Kinh tế Việt Nam yếu đi và bài học từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank
© Ảnh : TTXVN - Trần Quốc ViệtWB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 là 6,3%
© Ảnh : TTXVN - Trần Quốc Việt
Đăng ký
Hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống còn 6,3% cho năm 2023, WB cho biết, đất nước đang đứng trước những rủi ro ở cả bên trong và bên ngoài khi xuất khẩu sang Mỹ và EU yếu hơn trong khi lợi ích từ việc Trung Quốc mở lại chưa thực sự rõ ràng.
WB cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cho Việt Nam nhìn từ vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB).
WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Ngày 13/3, Ngân hàng thế giới Việt Nam công bố báo cáo Điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn bản tháng 3/2023 với tiêu đề "Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng".
Tại báo cáo này, WB nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ hạ còn 6,3% trong năm 2023, sau khi đạt mốc cao 8% vào năm trước, do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và hộ gia đình.
Trong khi đó, tăng trưởng dự kiến sẽ lên 6,5% vào năm 2024 khi các nền kinh tế đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi.
“Triển vọng của Việt Nam phản ánh những bất định gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Rủi ro theo hướng suy giảm bao gồm tăng trưởng yếu hơn dự kiến ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro”, WB lưu ý.
Cùng với đó là điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt, lạm phát trong nước gia tăng, bảng cân đối tài sản của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình đang bộc lộ những yếu kém, và khu vực tài chính đang có nguy cơ dễ tổn thương.
Nhìn chung rủi ro đang được cân bằng. Khó khăn ở trong nước và nước ngoài đòi hỏi phải ứng phó chính sách theo hướng thận trọng, và dựa vào bằng chứng, dữ liệu, theo nội dung báo cáo. Nhóm chuyên gia lưu ý, việc quản lý chặt liên hệ giữa tăng trưởng và lạm phát, và giám sát chắc khu vực tài chính.
© Ảnh : TTXVN - Trần Quốc ViệtWB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 là 6,3%
WB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 là 6,3%
© Ảnh : TTXVN - Trần Quốc Việt
Đầu tư công là chìa khoá
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Bà Turk lưu ý, thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn.
“Chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế, và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả”, lãnh đạo WB Việt Nam nhấn mạnh.
Theo bà Turk, WB tập trung phân tích ngành dịch vụ của Việt Nam để đánh giá tiềm năng đóng góp của ngành này vào năng suất và tăng trưởng của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Theo World Bank, khu vực dịch vụ của Việt Nam đang có đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế, đồng thời thu hút ngày càng nhiều lao động, và năng suất lao động cũng đang tăng lên trong thập kỷ qua kể từ năm 2019. Tuy nhiên, kết quả đạt được của Việt Nam trong khu vực dịch vụ còn chưa bắt nhịp được với các quốc gia so sánh như Malaysia, Philipines, Indonesia.
Để hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn nữa khu vực dịch vụ đa dạng để duy trì tăng trưởng năng suất bền vững.
Điều này bao hàm phải thực hiện những cải cách nhằm nâng cao năng suất khu vực dịch vụ và đóng góp liên ngành để phục vụ tăng trưởng năng suất trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến và nông nghiệp.
Báo cáo của World Bank chỉ ra 4 nội dung cải cách có thể giúp mở ra tiềm năng để khu vực dịch vụ đem lại thêm nhiều việc làm và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng.
Thứ nhất, Việt Nam cần xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài và triển khai cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước.
Theo World Bank, Chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ (STRI) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy những lĩnh vực dịch vụ "xương sống" - như viễn thông, kho vận (logistics), hàng không, dịch vụ pháp lý, ngân hàng, và bảo hiểm - vẫn phải đang đối mặt với nhiều rào cản hạn chế lớn và chưa có nhiều tiến triển trong việc loại bỏ hoặc hạ thấp những rào cản đó những năm gần đây.
Điển hình, vận tải hàng hóa vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ và đường thủy nội địa (vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tương ứng tối đa 51% và 49%).
Thứ hai, khuyến khích áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo từng bước về sản phẩm và quy trình.
Việt Nam cần tăng cường năng lực và kỹ năng làm việc cho cả người lao động, cán bộ quản lý.
Cuối cùng, Chính phủ cần tập trung vào những dịch vụ có khả năng thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa ở những ngành, lĩnh vực khác, cụ thể là các lĩnh vực chế tạo chế biến.
Chẳng hạn, theo WB, dịch vụ số có thể đóng vai trò lớn nhằm đưa công nghệ mới và đổi mới sáng tạo vào các hoạt động chế tạo chế biến, do hiện nay mới chỉ có rất ít doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ này.
Bài học từ sự sụp đổ của SVB
Nhắc đến sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) tuần trước, TS Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhận định, đây là một vấn đề mang tính toàn cầu chứ không phải của riêng một quốc gia nào.
Từ bài học của SVB, có thể thấy rõ công tác giám sát ngân hàng, giảm thiểu rủi ro tài chính là rất quan trọng.
“SVB gặp vấn đề thanh khoản khi trái phiếu mà ngân hàng này đầu tư lỗ nặng. Tôi nghĩ rằng có một số điểm tương đồng ở Việt Nam, khi lĩnh vực tài chính đóng một vai trò quan trọng với nền kinh tế quốc gia. Chính vì vậy, giám sát hiệu quả và hành động ngay lập tức trong hoạt động ngân hàng là cực kỳ quan trọng để vấn đề tài chính không ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội khác”, TS. Coppola lưu ý.
Bà Carolyn Turk cho hay, cuối tuần qua thế giới đã chứng kiến vụ đóng cửa của SVB, ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ. Tác động của sự kiện này sẽ tiếp tục trong những ngày và tuần tới, có thể dẫn đến nhiều biến động hơn trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách phải xử lý những những biến động
“Chúng ta cũng thấy ở Việt Nam cũng có vấn đề thắt chặt tiền tệ, cũng như một số vấn đề thanh khoản ở ngân hàng nhỏ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc phải giám sát khu vực tài chính, nắm vững các diễn biến và chuẩn bị cho khả năng sẵn sàng hành động”, bà Turk nêu rõ.
Nêu khuyến nghị cho Việt Nam, ông Ketut Ariadi Kusuma - Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang làm rất tốt công tác quản lý rủi ro lạm phát.
Dù vậy để hệ thống thực sự có "sức khoẻ" tốt, Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp khẩn cấp, tăng thêm dư địa tín dụng, xử lý một số điểm yếu như các sai phạm và đặc biệt là phải bảo vệ nhà đầu tư. Tránh hệ thống sụp đổ và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư là vô cùng cần thiết.
Ông Ketut Ariadi cho biết bảo vệ nhà đầu tư không phải là đảm bảo giữ nguyên tài sản cho họ trong trường hợp rủi ro, vì nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm với doanh nghiệp, tổ chức mà mình lựa chọn.
Theo quan điểm của ông, bảo vệ nhà đầu tư ở đây là thông tin kịp thời, minh bạch về các tổ chức, doanh nghiệp, tình hình tài chính của các công ty để nhà đầu tư cân nhắc chọn lựa.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế của WB cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần tập trung vào việc tăng cường cơ chế giám sát dựa trên rủi ro của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tránh gặp phải rủi ro như vụ việc SVB.
Ngoài thiết lập khuôn khổ cơ chế và chính sách chặt chẽ, Việt Nam cần có cơ chế giải quyết các ngân hàng yếu kém hay mất khả năng trả nợ. Tăng chuẩn mực trên thị trường trái phiếu, nêu cao tính minh bạch và cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, chi tiết cụ thể.