
Từ những vấn đề trên, VESS đưa ra một số khuyến nghị chính sách. Đối với chính sách tài khóa, cần đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo tính bền vững của nợ công gồm hai chỉ tiêu là ổn định quy mô nợ công theo thu NSNN và kiểm soát nghĩa vụ nợ trên thu ngân sách.
Ngoài ra, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Việt Nam cần cải thiện cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm tiêu dùng tăng chi đầu tư phát triển. Đồng thời thu NSNN cần giảm dựa vào các nguồn thu kém bền vững, tránh phát sinh những loại phí – lệ phí mới.
Đặc biệt, chính sách tài khóa nên định hướng theo hướng nghịch chu kỳ (những năm nền kinh tế tăng trưởng cao cần có thặng dư ngân sách để tích lũy nguồn lực, dự phòng cho những thời kỳ xấu như giai đoạn COVID hay hiện nay kinh tế thế giới khó khăn).
Về chính sách tiền tệ, phải ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát thông qua kiểm soát tăng trưởng cung tiền.
“Cần phải kiểm soát được tỷ lệ cung tiền/GDP, không được để vọt lên cao quá như thời kỳ trước”, chuyên gia nói.
Mặt khác, chính sách tiền tệ phải tuân thủ theo quy tắc minh bạch, có giải trình rõ ràng. Ông đánh giá đây là “nhược điểm lớn” của chính sách tiền tệ ở Việt Nam
“Một chính sách khó dự đoán, bất ngờ, không minh bạch sẽ gây bất ngờ cho nền kinh tế và tạo ra cú sốc tiêu cực”, báo cáo khẳng định.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, chính sách tiền tệ cần phải thực hiện theo những quy tắc nhất định, tăng hay giảm lãi suất đều phải có lý do. Ví dụ điều chỉnh lãi suất theo mục tiêu ổn định lạm phát hay ổn định tỷ giá hay giảm tỷ lệ thất nghiệp. Khi đó, thị trường, doanh nghiệp và người dân sẽ dự báo được.
“Khi chúng ta nhìn sang kinh tế Mỹ, ngay khi Fed chưa điều chỉnh lãi suất, thị trường và doanh nghiệp đã dự đoán được xu hướng bởi họ căn cứ vào những thông tin về diễn biến lạm phát, thị trường tài chính, số người thất nghiệp. Họ dự đoán được lãi suất tăng bao nhiêu và không bất ngờ, không có cú sốc tiêu cực”, chuyên gia dẫn chứng.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của Việt Nam “gần như không có giải trình”, theo báo cáo của VESS.
“Cả một thời gian dài không tăng lãi suất, đến tháng 9 và tháng 10 tăng hai lần gây ra cú sốc bất ngờ cho nền kinh tế, làm cho môi trường kinh tế vĩ mô rủi ro. Người dân và doanh nghiệp không thể lên kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định”, PGS.TS Phạm Thế Anh thẳng thắn.
Trình bày một số khuyến nghị khác, PGS.TS Phạm Thế Anh đề cập đến việc tăng cường các chính sách cẩn trọng kinh tế vĩ mô, giám sát sự an toàn của hệ thống, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ cho vay vốn ngắn hạn, giám sát tỷ lệ nợ xấu. Chuyên gia cũng khuyến nghị Việt Nam nên theo đuổi chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý thay vì chính sách neo tỷ giá cứng nhắc như hiện nay.
So sánh với các nước ASEAN-5 hiện vẫn theo chính sách tỷ giá thả nổi có quản lý và từ đầu năm đến nay và đồng tiền của họ mất giá 9-10% tương đương Việt Nam, nhưng họ không bị vướng vào vấn đề lãi suất.
“Việt Nam cố tăng lãi suất để kiểm soát tỷ giá. Chúng ta theo đuổi chính sách neo tỷ giá, bảo vệ tỷ giá nhưng cuối cùng vẫn không bảo vệ được. Thế nhưng, lãi suất tăng lên 2 con số, trong khi các nước ASEAN- 5 lãi suất chỉ từ 3-5%. Không môi trường nào lãi suất cao như Việt Nam hiện nay”, chuyên gia nêu vấn đề.
Lưu ý rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam phải loại bỏ các can thiệp hành chính, PGS.TS Phạm Thế Anh đánh giá, điều này "rất tệ hại" đối với nền kinh tế. Dẫn chứng từ chỉ tiêu trần tín dụng, ông Phạm Thế Anh cho hay, mục tiêu cao nhất của kiểm soát lạm phát là kiểm soát được cung tiền, đặc biệt là tiền cơ sở (tiền in ấn mới phát hành bởi Ngân hàng Nhà nước), không phải kiểm soát tín dụng. Bởi tín dụng là hoạt động phải tuân theo quy tắc thị trường.
Tức là, miễn là các ngân hàng tuân thủ các chỉ tiêu an toàn hệ thống, ngân hàng sẽ được phép tự do kinh doanh nguồn vốn họ huy động được. Trong khi đó, việc áp dụng trần tín dụng theo TS Phạm Thế Anh sẽ khiến cho ngành ngân hàng trở nên kém cạnh tranh.
“Các ngân hàng tốt hay xấu đều được chia hạn mức, không ngân hàng nào thị phần giảm sút, hay nói cách khác thị phần của ngân hàng không gắn với khả năng cạnh tranh khi vướng trần cho vay”, ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc áp dụng trần tín dụng còn gây hậu quả là dòng vốn có thể "trá hình" sang các dạng khác. Từ đó, kéo theo các can thiệp hành chính khác, hạn chế sự phát triển hệ thống tài chính. Đồng thời, đối diện với nguy cơ chuyển dịch tiết kiệm/tài sản trong nước ra nước ngoài.
Do đó, VESS khuyến nghị, Việt Nam nên sớm chấm dứt việc sử dụng trần tín dụng cũng như các can thiệp hành chính trực tiếp khác trên thị trường vốn/tiền tệ. Thay vào đó, kiểm soát tiền cơ sở và cung tiền và điều tiết gián tiếp qua lãi suất mục tiêu.
“Cần giám sát chặt chẽ các ngân hàng thương mại gồm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), tỷ lệ cho vay trên huy động (LTD), tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn”, chuyên gia đề xuất.
Đây là một số khuyến nghị chính sách giúp ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam hậu Covid-19.