Muốn kích cầu thì chỉ có dùng ngân sách tăng đầu tư
© Depositphotos.com / Nguyenkhanhvukhoa@gmail.comTòa nhà Landmark 81, Thành phố Hồ Chí Minh.
© Depositphotos.com / Nguyenkhanhvukhoa@gmail.com
Đăng ký
“Chính sách tiền tệ thắt chặt làm giảm sức mua. Nếu muốn kích cầu thì chỉ có dùng ngân sách tăng đầu tư. Nhưng như thế thì có thể làm lạm phát tăng lên. Cho nên, tôi cho rằng, trước mắt cần ưu tiên chống lạm phát cho xong trước đã”, - Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng Lý Hoài Linh phát biểu với Sputnik.
Một vài con số biết nói
Theo Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 994.2000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2022, nhưng nếu không tính đến yếu tố tăng giá thì chỉ tăng 9,2%.
“Con số này cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ bằng 77,7% mức tăng trưởng thông thường theo kịch bản không có dịch”, - TS kinh tế Lê Hòa nói với Sputnik.
Tại TP HCM – TP lớn nhất Việt Nam với sức mua và tiêu thụ mạnh nhất, trong tháng 2/2023, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 5,2%. Trong đó doanh thu bán hàng giảm 8,3%, lưu trú ăn uống giảm 3,2%, du lịch lữ hành giảm 27,1%.
“Một số nhà bán lẻ lớn nói rằng, sức mua hiện nay chỉ khoảng 60-65% trung bình năm ngoái. Ngay cả vào những ngày cuối tuần, sức mua có tăng, nhưng không đáng kể. Trong thời gian gần đây, các trung tâm thương mại lớn tại hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh nói chung là vắng khách, thậm chí có thể thấy việc một số mặt bằng bị bỏ trống”, - TS kinh tế Lê Hòa chia sẻ trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Theo giới kinh doanh, từ kinh doanh hàng tiêu dùng đến dịch vụ ăn uống đều không còn sôi động như năm trước. Sau Tết Nguyên đán, chi tiêu của người dân giảm rõ rệt, cả trong phân khúc thị trường tiêu dùng thiết yếu, cả các phân khúc khác. Ví dụ, theo Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, doanh số bán xe toàn thị trường tháng 1/2023 giảm 51% so với tháng 12/2022 và giảm 44% so với tháng 1/2022.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng 01/2023, bình quân hai tháng đầu năm 2023 CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lạm phát cơ bản tháng 2/2023 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong hai tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.
Tình hình lạm phát trên thế giới trong những tháng đầu năm 2023 vẫn ở mức cao. Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 01/2023 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát ở Mỹ tháng 01/2023 tăng 6,4% và FED tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Tại Châu Á, lạm phát tháng 01/2023 so với cùng kỳ năm trước ở Thái Lan tăng 5,02%; Xin-ga-po tăng 6,6%; Phi-li-pin tăng 8,7%...
“So với các nước trên thế giới, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao. CPI 2 tháng đầu năm 2023 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước (theo TCTK). Nguyên nhân chủ yếu là do năm nay Tết rơi vào tháng 1/2023, mà vào dịp Tết thì giá hàng hóa và dịch vụ bao giờ cũng tăng. Rồi trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong nước và nhập khẩu hiện vẫn ở mức cao cho nên chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao, kéo theo giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cũng tăng theo”, - TS kinh tế Lê Hòa phát biểu với Sputnik.
Thách thức về việc làm và thu nhập, chính sách tiền tệ thắt chặt làm giảm sức mua
Hai yếu tố tạo động lực cho sức mua là việc làm và thu nhập. Từ đầu năm nay, cả hai yếu tố này đều gặp những thách thức không nhỏ. Theo đánh giá chung,
mất việc và lạm phát, giá tăng khiến người dân ít sử dụng dịch vụ hơn, từ ăn uống cho tới mua sắm.
Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023 có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc hay bị xa thải do lượng đơn đặt hàng giảm. Trong số đó, hơn 48.600 người bị mất việc.
“Việt Nam là nước xuất khẩu, xuất khẩu đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế. Nhưng thống kê hai tháng đầu năm 2023 cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,4%. Việc giảm xuất khẩu diễn ra ở các lĩnh vực sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chính, việc đơn hàng vẫn thiếu dẫn đến tình trạng tiếp tục cắt giảm lao động. Điều này dẫn đến thu nhập ít đi, kéo theo sức mua giảm”, - TS kinh tế Lê Hòa nói với Sputnik.
“Chính sách tiền tệ thắt chặt làm giảm sức mua”, - Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng Lý Hoài Linh bình luận với Sputnik.
Những động lực có thể thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng
Theo một số chuyên gia, du lịch chính là một động lực có thể thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng chính.
Nếu chúng ta nhìn vào số liệu tháng 2 thì sẽ thấy, trong lúc tăng trưởng hàng hóa chậm lại đáng kể thì mảng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch tiếp tục tăng trưởng. Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/2, tính riêng tháng 2/2023, Việt Nam đón khoảng 933 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 7,1% so với tháng trước và gấp 31,6 lần so cùng kỳ năm 2022.
Tháng trước, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng đáng kể, đạt 55.000 lượt. Con số này bằng 10% trung bình trước dịch nhưng diễn ra trong bối cảnh tần suất chuyến bay hạn chế và không có tour theo đoàn. Những người làm du lịch Việt Nam kỳ vọng vào việc chính phủ Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ 15/3. Hôm 15/3, hàng trăm du khách Trung Quốc đã vào Việt Nam theo cửa khẩu đường bộ ngày đầu mở tour.
Sáng ngày 17/3, đoàn khách Trung Quốc đầu tiên đã tới Việt Nam bằng đường hàng không sau ngày mở tour. Cùng với việc khai thác hiệu quả du lịch, việc xây dựng những sản phẩm, dịch vụ mới cũng là lối ra cho việc kích cầu, bởi vì người mua hiện nay không chỉ coi trọng và quan tâm tới chất lượng, độ bền, giá cả, mà còn cả các yếu tố như an toàn sử dụng, thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc và xuất xứ…
Bên cạnh đó có chuyên gia cho rằng chính phủ cần phải tăng ngân sách đầu tư trong tình hình hiện nay, nếu muốn kích cầu.
“Như tôi đã nói ở trên, chính sách tiền tệ thắt chặt làm giảm sức mua của người dân. Nếu muốn kích cầu thì chỉ có dùng ngân sách tăng đầu tư. Nhưng như thế thì có thể làm lạm phát tăng lên. Cho nên, tôi cho rằng, trước mắt cần ưu tiên chống lạm phát cho xong trước đã”, - Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng Lý Hoài Linh phát biểu với Sputnik.