Mỹ cấp thêm 4 bằng sáng chế độc quyền cho Viettel
Đăng ký
Viettel tiếp tục được cấp bằng sáng chế độc quyền tại Hoa Kỳ và là doanh nghiệp Việt Nam có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ nhất, bao trùm trên cả 3 lĩnh vực quân sự, dân sự và viễn thông.
Bốn sáng chế mới được USPTO của Mỹ cấp bằng gồm Cơ cấu mở cánh và phương pháp thiết kế xi lanh khí nén và lò xo truyền động; Bộ ghép bốn cổng sử dụng mạch vi dải kết hợp với các mạch bù trên băng tần siêu rộng; Hệ thống mã hóa phân cực và phương pháp tính toán song song cho hệ thống mã hóa phân cực; Phương pháp hạn chế ảnh hưởng của nháy đường truyền lên hiệu năng hoạt động của thiết bị mạng.
Viettel được cấp thêm 4 sáng chế độc quyền tại Mỹ
Ngày 26 tháng 4, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, Viettel đã được Cơ quan quản lý Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp bằng 4 sáng chế độc quyền tại Mỹ, nâng tổng số lượng sáng chế được cấp tại Mỹ lên con số 23 sáng chế.
"Chỉ riêng trong năm 2022 và quý I năm 2023, Viettel có thêm 14 sáng chế độc quyền tại Hoa Kỳ, cao hơn 1,5 lần tổng số sáng chế độc quyền được cấp trong 3 năm trước đó", - thông tin từ Viettel cho biết.
4 sáng chế vừa được cấp bằng bảo hộ độc quyền tại Mỹ
1.
"Cơ cấu mở cánh và phương pháp thiết kế xi lanh khí nén và lò xo truyền động" của Viện Hàng không Vũ trụ Viettel.2.
"Bộ ghép bốn cổng sử dụng mạch vi dải kết hợp với các mạch bù trên băng tần siêu rộng" của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel.3.
"Hệ thống mã hóa phân cực và phương pháp tính toán song song cho hệ thống mã hóa phân cực" của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel.4.
"Phương pháp hạn chế ảnh hưởng của nháy đường truyền lên hiệu năng hoạt động của thiết bị mạng" của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel.Doanh nghiệp Việt được Mỹ cấp nhiều bằng sáng chế độc quyền nhất
Viettel khẳng định, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) hiện là doanh nghiệp Việt Nam có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Hoa Kỳ nhất, bao trùm trên 3 lĩnh vực gồm quân sự, dân sự và viễn thông.
"Với mục tiêu trở thành Tập đoàn công nghệ toàn cầu, đơn vị đặt mục tiêu thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học để các sản phẩm "Make in Vietnam", "Made by Viettel" phát triển song hành cùng thế giới", - Viettel cho hay.
Các giải pháp kỹ thuật được đăng ký sáng chế đều mang tính thực tiễn và ứng dụng cao. Đáng chú ý, tập đoàn cho biết, trong số này các sáng chế có tác giả là nữ chiếm 20,5%.
Trong nước, Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) xác nhận, Viettel là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực đăng ký sáng chế tại Việt Nam với 505 đơn đăng ký sáng chế và 94 văn bằng sáng chế được cấp.
Tốc độ tăng trưởng bình quân đơn đăng ký sáng chế của Viettel gấp 1,5 lần so với toàn Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022.
Từ năm 2001 đến nay, vào ngày 26/4, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) đều kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới nhằm nâng cao nhận thức về cách mà bằng sáng chế, quyền tác giả, thương hiệu tác động đến cuộc sống hàng ngày và biểu dương tính sáng tạo, sự đóng góp của những người sáng tạo và những người đổi mới vào việc phát triển xã hội trên toàn cầu.
Chủ đề của năm 2023 là "Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đấy đổi mới sáng tạo", đề cao sức sáng tạo của phụ nữ và khuyến khích phụ nữ tìm hiểu, sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ.
23 sáng chế đồng quyền được USPTO công nhận của Viettel
1.
Phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý.2.
Hệ quang học gương cầu (Catadioptric) cho thiết bị ảnh nhiệt sóng trung.3.
Phương pháp phát hiện mục tiêu di chuyển chậm ứng dụng trong đài ra đa cảnh giới bờ.4.
Hệ cơ cấu trợ lực cho robot song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số.5.
Ăng ten hai phân cực dải rộng.6.
Bộ ghép lai có cổng tổng và cổng hiệu đồng hướng.7.
Ống kính hồng ngoại sóng trung zoom liên tục tỉ số zoom lớn.8.
Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn trong hệ thống trạm thu phát gốc vô tuyến.9.
Phương pháp cân bằng tải có trọng số trên các điểm truy cập dữ liệu.10.
Phương pháp chế tạo vật liệu tổng hợp (composite) công nghiệp.11.
Phương pháp chế tạo vật liệu tổng hợp (composite) chịu nhiệt độ cao.12.
Cơ cấu cơ khí dẫn động trực tiếp hai trục cho thiết bị quay.13.
Hệ mô đun cảm biến vận tốc góc đồng trục.14.
Bơm tách bọt khí ra khỏi chất lỏng.15.
Ống xả hai đầu vào cho khí cụ bay.16.
Phương pháp thiết kế khí động học phần lõi cho động cơ tuốc bin khí cỡ nhỏ.17.
Radar ảnh nhiệt.18.
Phương pháp tự động nhận dạng mục tiêu bay dựa trên đặc trưng thông tin chuyển động và mã 3/A.19.
Phương pháp tự động phân tích và cảnh báo tình trạng kết nối quang giữa thiết bị trạm gốc và thiết bị thu phát sóng cao tần của trạm thu phát sóng vô tuyến.20.
Cơ cấu mở cánh và phương pháp thiết kế xi lanh khí nén và lò xo truyền động.21.
Bộ ghép bốn cổng sử dụng mạch vi dải kết hợp với các mạch bù trên băng tần siêu rộng.22.
Hệ thống mã hóa phân cực và phương pháp tính toán song song cho hệ thống mã hóa phân cực.23.
Phương pháp hạn chế ảnh hưởng của nháy đường truyền lên hiệu năng hoạt động của thiết bị mạng.