Rõ ràng NHNN đã phải bán ròng hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp xăng dầu
Đăng ký
Nguyên nhân gây khan hiếm xăng dầu không phải do lỗi của ngân hàng. Hạn mức tín dụng cho 34 doanh nghiệp xăng dầu còn 96.000 tỷ đồng, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng, tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu, doanh nghiệp bán lẻ gặp khó do diễn biến thị trường cùng nhiều quy định chiết khấu chưa phù hợp, chứ không phải do hạn mức cấp tín dụng, lãi suất vay hay thiếu nguồn cung ngoại tệ.
Doanh nghiệp xăng dầu mong thủ tục cho vay, mua ngoại tệ nhanh chóng
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Quảng Bình sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Tại văn bản kiến nghị gửi NHNN, cử tri tỉnh Quảng Bình nêu một số bất cập liên quan đến chính sách tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu.
Cụ thể, cử tri đề nghị NHNN có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi và nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.
Cử tri cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ được nhanh chóng nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ xăng, dầu và duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường, góp phần đảm bảo dự trữ xăng dầu, ổn định an ninh năng lượng quốc gia, không bị đứt gãy nguồn cung theo chỉ đạo của Bộ Công thương.
Hạn mức tín dụng cho 34 doanh nghiệp xăng dầu còn 96.000 tỷ đồng
Trả lời cử tri về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước luôn hiểu tầm quan trọng của mặt hàng xăng dầu.
“Xác định xăng dầu là mặt hàng quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân, ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã có Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu là đối tượng được quan tâm, ưu tiên cấp tín dụng”, - Thống đốc cho hay.
Đặc biệt, từ tháng 3/2022, trước biến động phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới và diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương giao, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, NHNN đã tổ chức làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang có quan hệ cấp tín dụng để nắm bắt cụ thể những khó khăn, vướng mắc; chủ động có các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ vốn vay, ngoại tệ trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc, quy định về cấp tín dụng; chủ động bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các doanh nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức được giao.
“Hầu hết các ngân hàng báo cáo đều dành hạn mức tín dụng cấp đủ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối với lãi suất ưu đãi và cung đủ nguồn ngoại tệ để các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu”, - Thống đốc NHNN khẳng định.
Dẫn chứng số liệu báo cáo của 27 ngân hàng thương mại (NHTM), Thống đốc cho hay, đến tháng 12/2022, tổng hạn mức 27 ngân hàng cấp cho 34 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu là 171.429 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 75.376 tỷ đồng, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa sử dụng hết hạn mức các ngân hàng thương mại cấp là 96.053 tỷ đồng, tương đương khoảng 56% tổng hạn mức được các ngân hàng cấp.
Mức lãi suất các ngân hàng thương mạicấp cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thường có ưu đãi so với thị trường, mức cho vay ngắn hạn bằng VND trong khoảng 5,3% - 9%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 9,4% đến 10,5%/năm. Lãi suất cho vay bằng ngoại tệ từ 2,1%-4,5%/năm.
Bán ròng ngoại tệ 10 tỷ USD cho các doanh nghiệp xăng dầu
Thị trường xăng dầu năm 2022 chứng kiến nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ. Tình trạng treo bảng ngưng bán hàng hay kinh doanh nhỏ giọt ở nhiều cây xăng xảy ra trên diện rộng, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCMkhiến người dân xếp hàng dài không đổ được xăng.
Nhiều thương nhân đầu mối xăng dầu cho biết không có nguồn xăng để nhập hàng, một số khác thì nói rằng càng bán, càng lỗ vì chiết khấu bất hợp lý.
Phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết ngoài nguyên nhân khách quan từ thế giới như biến động tỷ giá, đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, còn nguyên nhân chủ quan trong nước do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng.
Theo ông Diên, room tín dụng đã hẹp, điều kiện vay thanh khoản lại khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn vì thế rủi ro rất cao cho các doanh nghiệp.
Trả lời những vấn đề mà tư lệnh ngành Công Thương nêu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo thống kê của NHNN, tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỷ đồng nhưng hiện mới sử dụng đến khoảng 58.000 tỷ đồng. Hạn mức chưa sử dụng còn 44.000 tỷ đồng, chứ chưa phải là đã hết.
Đối với việc cung ứng ngoại tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN cũng đảm bảo ổn định sản xuất trong nước, can thiệp ngoại tệ.
“Riêng 9 tháng đầu năm đối với một số doanh nghiệp xăng dầu như Nghi Sơn, Bình Sơn, Tập đoàn Xăng dầu thì lượng ngoại tệ bán ra khoảng 10 tỷ USD cho các doanh nghiệp này”, - Thống đốc phát biểu hôm 28/10/2022.
Lãnh đạo NHNN đề nghị Bộ Công Thương có đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng khan hiếm, rối loạn cung ứng và có những giải pháp phù hợp.
Thống đốc NHNN: Khan hiếm xăng dầu không phải do ngân hàng
Qua theo dõi và nắm bắt tình hình, lãnh đạo NHNN nhận thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường xăng dầu khan hiếm là do diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu thế giới đã ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu trong nước.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp xăng dầu hoạt động kinh doanh không hiệu quả, bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động và nhập khẩu cầm chừng.
“Ngoài ra, các doanh nghiệp xăng dầu còn gặp khó khăn do các quy định liên quan đến định mức về chi phí nhập khẩu xăng dầu, công thức tính giá cơ sở chưa phù hợp chứ không phải nguyên nhân do hạn mức cấp tín dụng, lãi suất vay hay nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng thương mại”, - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói thẳng.