Việt Nam: Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên 13%, chuyện gì đang xảy ra?

© Ảnh : Shopee Co., LtdPhong bao lì xì (mừng tuổi) in hình đồng tiền Việt Nam
Phong bao lì xì (mừng tuổi) in hình đồng tiền Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.02.2023
Đăng ký
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng đã tăng đột biến từ 9,61%/năm lên 13%/năm. Tuy vậy, doanh số giao dịch tại kỳ hạn này chỉ ở mức 200 tỉ đồng.
Động thái trên xuất hiện trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước quyết định chuyển từ trạng thái bơm ròng sang hút ròng.

Lãi suất liên ngân hàng tăng đột biến từ 9,61% lên 13%

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm trên 95% khối giao dịch) đạt 6,26%/năm, tăng thêm 0,17%/năm so với mức trước kỳ nghỉ Tết, cao hơn khoảng 1,7%/năm so với cuối năm 2022.
Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 9 tháng đã tăng từ mức 9,61% trước đó lên đến con số 13%/năm. Tuy nhiên, doanh số giao dịch tại kỳ hạn này chỉ khoảng 200 tỉ đồng, tức là chưa đến 0,1% quy mô giao dịch liên ngân hàng trong phiên này.
Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định chuyển từ trạng thái bơm ròng sang hút ròng.
Theo đó, sau 5 phiên liên tiếp bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai lại hoạt động phát hành tín phiếu, hút 15.000 tỉ đồng từ 3 thành viên với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 5,79%/năm.
Báo Tuổi trẻ dẫn nguồn Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng rất có thể sẽ còn cao hơn đáng kể so với năm ngoái, dao động quanh mức 7% với các kỳ hạn 1 đến 3 tháng.
Các thời điểm căng thẳng thanh khoản cũng được cho là sẽ xuất hiện nhiều hơn vào nửa đầu năm. Các kỳ hạn ngắn có thể dao động ở mức thấp hơn trong bối cảnh dòng vốn đầu tư có những diễn biến thuận lợi hơn so với kỳ vọng.

Lãi suất thực dương ở mức cao

Trong năm 2022, lạm phát Việt Nam được kiểm soát ở mức 3,15%, định hướng năm 2023 là dưới 4,5%.
Từ giữa tháng 10 năm ngoái đến nay, mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm của các ngân hàng dao động trong khoảng từ 9,5 - 13%/năm. Như vậy, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng cao gấp đôi, gấp ba so với lạm phát. Điều này đã khiến lãi vay đối với khách hàng tăng lên 12 - 15%/năm, thậm chí có lúc cao hơn.
Về điều này, tờ Thanh Niên dẫn quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng mặt bằng lãi suất ở Việt Nam hiện đang ở mức quá cao.
Theo ông Nghĩa, nếu lạm phát ở mức khoảng 4% thì lãi tiết kiệm chỉ nên vào khoảng 6 - 7%/năm là phù hợp, giúp lãi vay không quá sức chịu đựng của doanh nghiệp như hiện nay.
Tương tự, ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia duy trì lãi suất thực dương cao trên thế giới, khi mà một số nước thậm chí để lãi suất thực âm nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế.
Ông Chí đánh giá, quan sát diễn biến thị trường tiền tệ những tháng gần đây, có thể thấy mục tiêu giảm lãi suất là không hiệu quả.
"Cứ thấy kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất nhưng mấy tháng qua không giảm được bao nhiêu để hỗ trợ khách hàng vay vốn. Đừng đổ cho lãi suất quốc tế tăng lên mà lý giải cho lãi suất trong nước ở mức quá cao như hiện nay. Cần phải nhìn vào vấn đề nội tại vì sao lãi suất lại ở mức cao như vậy thì mới có có thể bốc trúng thuốc giải", ông Chí nói thẳng.
Trên thế giới, Mỹ đã tăng lãi suất từ tháng 3/2022 đến nay. Gần đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất USD lần thứ 8, lên 4,5 - 4,75%/năm. Tuy vậy, lãi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn có xu hướng giảm, từ mức 3,8 - 3,9%/năm xuống còn 3,3%/năm.
Trong khi đó, ở Việt Nam, lãi suất tiền đồng tăng mạnh lên 9 - 13%/năm từ tháng 10/2022. Ông Chí đặt câu hỏi, tại sao từ tháng 3 đến tháng 10/2022, Fed tăng lãi suất nhưng VN không tăng, để rồi đến khi tăng thì lại tăng khá nhanh?
Nếu cho rằng lãi suất thế giới đi lên thì cần đánh giá lại mức tăng lãi suất của nước nào đã tác động khiến lãi suất trong nước tăng, và mức độ tác động lên lãi suất tiền đồng là bao nhiêu phần trăm. Cuối cùng, khi lãi suất thế giới đi xuống, lãi suất của Việt Nam mới giảm hay sẽ thế nào?
Ông Chí đánh giá, do lãi suất tăng cao, số liệu mới đây từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng nhanh hơn trước. Hệ thống ngân hàng đã huy động được gần 13,9 triệu tỉ đồng. Huy động vốn tăng lên, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm cũng chậm hơn do lãi vay cao. Thế nhưng mặt bằng lãi suất huy động vẫn không giảm.
"Vậy vốn huy động đi đâu? Đó là chưa nói đến một lượng lớn ngoại tệ được NH Nhà nước mua vào gần đây, điều này có nghĩa một lượng tiền được bơm ra thị trường thì sao lãi suất vẫn ở mức cao mà không chịu giảm?", ông Lê Đạt Chí đặt vấn đề.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.01.2023
Lãi suất ngân hàng SCB cao nhất hệ thống, Ngân hàng Nhà nước sẽ dò động thái của Fed

Cần có biện pháp can thiệp

Quan sát những động thái gần đây trên thị trường lãi suất, ông Chí cho rằng, dường như các ngân hàng đang không chịu giảm tỷ lệ lãi thuần (NIM) để giảm lãi vay mà vẫn trông chờ được bơm vốn giá rẻ, giảm lãi suất huy động.
Trong khi đó, các công cụ can thiệp thị trường của Ngân hàng Nhà nước rất đầy đủ nhưng lại chưa phát huy được tác dụng. Trước tình hình đó, biện pháp tốt nhất là can thiệp hành chính, bằng cách yêu cầu các ngân hàng phải giảm lãi suất thì mới mong giải được bài toán kéo lãi vay xuống. Biện pháp này có thể không tốt cho thị trường nhưng nó sẽ được thực thi nhanh hơn, giúp vốn cho kinh tế bơm ra rẻ hơn.
Về phần mình, TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất cơ quan quản lý cần sớm thực hiện các chính sách tiền tệ kết hợp với tài khóa để thúc đẩy tăng cung tiền cho nền kinh tế. Trong đó, vai trò chủ đạo nằm ở chính sách tiền tệ, nhằm thúc đẩy bơm tín dụng ra hỗ trợ trực tiếp sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp hiện phụ thuộc nhiều vào tín dụng nên việc lãi vay cao là điều khó có thể chấp nhận. Áp lực lạm phát, tỷ giá trong năm 2023 sẽ không đáng lo ngại bằng vấn đề giảm lãi suất.
"Các doanh nghiệp đang phải chịu đựng mức lãi suất vay cao, làm sụt giảm sức cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước. Chính vì vậy cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vì độ trễ của chính sách tiền tệ thường mất khoảng 6 tháng", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Lấy dẫn chứng phân tích, chuyên gia cho biết, lãi suất tăng lên trong thời gian qua không phải do vấn đề lạm phát mà nằm ở cung tiền sụt giảm. Trong năm 2022, cung tiền của Việt Nam chỉ tăng hơn 7%, trong khi tăng trưởng GDP theo giá hiện hành (GDP danh nghĩa) lại tăng đến 11,2%.
Lượng tiền trên thị trường không nhiều đã gây ra một số khó khăn, khiến cho mặt bằng lãi suất tăng cao. Muốn giảm lãi suất, cần tăng cung tiền trên thị trường. Với mục tiệu tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,5%, nền kinh tế cần một lượng cung tiền lớn thông qua tăng trưởng tín dụng và đầu tư công.
"Đừng lo ngại tăng cung tiền sẽ đẩy lạm phát bởi định hướng lạm phát năm nay đã tính lên 4,5% thay vì dưới 4% như năm 2022. Điều này là điểm thuận lợi để ngân hàng Nhà nước tính toán đến việc triển khai các biện pháp đẩy cung tiền”, ông Nghĩa nói.
Thêm vào đó, tiêu dùng trong nước hiện cũng đang giảm nên không cần quá lo ngại lạm phát đi lên. Lãi suất cho vay cao cũng sẽ làm giảm đẩy mạnh đầu tư công. Khi chi phí gia tăng, các dự án cũng chuyển sang hoạt động cầm chừng.
Những người đang đi xe máy qua trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở trung tâm thành phố Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.01.2023
Dân ồ ạt đổ tiền gửi tiết kiệm ngân hàng khi lãi suất tăng cao
“Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp phục hồi lòng tin của nhà đầu tư cũng như người dân, từ đó khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản”, chuyên gia khuyến nghị.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала