Không thể để ngành du lịch Việt Nam “đơn thương độc mã”
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Vũ Thành ĐạtKhách quốc tế dạo chơi khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Vũ Thành Đạt
Đăng ký
Mục tiêu 8 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2023 là mục tiêu tương đối khả thi đối với Việt nam, một nước có xuất phát điểm thấp về công nghiệp du lịch. Nhưng mục tiêu 30 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vào năm 2030 là một mục tiêu vừa đầy hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức.
Chính phủ Việt Nam vừa mới đây nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 90 ngày (3 tháng), có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Và đặc biệt, cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đề nghị nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày cũng được đưa ra. Giới chuyên gia đánh giá những đề xuất trên sẽ tạo đà phát triển, tăng sức cạnh tranh cho ngành lữ hành Việt Nam.
Để tìm hiểu sâu hơn về chủ đề trên Sputnik đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia về chính sách đối nội của Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Long.
Việt Nam triển khai E-Visa từ tháng 2 - 2017
Sputnik: Kính chào chuyên gia Nguyễn Hồng Long!
Cho tới nay, Việt Nam đã thực hiện việc cấp visa điện tử như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về chính sách đối nội của Việt Nam:
Visa điện tử Việt Nam (Tên quốc tế: Electronic-Visa Viet Nam), viết tắt là “E-Visa Việt Nam” là một thủ tục hành chính cấp độ 4, do Cục Xuất Nhập Cảnh Việt Nam thuộc Bộ Công an Việt Nam cấp cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với các mục đích phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam. E-Visa bắt đầu được triển khai từ tháng 2 năm 2017, có thời hạn 30 ngày và có giá trị một lần duy nhất.
Khác với thẻ thị thực nhập cảnh bằng giấy dán lên một trang hộ chiếu hoặc cấp rời như trước đây, E-Visa được cấp bằng phương tiện kỹ thuật số lưu trữ thị thực và thực hiện 100% bằng trực tuyến trên mạng Internet, bao gồm cả việc nộp lệ phí. Đến năm 2022, công dân của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ được Chính phủ Việt nam được phép nhận E-Visa khi nhập cảnh vào Việt Nam
Những ưu thế và hạn chế của E-Visa việt Nam
Sputnik: Ông có thể cho biết, visa điện tử Việt Nam có những ưu thế gì so với visa giấy bình thường?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về chính sách đối nội của Việt Nam:
Việc áp dụng thành công việc cấp thị thực nhập cảnh điện tử cho công dân nước ngoài nhập cảnh và Việt Nam trong những năm qua cho thấy những bước tiến bộ vượt bậc của việc ứng dụng kỹ thuật số trong quản lý xuất nhập cảnh song song với quản lý dân cư, quản lý công dân. Sử dụng dịch vụ trực tuyến để đăng ký nhận thị thực nhập cảnh điện tử, khách nước ngoài đến Việt Nam sẽ được hưởng những tiện ích như sau:
Một là chủ sở hữu E-Visa Vietnam chỉ có thể tham gia cho mục đích du lịch nhưng họ có thể thay đổi mục đích nhập cảnh từ “Khách du lịch” sang “Thương mại” nếu cần. Ví dụ, một người nước ngoài vào Việt Nam bằng visa du lịch; nhưng trong thời gian lưu trú tại Việt Nam, nếu bất kỳ công ty nào thuê người đó làm việc và bảo lãnh cho người đó ở lại, họ có thể gia hạn thời gian lưu trú với visa thương mại (loại dùng giấy dán).
Hai là người có E-Visa Vietnam không cần đến đợi ở quầy VOA tại sân bay Việt Nam để chờ được đóng dấu thị thực. Hiện tại, Việt Nam có 37 trạm kiểm soát xuất nhập cảnh quốc tế; bao gồm 8 cửa khẩu quốc tế đường hàng không, 16 cửa khẩu quốc tế đường bộ và 13 cửa khẩu quốc tế đường biển. Trong khi thị thực bằng giấy khi đến chỉ có thể nhập cảnh tại một sân bay quốc tế chính và một vài sân bay thay thế. Còn thị thực điện tử có thể nhập cảnh ở nhiều trạm kiểm soát khác. Đặc biệt, trong trường hợp khẩn cấp, tất cả khách du lịch sử dụng E-Visa có thể chọn dịch vụ xử lý nhanh trong khoảng từ 4 đến 8 giờ làm việc thay vì phải đợi tới 3 ngày làm việc nếu sử dụng thị thực giấy.
Ba là tất cả chủ sở hữu E-Visa Vietnam có thể sử dụng dịch vụ theo dõi nhanh tại sân bay quốc tế Việt Nam để vào Việt Nam mà không mất thời gian chờ đợi để có được giấy thị thực nhập cảnh. Lệ phí đối với thị thực điện tử là 25USD và có thể thanh toán chuyển khoản trực tuyến, tiện lợi và rẻ hơn nhiều so với thị thực giấy thông thường có giá tới 55 USD.
© Ảnh : TTXVN - Đinh Thị ThuậnCác hoạt động văn hoá tại tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây luôn thu hút đông đảo khách tham gia.
Các hoạt động văn hoá tại tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây luôn thu hút đông đảo khách tham gia.
© Ảnh : TTXVN - Đinh Thị Thuận
Bốn là thị thực điện tử chỉ cấp cho cá nhân. Mỗi người đăng ký chỉ được một thị thực duy nhất cho một lần đăng ký. Pháp luật Việt Nam không cho phép cấp thị thực điện tử cho nhóm người nhập cảnh. Điều này sẽ hạn chế tối đa tình trạng tội phạm quốc tế, những kẻ bị cơ quan bảo vệ pháp luật của nước ngoài truy nã trà trộn để nhập cảnh vào Việt Nam một cách hợp pháp để trốn tránh hoặc ngăn chặn tình trạng lợi dụng nhập cảnh Việt Nam để tiếp tục đi sang nước thứ ba.
Sputnik: Nhưng thị thực điện tử cũng có một số hạn chế nhất định…
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về chính sách đối nội của Việt Nam:
Tất nhiên là thị thực điện tử sẽ có một số hạn chế. Chẳng hạn như thời gian lưu trú của thị thực điện tử là 30 ngày, bằng một nửa so với thị thực giấy. Tuy nhiên, du khách có thể tiếp tục dùng hộ chiếu giấy kèm theo để gia hạn thời gian lưu trú theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ở một khía cạnh khác, E-Visa là thị thực nhập cảnh một lần duy nhất. Nếu du khách muốn quay lại Việt nam sẽ phải làm thủ tục đăng ký E-Visa Vietnam từ đầu. Trong khi thị thực bằng giấy có thời hạn lâu hơn và có thể dùng nhiều lần tùy từng trường hợp.
Cần có những cải tiến mạnh mẽ đối với thị thực điện tử
Sputnik: Tại phiên họp Chính phủ vào cuối tháng Ba, các thành viên Chính phủ Việt Nam đã nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Đặc biệt đáng chú ý là đề xuất cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ông có đánh giá như thế nào về đề xuất nói trên?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về chính sách đối nội của Việt Nam:
Sau khi cơ bản kiểm soát được đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đang từng bước phục hồi. Nếu như du lịch nội địa có bước khởi phát ngoạn mục vào quý III năm 2022 thì du lịch quốc tế vẫn còn gặp một số khó khăn do mức độ kiểm soát COVID-19 ở một số quốc gia chưa thật bền vững và sự phục hồi kinh tế thế giới rất không đồng đều. Thậm chí, một số quốc gia vốn là thị trường du lịch hàng đầu của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy thoái.
Để tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2023 vừa diễn ra ngày 27/3/2023, các thành viên Chính phủ thống nhất đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-Visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; đồng thời, giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trong diện được cấp E-Visa.
Bên cạnh đó, các thành viên chính phủ cũng nhất trí đề nghị Quốc hội cho phép nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang ưu tiên thu hút khách quốc tế nhằm tăng khả năng cạnh tranh của thị trường Việt Nam so với các thị trường lân cận như Thái Lan hay Singapore.
Theo quan điểm của các chuyên gia, chính sách visa là điều kiện cần và đủ của hoạt động kinh doanh du lịch. Trong đó, cần có những cải tiến mạnh mẽ đối với thị thực điện tử. Bởi nếu mở rộng diện các nước được cấp thị thực điện tử và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách sẽ đó là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển du lịch một cách bền vững không chỉ ở giai đoạn phục hồi mà còn có tác dụng lâu dài về sau. Đây cũng là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và của ngành du lịch Việt Nam nói chung để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam.
Việc mở rộng diện quốc gia được cấp thị thực điện tử cũng như nới rộng thời hạn lưu trú và tăng số lần hiệu lực của thị thực điện tử là hành động đón đầu của Việt Nam, giúp tăng cường thu hút không chỉ khách du lịch mà còn thu hút lực lượng lao động có tay nghề cao từ quốc tế đến làm việc tại Việt Nam; không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ mà còn đóng góp cho sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nhiều ngành kinh tế công nghệ cao.
Tuy nhiên, việc nới rộng thời hạn lưu trú và tăng số lần hiệu lực của thị thực điện tử cũng đặt ra những thách thức mới đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự xã hội, phòng chống tội phạm quốc tế. Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ có những giải trình và nêu quan điểm của mình đối với việc cải tiến thủ tục xuất nhập cảnh, trong đó có thị thực điện tử nhằm bảo đảm phối hợp chặt chẽ và hài hòa giữa hai nhiệm vụ thức đẩy tăng trưởng du lịch quốc tế và bảo vệ an ninh Tổ Quốc.
Ngành du lịch và các ngành liên quan cần hợp tác chặt chẽ trong làm du lịch
Sputnik: Để đạt được mục tiêu đặt ra - 8 triệu khách nước ngoài trong năm 2023 và tới năm 2030 đón tới 30 triệu khách nước ngoài/năm du lịch Việt Nam cần phải làm gì nữa, theo ông? Visa điện tử chỉ giúp tháo một “nút thắt” cho ngành du lịch thôi, như nhiều chuyên gia đánh giá.
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về chính sách đối nội của Việt Nam:
Trong năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đã thu hút trên 106 triệu khách du lịch nhưng chỉ có 3,66 khách du lịch quốc tế. Số còn lại là khách du lịch nội địa. Tính đến hết quý I năm 2023, số liệu chưa đầy đủ của ngành du lịch và Tổng cục thống kê cho thấy đã có khoảng 2 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Do đó, mục tiêu đạt 8 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 được hình thành theo phương pháp loại suy thông thường (2 triệu khách x 4 quý = 8 triệu khách). Tuy nhiên, đó là phép loại suy thông thường, chưa tính đến những biến động, những rủi ro có thể xảy ra. Đồng thời cũng chưa tính đến những cơ hội có thể xuất hiện để đón bắt và khai thác triệt để.
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Vũ Thành ĐạtĐề xuất chính sách gia hạn thị thực lên 90 ngày kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.
Đề xuất chính sách gia hạn thị thực lên 90 ngày kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Vũ Thành Đạt
Nhằm tăng cường phát triển du lịch, dựa trên cơ sở kinh nghiệm đã có, Việt Nam chủ trương gắn kết phát triển du lịch với phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn kết với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tiếp theo, cần phải tiếp tục mở rộng khai thác tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa-lịch sử; khai thác sự khác biệt của bản sắc văn hóa dân tộc, nắm bắt và khai thác các cơ hội nổi trội, những lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam để bước vào giai đoạn phát triển mới.
Để có thể thực hiện được chủ trương đó thì không thể để ngành du lịch Việt Nam “đơn thương độc mã” một mình làm du lịch. Các ngành khác như truyền thông, quảng bá, ngoại giao, thương mại, nông nghiệp và phát triển nông thôn, an ninh, khoa học-công nghệ, giao thông vận tải, văn hóa-nghệ thuật, thể dục-thể thao, xây dựng và bảo đảm cơ sở hạ tầng phải hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển. Trên cơ sở những mô hình đã có, cần phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch. Chính quyền các cấp và nhân dân ở các địa phương phải cùng chung tay góp sức; coi phát triển du lịch là cơ hội để làm giàu, để phát triển cho địa phương mình, cho gia đình mình.
Nhu cầu của khách du lịch liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về cả chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo; khách du lịch ngày càng “khó tính” hơn, “kén chọn” hơn. Cũng như các thị trường khác, trên thị trường du lịch thì các doanh nghiệp phải dứt khoát từ bỏ lối tư duy “bán sản phẩm dịch vụ mà mình có” để chuyển sang tư duy “bán sản phẩm dịch vụ mà khách hàng cần”. Từ đó, việc hoạch định chiến lược về thị trường, đối tác trong lĩnh vực du lịch cần được kịp thời điều chỉnh trước những biến động của tình hình du lịch thế giới và khu vực. Công tác quản lý du lịch cần chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh mạch, bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh và môi trường… Cần quan tâm xây dựng mối liên kết trong phát triển sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực, liên kết trong hoạt động quản lý, đầu tư phát triển du lịch... Đặc biệt chú trọng vận dụng hiệu quả hình thức hợp tác công-tư trong phát triển công nghiệp du lịch gắn với công nghiệp văn hóa.
Ngành du lịch và các ngành có liên quan cần củng cố và nâng cấp hệ thống hạ tầng, dịch vụ công cộng, thông tin chỉ dẫn du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường. Chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch, xây dựng đồng bộ và liên thông cơ sở dữ liệu giữa Trung ương với địa phương, giữa ngành du lịch với các ngành khác. Về luật pháp, cần xây dựng xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng nhưng chặt chẽ để tạo những chuyển biến đột phá trong tổ chức thực hiện du lịch. Phát triển du lịch cần sự sáng tạo, luôn tươi mới chứ không thể chủ yếu khai thác những điều kiện tự nhiên sẵn có. Các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc riêng có cần được phát huy tối đa để biến thành nguồn lực.
Một trong các giải pháp trọng tâm để thu hút khách du lịch quốc tế là cần đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch. để làm được việc này, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan truyền thông tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Để tu hút khách hàng, rất cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam, tiến tới xây dựng các Văn phòng xúc tiến du lịch ở các nước sở tại.
Ngành Du lịch cần tập trung nghiên cứu thị trường, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và có phản ứng chính sách nhanh, phù hợp. Trong đó, tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường có nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách hàng theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh.
Tóm lại, mục tiêu 8 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2023 là mục tiêu tương đối khả thi đối với Việt nam, một nước có xuất phát điểm thấp về công nghiệp du lịch. Nhưng mục tiêu 30 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vào năm 2030 là một mục tiêu vừa đầy hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức.
Sputnik: Cảm ơn ông vì những thông tin hữu ích.